Mèo là thú cưng sở hữu bản năng săn bắt mà không cần con người huấn luyện. Chúng thường xuyên rình bắt những loài động vật nhỏ hơn như chim, chuột, thằn lằn, và côn trùng đột nhập nhà bạn. Không dừng lại ở việc săn bắt, mèo thường "cống nộp" con mồi cho người chủ như một cách tri ân công nuôi dưỡng chúng.
Vì săn bắt mà mèo có thể nhiễm bệnh Toxoplasmosis
Do tiếp xúc với nhiều động vật hoang dã mà mèo có thể mang mầm bệnh Toxoplasmosis, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các thú cưng khác và chủ của chúng. Toxoplasmosis là căn bệnh phát sinh khi ăn thịt hoặc thực phẩm mang ký sinh trùng Toxoplasma gondii (T. gondii). Khi săn bắt, mèo có thể ăn trúng những con mồi bị nhiễm T. gondii. Sau khi bị nhiễm khuẩn, mầm bệnh sẽ được phát tán từ chất thải mèo.
Phụ nữ mang thai nuôi mèo có rủi ro nhiễm bệnh Toxoplasmosis khi tiếp xúc với chất thải của chúng. Mức độ ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh rất lớn, chẳng hạn như phát sinh dị tật sau sinh và trong trường hợp nguy hiểm sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ sơ sinh (1) (2).
Phụ nữ mang thai nuôi mèo và cách phòng chống rủi ro tiếp xúc mầm bệnh
Tuy có rủi ro khi nuôi mèo, nhưng các "mẹ bỉm" cũng không nên quá lo lắng. Chỉ cần thực hiện theo những ghi chú trong bài viết này của LeLa Journal để phòng chống rủi ro tiếp xúc với ký sinh trùng T. gondii.
Hiện nay, tại hầu hết hệ thống siêu thị, chúng ta đều không thể tìm thấy sản phẩm vệ sinh nhà cửa nào có thể hủy diệt T. Gondii. Hơn nữa, trong thời gian mang thai, phụ nữ cũng không nên trực tiếp sử dụng hóa chất tẩy rửa. Vì vậy, bạn hãy lưu ý loại bỏ những giải pháp vệ sinh nhà cửa với hóa chất trong hoàn cảnh này.
Tin vui cho các mẹ thích nuôi mèo là hiện nay có một giải pháp tự nhiên để phòng chống T. Gondii. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng trứng của ký sinh trùng T. Gondii sẽ bị tiêu diệt khi tiếp xúc nước sôi (3) (4) (5). Bạn chỉ cần tiệt trùng khu vực mèo đi vệ sinh và các dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với chất thải của mèo bằng nước sôi thì có thể hoàn toàn loại bỏ T. Gondii.
Sử dụng nước sôi để tiệt trùng là một biện pháp phòng ngừa T. Gondii, tuy nhiên bạn cũng cần thực hiện những biện pháp sau để giữ an toàn cho mẹ và bé:
Mèo nên ở trong nhà xuyên suốt thai kỳ của mẹ để hạn chế tiếp xúc với động vật hoang dã bị nhiễm T. Gondii (6).
Mèo nên ăn thực phẩm đã được nấu chín, hoặc thực phẩm thú cưng đã qua chế biến công nghiệp (7) (8). Nếu ưa chuộng phương pháp cho mèo ăn thịt tươi sống, bạn hãy chờ đến hết thai kỳ rồi mới tái thực hiện việc này. T. Gondii có thể hiện diện trong tất cả thịt gia súc, gia cầm, và các loài động vật nuôi làm thịt.
Trứng của T. Gondii hiện diện trong chất thải cần tối thiểu 24 giờ đồng hồ để nảy nở, vì vậy bạn hãy thường xuyên thay cát vệ sinh và tiệt trùng xẻng ray cát bằng nước sôi. Nhớ sử dụng găng tay mỗi khi vệ sinh khu vực chứa chất thải mèo (9) (10).
Bạn không nên nhận nuôi mèo mới trong suốt thai kỳ (11).
Comments