top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMinh Đức

Phong thủy trong kiến trúc nhà ở: Nên ưu tiên sự thoải mái của gia chủ hay "có kiêng có lành"?

Phong thủy bắt nguồn từ Trung Quốc và từ lâu đã bén rễ trong nền văn hóa Á đông như một "kim chỉ nam" để tham khảo mỗi khi xây dựng nhà cửa hoặc mua bán đất đai. Mặc dù vậy, áp dụng phong thủy trong việc thi công có thể gây nên một số trở ngại cho nhiều gia chủ, đấy là chưa kể đến những tranh cãi xung quanh tính khoa học của phong thủy. Trong bài viết này, Lela Journal sẽ cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn khách quan nhất về phong thủy để có thể lựa chọn phong cách xây dựng và bày trí tốt nhất cho không gian sống của mình.



Phong thủy không phải là khoa học


Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu chính thống nào đưa ra những bằng chứng khẳng định tính khoa học của phong thủy. Trên hết, cần phải hiểu rằng phong thủy và khoa học vốn là hai khái niệm khác nhau, tuy ít nhiều có liên quan nhưng không thể cho rằng phong thủy dựa trên khoa học hoặc ngược lại.

Hiệp hội Phong thủy Quốc tế (IFSA) là một trong những tổ chức phong thủy lớn và nổi tiếng nhất trên thế giới, được thành lập vào năm 2004 tại Singapore. Kể từ đó, họ liên tục kết nạp thêm nhiều quốc gia thành viên cũng như mở rộng các trụ sở khác nhau trên toàn thế giới. Theo IFSA, phong thủy là cách thực hành cổ xưa của Trung Quốc nhằm tạo nên sự hài hòa con người với môi trường. Nó dựa trên niềm tin rằng mọi thứ trong vũ trụ đều được kết nối thông qua năng lượng hay gọi là "khí". "Khí" này được vận hành và lưu thông trong mỗi chúng ta, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe, sự giàu có, hạnh phúc của mỗi người.


Trong khi đó, khoa học là một cách tiếp cận có hệ thống về cấu trúc và hành vi của thế giới vật chất và tự nhiên, thông qua việc quan sát, thử nghiệm và kiểm tra các lý thuyết dựa trên bằng chứng, phương pháp nghiêm ngặt, quy chuẩn và minh bạch (1).


Mặc dù phong thủy và khoa học có nguồn gốc và phương pháp khác nhau, nhưng đã có một số nỗ lực nghiên cứu phong thủy bằng các phương pháp khoa học, chẳng hạn như đo lường tác động của việc ứng dụng phong thủy đối với chất lượng không khí, mức độ ánh sáng và các yếu tố vật lý khác. Các nghiên cứu nhìn chung đều chỉ ra những kết quả tích cực khi áp dụng các lối bố trí theo phong thủy, nhưng chưa tìm được các bằng chứng khoa học và cách tiến hành cũng gây nhiều tranh cãi. Có thể kể đến như:

  • Một nghiên cứu của ZiKai Jin và YiKai Juan tại đại học Đài Bắc tiến hành đo lường mức độ phản ứng về tâm sinh lý của các tình nguyện viên trong hai môi trường thực tế ảo có ứng dụng sắp xếp theo phong thủy. Kết quả cho thấy không gian trong nhà được cân nhắc về phong thủy sẽ tạo ra nhiều cảm xúc tích cực và thoải mái hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu này gây ra nhiều tranh cãi khi không được hỗ trợ bởi bằng chứng khoa học và cách tiến hành không phù hợp tiêu chuẩn của các nguyên tắc khoa học (2).

  • Tiến sĩ Špela Kryžanowski tại Đại học Primorska đã cung cấp một đánh giá toàn diện về các nghiên cứu khoa học để đo lường hiệu quả của phong thủy. Theo ông: "Mặc dù một số bằng chứng cho thấy phong thủy cũng có vài lợi ích, nhưng bằng chứng khoa học còn hạn chế và không thuyết phục". Ông khuyến nghị cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn bằng cách sử dụng các quy chuẩn khoa học nghiêm ngặt để hiểu rõ hơn về những tiềm năng của phong thủy (3).

  • Tác giả Michael Mak tại Đại học Newcastle của Úc trong một báo cáo đã cho rằng việc lựa chọn môi trường xung quanh tòa nhà và bố trí nội thất theo đề xuất của các kiến trúc sư hiện đại nhìn chung phù hợp với mô hình phong thủy được thiết lập từ hơn hai nghìn năm trước (4).



Phong thủy cũng không phải là mê tín


Nhiều người cho rằng phong thủy chỉ là mê tín dị đoan, không có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, phong thủy là một hệ thống kiến thức phức tạp đã được phát triển qua hàng ngàn năm dựa trên những quan sát về thế giới tự nhiên và cách nó ảnh hưởng đến con người.

IFSA đề cao tính thực hành của phong thủy khi cho rằng: "Phong thủy là một phương pháp đánh giá tổng thể để xem xét vị trí của tòa nhà, nội thất và các yếu tố khác liên quan đến môi trường tự nhiên, cũng như năng lượng và mục tiêu của từng cá nhân. Nhờ kết hợp nhiều nguyên tắc khác nhau, chẳng hạn như ứng dụng ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), bát quái đồ và khái niệm âm dương, phong thủy có thể phân tích và tối ưu hóa dòng năng lượng trong không gian, qua đó tạo ra một môi trường nâng cao hạnh phúc và thành công của những người cư ngụ” (5).


Một khía cạnh khác có thể xem xét đó là có rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới áp dụng lối bố trí của phong thủy và đạt được những hiệu quả cao, có thể kể đến như:

  • Tử Cấm Thành: Là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về phong thủy trong kiến trúc. Quần thể cố cung ở Bắc Kinh (Trung Quốc) này được thiết kế hài hòa với cảnh quan và thúc đẩy dòng năng lượng tốt. Khu phức hợp được xây dựng theo hướng Bắc-Nam để phù hợp với những ngọn núi xung quanh. Vị trí của các cung điện, hoa viên và hồ nước được thiết kế để tạo cảm giác cân bằng và hài hòa.

  • Tháp Đài Bắc 101: Tòa nhà chọc trời ở Đài Bắc (Đài Loan) được thiết kế độc đáo, với phần thân được chia thành tám đoạn thuôn dần khi lên cao, nhằm thúc đẩy dòng năng lượng tốt (số tám trong tiếng Hoa có phát âm là "bát", gần giống chữ "phát" trong phát đạt, phát triển).

  • Khách sạn Burj Al Arab: Thiết kế hình cánh buồm của khách sạn nổi tiếng tại Dubai này được cho là sẽ thúc đẩy dòng "khí" thịnh vượng. Việc bố trí tòa nhà nằm giữa biển nước (thủy) phối hợp cùng các yếu tố liên quan - đặc biệt là hướng đón gió (phong) - tạo ra cảm giác cân bằng và hài hòa theo phong thủy.


Khách sạn Burj Al Arab ở Dubai
Khách sạn Burj Al Arab ở Dubai

Tin vào phong thủy hay ưu tiên sự thoải mái trong bố trí không gian?


Quyết định về việc lựa chọn phong thủy hay sự thoải mái cá nhân trong bố trí không gian là tùy thuộc vào sở thích và quan điểm của mỗi người. Việc lựa chọn phong thủy đôi lúc sẽ phù hợp với các nguyên tắc khoa học, qua đó làm tăng cảm giác thoái mái, hài lòng, dễ chịu khi cư trú. Chẳng hạn như việc sử dụng ánh sáng tự nhiên và luồng không khí, sắp xếp đồ nội thất để tối đa hóa chức năng, sử dụng màu sắc và các yếu tố cảm quan khác để tạo ra một môi trường hài hòa...


Tuy nhiên, cũng có một vài hạn chế khi bố trí đồ đạc hoặc thiết kế nhà cửa theo phong thủy gây xung đột với các nguyên tắc kiến trúc hiện đại như:

  • Vị trí đặt cầu thang: Trong phong thủy, cầu thang không nên hướng trực tiếp ra cửa chính vì nó được cho là sẽ khiến năng lượng thất thoát quá nhanh. Tuy nhiên, trong kiến trúc hiện đại, người ta thường đặt cầu thang ở những vị trí nổi bật để tạo sự thu hút về mặt thị giác và tối ưu hóa không gian.

  • Sử dụng gương: Gương thường được sử dụng trong thiết kế hiện đại để tạo hiệu ứng rộng lớn về không gian cũng như tăng cường ánh sáng tự nhiên. Tuy nhiên, trong phong thủy, vị trí của gương phải được xem xét cẩn thận vì chúng có thể hấp thụ và phản chiếu năng lượng tiêu cực, đồng thời tạo ra sự xáo trộn trong "dòng chảy" của "khí".

  • Hướng của tòa nhà: Trong phong thủy, hướng của tòa nhà được cho là rất quan trọng, vì nó có thể ảnh hưởng đến dòng năng lượng và chất lượng cuộc sống của gia chủ. Tuy nhiên, kiến trúc hiện đại thường ưu tiên các yếu tố như tầm nhìn, khả năng tiếp cận ánh sáng tự nhiên và giá thành - đặc biệt là khi gia chủ chọn mua các căn hộ chung cư.

Bố trí không gian theo phong thủy có thể hạn chế sự thoải mái và đôi lúc không phù hợp với sở thích, gu thẩm mỹ của mỗi người. Nếu bạn mong muốn không gian sống và làm việc thật "chill" để bản thân dễ chịu, hãy cứ tuân theo các nguyên tắc thiết kế sáng tạo và hiện đại, đồng thời quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố như màu sắc, vật liệu, ánh sáng... Còn nếu bạn thuộc trường phái "chuyện tâm linh không đùa được đâu", hãy cân nhắc thật kỹ về hướng nhà, hướng ánh sáng, cũng như các quy tắc phong thủy để "dòng khí" thịnh vượng, an lành luôn ngự trị trong tổ ấm của mình.

Comments


bottom of page