top of page
Tìm kiếm

Sự khác biệt giữa các loại giày thể thao

Khi chọn giày thể thao, chúng ta cần tinh ý mua đúng mục đích để hạn chế xảy ra chấn thương trong lúc tập luyện. Chấn thương có thể không diễn ra ngay trong lúc tập mà tích lũy qua thời gian rồi gây ra bệnh thoái hóa xương khớp chân khi tuổi cao. Vì lý do này, LeLa Journal tổng hợp những sự khác biệt giữa các loại giày thể thao phổ biến để giúp bạn lựa chọn sản phẩm đúng mục đích.


1. Giày chạy bộ - Running Shoes


Sự khác biệt giữa các loại giày thể thao

Giày chạy bộ nói chung được thiết kế để giúp cơ thể tiến về phía trước chủ yếu theo trục dọc, giảm lực cho đầu gối và bàn chân khi chạm đất. Trong môn chạy bộ, bạn cần chọn loại giày phù hợp với mặt đất tiếp xúc trên đường chạy.


Các đôi giày để chạy đường trường/đường phẳng thường có vật liệu nhẹ, không gian rộng rãi cho bàn chân, đế giày dày và chắc, giúp giảm áp lực cho đầu gối và bàn chân.


Các đôi giày chạy đường đá và đường rừng núi thường có vật liệu "dày đặc" hơn, chống thấm, thoát nước nhanh, chịu được bùn lầy, đế giày dày hơn để chịu lực cho đầu gối và cổ giày chắc chắn hơn giúp cố định cổ chân không bị lật.


Các đôi giày chuyên dụng cho đường chạy điền kinh có vật liệu nhẹ, bám sát bàn chân, và có đinh để bám sát đường đua.


2. Giày chạy xe đạp - Cycling Shoes


Sự khác biệt giữa các loại giày thể thao

Giày leo núi và giày đạp xe giải trí có đế trũng và miếng lót dẻo, vì thế bạn cũng có thể thoải mái mang giày này khi đi bộ.


Giày đua xe đạp thi đấu có đế cứng với phần đinh bên ngoài. Trên lý thuyết, đế cứng hơn để chuyển nhiều sức lực hơn lên bàn đạp. Khi chọn mua giày để đua xe, bạn cần lưu ý đế giày phải khớp với bàn đạp.


3. Giày cử tạ - Weightlifting shoes


Sự khác biệt giữa các loại giày thể thao

Giày cử tạ thường có gót cao, phù hợp để tập các bài squat vì nó giúp người tập có khả năng hạ mông thấp hơn và phạm vi di chuyển theo chiều dọc tăng cao hơn so với mang giày thông thường. Do các hãng giày thiết kế chiều cao gót khác nhau, nên khi mua giày bạn cần lưu ý người càng cao thì gót giày cũng cần cao.


Đế giày thường làm từ nhựa cứng, gỗ hoặc kết hợp cả hai vật liệu. Đế giày thường rất dày, đặc và cứng giúp bàn chân trụ vững không trượt, không lật cổ chân và chịu được lực đè nặng từ tạ.


Tùy vào hãng giày mà họ sẽ thiết kế thêm miếng khóa dán giúp giày bám chặt không để chân trượt bên trong đôi giày. Miếng lót luôn có mặt phẳng không lõm như các đôi giày chạy bộ.


4. Giày đa năng - Trainers


Sự khác biệt giữa các loại giày thể thao

Giày đa năng dùng để tập các bài tổng hợp bao gồm động tác nhảy, di chuyển nhanh, thay đổi hướng, bứt tốc, giảm tốc và dừng nhanh.


Giày đa năng rất tốt cho những bài tập yêu cầu di chuyển theo trục ngang. Để phân biệt lợi ích này, bạn hãy thử dùng giày chạy bộ để tập các bài chạy ngang để thấy lòng bàn chân thường xuyên bị trượt trong giày, cổ chân có khả năng lật. Nhưng với giày đa năng, bạn sẽ không gặp tình huống này.


Bạn sẽ thường thấy vận động viên dùng giày đa năng để tập các môn pilates, zumba, HIIT, võ thuật... Đế giày dày và mềm giúp giảm lực áp lên đầu gối và cổ chân. Miếng lót giày lõm và mềm, tương tự như miếng lót của các loại giày chạy bộ.


5. Giày đi bộ - Walking shoes


Sự khác biệt giữa các loại giày thể thao

Giày đi bộ có trọng lượng nhẹ nhất với đế giày mềm mại đủ để hỗ trợ các hoạt động nhẹ nhàng. Giày mang lại cảm giác thoải mái, tính thời trang hoặc nói lên cá tính người dùng. Bạn lưu ý không sử dụng loại giày này cho các hoạt động thể thao đòi hỏi sức mạnh và sức nặng.


6. Giày đá banh - Soccer Shoes


Sự khác biệt giữa các loại giày thể thao

Giày đá banh có vật liệu dày đặc hơn loại giày chạy bộ thông thường, được thiết kế để bám sát giúp hạn chế trượt lòng bàn chân, giúp bứt tốc, giảm tốc, dừng nhanh và thay đổi hướng chạy đột ngột.


Giày đá banh thường có ba loại (từ trái sang phải): đế phẳng để chơi bóng trên sân gỗ, đế có đinh nhựa để chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo, và đế có đinh sắt để chơi bóng trên sân cỏ tự nhiên.


7. Giày bóng rổ - Basketball shoes


Sự khác biệt giữa các loại giày thể thao

Giày bóng rổ được thiết kế để không chỉ hỗ trợ khả năng bật nhảy liên tục, bứt tốc và dừng lại đột ngột, mà còn để giảm chấn thương, mang lại sự ổn định cho cổ chân, đồng thời cho phép người chơi di chuyển theo trục ngang và trục dọc.


Giày bóng rổ thường sử dụng vật liệu dày đặc hơn các loại giày chạy bộ thông thường. Đế giày cao, dày đặc để khi chạm đất sẽ êm và bảo vệ đầu gối.


Giày thường có cổ cao và khả năng bám sát cổ chân giúp không lật bàn chân khi di chuyển ngang, dừng lại và đột ngột thay đổi hướng chạy.

Comments


bottom of page