top of page
Tìm kiếm

8 bài tập phát triển khả năng vận động tinh và học tập cho trẻ mẫu giáo (3 - 5 tuổi)

Sau khi đã thành thạo kỹ năng vận động thô, con trẻ ở độ tuổi mẫu giáo 3 - 5 tuổi cần được trang bị thêm về những kỹ năng vận động tinh. Những kỹ năng này đóng vai trò lớn trong một số hoạt động thường nhật mà con trẻ phải thực hiện độc lập. Đây cũng là nền tảng để trẻ phát triển năng lực học tập sau này. Trong bài viết này, LeLa Journal gợi ý 8 bài tập giúp phát triển kỹ năng vận động tinh ở trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi.



Vận động tinh là gì?


Khác với những kỹ năng vận động thô, những kỹ năng vận động tinh (fine motor skills) yêu cầu nhiều hơn sự khéo léo, tỉ mỉ trong những công việc nhỏ nhưng không kém phần quan trọng, như là sử dụng thìa để múc ăn, đánh răng, rửa tay, cài nút áo, kéo khoá, buộc dây giày…


Đây đều là những hoạt động hằng ngày đòi hỏi sự phối hợp khéo léo của tay và mắt cùng những chuyển động với biên độ nhỏ - từ những nhóm cơ nhỏ như cổ tay, bàn tay, các ngón tay... tức là những phần cơ không cần quá nhiều sức mạnh để thực hiện.


Trên thực tế, trẻ em trong giai đoạn mẫu giáo nếu được khuyến khích tập trung vào những hoạt động vận động tinh có tính phối hợp cao, sẽ giúp trẻ xây dựng nền tảng học tập và sáng tạo tốt hơn, so với việc chỉ tập trung vào các hoạt động trí tuệ thuần tuý (1).


Tiếp nối bài viết trước về chủ đề Sự phát triển khả năng vận động tinh của trẻ từ sơ sinh đến 24 tháng tuổi, bài viết lần này của LeLa Journal tập trung vào kỹ năng vận động tinh ở trẻ 3 - 5 tuổi.



Cách tốt nhất để thúc đẩy trẻ thực hiện những kỹ năng vận động tinh là cung cấp cho trẻ các loại vật liệu, các trò chơi với mục tiêu hoặc phần thưởng thú vị để tăng thêm sự hứng thú cho trẻ.


Cụ thể, cha mẹ có thể chuẩn bị cho trẻ những loại đất sét nặn, giấy màu, keo dán, kéo an toàn, bút màu, giấy gấp hình, các loại đồ chơi câu đố hoặc nhạc cụ đơn giản.

Bước tiếp theo là hãy cùng chơi và hướng dẫn cho trẻ thực hành những kỹ năng vận động tinh liên quan đến các loại đồ chơi đó. Dưới đây là 8 gợi ý hoạt động để cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ hoặc cùng tham gia với trẻ.


1. Cắt dán với giấy màu và kéo an toàn



Hành động cắt giấy theo mẫu sẽ giúp trẻ học cách điều hướng cây kéo theo các hướng khác nhau, cả đường cong lẫn đường thẳng. Đây là một "bài tập" vận động tinh tương đối khó nhưng lại rất hiệu quả cho trẻ trong độ tuổi mẫu giáo. Bạn có thể tạo mẫu bằng các hình đơn giản như hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật hoặc các nét vẽ ngộ nghĩnh trên giấy để trẻ có thể thực hành và dán thành quả của mình ở khu vực "trưng bày" tác phẩm đáng yêu.


2. Vẽ tranh và tô màu



Vẽ tranh và tô màu là một trong những hoạt động hàng đầu trong việc phát triển tư duy sáng tạo, cải thiện khả năng nhận thức về hình ảnh, không gian và màu sắc ở trẻ. Hành động sử dụng bút vẽ cũng là một kỹ năng vận động tinh điển hình, giúp tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa tay và mắt. Từ những nét vẽ nguệch ngoạc ban đầu, các phụ huynh có thể hướng trẻ sang việc phát triển những nét vẽ với độ khó tăng dần. Việc này vừa giúp tăng kỹ năng sử dụng bút của trẻ, vừa tạo thói quen cẩn trọng và tỉ mỉ cho bé sau này.


3. Lắp ghép, sắp xếp các khối hình



Các khối hình xếp và bộ dụng cụ mô hình lắp ghép là nhóm đồ chơi thịnh hành nhất (cho cả trẻ em lẫn người trưởng thành). Chúng gồm nhiều loại đồ chơi vừa thú vị vừa vô cùng hữu ích cho sự phát triển về kỹ năng vận động (cụ thể là vận động tinh) cùng tư duy sáng tạo của trẻ. Cha mẹ có thể cho trẻ bắt đầu từ những hình khối đơn giản, sau đó là những mẫu đồ chơi lego nhỏ và tăng dần độ khó. Khi chơi những món đồ này, trẻ vừa được cải thiện kỹ năng vận động tinh, vừa được tăng cường khả năng tư duy logic.


4. Chơi các dụng cụ âm nhạc đơn giản



Những món nhạc cụ đơn giản cũng giúp phát triển kỹ năng ở trẻ. Bên cạnh việc kỹ năng vận động tinh, việc trẻ sử dụng các loại nhạc cụ còn giúp tăng khả năng cảm nhịp, cảm âm. Bên cạnh đó, một nghiên cứu về tác động của âm nhạc đến trẻ đã chỉ ra rằng việc đào tạo âm nhạc còn giúp tăng hiệu suất học tập ở trẻ (2).


5. Tạo hình đất sét

Đất nặn, bột nặn hay đất sét là những công cụ tuyệt vời giúp trẻ ở độ tuổi mẫu giáo phát triển các kỹ năng vận động tinh. Những động tác nhào, nắn, tạo hình sẽ giúp phát triển cơ bàn tay và cổ tay của trẻ một cách phù hợp, giúp trẻ kiểm soát hoạt động của tay chính xác hơn theo thời gian.


6. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa



Đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên vừa giúp con trẻ duy trì được một hàm răng khỏe mạnh, tránh được tác hại từ các loại bánh kẹo gây ra, đồng thời giúp cải thiện kỹ năng vận động tinh qua những hoạt động thường nhật. Để bảo đảm an toàn cho trẻ, cha mẹ chỉ nên cho trẻ dùng chỉ nha khoa dạng cuộn, thay vì dạng thanh nhựa, chỉ đưa trẻ một đoạn chỉ vừa đủ mỗi lần sử dụng và đặc biệt là giám sát, hướng dẫn trẻ kỹ càng.


7. Sử dụng muỗng, nĩa, đũa



Những bữa ăn hằng ngày cũng chính là cơ hội để trẻ thực hành những kỹ năng vận động tinh. Đối với trẻ 3 - 5 tuổi, sử dụng muỗng đũa để ăn là một việc khá dễ dàng. Khi trẻ đã sử dụng được dụng cụ ăn uống một cách thành thạo, các phụ huynh có thể cho phép trẻ tự lựa chọn loại thức ăn mình ưa thích trong bữa ăn. Đây cũng là một cách để bạn khích lệ trẻ thực hành kỹ năng vận động tinh nhiều hơn và thoải mái khi ăn uống hơn.


8. Buộc dây giày



Nếu con bạn là một đứa trẻ có "gu" ăn mặc thì đây sẽ là hoạt động mà trẻ hứng thú học hỏi. Không phải lúc nào trẻ cũng mang giày có dây buộc, nhưng nếu được hướng dẫn đúng cách thì trẻ sẽ học được tính tự lập từ sớm. Đây là việc mà trẻ hoàn toàn có thể tự làm được mà không cần phải nhờ đến cha mẹ hoặc người lớn.


Những hoạt động trên tưởng chừng vô cùng đơn giản và quen thuộc với người lớn, nhưng với con trẻ thì đó có thể là một trong những thử thách "khó nhằn" mà trẻ cần phải chinh phục. Những gì mà các bậc phụ huynh cần làm là hãy kiên nhẫn và đồng hành với trẻ, để từng bước cùng trẻ chinh phục những kỹ năng mới.

Comments


bottom of page