Gần đây, nhờ sự phát triển của internet, các ông bố bà mẹ đặc biệt quan tâm tìm hiểu về các phương pháp nuôi con: nuôi con kiểu Nhật, nuôi con kiểu Mỹ, nuôi con theo phương pháp EASY,... Trong đó nổi lên là cuốn sách “Để con được ốm” (Tác giả: Uyên Bùi - BS Nguyễn Trí Đoàn) đã được rất nhiều phụ huynh tin tưởng tìm đọc.
Hãy cùng LeLa tham khảo ý kiến của Thạc sỹ Nguyễn Phương My - Chuyên viên tư vấn dinh dưỡng tại Viện Dinh Dưỡng Ứng Dụng, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng với hơn 8 năm kinh nghiệm tại các phòng khám lớn nhỏ ở Hà Nội, giảng viên thỉnh giảng của Cao đẳng Dược Tuệ Tĩnh, cố vấn chuyên môn dinh dưỡng tại hệ thống nhà thuốc Việt Mỹ - về quan điểm "hãy để con được ốm".
Ngày nay, nhờ internet mà các cha mẹ tiếp xúc nhiều phương pháp nuôi dạy con cái, đặc biệt, gần đây có trào lưu mang tên “Hãy để con được ốm”. Theo thạc sĩ, vì sao trẻ nhỏ lại ốm vặt nhiều hơn thanh thiếu niên và người lớn?
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu cơ chế vì sao con người lại bị ốm. Con người bị ốm khi gặp những tác nhân gây bệnh mới, hệ miễn dịch của cơ thể chưa đủ mạnh để chống lại những tác nhân gây bệnh này. Đó cũng là lý do vì sao mà trẻ nhỏ lại dễ bị ốm hơn người lớn.
Khi mới sinh ra, hệ miễn dịch của trẻ cực kỳ thấp và hầu hết được cung cấp từ sữa mẹ. Đồng thời môi trường tiếp xúc của con cũng rất nhỏ, chỉ trong nhà trong những tháng đầu, lớn hơn một chút thì trong xóm, do vậy hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện nên dễ dàng bị ốm hơn. Càng lớn, hệ miễn dịch sẽ càng hoàn thiện hơn và chúng ta sẽ ít bị ốm hơn.
Vậy thực sự việc hay ốm vặt ở trẻ có ý nghĩa gì? Theo thạc sĩ, việc trẻ hầu như không ốm có là một dấu hiệu tốt?
Như tôi đã giải thích, cơ quan phòng vệ của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh là hệ miễn dịch, và hệ miễn dịch có 2 loại là miễn dịch chủ động và miễn dịch thụ động.
Miễn dịch chủ động là hình thức cơ thể tự sản sinh ra kháng thể (tế bào tiêu diệt tác nhân gây bệnh) để tiêu diệt kháng nguyên (tác nhân gây bệnh). Miễn dịch thụ động là việc bổ sung những loại thuốc giúp tăng cường miễn dịch trong trường hợp hệ miễn dịch của người bệnh quá yếu. Như vậy việc hệ miễn dịch ngày càng hoàn thiện hơn là nhờ cơ chế miễn dịch chủ động.
Quay trở lại câu hỏi “Ốm vặt ở trẻ nhỏ có ý nghĩa gì?”, khi trẻ nhỏ tiếp xúc với một môi trường mới cũng chính là những tác nhân gây bệnh mới, cơ thể sẽ có những trận ốm nhỏ giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch, khi hệ miễn dịch đủ mạnh, bé sẽ khỏi hoàn toàn. Nếu hệ miễn dịch còn yếu, bé sẽ có thể ốm lặp lại đôi ba lần trước khi khỏi hẳn. Và sẽ lặp lại quy trình tương tự với những mầm bệnh khác. Cơ chế này giống như việc ta tiêm vacxin - đưa vào cơ thể những mầm bệnh đã được giảm động lực để kích hoạt hệ thống miễn dịch sản sinh kháng thể.
Mỗi bạn nhỏ trong một năm ốm 1 - 2 lần là bình thường và tốt cho cơ thể. Tuy nhiên ốm quá nhiều, mỗi tháng 1 - 2 lần thì lại không tốt, cần đưa bé đi khám các bác sĩ để can thiệp kịp thời. Đồng thời, việc một em bé hầu như không bị ốm chưa chắc đã là một tín hiệu tốt. Bởi lẽ, có thể không phải do bé quá khỏe mạnh mà do bé chưa từng được tiếp xúc với tác nhân gây bệnh nào khiến cho hệ miễn dịch không được kích hoạt, và sau này khi gặp những tác nhân gây bệnh nghiêm trọng hơn, bé sẽ rất khó khỏi do hệ miễn dịch quá yếu.
Nhiều mẹ cho rằng khi trẻ mới có triệu chứng ốm thì cần cho trẻ uống thuốc kháng sinh “dập” bệnh ngay lập tức nếu không bé sẽ rất yếu, mệt mỏi, thậm chí có thể dẫn tới bị bệnh mãn tính. Thạc sĩ nghĩ sao về quan điểm này?
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC Vietnam, Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới (1) chính bởi các mẹ cho con uống kháng sinh bừa bãi mà không theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bởi vì không phải trường hợp nào chúng ta cũng sử dụng kháng sinh, và khi dùng, cần dùng đủ liều lượng để tránh bị nhờn thuốc. Do vậy, điều tiên quyết là, khi sử dụng kháng sinh bắt buộc phải theo chỉ định của bác sĩ.
Các phản ứng của cơ thể liên quan đến sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus) đều có tiến trình bao gồm: bắt đầu xâm nhập - nhân lên - thoái trào - thoái lui. Do vậy khi các con biểu hiện ra những triệu chứng ốm chính là giai đoạn vi khuẩn phát triển mạnh, nhưng đồng thời với sự nhân lên của vi khuẩn, cơ thể con cũng tăng cường sản sinh các tế bào lympho để chống chọi lại với các tác nhân gây bệnh này.
Vậy nên không nên cho trẻ uống thuốc ngay để dập tắt các triệu chứng. Ví dụ như sốt, chúng ta cũng cần tìm hiểu xem sốt ở đây là sốt như thế nào. Nếu sốt trên 38.5ᐤC được khuyến cáo nên sử dụng thuốc, dưới 38.5ᐤC không cần thiết phải sử dụng thuốc mà nên hạ sốt bằng cách chườm ấm cho con.
Tương tự như vậy, tiêu chảy là cách giúp trẻ loại bỏ những tác nhân gây hại ra ngoài qua đường tiêu hóa. Nếu trẻ chỉ rối loạn 1- 3 ngày, mỗi ngày đi vệ sinh 3 - 4 lần thì có thể cân nhắc bổ sung vi sinh vật có lợi, oresol cung cấp điện giải cho các con. Nhưng nếu con bị đi ngoài quá nhiều, có hiện tượng mệt lả thì nên đưa con đi khám chứ không nên cho con uống thuốc bừa bãi.
Hiện có rất nhiều vị phụ huynh ưu tiên mua các loại thực phẩm chức năng, đồ ăn bổ dưỡng như yến, bào ngư,… cho trẻ nhỏ ăn để giúp trẻ phát triển tốt hơn, điều đó có nên không?
Yến và bào ngư là những chất rất bổ dưỡng, ngày xưa thường dùng cho vua, chúa, người già yếu còn bây giờ cũng có nhiều mẹ mua về cho trẻ ăn với hy vọng bồi dưỡng giúp trẻ chóng lớn. Nhưng điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý đó là: hệ tiêu hóa, hấp thu của trẻ nhỏ không đủ khả năng hấp thụ những chất dinh dưỡng đó, do vậy sử dụng những đồ ăn này chỉ lãng phí mà thôi.
Đồng thời, hiện nay các mẹ cũng mua rất nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN) cho con sử dụng mà chưa tìm hiểu kỹ càng. Những chất cạnh tranh hấp thu với nhau cũng cho uống cùng giờ khiến con không hấp thụ được dưỡng chất mà ngược lại gây thêm gánh nặng cho gan và thận.
Ví dụ như dư thừa canxi có thể dẫn tới lắng đọng dư thừa ở thận từ đó gây sỏi thận, hoặc thừa kẽm dễ dẫn tới tình trạng nôn nao, buồn nôn,... Vậy nên, khi muốn bổ sung vi chất cho các con thông qua TPCN, các mẹ nên lắng nghe tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng để sử dụng hợp lý và hiệu quả nhất.
Trên thị trường đang bán TPCN tràn lan, hàng xách tay, hàng nhập khẩu rất nhiều và dễ mua nhưng cũng kéo theo hàng giả hàng nhái vô vàn và khó phân biệt. Do vậy, khi mua TPCN tôi khuyên các mẹ ba điều như sau:
Ưu tiên sử dụng những sản phẩm TPCN nội địa, từ những công ty dược, những viện nghiên cứu uy tín thay vì hàng ngoại nhập không rõ nguồn gốc.
Mua hàng ngoại từ những cửa hàng chính hãng, có hóa đơn chứng từ nhập khẩu rõ ràng, minh bạch.
Nếu mua hàng xách tay thì nên mua từ người quen, bạn bè sống ở nước sở tại, gửi hàng về.
Cuối cùng, mong thạc sĩ đưa ra lời khuyên, lưu ý dành cho những mẹ lựa chọn nuôi con theo phương châm “Hãy để cho con ốm."
Như đã trình bày, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm phải để cho trẻ ốm để trẻ có cơ hội phát triển một cách toàn diện nhất. Tuy nhiên, các mẹ khi áp dụng phương pháp này cần nắm rõ ranh giới khi nào thì nên để con ốm, khi nào thì phải đưa con đi gặp bác sĩ. Đây là điều vô cùng quan trọng để có thể vận dụng phương pháp này một cách khoa học và hiệu quả nhất.
Khi con sốt trên 38.5ᐤC, bạn cần sử dụng thuốc hạ sốt. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, bạn cần cho con đi khám bác sĩ. Khi con sốt trên 38.5ᐤC kết hợp tiêu chảy, bạn cần cho con đi khám bác sĩ. Khi con sốt trên 38.5ᐤC kèm phát ban, nổi mẩn đỏ cũng cần cho con đi khám bác sĩ,...
Tôi đã gặp những trường hợp một số mẹ khi con sốt cao lên tới 39ᐤC - 40ᐤC nhưng vẫn nhất định để cho con ốm, mà không đưa con đi khám, hạ sốt cho con bằng cách ngâm con vào nước ấm và sau đó cháu bị co giật. Việc co giật do sốt cao có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và có những biến chứng nặng nề về sau. Do đó, chúng ta cần tìm hiểu, nắm rõ những điểm giới hạn để có thể đưa ra những quyết định kịp thời, đúng đắn nhất.
Comments