top of page
Tìm kiếm

Sự thật về bản chất của Yoga và những lợi ích khi tập

Yoga đang ngày càng trở nên phổ biến. Rất nhiều người lựa chọn tập yoga để có một thân hình đẹp hơn, một sức khỏe dẻo dai hơn, nhưng thực tế, bản chất và khởi nguồn của yoga không phải để tác động đến sức khỏe vật lý mà thông qua sức khỏe tinh thần để tăng cường, thúc đẩy, xây dựng một cơ thể khỏe mạnh.



1. Yoga là gì?


Yoga, có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại, được công nhận là một hình thức y học thực hiện thay thế các bài tập về cơ thể - tâm trí (1). Yoga bao gồm nhiều bài tập cải thiện sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và cả phần tâm linh của người tập.


Theo tiếng Phạn, “Yoga” có nguồn gốc từ chữ “Yuj” có ý nghĩa đoàn kết, hòa hợp. Như vậy, bộ môn này được xây dựng với mục đích giúp phần thể chất và phần tinh thần của người tập thống nhất làm một thể thông qua các kỹ thuật thở, các tư thế yoga và thiền.


2. Yoga tác động đến não bộ như thế nào?


Não bộ chúng ta là một bộ vi xử lý cấp cao hoàn hảo. Mỗi một khu vực sẽ phụ trách một chức năng nhất định. Trong đó phải kể đến vỏ não, trung khu xử lý thông tin, và hồi hải mã, khu vực chịu trách nhiệm cho việc học tập và ghi nhớ.


Khi chúng ta tập yoga, cũng như tập thể dục, phần cơ sẽ dày và khỏe hơn, đồng thời, vùng vỏ não và hồi hải mã cũng dày hơn. Điều này giúp cho quá trình tập trung xử lý thông tin và ghi nhớ của những người thường xuyên tập yoga có thể cao hơn những người không tập.


Ngoài ra, theo độ tuổi, hai vùng não này sẽ dần co lại gây nên những bệnh đãng trí, hay quên nặng như Alzheimer ở người già. Tuy nhiên, với những người thường tập yoga, hai vùng này có sự co rút ít hơn so với những người khác, do vậy tình trạng suy giảm trí nhớ và các chức năng nhận thức khác cũng ít hơn.


Hơn nữa, tập yoga giúp làm giảm mức độ hormone căng thẳng, tăng sản xuất endorphin - chất gây hưng phấn và kích thích máu đưa nhiều oxy lên não hơn. Đồng thời, yoga còn nâng cao nồng độ của axit gamma-aminobutyric (GABA) trong não, một chất giúp tâm trạng tốt hơn và giảm thiểu lo lắng (2).


Như vậy, việc thường xuyên luyện tập yoga vừa giúp cải thiện, tăng cường sự tập trung và trí nhớ, đồng thời cũng tác động đến hormone, chất dẫn truyền trong não bộ giúp tinh thần thoải mái hơn, giảm căng thẳng và lo âu.


3. Lợi ích bất ngờ của Yoga



3.1 Yoga giúp giảm căng thẳng, rối loạn lo âu


Có nhiều loại rối loạn lo âu khác nhau như chứng rối loạn lo âu tổng quát, lo âu xã hội hay ám ảnh sợ hãi. Thậm chí, với những người thường xuyên căng thẳng, việc bị căng thẳng trong một thời gian dài và liên tục cũng được phân loại là rối loạn lo âu. Có thể thấy rằng số lượng người bị rối loạn lo âu ngày càng tăng. Đặc biệt tại Mỹ, rối loạn lo âu được cho là chứng rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến nhất tại đây (3).


Kết quả nghiên cứu của Masoumeh Shohani, chuyên gia - trợ lý giáo sư chuyên ngành điều dưỡng thuộc Đại học Ilam, đã chứng minh rằng yoga, đặc biệt là yoga asana có vai trò hiệu quả trong việc giảm căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Vì vậy, nó có thể được sử dụng như một liệu pháp bổ trợ trong quá trình điều trị cho những bệnh nhân này (4).


Tuy nhiên chúng ta cũng cần lưu ý rằng những tư thế, động tác khi tập yoga chỉ là một khía cạnh, điều quan trọng và cốt lõi của yoga là sự thở. Những hoạt động thiền, hít thở, niệm Om,... trong yoga đóng vai trò chủ yếu giúp giảm trạng thái tinh thần căng thẳng, lo âu ở người tập.


3.2 Yoga có thể giúp cải thiện giấc ngủ


Bạn có bao giờ ngủ dậy mà vẫn cảm thấy mệt mỏi, không thể tỉnh táo dù ngủ đủ 8 tiếng? Đó là do chất lượng giấc ngủ kém. Dù bạn ngủ đủ 8 tiếng nhưng chất lượng giấc ngủ không đảm bảo sẽ khiến chúng ta mệt mỏi, luôn có cảm giác “ngủ mà như chưa ngủ”.


Chất lượng một giấc ngủ được đo bằng thời gian ngủ và độ sâu của giấc ngủ. Tức là, một giấc ngủ chất lượng không chỉ cần ngủ đủ thời gian mà phải đủ sâu để não bộ và cơ thể phục hồi sau một ngày làm việc căng thẳng. Nếu xuyên suốt giấc ngủ, chúng ta bị buộc phải thức dậy hay gặp ác mộng, điều này sẽ khiến tinh thần không được thư giãn trọn vẹn, thậm chí còn khiến ta bất an.


Với những người tập yoga, từ tác động của việc tập thể chất đến những hiệu quả xoa dịu tinh thần, giải tỏa căng thẳng thông qua thiền và thở, họ đi vào giấc ngủ nhanh hơn và sâu hơn những người khác. Những người thường xuyên luyện tập yoga có chất lượng giấc ngủ tốt hơn những người không tập (5). Nếu bạn đang gặp vấn đề với giấc ngủ, hãy thử yoga xem sao nhé!


3.3 Yoga có thể cải thiện hoạt động của não


Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng yoga thực sự là một bài tập thể dục cho cả trí óc và cơ thể. Cũng như từng bộ phận trên cơ thể, khi được luyện tập thường xuyên thì sẽ săn chắc và dẻo dai, não bộ cũng vậy. Ngoài việc vỏ não và hồi hải mã dày hơn như đã nói ở trên, những khu vực não bộ chịu trách nhiệm về vận động, sự thích ứng dẻo dai và linh hoạt cũng được ghi nhận ở trạng thái tốt hơn so với người không tập yoga (6).


4. Tập yoga sao cho đúng?


Yoga là một môn thể thao đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, tính kỷ luật cũng như độ chính xác cao, do vậy bạn nên lựa chọn học 1:1 hoặc theo nhóm của một giáo viên có chuyên môn. Giáo viên yoga có thể giúp bạn sửa những tư thế sai, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến hệ cơ xương khớp.


Đồng thời, khi tập yoga, bạn cũng nên lưu ý trình độ và thể trạng của bản thân để lựa chọn độ khó và giữ tư thế ở thời gian hợp lý nhất. Tránh lựa chọn tập những động tác có độ khó cao, giữ thế quá sức khi mới bắt đầu vì dễ dẫn đến chấn thương khi luyện tập.


Mặc dù có khá nhiều khóa hướng dẫn tập yoga online, nhưng LeLa Journal tin rằng bạn nên theo học ít nhất 1 khóa căn bản trước để hiểu về nguyên lý, cơ chế và các tư thế cơ bản của yoga. Khi đã có kiến ​​thức cơ bản, bạn có thể sử dụng sách và video để giúp bạn thực hành.


Như vậy, chúng ta đồng ý với nhau rằng yoga là một bộ môn thể thao mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, từ sức khỏe thể chất đến sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên hãy lưu ý học cùng giáo viên có chuyên môn hoặc có căn bản trước khi tự tập để đảm bảo an toàn và hạn chế chấn thương nhé!


Comments


bottom of page