top of page
Tìm kiếm

Richard Feynman - giải Nobel vật lý: Đỉnh cao của sự hiểu biết là khả năng đơn giản hóa mọi vấn đề

Mục tiêu của việc học là để hiểu về thế giới tốt hơn, nhưng cách học thông thường lại không dẫn chúng ta đến điều này. Theo nhà vật lý đoạt giải Nobel Richard Feynman, sự đơn giản chính là chìa khóa để hiểu về bất cứ lĩnh vực phức tạp nào, chứ không phải trí thông minh thiên bẩm. Nếu có cách tiếp cận đúng, chúng ta có thể nắm bắt tất cả những gì mình quan tâm và mở rộng thế giới quan để tư duy ngày thêm rõ ràng.


Không có ai sinh ra đã là thần đồng



Tỷ phú Bill Gates từng gọi nhà vật lý lý thuyết Richard Feynman là "người thầy vĩ đại nhất mà tôi từng có" và đặc biệt say mê với những bài giảng của ông. "Feynman có biệt tài tuyệt vời trong việc làm cho vật lý trở nên rõ ràng và thú vị cùng một lúc" - Bill Gates chia sẻ (1)


Bất chấp những đóng góp lớn cho thế giới trong lĩnh vực cơ học lượng tử (quantum mechanics), điện toán lượng tử (quantum computing), vật lý hạt (particle physics) và công nghệ nano (nanotechnology)..., Feynman tự nhận mình chỉ là "một người bình thường học hành chăm chỉ". Ông không sở hữu trí thông minh bẩm sinh cao, nhưng cách ông xác định những điều mình không biết, sau đó lao vào tìm hiểu từ trong ra ngoài - đã giúp Feynman biến các khái niệm phức tạp trong thế giới vật lý thành thứ gì đó đơn giản, dễ hiểu và thành thạo, từ đó cung cấp nhiều hiểu biết sâu sắc cho các thế hệ sau.


"Không có ai sinh ra đã là thần đồng. Chỉ là họ hứng thú với một vấn đề, tìm mọi cách để hiểu về nó. Tôi sinh ra đã là người không biết gì, và chỉ có rất ít thời gian để thay đổi điều đó" - Richard Feynman (2), (3).

Feynman nhấn mạnh vào việc không phải chỉ học, mà cần thực sự hiểu. Ông từ chối học thuộc lòng vì tin rằng học tập nên là một quá trình "thử, sai, tự do khám phá". Và như Feynman thường nói: "Bạn có hiểu rõ một chủ đề đến mức giải thích được cho một đứa trẻ không?", tức là nếu bạn không thể giải thích điều gì đó rõ ràng, đơn giản thì đó là do bạn chưa hiểu về nó.


Khi chuẩn bị cho một kỳ thi, Feynman không chọn nghiên cứu những nét khái quát thông thường của vật lý, mà tìm một góc trong đại học MIT, nơi ông có thể ở một mình, và mở ra cuốn sổ mới. Ngay dòng đầu, ông viết “Notebook Of Things I Don’t Know About”, sau đó dành thời gian sắp xếp lại kiến thức của mình. Feynman làm việc trong nhiều tuần để “tháo gỡ” từng nhánh vật lý, đi sâu vào chi tiết mỗi phần và lắp ráp chúng lại với nhau. Ông luôn tìm kiếm những điểm cốt lõi của từng môn học. Khi hoàn thành tất cả, Feynman có một cuốn sổ mà ông đặc biệt tự hào (4).



Khi thế giới quan của con người bị hạn chế


Câu hỏi đặt ra là, vì sao chúng ta nên học? Hay nói đúng hơn, vì sao cần tìm hiểu nhiều thứ? Theo James Clear, tác giả cuốn Atomic Habits (Thói quen nguyên tử), vũ khí bí mật làm nên sự khác biệt của Feynman là một tập hợp rộng lớn các mô hình tinh thần (mental models) (5).


Mô hình tinh thần là cách thức chúng ta suy nghĩ, lý luận về một vấn đề nào đó. Đó là khái niệm (concept), bộ khung (framework) hoặc thế giới quan (worldview) mà chúng ta mang theo trong đầu để hiểu về thế giới và mối liên hệ giữa các sự vật.


Ví dụ, cung và cầu (supply and demand) là một mô hình tinh thần cơ bản trong kinh tế giúp bạn hiểu cách nền kinh tế hoạt động; chọn lọc tự nhiên (natural selection) và tuyệt chủng (extinction) là hai mô hình tinh thần trong sinh học giải thích về cách con người cùng các giống loài khác tiến hóa theo thời gian; kiến thức phát triển theo cấp số nhân (knowledge grows exponentially) là mô hình tinh thần miêu tả về cách ghi nhớ thông tin hiệu quả...


Các mô hình tinh thần này là niềm tin sâu sắc của chúng ta về cách thế giới vận hành, định hướng cho nhận thức và hành vi mỗi người. Học thêm một mô hình tinh thần mới tương tự bổ sung thêm một công cụ tư duy để hiểu cuộc sống, hay một cách khác để nhìn thế giới. Tuy nhiên, mô hình tinh thần chỉ hữu ích chứ không hoàn hảo và không một mô hình đơn lẻ nào giúp bạn hiểu toàn bộ sự vật.


Như nhà sử học Yuval Noah Harari nhận định: "Các nhà khoa học đồng thuận rằng không có lý thuyết nào đúng 100%. Bài kiểm tra kiến thức thực sự không phải là đi tìm sự thật rằng nó có đúng hay không, mà là tính ứng dụng liệu ta có áp dụng được kiến thức đó để tạo ra điều gì khác biệt hay không?" (6).


Tất cả chúng ta đều có những mô hình tinh thần yêu thích, nhưng đây có thể là cạm bẫy. Vì một khi thế giới quan nào đó chi phối suy nghĩ của bạn, bạn sẽ cố gắng giải thích mọi thứ mình gặp phải qua góc nhìn đó. Những gì trông giống như chuyên môn hay tài năng trong một lĩnh vực biến thành hạn chế. Khi đó, chúng ta không nhìn sai về một vấn đề, nhưng chúng ta cũng không nhìn được bức tranh toàn cảnh (the big picture).


"Bí quyết để có tư duy tuyệt vời là học và sử dụng nhiều mô hình tinh thần khác nhau. Điều này có nghĩa là: đọc những quyển sách hay nhất, nghiên cứu các nguyên tắc cơ bản của các lĩnh vực dường như không liên quan và học hỏi từ những người có trải nghiệm sống cực kỳ khác biệt" - James Clear cho biết (5).

Phương pháp học của Richard Feynman



Những nhà tư tưởng lớn, giống như Richard Feynman, thường tránh nhìn cuộc sống qua lăng kính của một chủ đề. Họ không phân tách rạch ròi kiến thức thành lĩnh vực lịch sử, kinh tế, triết học hay tâm lý… Thay vào đó, họ phát triển khả năng chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác một cách dễ dàng, xem xét cách chúng giao lại với nhau, và sự đổi mới sáng tạo thì thường nảy sinh khi những ý tưởng bắt đầu kết nối.


Feynman đã áp dụng một phương pháp đơn giản để chinh phục các vấn đề khó hiểu và bạn có thể dùng kỹ thuật này để không ngừng mở rộng tập hợp mô hình tinh thần của mình. Dưới đây là bảng tóm tắt bốn bước của "kỹ thuật Feynman" nổi tiếng:

Chọn chủ đề, chia nhỏ

Xác định khái niệm muốn tìm hiểu, chia nhỏ ra thành những yếu tố cơ bản nhất.


Lúc này bạn cần đối mặt với những gì mình chưa biết, viết ra rõ ràng ý chính cần học trên một tờ giấy sẽ giúp bạn biết nên bắt đầu từ đâu. Ví dụ, khi cần tìm hiểu về các thiên kiến nhận thức (cognitive bias), chúng ta nên chia nhỏ ra thành nhiều loại: hiệu ứng số đông (bandwagon effect); thiên kiến lạc quan/bi quan (optimism/pessimism bias); thiên kiến xác nhận (confirmation bias); nhận thức có chọn lọc (selective perception)...

Giải thích cho mình và người khác

Đọc sách báo, ghi chú thông tin vào sổ không phải là cách hiểu vấn đề tường tận.


Feynman cho rằng chúng ta cần một quá trình tích cực hơn, bao gồm: dạy lại chính mình (viết bản tóm tắt ý chính mà không nhìn vào tài liệu gốc hoặc tự giải thích thành tiếng cho bản thân) hoặc hướng dẫn cho người khác (trò chuyện, tranh luận với bạn bè, phát biểu tại hội nghị, viết một bài blog hoặc sản xuất podcast…). Khi bạn thực sự phải giải thích điều gì đó, dù là viết ra hay nói thành tiếng, bạn sẽ dễ nhận thấy những lỗ hổng trong kiến thức của mình để từ đó bổ sung, chỉnh sửa lại.

Xem lại tài liệu thường xuyên

Học một cái gì đó phức tạp cần nhiều nỗ lực và việc đọc tài liệu nên được lặp đi lặp lại.


Khi lỗ hổng kiến thức phát sinh và những giải thích không hoàn toàn đúng, chúng ta cần xem lại nguồn để củng cố những gì đang học, tinh chỉnh lại lời giải thích để hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn. Thay vì xem việc học như chuyện làm một lần là xong, bước này cho phép chúng ta liên tục làm mới kiến thức và phát hiện những khía cạnh mà trước đây mình không nhận ra.

Đơn giản hóa, tìm điểm tương tự

Mỗi lĩnh vực đều có thuật ngữ chuyên ngành riêng. Sẽ dễ dàng để ghi nhớ thuật ngữ và lặp lại chúng khi cần, nhưng Feynman nhấn mạnh học thuộc lòng không phải là hiểu.


Sử dụng từ ngữ đao to búa lớn khiến chúng ta trông có vẻ thông minh, nhưng đơn giản mới là "đại diện cho sự hiểu biết". Bạn cần chắt lọc mọi thứ ở dạng cơ bản nhất, đơn giản hóa tất cả các giải thích của mình. Phép loại suy (analogy) hay việc tìm điểm giống nhau giữa các đối tượng sẽ giúp làm rõ lời giải thích. Tài liệu thường cung cấp ví dụ sẵn có nhưng nếu tự tìm được điểm tương đồng, kiến thức sẽ dễ vào đầu chúng ta hơn (thay vì vay mượn của người khác).


Comments


bottom of page