top of page
Tìm kiếm

Silent Treatment: Im lặng không phải là… vàng

Khi căng thẳng và xung đột leo thang trong mối quan hệ tình cảm, không ít người chọn cách im lặng vì cho rằng nếu không nói được điều gì tử tế thì cách tốt nhất là tạm ngừng giao tiếp. Song, việc lạm dụng sự thinh lặng đôi lúc sẽ dẫn đến tác dụng ngược.


Thực ra, giữa lớn tiếng cáu gắt và phớt lờ đối phương, không có lựa chọn nào là hoàn toàn thích đáng. Nếu to tiếng quát mắng là hành động "đổ dầu vào lửa" thì sự im lặng như một cây súng gắn nòng giảm thanh, dù bạn không nghe thấy tiếng nhưng tổn thương là có thật.



Khi nào thì sự lặng im biến chất?


Khước từ nhu cầu tương tác là cách chúng ta từ từ thoái lui khỏi một tình huống, một mối quan hệ tình cảm chứa đựng nhiều mâu thuẫn, bất đồng. Việc sử dụng các hình thức phi ngôn ngữ như tránh né, phớt lờ, xem nhẹ đối phương... được gọi là "Silent Treatment" - sự im lặng độc hại.


Điều này diễn ra khi một trong hai người muốn kết nối, trò chuyện hay thậm chí là than vãn, trách móc… nhưng người còn lại không hề đáp trả. Cảm giác chán nản khi không nhận được hồi đáp khiến người muốn được quan tâm lại càng yêu cầu nhiều hơn, người muốn rút lui lại càng trốn tránh hơn.



"Nó trở thành một vòng luẩn quẩn" - Sean Horan, Trợ lý Giáo sư chuyên về truyền thông - nhận định. Ông chia sẻ: "Bạn sẽ không còn tập trung vào giải quyết vấn đề hiện tại nữa, mà thay vào đó chỉ tranh cãi không đâu vào đâu" (1).


Dựa trên 74 nghiên cứu (với tổng cộng hơn 14.000 người tham gia) về hiện tượng "mất tích khỏi mối quan hệ", tiến sĩ Paul Schrodt lý giải: "Phần lớn những người bị kẹt trong vòng xoáy này xem bạn đời của họ là nguyên nhân chính" (2).


Silent treatment: Sự im lặng… chói tai


"Silent Treatment" nói không ngoa chính là sự trừng phạt đối phương trong một cuộc cãi vã và như mọi biện pháp khác, nó cũng đem đến những tổn thương cho người phải gánh chịu, bao gồm:

  • Gây ra nỗi đau vật lý

Đây có thể xem là hình thức bạo hành thân thể mà không để lại bất kỳ một dấu vết bầm tím nào. Kipling D. Williams - giáo sư khoa Tâm lý học tại Đại học Purdue - chia sẻ: "Im lặng độc hại, thậm chí chỉ trong thời gian ngắn, sẽ kích hoạt vành đai phía trước trên vỏ não và não bộ nhận diện chúng như nỗi đau thể xác" (3).

  • Thao túng tâm lý

Chủ động lảng tránh một ai đó thực chất là tẩy chay họ (4). Người còn lại thường có khuynh hướng chật vật bởi cảm giác trống vắng, tội lỗi và cô đơn do không xác định được nguyên nhân chấm dứt. Thậm chí, họ khó biết được liệu đó có phải là dấu chấm hết cho mối quan hệ hay không.


Bỏ mặc người kia chơi vơi tức là đang nhốt họ vào hố sâu, để mặc cho mọi suy nghĩ, phỏng đoán tàn phá tình yêu. Giả sử nếu mối quan hệ tình cảm bỗng một ngày chìm vào thinh lặng, chúng ta phải đối mặt thế nào với cảm giác lo lắng, bất an và mù mịt? Người chọn im lặng và ra đi có lẽ đã có đáp án của mình nhưng người ở lại vẫn đang chìm dưới đáy "đại dương tuyệt vọng".



  • Tổn thương lòng tự trọng


Giáo sư tâm lý Joel Cooper nhận định rằng đột ngột từ chối giao tiếp với người thương là tước đi một trong những nhu cầu căn bản nhất của con người - quyền được bày tỏ và bộc lộ quan điểm cá nhân (5).

Khi tiếng nói của một người không được lắng nghe, nó trở thành tiếng khóc rấm rứt và dần dà thành một tiếng oán than dai dẳng. Có khi, nó vùng lên thành tiếng kêu gào tuyệt vọng. Điều đáng nói là, tất cả thanh âm giằng xé đớn đau đó chỉ có thể chôn chặt trong tâm khảm của họ.


Những dằn vặt nội tâm này buộc họ phải đối mặt với sự tự vấn: "Có phải sự tồn tại của mình không có giá trị hay không?", "Vì sao người ấy đối xử tốt với tất cả, ngoại trừ mình?", "Mình có đáng để được người khác tôn trọng không?"... Đó là cách mà sự im hơi lặng tiếng của đối phương có thể "tra tấn" tinh thần của những người lâm vào tình cảnh "Silent Treatment".


Giải quyết mâu thuẫn: Nói hay không nói?


Trong cuốn sách Call me by your name (tựa tiếng Việt: "Gọi em bằng tên anh"), nhà văn André Aciman đã để các nhân vật của mình xoay vần trong câu hỏi: "Is it better to speak or to die?" (Tốt hơn là nên nói ra hay giấu kín trong lòng đến lúc lìa đời?).



Câu trả lời tùy thuộc vào quan điểm, hoàn cảnh và trải nghiệm riêng của mỗi người. Song, hãy nhớ rằng liên tục thể hiện sự phớt lờ và "im thin thít, lặn mất tăm" mỗi khi cãi vả chẳng khác gì đang đẩy mối quan hệ vào tình cảnh tồi tệ hơn.


Vì vậy, trước khi đưa ra lựa chọn, ta nên có thời gian để cơn giận "hạ nhiệt" và đặt mình vào vị trí của đối phương. Sau đó, hãy tự trả lời các câu hỏi: Im lặng nhau có giúp hai người chữa lành vết thương được không? Nếu có, ai sẽ là người cần được chữa lành? Nếu không, làm thế nào để đối đãi với nhau bằng sự tử tế và tôn trọng nhất có thể? Đó là những điều giúp chúng ta cân nhắc trước khi đưa ra sự im lặng tuyệt đối có khả năng gây thương tổn cho người yêu.


Comments


bottom of page