top of page
Tìm kiếm

Khoa học về linh cảm chứng minh: Đôi khi trực giác đáng tin hơn lý trí

Bạn đã bao giờ cảm thấy lấn cấn, khó chịu dai dẳng về một tình huống mà không thể lý giải bằng logic, chỉ biết rằng có gì đó không ổn? Hoặc bỗng nhiên lại có cảm giác bình yên, hạnh phúc sau khi đưa ra một quyết định khó khăn trong khi bản thân chưa biết đúng sai? Đây có lẽ là lúc trực giác, hay linh cảm (gut feelings) hoạt động - khi các câu trả lời, giải pháp tự động đến và không cần lý do.


"Hãy tin vào trực giác"


Trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển, việc tin vào trực giác thường được cho là không đáng tin cậy. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi, chú trọng tư duy phân tích có thể không mấy để tâm đến câu nói "hãy tin vào trực giác của bạn" (trust your gut), và những quyết định quan trọng thì nên được suy nghĩ cẩn thận, cân nhắc kỹ lưỡng trên nhiều góc độ.


Mặc dù trực giác không phải lúc nào cũng đúng, nhưng nghiên cứu đã phát hiện khi được kết hợp cùng tư duy phân tích, trực giác sẽ giúp chúng ta ra quyết định nhanh và chính xác, đồng thời khiến bạn tự tin hơn vào lựa chọn của mình, thay vì chỉ dựa vào trí tuệ đơn thuần (1). Những người tin tưởng vào trực giác cũng có thiên hướng làm điều đúng đắn về mặt đạo đức hơn (2).


Trực giác là kết quả của nhiều quá trình xử lý xảy ra trong não, nó không phải phản ứng vô ích và ngẫu nhiên. Hải quân Hoa Kỳ đã từng đầu tư hàng triệu USD để giúp các thủy thủ và thủy quân lục chiến cải thiện "giác quan thứ 6" này, chính vì trực giác có thể thay thế lý trí trong những trường hợp rủi ro cao như ở chiến trường (3).


Trong hai thập kỷ qua, các nhà tâm lý học và thần kinh học đã đạt những bước tiến lớn trong việc xác định nguồn gốc của trực giác và những tình huống mà trực giác có khả năng dẫn chúng ta đi đúng hướng. Một ví dụ điển hình là thí nghiệm đánh bạc Iowa, trong đó người tham gia được tự chọn một trong bốn bộ bài khác nhau (4). Hai trong số các bộ bài đem lại phần thưởng tương đối lớn nhưng hình phạt đi kèm còn lớn hơn. Hai bộ còn lại có phần thưởng khá nhỏ nhưng hình phạt lại ít (một lựa chọn an toàn).


Ngay từ đầu, họ không biết bộ nào có lợi nhất. Sau khoảng 40 lần thử, nhiều người bắt đầu có linh cảm về bộ bài sẽ mang lại chiến thắng. Có vẻ như tâm trí vô thức (nonconscious mind) của họ dần để ý được kiểu mẫu thắng thua khi chọn bài, dù họ không thể giải thích lý do đưa ra lựa chọn này, ngoài cách "linh cảm" (5).


Điều quan trọng là, những cải thiện trong quá trình lựa chọn có liên quan đến các thay đổi về mặt sinh lý diễn ra trong cơ thể. Ví dụ, khi người tham gia tiếp cận những bộ bài mang tính rủi ro cao, hầu hết mọi người bắt đầu thể hiện phản ứng căng thẳng như tăng nhịp tim hoặc đổ mồ hôi. Các nhà khoa học gọi đây là dấu hiệu soma (somatic markers) - hoạt động như lời cảnh báo ngăn người chơi đưa lựa chọn sai lầm, cũng là cơ sở cho các phản ứng trực giác (6).

Một thí nghiệm khác yêu cầu người tham gia phân biệt một loạt túi xách hàng hiệu, bao gồm hàng thật và hàng giả (7). Một nửa số người đã bỏ qua bản năng trực giác và dùng tư duy phân tích để kiểm nghiệm thật giả, những người còn lại tin tưởng vào linh tính của họ. Kết quả cho thấy, dù hai bên đều có kinh nghiệm trước đó về túi xách hàng hiệu, nhưng những người sử dụng trực giác đã dự đoán chính xác hơn 20% so với những cá nhân dùng lý trí phân tích.



Khi não bộ dự đoán trước... tương lai?!


Giới khoa học cho rằng não bộ là một cỗ máy dự đoán vĩ đại, liên tục so sánh những cảm xúc mới, hay trải nghiệm hiện tại với kiến thức, ký ức về trải nghiệm cũ được lưu trữ trong não, đồng thời dự đoán điều gì xảy ra tiếp theo (8). Mục đích là giúp não bộ luôn ở trạng thái sẵn sàng để đối diện với tình huống hiện tại. Khi dự đoán không khớp/không phù hợp (mismatch), bộ não sẽ cập nhật lại các mô hình nhận thức (cognitive models - tức là những mô hình nhận thức dùng để mô tả cách suy nghĩ và nhận thức của một người ảnh hưởng thế nào lên cảm xúc và hành vi của người đó).


Quá trình so sánh, cập nhật thông tin giữa các mô hình nhận thức cũ (dựa trên kinh nghiệm quá khứ) và trải nghiệm hiện tại diễn ra tự động trong tiềm thức. Vì quá trình này chạy trong "nền", không phải lúc nào chúng ta cũng nhận thức được thứ mình đang quan sát hoặc ý nghĩa của chúng. Trực giác xảy ra khi bộ não tìm thấy những điểm khớp hoặc không khớp đáng kể (match/mismatch) giữa các mô hình nhận thức và sự kiện hiện tại.


Chẳng hạn, bạn đang nghe nhạc trong lúc lái xe trên một tuyến đường vắng vẻ và đột nhiên nảy ra ý định chuyển hướng sang phía làn đường bên phải nhiều hơn. Sau đó bạn đi tiếp và nhận ra mình vừa tránh được một cái hố lớn trên mặt đường mà nếu vấp phải sẽ làm chiếc xe hỏng nặng. Bạn không biết tín hiệu trực giác này đến từ đâu, nhưng có thể bộ não đã nhận diện được "cú ngoặt" của chiếc xe trước mặt bạn vài giây trước đó.


Một số phản ứng vật lý có thể diễn ra khi chúng ta linh cảm về điều gì, như cảm giác cồn cào trong bụng, lòng bàn tay đổ mồ hôi, nổi da gà, căng cơ, tăng nhịp tim hoặc tự cảm thấy bình tĩnh, rõ ràng một cách lạ thường. Những phản ứng này đến từ hệ thống thần kinh ruột - mạng lưới 100 triệu tế bào thần kinh trong đường tiêu hóa mà các nhà khoa học thường gọi là "bộ não thứ hai". Mối liên hệ mật thiết, thường xuyên liên lạc giữa ruột và não (hay còn gọi là trục não-ruột, gut-brain axis) là nguyên nhân khiến cơ thể chúng ta có cảm giác lạ khi não bộ phát hiện ra điều gì không ổn (9).


Để trực giác trở nên đáng tin cậy


Chính vì não bộ liên tục củng cố các mô hình nhận thức trong tiềm thức, khi càng có nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực, não càng có nhiều thông tin để đối chiếu với trải nghiệm đang diễn ra - nghĩa là trực giác của bạn về vấn đề đó sẽ trở nên đáng tin cậy hơn. Giống như sự sáng tạo, trực giác có thể được rèn luyện và tận dụng như một công cụ ra quyết định hữu ích.


Theo Melody Wilding, tác giả quyển sách Trust Yourself: Stop Overthinking and Channel Your Emotions for Success at Work, một cách hay để bắt đầu luyện tập cho trực giác là chúng ta hãy mau chóng đưa ra những quyết định nhỏ (10). Những việc như chọn trang phục yêu thích phù hợp cho ngày đi làm mà không cần cân nhắc quá lâu hoặc nhiệt tình phát biểu ý kiến trên giảng đường thay vì đắn đo, nghi ngờ năng lực bản thân là những hoạt động có thể thực hiện quyết đoán dựa trên trực giác và chỉ mang lại hậu quả nhỏ nếu thực sự có tồn tại rủi ro.


Bằng cách mạnh dạn đưa ra một loạt quyết định nhỏ, chúng ta sẽ giảm dần cảm giác choáng ngợp, từ từ tiến đến những quyết định lớn và áp lực hơn với sự tự tin đã được rèn giũa. Cách tiếp cận này được chứng minh có thể giúp bạn xây dựng khả năng phục hồi và điều chỉnh cảm xúc khi gặp tình huống khó khăn (11).



Khi mới sử dụng trực giác, sẽ không dễ để quyết định nhanh chóng. Wilding khuyên rằng thay vì suy nghĩ quá nhiều, chúng ta nên thử "nhập vai". Chẳng hạn như, trong 2-3 ngày đầu, hãy hành động như thể bạn đã chọn phương án A, sau đó quan sát cách bạn suy nghĩ và cảm nhận. 2-3 ngày kế tiếp, hãy thử lựa chọn phương án B và ghi lại các phản ứng của mình. Khi kết thúc thí nghiệm, bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về đích đến mình thực sự mong muốn và quyết định nào sẽ tốt nhất cho bạn.


Trí tưởng tượng cũng giúp chúng ta trong việc này. Vì trực giác thường mang tính tự động, nhanh chóng và hoạt động trong tiềm thức, bạn có thể thử "phán đoán nhanh" bằng cách hình dung hoặc viết ra giấy điều khiến mình băn khoăn, ví dụ như "Chọn công việc này có giúp tôi cảm thấy hạnh phúc và ý nghĩa không?". Sau vài giờ, hãy quay lại ghi câu trả lời có trong đầu.


Sức mạnh của việc ra quyết định bằng trực giác đặc biệt hữu ích khi chúng ta xử lý khối lượng thông tin lớn, phức tạp và khó nhớ chính xác. Một loạt thí nghiệm cho thấy, trong trường hợp này, chúng ta nên để tâm trí lang thang sang một hoạt động khác - không liên quan - khi đó não bộ sẽ xử lý dữ liệu trong "vô thức" và đưa ra quyết định hợp lý. Cách làm này thậm chí còn chính xác hơn việc nỗ lực phân tích nhiều phương án khác nhau (12).

Cuối cùng, chúng ta có thể dựa vào các giá trị cốt lõi - thứ đại diện cho những điều quan trọng nhất với bản thân (như tự do, ổn định, bình tĩnh, công việc, gia đình, bạn bè…). Nếu là người đánh giá cao sự trung thực, bạn sẽ cảm thấy có phần căng thẳng khi không chia sẻ cảm xúc thật lòng về một vấn đề quan trọng. Hãy dành một chút thời gian suy nghĩ về những giá trị hàng đầu.


Lần tới khi thấy mình phải "vật lộn" để phân tích, bạn có thể tự hỏi chính mình: "Hành động hay quyết định nào sẽ đưa tôi đến gần hơn với các giá trị cốt lõi đó?".




Comments


bottom of page