top of page
Tìm kiếm

Cha mẹ nên làm gì khi con bị bắt nạt?

Khi nói đến bắt nạt, hầu hết mọi người đều muốn tin rằng điều đó sẽ không xảy ra với con họ. Nhưng bắt nạt xảy ra thường xuyên hơn bạn có thể nhận ra. Trên thực tế, một số chuyên gia ước tính rằng cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ - hay 20% trẻ - bị bắt nạt (1).


Vì sao con im lặng che dấu khi bị bắt nạt?



Trẻ con khi trở thành mục tiêu của kẻ bắt nạt thường có thể đối mặt với những thách thức tâm lý cá nhân đáng kể, bao gồm cảm giác bị cô lập, bị sỉ nhục cùng đó là sự lo lắng, sợ hãi, tự ti,... Tất cả những cảm xúc phức tạp này khiến trẻ có thể bị mất phương hướng (1). Mặc dù vậy, nhiều nạn nhân của bắt nạt không dám bộc lộ với ai về vấn đề này, kể cả cha mẹ. Một báo cáo cho thấy 54% học sinh bị bắt nạt không báo cho người lớn (2).


Bắt nạt là sự lạm dụng quyền lực và kiểm soát có tính hung hăng và cố ý lên người khác. Sự đe dọa mang tính thao túng tâm lý này, đặc biệt tâm lý của trẻ con chưa phát huy một cách vững vàng, sẽ có thể khiến trẻ cảm thấy bất lực và rối trí. Đối với nhiều trẻ, sự bắt nạt xảy ra với con sẽ khiến con cảm thấy xấu hổ (3).


Đôi khi trẻ bị bắt nạt vì điều gì đó mang tính nhạy cảm vật lý như bị đụng chạm, lạm dụng thân thể. Hay trong trường hợp khác, hành vi bắt nạt có thể dưới hình thức lời buộc tội về việc trẻ đã làm. Trong hai trường hợp này, con sẽ rất xấu hổ để bộc bạch với bất cứ ai. Với con, việc nói về vụ bắt nạt có nghĩa là đang nêu “khuyết điểm” của con với người khác. Và với một số trẻ, ý nghĩ nói ra vấn đề này với người lớn còn tồi tệ hơn chính hành vi bắt nạt mà con chịu đựng.


Một cuộc khảo sát cho thấy 44% học sinh bị bắt nạt vì ngoại hình, 15% bị nhắm mục tiêu vì chủng tộc/bản sắc văn hóa, 14% bị bắt nạt vì khuynh hướng tình dục giới tính, 12% bị bắt nạt vì nghèo, và 7% bị bắt nạt vì khuyết tật hay khuyết thiếu trên cơ thể. Tất cả những tình huống vừa nêu đều khá nhạy cảm nên trẻ con không muốn thổ lộ với người lớn hay bất cứ ai (4).


Bắt nạt tác động lên trẻ như một sự thao túng tâm lý khiến trẻ sợ bị trả thù. Thông thường, con sẽ cảm thấy rằng việc nói ra vấn đề này sẽ không tạo nên sự khác biệt gì. Con không chỉ cảm thấy bất lực mà còn lo lắng rằng kẻ bắt nạt sẽ chỉ khiến cuộc sống của con trở nên tồi tệ hơn nếu con lên tiếng (5). Trong số những đứa trẻ bị bắt nạt, 40% chia sẻ rằng những kẻ bắt nạt chúng thường lớn và mạnh hơn (về mặt vật lý), trong khi 56% báo cáo rằng những kẻ bắt nạt con có khả năng ảnh hưởng nhận thức của các học sinh khác về con. Nhiều trẻ thà “ngậm ngùi nuối đắng” còn hơn nói ra để rồi vấn đề thêm tồi tệ. Các con sẽ có xu hướng giữ im lặng với hy vọng cuối cùng hành vi bắt nạt sẽ kết thúc. Nếu có nói với người lớn, con sẽ thường bảo người lớn phải giữ bí mật chuyện này.


Nhiều khi, trẻ em còn cảm thấy rằng chúng cần chấp nhận sự bắt nạt để “được thuộc về” một xã hội/cộng đồng nào đó. Những đứa trẻ trở thành nạn nhân thường khao khát sự chấp nhận từ chính những người đang bắt nạt chúng (6). Để tiếp tục là một phần của nhóm, trẻ có thể dung túng tình bạn giả tạo hay hành vi xấu tính, đặc biệt nếu người bắt nạt có vị thế cao hơn. Trên thực tế, 50% học sinh tuổi từ 12 đến 18 từng bị bắt nạt cho biết rằng kẻ bắt nạt có ảnh hưởng xã hội nhiều hơn, ngoài ra 31% cho biết kẻ bắt nạt có nhiều tiền hơn (7).


Đôi khi, những kẻ bắt nạt lại là những đứa trẻ được giáo viên và cha mẹ ít nghi ngờ nhất. Họ có thể nổi tiếng học giỏi ở trường, hay có vị trí cao trong cộng đồng. Do đó, những đứa trẻ là nạn nhân thường gặp rắc rối kể ra vì trẻ sợ rằng người khác sẽ nghĩ trẻ đang nói dối hay bịa chuyện.


Những điều tồi tệ mà con cảm thấy khi bị bắt nạt


Trên thực tế, bị bắt nạt là trải nghiệm đau thương và các nạn nhân bị bắt nạt có thể bị ảnh hưởng về mặt thể chất, tình cảm, xã hội và học tập. Các con cũng có thể cảm thấy như không có cách nào để thoát ra (7). Bị bắt nạt có thể dẫn đến lòng tự trọng thấp, tăng khả năng tự nói chuyện/huyễn hoặc điều tiêu cực trong đầu. Các hậu quả khác có thể bao gồm tự cô lập với người khác, đặc biệt là bạn bè cùng lứa tuổi, giảm động lực hoàn thành bài tập hay khả năng tham gia lớp học, các hoạt động ngoại khóa như thể dục thể thao…


Nhiều nạn nhân bị bắt nạt ở mức độ nào đó có thể bị lo lắng và trầm cảm. Một số thậm chí còn phát triển chứng rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ, rối loạn căng thẳng sau chấn thương,... Các chuyên gia nghiên cứu cũng cho biết thêm, trẻ bị bắt nạt sẽ có dấu hiệu đau khổ về mặt cảm xúc, chẳng hạn như: khó kiểm soát cảm xúc, cáu kỉnh hơn,… (7).


Thậm chí trong trường hợp nghiêm trọng, nạn nhân bị bắt nạt có thể nghĩ đến việc tự sát, đặc biệt khi họ cảm thấy tuyệt vọng, đơn độc, và không còn lựa chọn nào khác (7). Nhiều trẻ thì tự trách bản thân rằng nếu con khác biệt ở khía cạnh nào đó, con sẽ không bị bắt nạt.


Vì trẻ em không thường mở lòng nói với người lớn rằng con bị bắt nạt, nên cha mẹ cần biết những dấu hiệu sau ở con để có thể bên cạnh và cùng con giải quyết vấn đề một cách hợp tình hợp lý nhất:


- Gặp khó khăn khi ra khỏi giường

- Không muốn đi học

- Thay đổi cách/ lộ trình đến trường, hoặc sợ hãi khi đi bộ đến trường

- Thay đổi cách ngủ nghỉ và ăn uống

- Thường xuyên chảy nước mắt, tức giận, thay đổi tâm trạng và trở nên lo lắng

- Có vết bầm tím, vết cắt hay vết xước mà không rõ nguyên nhân

- Có đồ đạc hay quần áo bị mất hay bị hư hỏng

- Xin thêm tiền tiêu vặt hoặc thức ăn

- Không sẵn lòng thảo luận hay giữ bí mật về mạng xã hội


Cùng con xây dựng lòng tự trọng và tự tin



Xây dựng lòng tự trọng và tự tin là một phần cốt lõi trong việc giúp con ngăn ngừa bắt nạt. Với lòng tự trọng lành mạnh, trẻ sẽ không chỉ tự tin hơn mà còn xác định được điểm mạnh - điểm yếu trong khi vẫn cảm thấy hài lòng và nhận thức rõ về giá trị bản thân.


Những kẻ bắt nạt thường ít nhắm vào những đứa trẻ tự tin vào chính bản thân mình. Và nếu trẻ trở thành mục tiêu, thì lòng tự tôn vững chắc trong con sẽ giúp trẻ đối phó tốt với sự bắt nạt. Cha mẹ cũng cần lưu ý rằng kẻ bắt nạt thường tìm kiếm đối tượng có thể “dễ hạ gục” trước lời nói và hành động gây tổn thương, vì thế họ sẽ nhắm vào trẻ nào không tự tin và thiếu quyết đoán. Nếu con bạn nhún vai trước đòn tấn công bằng lời nói của đối phương, hay không biểu lộ cảm xúc thì kẻ bắt nạt ít muốn thử lại.


Vì thế, giáo dục con về lòng tự trọng là rất quan trọng, vì nó không chỉ giúp ích cho con tránh bị bắt nạt và còn bảo vệ con khỏi cạm bẫy chất kích thích, mối quan hệ không lành mạnh,… Cha mẹ nên dành thời gian với con nhiều hơn, và tránh so sánh con với bất cứ ai khác, vì sự so sánh sẽ khiến con vô thức tự đánh giá thấp hay cao bản thân, và điều đó là không thực sự tốt vì con cũng dễ có xu hướng vô thức đi so sánh giữa mình với các bạn, và tạo ra sự phân chia ranh giới giữa người và người, thay vì là một sự hòa đồng lành mạnh.


Việc cha mẹ kể cho con nghe câu chuyện vượt khó của mình trong quá trình gầy dựng lối sống và sự nghiệp, để có được một sự vững chắc về mặt tinh thần và tài chính có thể giúp con sớm nhận ra mỗi người đều có giá trị và bài học riêng, mà không nên bắt chước ai hay cảm thấy hổ thẹn. Chính giáo dục gia đình tập trung vào yếu tố “tự thân vận động”, tức độc lập trong tư duy và không phụ thuộc dựa dẫm vào ai, giúp xây dựng cho con một nề nếp nhận thức chuẩn mực, để khi bị bắt nạt vẫn cảm thấy không rơi vào tâm lý tội lỗi hay tự ti. Và khi xây dựng được lòng tự trọng và tự tin, thì điều đó lại thu hút nguồn năng lượng tương tự như quy luật hấp dẫn.


Khuyến khích con theo đuổi đam mê



Đam mê là một trong những động lực sống mạnh mẽ để trẻ nói riêng và con người nói chung cảm thấy cuộc sống này thật sự có ý nghĩa. Cha mẹ nên khuyến khích con theo đuổi đam mê, hay cùng con trải nghiệm những kỹ năng khác nhau để tìm ra đâu là đam mê thực sự của con. Quá trình khám phá cùng nhau này sẽ giúp bạn thấu hiểu con nhiều hơn, tận dụng thời gian một cách tốt nhất để con không bị sa vào vào những ý nghĩ tiêu cực hay những mối quan hệ tiêu cực ở thực tế hay trên mạng xã hội.


Thực tế, khi cha mẹ không đủ quan tâm con, con sẽ cảm thấy mình là một "kẻ thừa" trong gia đình. Từ đó, con có xu hướng tìm kiếm sự quan tâm từ nhiều nguồn khác nhau, có thể là mạng xã hội hay mối quan hệ không lành mạnh bên ngoài. Tuổi nhỏ, nhận thức của con chưa vững vàng, nên con sẽ dễ bị bắt nạt hay bị lạm dụng từ các nguồn tương tác này. Tôi nhớ thời xưa, khi còn chưa có mạng xã hội nhiều như bây giờ, mà lúc ấy chỉ là Yahoo hay Zing Me, những đứa trẻ cấp 1 và cấp 2 mà tôi quen biết thường đi học về là lại lên mạng nhắn tin với bạn bè và người lạ hay chơi game như một cách giải trí, dần dần thành nghiện, vì cha mẹ họ không quan tâm con đúng cách. Có những đứa bị người lạ trêu chọc, lừa, bắt nạt trên mạng, và trẻ thậm chí không nhận thức rõ được điều này, nên dễ bị lợi dụng. Trong khi đó, có những đứa trẻ khác vì được cha mẹ quan tâm đến phát triển kỹ năng sống và sở thích, nên chúng ít "la cà" vào những nguồn tương tác thiếu lành mạnh. Chúng dần hình thành cho mình một môi trường nội tâm và ngoại cảnh miễn nhiễm khỏi những năng lượng tiêu cực.


Dạy con mỗi trải nghiệm có thể xảy ra sai lầm nhưng quan trọng là học được gì từ sai lầm đó


Lớn lên, ta sẽ càng nhận ra một điều rằng con người học điều đúng từ những điều đã làm sai, và hoàn thiện bất cứ công việc gì cũng trải qua những trải nghiệm mang tính thất bại. Trẻ con cũng vậy. Hãy để con biết rằng trong cuộc sống, con có lúc sẽ phải phạm lỗi lầm, phạm lỗi lầm không xấu như con nghĩ, mà việc có dám đón nhận và thay đổi để tốt đẹp không mới là quan trọng.


Trẻ con rất sợ tội lỗi, và chính điều đó nên con hay che dấu tội lỗi. Khi bị bắt nạt cũng vậy, con sợ nói ra với cha mẹ là đang thú nhận một tội lỗi nào đó của mình, một khuyết điểm nào đó của bản thân. Vì thế, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ cần khuyến khích con can đảm trải nghiệm, đón nhận nghịch cảnh và đứng lên sau vấp ngã.

Khi còn học tiểu học, cô bạn lớp tôi đi thi cờ vua. Bạn qua được kỳ thi cấp cụm, nhưng đến kỳ thi cấp huyện, vì một nước đi hơi bị chểnh mảng, sai lầm nên dẫn đến bị loại. Lúc đó, bạn rất buồn vì việc gây ra sai lầm trong nước cờ ban nãy không chỉ dừng lại là sự thất bại mà với bạn, việc ấy có vẻ như đang khiến cha mẹ và thầy cô buồn lòng. Bạn có cảm giác rằng mình như đang gây ra một tội lỗi lớn. Nhưng ngay lập tức, cha của bạn đến và nói: “Không sao con! Là một trải nghiệm thôi, con chơi cờ vua không phải để thắng – thua với người khác, mà hãy dùng cờ vua như một trải nghiệm rèn luyện trí thông minh đơn thuần, con sẽ thấy nhẹ nhõm hơn!” Nghe cha nói thế, bạn phấn chấn hơn. Sau này, tôi vẫn thấy bạn vẫn tiếp tục tự tin chơi cờ vua, dạy cho người khác chơi cờ vua, nhưng như một thú vui đích thực, hơn là để hơn thua với người khác. Người cha ấy đang dạy cho con đừng chỉ tập trung vào sai lầm, hãy thay đổi góc nhìn, con vẫn có thể duy trì đam mê, mà duy trì trong sự cân bằng và tĩnh lặng.


Với việc con bị bắt nạt cũng vậy, cha mẹ làm sao có thể giúp con xoay chuyển góc nhìn, từ tập trung vào ý nghĩ tiêu cực, thành những ý nghĩ lạc quan và tích cực hơn, để con nhận ra rằng mỗi trải nghiệm là một bài học tuyệt vời để phát huy đạo đức, chứ không phải là tụt dốc vào cảm giác tội lỗi, tự ti, nóng giận, buồn bã,...

Comments


bottom of page