top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHạnh Nhân

Sự chia ly của bố mẹ không phải lúc nào cũng tiêu cực

Nhắc tới ly hôn, nhiều người sẽ đặt câu hỏi “Rồi con cái sẽ như thế nào?". Bởi lẽ người lớn cho rằng để trẻ con có thể phát triển toàn diện thì chúng phải được sống trong một gia đình hạnh phúc, có đầy đủ bố mẹ là người dìu dắt, thương yêu. Thế nên từ trước đến nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn tự trấn an bản thân rằng “cố gắng sống vì con” mặc dù mối quan hệ vợ chồng đã nhuốm màu phai nhạt. Nhưng sự thật là sống trong cảnh chia ly của bố mẹ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ hay không?



Theo nghiên cứu mới nhất, người ta cho rằng việc bố mẹ ly hôn đôi khi lại trở thành một bài học về tính tự lập tự cường trong cuộc sống cho con cái (1).


Tiến sĩ Joan B. Kelly lý giải kết luận của mình trên Tạp chí của Học viện Trẻ em và Vị thành niên Hoa Kỳ rằng: “Sống trong một môi trường được bảo bọc yêu thương là mưu cầu của tất thảy mọi người, nhưng không phải ai cũng may mắn có được nó. Nếu người lớn chấp nhận cứu vãn hôn nhân vì con thì phải làm sao cho đời sống thường nhật thật sự lành mạnh, ít cãi vã, không bạo lực thì mới có hiệu quả. Nếu chỉ duy trì trên hình thức thì nó lại phản tác dụng và đôi khi còn khiến cho những đứa trẻ cảm thấy rằng chúng mới là nguyên nhân của những điều tiêu cực đó” (2).


Một nghiên cứu khác từ đại học phía Nam Florida (Mỹ) được thực hiện trên các sinh viên đại học cho thấy 14% người tham gia nói rằng họ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và hạnh phúc hơn khi bố mẹ ly hôn.


Vậy “nụ cười” sau những điều mất mát ấy là gì?


Không phải cuộc chia ly nào cũng nhuốm màu tiêu cực

1. Những đứa trẻ từ gia đình ly hôn thường có khả năng đồng cảm với người khác hơn


Chứng kiến sự chia ly từ bố mẹ cũng như cảm giác mất mát hạnh phúc của chính bản thân khiến cho trẻ em trong gia đình ly hôn có thể học cách quan sát nhanh nhạy và quan tâm đến những người xung quanh. Đặc biệt, với một vài hoàn cảnh tương tự, những đứa trẻ này khi trưởng thành còn có thể chia sẻ và giúp đỡ đối phương vượt qua tổn thương nhanh chóng. Tâm lý học xem đây như là một tiếng vọng từ thời thơ ấu được ghi khắc trong lòng đứa trẻ, khiến chúng dễ chấp nhận những vấn đề khác biệt của người khác, cũng như hiểu được những nỗi đau mà người khác trải qua.


2. Trở nên kiên cường và học được cách dễ thích nghi với những thay đổi, mở lòng với các trải nghiệm mới trong cuộc sống


Ở độ tuổi nhi đồng, khi chưa biết nhiều về ý nghĩa của sự tan vỡ hôn nhân, đứa trẻ nghĩ đơn thuần về việc "bố mẹ ly dị" nghĩa là chỉ được ở với bố hoặc mẹ. Trẻ em nghĩ điều đó sẽ tương đồng với việc không còn những bữa cơm gia đình quây quần mỗi tối, cũng như sẽ thưa dần những chuyến du lịch có đủ thành viên vào dịp lễ, hè. Ở những gia đình văn minh, họ sẽ chia sẻ và cởi mở với con, để dù hôn nhân có kết thúc thì tình thân vẫn tồn tại, con vẫn có thể luôn gặp phụ huynh bất cứ khi nào con muốn.


Ngoài ra, việc thay đổi nơi ở cũng khiến cho đứa trẻ biết linh hoạt trong một số tình huống, không bị bó buộc ở bất cứ hoàn cảnh nào. Xét theo một khía cạnh nào đó, đây vẫn được coi là điều tích cực (3).


3. Biết cách chăm sóc bản thân từ sớm và khả năng nhìn cuộc sống dưới lăng kính độc lập hơn


Thay vì được chăm sóc bởi bố mẹ như trước, trẻ sẽ phải thích nghi cuộc sống với người mẹ (hoặc bố) đơn thân và thụ hưởng đời sống kinh tế có phần khó khăn hơn khi đã mất đi một nửa tài chính trong gia đình. Từ đó, đứa trẻ phát triển được khả năng tự lo lắng cho những sinh hoạt từ đơn giản nhất, cho đến việc phải trải qua nhiều khoảng thời gian không có phụ huynh bên cạnh vì họ phải ra ngoài bươn chải mưu sinh, hay tận hưởng cuộc sống mới của riêng mình.


Có vẻ như việc trải nghiệm qua nỗi đau từ sớm khiến đứa trẻ phát triển được những cơ chế phòng vệ cho bản thân để đối phó với nhiều tình huống bất ngờ xảy ra trong cuộc sống. Nếu như đứa trẻ trước kia luôn làm nũng, đua đòi và mong muốn được chiều theo ý thích thì có lẽ giờ đây chúng sẽ đón nhận những chuyện bất như ý một cách dễ dàng hơn (và cũng cam chịu hơn).


Việc sống trong gia đình không có đủ sự chăm sóc từ bố và mẹ khiến cho đứa trẻ có xu hướng tự làm mọi việc

4. Bài học về giá trị của hạnh phúc


Khi hai người thân yêu nhất của mình lựa chọn dừng lại cuộc sống nhiều mâu thuẫn, buông tay với những điều tiêu cực và bỏ lại một tình yêu "đã từng là tất cả" thì chính đứa trẻ đó cũng nhận ra được là hạnh phúc không có nghĩa là phải ở bên cạnh nhau mỗi ngày, mà là dù có xa cách thì mỗi người vẫn được hạnh phúc với lựa chọn của riêng mình. Cách bố mẹ rời xa nhau cũng chính là một bài học về ước mong được sống hạnh phúc của mỗi cá nhân, rằng bất cứ ai trên cuộc đời này cũng xứng đáng được sống nhẹ nhàng và được yêu thương lành mạnh - chứ không phải là những trói buộc. Từ đó, trên hành trình khôn lớn, đứa trẻ sẽ học được rằng mình hoàn toàn có quyền lựa chọn hạnh phúc cho bản thân.


5. Việc ly hôn cũng có thể giúp đứa trẻ có nhiều trải nghiệm và kết nối sâu sắc hơn với mỗi phụ huynh (4)


Việc chỉ gặp được bố hoặc mẹ sau ly hôn có thể mang lại nhiều khoảng thời gian riêng tư cũng như các cuộc trò chuyện sâu sắc hơn cho trẻ với mỗi người. Đặc biệt là trong trường hợp những bố mẹ trước đây có nhiều xung đột nên không thể mở lòng hay quan tâm đến đứa trẻ. Bên cạnh đó, khi cả gia đình thường xuyên gặp nhau mà bố mẹ đang có mâu thuẫn không thể giải quyết, họ sẽ chẳng còn tâm trí để dành trọn vẹn thời gian trải nghiệm các hoạt động với con cái. Nhưng khi chỉ có thể gặp đứa trẻ một vài ngày mỗi tuần, phụ huynh sẽ kết nối với đứa trẻ bằng nhiều hoạt động khác nhau như đi ăn uống, đi công viên, hoặc cùng con đi dạo và nói về những câu chuyện mới vừa diễn ra.


6. Biết được rằng kết hôn không chỉ cần tình yêu mà còn nhiều điều hơn thế


Là chứng nhân của một mối quan hệ tan vỡ, những đứa trẻ trong gia đình ly hôn hiểu sâu sắc hơn về rủi ro của quyết định kết hôn và lời hứa cam kết trọn đời với ai đó. Hiểu rằng hôn nhân luôn đi kèm trách nhiệm nặng nề, nên khi trưởng thành và bắt đầu có tình cảm với người khác, chúng sẽ dè dặt và có phần thận trọng với những lời hứa hẹn. Cũng chính vì điều đó, những đứa trẻ ấy trưởng thành và được đánh giá là nghiêm túc với tình yêu, kiên định trong hôn nhân.


Không ai muốn sống trong gia đình thiếu vắng sự yêu thương. Thế nhưng, trong bài viết này, chúng tôi muốn tổng hợp những nghiên cứu tâm lý để những bậc làm cha làm mẹ trong tình huống “vầng trăng ai xẻ làm đôi” hãy cứ tích cực trong mọi quyết định liên quan đến con cái. Mong bạn vẫn luôn thong dong trước mọi nghịch cảnh, mỉm cười trước những ngả rẽ bất ngờ, để cho dù vợ chồng không còn chung nhà thì vẫn chung lòng trong việc nuôi dạy con trẻ lớn lên đủ đầy trong sự yêu thương.


Comments


bottom of page