Bơi lội là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà cha mẹ có thể dạy cho con nhằm giúp con rèn luyện thể thao và vượt qua tình huống nguy kịch. Đây cũng là khoảng thời gian quý giá mà gia đình dành cho nhau.
LeLa Journal sẽ chỉ bạn cách hướng dẫn trẻ từ 3 tuổi thành thạo kỹ thuật bơi lội căn bản. Trẻ có thể bắt đầu sớm hơn nếu đã có khả năng hiểu và làm theo chỉ dẫn của cha mẹ. Bạn cũng cần lưu ý rằng bài viết này chỉ tóm tắt kỹ năng bơi lội ở mức căn bản nhất mà tất cả trẻ em (và người lớn) có thể áp dụng, do đó, nó sẽ không phù hợp với mong muốn dạy con bơi lội như một vận động viên chuyên nghiệp. Để học kỹ thuật có thể áp dụng cho thi đấu, bạn nên cho con theo một khóa bơi chuyên nghiệp với huấn luyện viên có kinh nghiệm.
Để bắt đầu, cách đơn giản nhất là dạy con bơi trong hồ dành cho trẻ em, hoặc tại hồ bơi có khu vực nước đủ nông sao cho vai của bé vẫn nằm trên mặt nước khi đứng thẳng.
Bước đầu tiên hướng dẫn trẻ bơi lội: thuyết phục bé luôn luôn đeo kính bơi
Việc mở mắt dưới nước có thể khiến mắt của bé bị đỏ sau khi bơi, đồng thời làm chậm quá trình học bơi khi bé phải nhắm mắt và không thể định hướng. Nếu con không chịu mang kính bơi, bạn có thể chia sẻ với con về triệu chứng đau mắt đỏ, hoặc cho con xem hình ảnh mắt đỏ, chắc hẳn con không mong muốn mắc phải triệu chứng này.
Bước 2: dạy bé lặn dưới mặt nước
Chúng ta không nên phức tạp hóa quá trình này. Bạn hãy đề nghị con đơn giản như: "con hãy ngồi xuống đáy hồ bơi", hoặc "con hãy chúi cả người xuống dưới mặt nước."
Để bé hiểu điều này một cách nhanh chóng, bạn hãy lặn xuống để bé bắt chước.
Sau khi bé hoàn thành thao tác trên, bạn hãy bảo bé tập nín thở từ 1 đến 2 giây dưới nước, đạp chân xuống đáy hồ để trồi lên trên mặt nước, hít thở bằng miệng, sau đó tiếp tục lặn xuống dưới mặt nước.
Sau khi bé đã quen với việc lặn dưới nước từ 2 đến 5 giây hoặc lâu hơn, bạn hãy tiến hành bước 3.
Bước 3: hướng dẫn quạt tay, đạp chân
Để đơn giản hóa buổi tập, bạn hãy bắt đầu bằng cách dạy bé đạp chân trong lúc lặn. Kỹ thuật đạp chân dễ học nhất là đạp chân bơi sải (xem hình bên dưới)
Bạn hãy đưa ra yêu cầu đơn giản và dễ hiểu nhất cho con, ví dụ: "con hãy chúi người xuống dưới mặt nước, đạp chân, trồi lên mặt nước khi cần lấy hơi thở bằng miệng, sau đó lại chúi mình xuống nước để tiếp tục lặn."
Sau khi con đã quen với kỹ thuật lặn kèm đạp chân, lấy hơi, đồng thời bạn thấy bé đã có thể di chuyển từ 5 đến 10m, bạn hãy tiến hành dạy bé quạt tay. Kỹ thuật quạt tay đơn giản nhất cho người chưa biết bơi là quạt tay bơi ếch (xem hình bên dưới).
Bạn hãy bảo bé: "lần này, sau khi con lặn xuống nước, ba/mẹ muốn con quạt tay và đạp chân, trồi lên lấy hơi bằng miệng khi cần, sau đó lại lặn xuống và tiếp tục quạt tay đạp chân.
Trong buổi đầu tiên tập luyện, có khả năng rất nhiều lần, bé sẽ chống chân xuống đáy hồ để trồi lên lấy hơi. Điều này có thể tiếp diễn trong vài buổi tới hoặc cho đến khi bé đủ tự tin để loại bỏ thao tác chống chân này. Bạn hãy động viên bé bằng cách nhắc nhở bé hãy tự tin vào bản thân, đừng sợ nước vào mũi, hãy dùng tay và chân để giúp mình trồi lên trên mặt nước, hít thở bằng miệng, và luôn nhớ rằng có ba/mẹ bên cạnh.
Sau khi con có thể bơi liên tục và không còn chống chân xuống đáy hồ, bạn hãy tiến hành bước 4.
Bước 4: hướng dẫn đứng nước
Trẻ em sẽ nhanh chóng hoàn thành kỹ năng đứng nước khi có thể bơi liên tục từ 50m đến 100m mà không cần dừng lại. Cơ thể con người nói chung cần tích lũy sức bền trước khi có thể thả lỏng - một yếu tố quan trọng để học đứng nước. Trẻ em và người lớn chưa có sức bền sẽ thường gồng chắc người để gắng sức quẫy tay, quẫy chân khi bắt đầu tập đứng nước. Vì vậy, khi con chưa thể bơi liên tục, bạn đừng ép bé phải học đứng nước.
Khi học đứng nước, bạn hãy cho bé đến khu vực có nước sâu hơn. Trong suốt quá trình tập luyện, bạn nên ở trong hồ bơi cùng con để giúp con tự tin.
Bạn hãy bảo bé xuống nước, tay bám thành hồ, sau đó từ từ thả ra, người thẳng đứng, giữ đầu trên mặt nước, tay quạt, chân đạp như thể đang bơi theo cách đã mô tả ở bước 3.
Bạn hãy lưu ý quan sát, khi thấy bé bắt đầu mệt sau 5 - 10 giây, hãy đỡ lấy con mình, hoặc hướng dẫn bé bám vào thành hồ. Sau đó, bạn hãy bảo bé hít thờ đều, lấy lại sức và tiếp tục bài tập. Bạn có thể tham khảo các kỹ thuật đứng nước khác trong video bên dưới.
Comments