top of page
Tìm kiếm

Sự phát triển khả năng vận động tinh của trẻ từ sơ sinh đến 24 tháng tuổi

Kỹ năng vận động tinh (fine motor skill) được xem là những chuyển động tay có phần nhịp nhàng, đặc biệt là sự phối hợp giữa ngón tay, cổ tay, phục vụ cho việc với lấy, cầm nắm, thao tác với đồ vật của trẻ. Đây là những kỹ năng có tính liên kết và phối hợp cao, liên quan đến cả phần nhìn, cụ thể là kỹ năng vận động thị giác, mà chúng ta thường gọi là khả năng phối hợp của tay và mắt. Dưới đây là một số mốc phát triển vận động tinh của trẻ và cách cha mẹ có thể hỗ trợ trẻ.



Khác với kỹ năng vận động thô khi trẻ cần sử dụng những nhóm cơ lớn để điều khiển cơ thể thực hiện các vận động, kỹ năng vận động tinh tập trung sử dụng những nhóm cơ nhỏ hơn. Với trẻ sơ sinh và mới biết đi, cha mẹ cần tạo cơ hội cho bé vui chơi và thực hành những thao tác dưới đây, nhằm giúp trẻ phát triển những kỹ năng vận động tinh cần thiết.


Các mốc phát triển của trẻ từ sơ sinh đến 2 tuổi



1. Trong tháng đầu tiên:

  • Có những phản ứng với khuôn mặt người thân, hoặc các vật, hình ảnh có độ tương phản cao

  • Đưa mắt nhìn theo các vật thể chuyển động

  • Hướng về phía giọng nói hoặc âm thanh quen thuộc

  • Có phản xạ nắm chặt lòng bàn tay, khi có vật nhỏ đặt vào lòng bàn tay


2. Trong tháng thứ 2:

  • Nhận thức được từ ngón tay của trẻ, như là khi chúng ta đặt đồ vật vào tay trẻ, ngón tay sẽ đóng lại

  • Bàn tay của bé giữ ở trạng thái mở trong khoảng thời gian dài hơn, từ đó, bé cũng có thể đóng mở tay rõ ràng và thường xuyên hơn

  • Nhận biết được khuôn mặt cha mẹ

  • Cười một cách tự nhiên để thể hiện sự vui vẻ


3. Trong tháng thứ 3:

  • Bé đã có thể đưa tay hoặc đồ vật lên miệng

  • Di chuyển tay chân

  • Cử động các ngón tay, có thể nhặt và vẫy đồ vật bằng tay, tuy nhiên, các thao tác chưa hoàn toàn chính xác

  • Có phản xạ với tay tới đồ vật trước mắt


4. Từ 3 đến 6 tháng tuổi:

  • Nắm được các đồ vật nhỏ chắc chắn hơn mà không cần đeo vào các ngón tay, chẳng hạn như nắm tay cha mẹ

  • Với tay lấy đồ vật bằng một hoặc cả hai tay

  • Có khả năng giữ đồ vật bằng hai lòng bàn tay, thậm chí là khả năng đan hai tay vào nhau

  • Chuyển động được tay khi nằm sấp

  • Hướng mắt nhìn theo đồ vật


5. Từ 6 đến 9 tháng tuổi:

  • Từ tháng thứ 6, bé bắt đầu biết vỗ tay

  • Có khả năng cầm và di chuyển cốc bằng tay cầm, sau đó chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia

  • Có thể đóng mở bàn tay một cách hoàn toàn chủ động và thoải mái

  • Có khả năng nhặt và đưa đồ ăn lên để bỏ vào miệng

  • Có khả năng nắm đồ vật bằng ba ngón tay là ngón trỏ, ngón giữa và ngón cái

  • Có thể thao tác đồng thời với hai đồ vật ở mỗi bên tay


6. Từ 9 đến 12 tháng tuổi:

  • Đã có khả năng kiểm soát và ném đồ vật một cách chủ động vào một hướng nhất định

  • Đưa và nhận đồ vật từ người khác

  • Lấy và đặt đồ vật từ một vị trí nhất định

  • Có thể cầm nắm các vật mảnh và nhỏ như dây giày, lật được trang sách dầy hoặc cầm được hai vật nhỏ trong một tay

  • Tự mở được ngăn kéo và khám phá những đồ vật bên trong

  • Xếp được hai khối hình chồng lên nhau, hoặc đặt đồ vật vào vị trí định trước

  • Có thể thực hiện được thao tác cầm nắm bằng ngón tay trỏ và ngón tay cái, điển hình là việc nhặt những vật nhỏ từ trong cốc


7. Từ 12 đến 18 tháng tuổi:

  • Bé có thể vỗ tay và vẫy tay tạm biệt một cách tự nhiên theo ý muốn

  • Thuần thục việc đặt đồ vật vào vị trí xác định

  • Sử dụng cả hai tay để chơi

  • Có thể giữ thẳng ngón tay trỏ trong khi các ngón tay khác nắm lại

  • Sử dụng được thìa và cốc, sử dụng được cả bút để vẽ nguệch ngoạc và còn có thể xé được giấy


8. Từ 18 đến 24 tháng tuổi:

  • Có thể lật được từng trang sách

  • Có khả năng cầm bút bằng các đầu ngón tay và ghép khối hình vào đúng vị trí cần ghép



Cha mẹ làm gì để hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng vận động tinh?


Khi nhắc đến những hoạt động phát triển kỹ năng vận động cho trẻ dưới hai năm tuổi thì khoảng thời gian nằm bụng là một trong những hoạt động hỗ trợ quan trọng hàng đầu.

Thời gian nằm bụng (tummy time) là khoảng thời gian mà trẻ sơ sinh học cách sử dụng cơ thể của mình. Khoảng thời gian nằm bụng giúp trẻ tăng cường cơ bắp và thành thạo các kỹ năng lật người, ngẩng đầu… có nhiều tác động tích cực đến khả năng vận động cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ (1).


Khoảng thời gian trẻ chơi ở tư thế nằm bụng sẽ làm tăng sự ổn định phần cơ lõi, thông qua các tư thế ngẩng đầu, lăn lộn, chồm người dậy… Đây là những kỹ năng vận động thô đầu tiên và đóng vai trò nền tảng, giúp hỗ trợ phát triển các kỹ năng vận động tinh, thông qua việc trẻ cần kiểm soát tư thế lẫn sức mạnh để giữ được sự ổn định cho bàn tay và các ngón tay.


Điển hình là việc trẻ học cách chống tay khi nằm bụng. Đây là hoạt động khởi đầu cho tiến trình phát triển sức mạnh, độ ổn định của vai và lòng bàn tay, những bộ phận mà sau này sẽ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động phối hợp đòi hỏi nhiều sự chính xác. Chẳng hạn, trẻ sử dụng phối hợp những bộ phận đó khi vẽ hoặc viết, ném bóng vào một điểm mục tiêu...



Để giúp trẻ phát triển kỹ năng thị giác


Sát lại gần hơn với trẻ: Trẻ nhỏ rất thích nhìn vào khuôn mặt, nhất là với khuôn mặt của cha mẹ với những biểu cảm yêu thương. Đặt sát khuôn mặt của bạn đến gần trẻ trong khoảng 30 - 35 cm, sau đó là trò chuyện hoặc làm trò với trẻ. Độ tương phản của khuôn mặt sẽ thu hút sự tập trung của trẻ, điều này giúp trẻ sử dụng kỹ năng thị giác nhiều hơn.


Lựa chọn màu sắc: Trẻ từ 3 tháng tuổi thường thích những màu lạnh như màu xanh da trời, xanh dương, xanh lá… Khi lớn hơn một chút, ở tháng thứ 6, bé có thể bắt đầu làm quen với những màu sắc sặc sỡ hơn như đỏ, vàng, cam…


Để trẻ tiếp xúc với nhiều môi trường, góc độ khác nhau: Thay vì chỉ cố định chiếc nôi của trẻ ở một góc, cha mẹ có thể đặt nôi cho trẻ ở nhiều vị trí khác nhau. Thường xuyên bế trẻ đi dạo quanh nhà, sân vườn, nơi có nhiều cây xanh, để phát triển kỹ năng thị giác cho trẻ.


Lưu ý, bạn nên luân phiên bế trẻ ở ngang vai, để trẻ có thể nhìn mọi thứ với tư thế đầu thẳng.


Σχόλια


bottom of page