Đời người hay tình cảm đều là một vòng tròn bất tận tiếp nối của "thành - trụ - hoại - không", có sinh ắt có tử, duyên khởi ắt duyên diệt. Căn tính và nhân duyên chỉ tròn đầy khi ta chấp nhận được hiện hữu của mình và vui lòng với hiện tại. Phân cảnh bật khóc cuối cùng của Nora/Na-young vang lên trong vòng tay của Arthur, người-ở-hiện-tại, vào những giây cuối phim đã cô đọng được tầng ý nghĩa của triết lý này cho bộ phim Past Lives (2023) của đạo diễn Celine Song.
Thông tin bên lề: Muôn kiếp nhân duyên (Past Lives) đang được đánh giá rất cao trên các trang đánh giá điện ảnh, cũng như từ các nhà phê bình, giới chuyên môn và mộ điệu. Trên Rotten Tomatoes, bộ phim được đánh giá là "cực tươi" (9.1/10), với rất nhiều lời bình tích cực từ giới chuyên môn. Điểm trung bình Metacritic của bộ phim cũng cao chót vót với 94/100 phiếu bầu.
Spoiler Alert: Bài viết có thể tiết lộ trước một số nội dung, phân cảnh của phim. Khuyến nghị bạn đọc nên xem phim trước khi đi vào bài viết.
Tác phẩm đầu tay của Celine Song, Past Lives, đã gây sốt và làm xao xuyến nhiều nhà làm phim lẫn giới yêu điện ảnh ngay trong ngày đầu ra mắt tại Liên hoan phim Sundance 2023 hồi đầu năm nay.
Câu chuyện của Past Lives được Song và studio "mát tay" A24 (đơn vị sản xuất bộ phim "đại thắng" Oscar năm nay - Everything Everywhere All at Once) thể hiện một cách tròn trịa, giản đơn, nhưng đầy suy ngẫm. Xuyên suốt mạch truyện là những lần tái hợp và khép lại của những lần gặp gỡ đan xen, bện xoắn, tháo gỡ – theo cách gọi trong phim là in-yeon (인연) (nhân duyên) - giữa hai nhân vật Nora/Na-young (do Greta Lee thủ vai) và Hae-sung (Teo Yoo thủ vai).
Hết duyên thì còn nợ. Muốn mở cánh cửa khác thì phải khép cánh cửa cũ lại. Từ đầu cho đến cuối phim là 3 lần xảy ra tương giao mở-khép của các nhân vật chính và lồng ghép trong câu chuyện về duyên kiếp lại mở ra cái nhìn chiêm nghiệm của đạo diễn về bản dạng-căn tính (identity).
Lần giao duyên thứ 7.997 và cuộc chia tay thứ nhất: Là Nora hay Na-young?
Nói theo triết lý trong phim, phải mất 8.000 lần nhân duyên lướt qua nhau và chạm vào vạt áo ở ngàn vạn kiếp trước mới đánh đổi được một duyên phận tròn đầy ở kiếp này, vậy thì, một cuộc chia tay đã đánh mất của chúng ta những gì?
Ngay từ đoạn mở đầu, đạo diễn kiêm biên kịch Celine Song lập tức đặt ra một câu hỏi về bản sắc căn tính cho người xem, thông qua khung hình có góc quay từ xa nhắm vào ba con người đang nói chuyện ở quầy bar. Đó là một cặp đôi người Hàn và một người bạn Mỹ, hay là một cặp đôi Hàn-Mỹ và một người bạn cũ người Hàn?
Sự nhập nhằng về bản sắc được đạo diễn Song truy ngược lại về gia đình của Nora/Na-young. Một gia đình cấp tiến, lối sống tân thời, theo kiểu Tây phương... là những điều người xem có thể thấy từ cách bài trí căn phòng và cuộc hội thoại giữa các thành viên.
Là Nora hay Na-young? Việc chọn lại một cái tên mới tức là bỏ lại một bản sắc cũ. Việc di cư sang Toronto (Canada) buộc cả gia đình bỏ lại cuộc sống cũ, bạn bè, công việc, sự nghiệp, họ hàng... Riêng Nora/Na-young còn phải tạm biệt luôn cả người bạn tri kỷ, thanh mai trúc mã Hae-sung. Rời Seoul, cô sẽ không còn người bạn học cạnh tranh từng điểm số, cũng như người đưa đón mình về mỗi ngày.
Xin được tạm gọi đây là lần giao duyên thứ 7.997, nơi Hae-sung là người chủ động nói lời tạm biệt với Na-young, và để mở màn cho lần gặp gỡ Nora của sau này.
Lần giao duyên thứ 7.998 và cuộc chia tay thứ hai: Là người Hàn hay người Mỹ?
Bẵng đi một thời gian, thấm thoát đã 12 năm. Nora/Na-young lúc này đang học biên kịch tại New York (Mỹ), còn Hae-sung thì vẫn miệt mài học tiếng Quan Thoại với dự định sang Trung Quốc tu nghiệp. Trong suốt thời gian, dẫu mỗi người đã chọn một con đường riêng, nhưng Hae-sung vẫn không ngừng tìm kiếm tung tích của người bạn cũ, nhưng mãi vẫn không thành (vì Na-young giờ đã đổi tên thành Nora).
Cả hai chỉ thật sự "thấy" nhau khi Nora/Na-young chủ động tìm cách nối lại liên lạc với Hae-sung thông qua video-call, nhờ đó cô biết rằng cậu vẫn không ngừng tìm kiếm mình. Hồi 2 của bộ phim tiếp diễn với những lát cắt đứt đoạn giữa thực tại và kỷ niệm thông qua màn hình máy tính của những cuộc gọi, đánh dấu hành trình "nối lại" nhân duyên, khép lại những thổn thức xưa cũ về một quá khứ dang dở và mở ra xung đột về căn tính.
Việc tìm lại được Hae-sung, không những khiến Nora/Na-young lại tin vào nhân duyên hay in-yeon trong tiếng Hàn, mà còn đưa cô tìm lại kết nối với bản dạng Na-young như một người Hàn thủa bé. Cuộc tái ngộ lần một giúp Nora/Na-young giải quyết được mâu thuẫn "Hàn tính" và "Mỹ tính" của một cá nhân thuộc thế hệ người Hàn thứ hai di dân sang Mỹ khi họ buộc phải thể hiện hết mình để được coi như một công dân Mỹ, trong khi phải vật vã duy trì bản sắc Hàn của mình.
Với Nora/Na-young, việc này càng khó khăn hơn cả vì từ bé đến thời điểm hiện tại, không ai trong nhà còn gọi cô là Na-young. Điều này ám chỉ rằng ngay cả người nhà của cô, lúc này, đã xem cô như một người Mỹ. Cách Nora quyết tâm học tập và không muốn rời khỏi New York cũng phản ánh điều này, rằng cuộc đời, sự nghiệp và bản dạng mà cô đồng nhất đang gắn kết bám rễ tại thành phố New York hoa lệ.
Hae-sung xuất hiện trở lại cuộc đời cô như một lời mời từ "nhân duyên tiền kiếp" và hai người nhanh chóng cuốn lấy nhau. Và khi bộ phim diễn tiến, cả hai đều biết rằng cuộc sống mỗi người giờ ngã theo những rẽ khác nhau: người thì không muốn rời New York, kẻ thì đã định sang Trung Quốc an cư.
Đoạn duyên này buộc lòng phải khép lại như lần giao duyên của kiếp thứ 7.997 bằng yêu cầu "tạm dừng trò chuyện lại" chủ động của Nora/Na-young, như để Hae-sung biết rằng cô không còn là một đứa bé khóc nhè (a crybaby) như trước nữa, cũng như ngụ ý rằng có một cánh cửa mà Hae-sung cần phải lựa chọn đóng lại hoặc mở ra, nếu muốn tiếp tục đoạn nhân duyên cùng nhau.
Như mong muốn, Hae-sung cũng đã đóng lại một cánh cửa, chỉ là, sau cánh cửa đó không có Nora/Na-young. Và cánh cửa mà Nora/Na-young chọn là ngã rẽ hướng đến nhà văn trẻ Arthur, người sau này trở thành chồng của cô.
Phải mất thêm 12 năm nữa, Nora/Na-young mới gặp lại Hae-sung khi cả hai cùng tiến đến in-yeon thứ 7.999.
Lần giao duyên thứ 7.999 và cuộc chia tay cuối: Bản dạng quá khứ hay con người của hiện tại?
Hai người gặp lại khi Hae-sung quyết định bay sang New York để thăm lại cố nhân khi thời hạn của sự "tạm dừng trò chuyện lại" đã hết. Lúc này, Nora/Na-young đã kết hôn với Arthur được bảy năm.
Cuộc gặp vội vã một lần nữa mở lại những cảm xúc xưa cũ, nhưng tình thế hiện tại của cả hai khiến hai người có nhiều khoảng cách hơn, trôi dạt ra xa hơn, cho dù trong thâm tâm vẫn dành tình cảm trân quý nhất cho nhau. Những gì níu giữ họ lại là lời hứa "hẹn gặp lại/nói sau nhé" (talk soon/talk then), cũng như vì tiếc nuối những kỷ niệm. Chính vì vậy, lần gặp gỡ cuối cũng chính là lần chia tay thực sự và đầu tiên.
Nếu như trong bộ phim Quyết tâm chia tay (Decision to leave – Park Chan-wook), khi tình yêu của cảnh sát phó Jang Hae-jun (Park Hae-il) kết thúc cũng là lúc tình yêu của Seo Rae (Thang Duy) mở ra, thì ở Past Lives cũng vậy. Duyên tình kiếp trước, có lẽ, định sẵn luôn là món nợ ở kiếp sau, nên việc Hae-sung và Nora/Na-young gặp lại không phải để tiếp nối chuyện tình thanh mai trúc mã thời thơ ấu, mà là để thắt lại nút kết cho mối giao duyên năm xưa.
Chủ đề của cuộc gặp gỡ (và cũng là cuộc chia ly) cuối cùng quan trọng hơn cả vì đã đặt bản sắc và duyên nợ lên bàn cân, đồng thời đặt ra thử thách cho bản ngã con người khi đặt họ vào giữa hoài niệm quá khứ và lựa chọn hiện tại. Cho đến những giây cuối cùng của khung hình khi Nora/Na-young bật khóc "trở lại" – điều mà chồng cô chưa bao giờ thấy – bộ phim vẫn không đánh đố hay làm khán giả hoài nghi về lựa chọn của từng nhân vật. Bởi, điều cốt lõi ở đây không còn là lựa chọn mà là nhận thức và chấp nhận.
Như đạo diễn kiêm biên kịch Celine Song có chia sẻ, bà cho rằng nữ chính có lựa chọn của mình, nhưng cô ấy [Nora/Na-young] không biết rằng mình cần nói lời tạm biệt, chấp nhận quá khứ đã qua và ôm lấy hiện tại.
Cảnh khóc cuối cùng của một Nora/Na-young mít ướt mang nhiều tầng ý nghĩa. Có thể cô vui vì đã trải qua 7.999 lần giao duyên cùng Hae-sung trong những kiếp sống nào đó, cũng có thể cô tiếc vì cả hai để vụt một in-yeon định mệnh cuối cùng để có thể thành đôi viên mãn. Nhưng trên hết, lần in-yeon lỡ hụt này lại là một in-yeon khởi đầu cho quá trình chữa lành và hợp nhất hai phần bản ngã quá khứ - hiện tại trong cô, để cuối cùng chỉ còn lại một Nora người Mỹ gốc Hàn, chọn sống ở New York, bên cạnh Arthur - người chồng có với cô đủ trọn vẹn 8.000 lần in-yeon.
Chấp niệm về một quá khứ không thể quay lại không khiến ta hạnh phúc
Con số 12 năm trong hai lần ngắt quãng thể hiện cho sự tuần hoàn của vòng nhân duyên, cũng như tượng trưng cho thập nhị nhân duyên theo triết lý nhà Phật.
Đời người sinh - lão - bệnh - tử. Ái tình duyên khởi rồi duyên diệt. Căn tính và lương duyên chỉ tròn đầy khi ta chấp nhận được hiện hữu của mình và vui lòng với cái hiện tại. Cái bật khóc cuối cùng của Nora/Na-young vang lên trong vòng tay của Arthur, người-ở-hiện-tại, vào những giây cuối phim đã cô đọng được tầng ý nghĩa của triết lý này cho Past Lives.
Và Nora, sau cùng, chấp nhận mình là Nora. Một Nora người Mỹ gốc Hàn vẫy tay chào Na-young và Hae-sung của quá khứ.
Như trong một bài viết đã từng đăng tải trước đây trên LeLa Journal về 3 tuần hoài niệm để tìm tới hạnh phúc hiện tại, con người thường có xu hướng lý tưởng hóa và nhìn về quá khứ qua lăng kính màu hồng (và thực tế, Trái đất cổ đại có thể cũng từng được bao phủ bởi màu hồng). Một số nhà tâm lý học đã thử áp dụng việc hoài niệm như một biện pháp trị liệu tâm lý nhằm giúp nâng cao mức độ hạnh phúc và đạt được kết quả khả quan. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy rằng chỉ trong ba tuần, các khách thể có suy ngẫm hoài niệm sẽ đạt được chỉ số an lạc cao hơn. Sau sáu tuần và sau một tháng theo dõi, tác động tích cực của việc hoài niệm chỉ còn thấy ở những người vốn có thiên hướng hoài niệm. Tuy nhiên, vào lúc đó, việc hoài niệm thường đi kèm với chỉ số an lạc thấp. Do đó, các nhà nghiên cứu kết luận được rằng để đạt được kết quả khả quan nhất, chúng ta chỉ nên suy ngẫm hoài niệm trong tối đa 3 tuần chứ đừng để bản thân đắm chìm vào những gì đã qua rồi chán nản, thất vọng với hiện tại. |
Comments