top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảNguyễn Lan Uyên

Yoga là hành trình tiêu biến bản ngã

“Cơ địa tôi rất cứng, tôi không thể tập yoga!”

“Tôi lớn tuổi rồi, không dẻo dai như thiếu nữ nên yoga không phù hợp!”


Đó là những câu trả lời thường thấy ở những người từ chối bộ môn yoga. Có lẽ hình ảnh những yogi (từ dùng để gọi những người tập yoga) trong các tư thế uốn dẻo kỳ lạ đã phần nào hình thành nên sự lầm tưởng này.


Những lầm tưởng trong yoga



Ý nghĩa thực sự của bộ môn yoga mang nhiều giá trị quan trọng hơn như thế. Cơ thể mềm dẻo không phải là điều kiện, mà đơn thuần là một trong những kết quả mà yoga mang lại. Dù bạn theo đuổi trường phái nào trong 20 trường phái tập luyện thì trong quá trình luyện tập, bạn sẽ thấy thể chất có xu hướng phát triển về sức mạnh, độ dẻo dai hoặc tính cân bằng khác nhau.


Có người sẽ hội tụ hai đến ba yếu tố trên, có người nghiêng hẳn về một yếu tố. Tựu trung, dù bạn nhận ra cơ thể vật lý nghiêng về thiên hướng nào thì điều tinh túy nhất của yoga vẫn là giúp bạn hợp nhất giữa cơ thể và tinh thần.


Tuy nhiên, với nhu cầu tập yoga quá lớn ở các đô thị phát triển, khía cạnh tinh thần của yoga dường như đã bị bỏ rơi phần nào.


Nhiều người tập yoga hoặc thậm chí nhiều giáo viên hướng dẫn chỉ chú trọng vào việc cố gắng thực hiện một tư thế đẹp nhất, hoàn chỉnh nhất mà đánh mất cơ hội cảm nhận cơ thể sâu sắc.


Mạng lưới các mô liên kết ở mỗi người đều có tính linh hoạt khác nhau, khả năng kỹ thuật của mỗi người cũng khác nhau nên lợi ích thuần khiết của yoga mang lại là dùng sức mạnh của nội lực để xoa dịu nỗi đau thể chất, dù bạn thuộc về thiên hướng dẻo dai, sức mạnh hay thăng bằng đi chăng nữa.

Dùng sức mạnh của nội lực để xoa dịu nỗi đau thân thể hàm nghĩa rằng khi tập yoga, bạn cần giữ tư thế đòi hỏi vừa có sức mạnh, dẻo dai và thăng bằng trong khoảng thời gian ít nhất 6 giây. Lúc này, người tập phải sử dụng kỹ thuật thở và chú tâm tối đa vì nếu phóng tâm (tức suy nghĩ, cảm xúc mông lung) thì khả năng rớt thế rất cao cùng sự luyện tập trước đó về sức mạnh, dẻo dai, thăng bằng. Tóm lại, các tư thế trong yoga phải bắt nguồn từ sự chú tâm (hướng vào bên trong), khi tâm cân bằng, tư thế yoga sẽ thăng bằng và dẻo dai, từ đó nỗi đau trên thân được giải tỏa.


Yoga là hành trình tinh thần chứ không phải tập thể lực



Ở một số phòng tập, yoga đã trở thành bộ môn thể dục, thậm chí là thể lực, hoặc được quảng cáo như phương pháp giảm mỡ.


Tuy không phủ nhận yoga mang lại những lợi ích to lớn về thể chất như hỗ trợ chức năng cơ xương và sức khỏe tim mạch, nhưng theo triết lý yoga cổ xưa thì các tư thế (asana) chỉ là bắt đầu, bạn cần có một cơ thể khỏe mạnh để khám phá nội lực thực sự của chính mình. Tâm trí, cơ thể và tinh thần đều là một và không thể tách rời (1).


Người thấu hiểu triết lý yoga sẽ tận dụng asana để hòa hợp với hơi thở, hòa tan vào những chuyển động nhịp nhàng để nuôi dưỡng nguồn năng lượng tiềm ẩn bên trong.


Khi thực hiện một động tác yoga, các cơ bắp, mô và khớp nối bắt đầu hoạt động. Bạn bắt đầu uốn dẻo đến một giới hạn nhất định của cơ thể. Phản ứng đầu tiên sẽ là đau, do các cơ bắp bắt đầu gửi tín hiệu đến não về phản xạ chống lại sự căng cơ này. Từ đó, người tập yoga sẽ đưa hơi thở vào để làm mềm mại độ đàn hồi của dây chằng. Nếu thực hiện mọi thứ thật chậm và thường xuyên, bạn sẽ tháo gỡ giới hạn của mình từng bước một mà không cần phải hi sinh tính toàn vẹn của cấu trúc cơ thể hiện tại để thỏa mãn bản ngã.


Trong quyển sách "Hành trình về phương Đông", tác giả Baird T. Spalding có viết: "Yoga ý thức rất rõ sự liên quan chặt chẽ giữa cơ quan hô hấp và tuần hoàn. Cả hai cơ quan này liên hệ mật thiết với hệ thần kinh. Bộ thần kinh là chìa khoá vào cánh cửa tâm linh, do đó, hơi thở chính là lối vào tinh thần. Nhưng hơi thở chỉ là sự biểu lộ trên địa hạt vật chất của một sức mạnh tế nhị hơn. Sức mạnh này mới là cột trụ sinh hoạt xác thể, và chính sức mạnh vô hình, vô ảnh ẩn tàng trong cơ thể chúng ta mới thực sự điều khiển đời sống."

Cho dù bạn cố gắng đến thế nào thì tư thế của bạn cũng không giống những người khác, vì chúng ta đều là những cá thể khác biệt. Việc định tuyến hình ảnh trong yoga chỉ là một phương pháp để người tập hướng đến, nhưng nhất thiết chúng ta cần lắng nghe cơ thể mình.


Yoga là bù nước vào những nỗi đau



Trong khoảng thời gian luyện tập yoga, đôi khi chúng ta cảm thấy mình dường như đang phải đối mặt với những cảm xúc mạnh mẽ bên trong.


Tuy không phải ai cũng trải qua những điều đó, nhưng trong một thế giới ngày càng hướng về các giá trị tinh thần để tìm sự đồng cảm, thì những thông điệp đến từ yoga như một dòng chảy đưa bạn đi vào vũ trụ nội tâm, khôi phục sự bình thản và giúp bạn đối mặt với những hỗn loạn bất thường xảy ra bên trong mình. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi bạn thấy mình lạc vào một nỗi đau sâu thẳm nào đó trong quá khứ ngay khi bạn đang điều hòa hơi thở.


Khi buồn bã, cơ thể sẽ có xu hướng co lại, ủ rũ, tay chân nặng trĩu.


Khi vui vẻ, cột sống thẳng đứng, lồng ngực dường như mở rộng hơn và mọi cử động cũng trở nên thoải mái, linh hoạt.


Trong các bài thực hành yoga, giáo viên luôn luôn nhắc nhở bạn phải giữ cột sống thẳng, vai luôn mở rộng và lồng ngực căng tràn. Đây là cách hiệu quả để giải phóng những bó cơ bị mắc kẹt và những cảm xúc bị tắc nghẽn.


Để giải thích về sự liên quan giữa cơ thể vật lý và cảm xúc, Madina Tanekeyeva, giáo viên yoga tại Sydney, đồng thời là tác giả quyển sách “Yoga giải tỏa cảm xúc” đã chia sẻ trên tạp chí Elle rằng màng cơ là mô liên kết bao quanh và đan xen toàn bộ cơ thể, và điều này khá quan trọng. Đây là một tấm bao bọc xung quanh các cơ quan, mạch máu, dây thần kinh và xương. Màng cơ chủ yếu được cấu tạo từ collagen và 70% nước. Khi cơ thể bị chấn thương, cả thể chất lẫn tinh thần, cơ thể sẽ mất nước. Khi tình trạng mất nước do chấn thương này xảy ra, cơ trở nên ít lỏng hơn, giống như gel hơn, đặc và trở nên dính (2).


Theo cô Tanekeyeva, thường xuyên thực hành các động tác mở rộng và thẳng đứng trong yoga là cách xoa bóp nhẹ nhàng cho cơ thể và tinh thần, giả định sự lạc quan, bù nước vào những nỗi đau để tưới tắm nó. Càng lặp đi lặp lại nhiều lần, tư thế càng vững chắc, những cảm xúc bị mắc kẹt trong mạng lưới của mô ghép đó sẽ được giải phóng.


4 cách tiêu biến bãn ngã trong tấm thảm tập



Yoga không chỉ giúp bạn cải thiện thể chất, cân bằng tinh thần, mà còn giúp bạn khám phá ra chính mình.


Khi bạn học cách theo dõi hơi thở, các tạp niệm dần bị mất đi, cảm giác thư thái sẽ bắt đầu len lỏi vào trong tiềm thức, trí tuệ dần được khai sáng. Trí tuệ chỉ có thể được tăng cường khi bạn ổn định trạng thái tâm lý, không đắn đo với quá khứ, không áp lực về tương lai.

Tuy nhiên, bạn đã thực sự biết cách tận dụng yoga để làm tan biến bản ngã, vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu khi đến với bộ môn này? Điều này đòi hỏi bạn phải thực sự để cho cơ thể, trí óc và linh hồn mình tham gia đầy đủ vào giây phút hiện tại.


Dưới đây là cách để bạn có mặt trọn vẹn trong hành trình buông bỏ bản ngã trên tấm thảm tập:


1. Không nhất thiết tập yoga với những tấm gương xung quanh


Bạn không cần thiết phải nhìn xem mình có đang thực hiện tư thế thật đẹp hay không. Điều mà bạn nên nhìn thấy lúc này không phải là bóng mình qua gương, mà bạn cần biến mình là một hình bóng bên kia tấm gương phản chiếu nội tâm của chính mình.


Nếu có thể, bạn nên nhắm mắt càng nhiều càng tốt trong quá trình luyện tập, hoặc giữ mắt trên tấm thảm để tập trung hướng nội.


2. Ngừng so sánh bản thân với người khác


Có những tư thế khiến bạn phải đưa mắt ra xung quanh, phía trước, hoặc phía sau. Lúc này có thể sẽ có những suy nghĩ bắt đầu nổi lên trong tâm trí:

- Bộ đồ của chị ấy đẹp quá! - Tại sao chị ấy có thể làm động tác này dễ như vậy? - Bụng chị ấy thon quá!


So sánh và cạnh tranh luôn là một phần của bản ngã. Khi đã bước lên thảm, dù là phòng tập hay nơi riêng tư, bạn cần học cách ngừng tìm kiếm thế giới ngoài kia để trở về cơ thể và tâm trí bạn.


Thực hành yoga là bạn đang đi trên con đường của chính mình. Hành trình của cá nhân bạn thì hãy để chỉ một mình bạn chứng kiến và trải nghiệm trọn vẹn.


3. Quan sát hơi thở


Hơi thở là thứ nhạy cảm với cảm xúc.


Bạn có thể vô thức nín thở vài giây trước một cảnh đẹp tuyệt mỹ, một món quà bất ngờ, một màn trình diễn mãn nhãn.


Bạn có thể thở hổn hển khi lo lắng, mệt mỏi, sợ hãi.


Bạn có thể thở phào nhẹ nhõm khi vừa trải qua một cảm giác bất an nào đó…


Vì vậy, hơi thở là sợi dây kết nối thân – tâm. Quan sát hơi thở là quan sát những cảm xúc có mặt bên trong để ta có thể chuyển hóa nó.


Khi tức giận, bạn thường thở gấp.


Khi thực hiện những động tác khó trong yoga, lúc bị đau, bạn thường nín thở.


Bạn hoàn toàn có thể dùng hơi thở để làm chủ hành vi và cảm xúc của mình. Cơn giận sẽ hạ xuống, nỗi đau trong quá trình tập luyện sẽ lập tức giảm bớt chỉ bằng việc hít sâu, thở chậm.


Ví dụ tư thế gập người trong yoga, khi bạn đã gập đến giới hạn và cảm thấy đau, chỉ cần bạn hít sâu, thở chậm, bạn sẽ bất ngờ vì bạn đã có thể gập sâu thêm một chút nữa, phá vỡ giới hạn bản thân.


4. Ngừng tìm kiếm sự hoàn hảo trong yoga


Bạn có thể đánh giá cao những người xung quanh, nhưng phải chấp nhận rằng việc luyện tập của mình cũng có ý nghĩa tương tự. Vẻ đẹp của người khác trong cách họ rèn luyện cũng đồng nhất với dáng vẻ nỗ lực của bạn, cho dù bạn không đứng vững hay không giữ được tư thế lâu như người khác.


Yoga không hề có đích đến cuối cùng, mà là hành trình mà bạn khám phá bản thân khi đứng trên tấm thảm tập, là nơi để bạn lắng nghe tiếng nói cơ thể mình, xoa dịu, và chữa lành bằng việc học cách làm tan biến bản ngã.


Thực hành yoga cũng là lúc bạn có thể sẽ đối mặt với muôn vàn làn sóng ý nghĩ diễn ra trong tâm thức. Chúng cuộn tràn liên tục, trùng trùng điệp điệp. Yoga là hình thức thiền chuyển động, cho phép chúng ta trở lại hiện thân. Hãy đơn giản là đưa sự chú ý của bạn trở lại với hơi thở và những cảm giác của cơ thể.

Một khi đã bước lên tấm thảm tập, hãy giữ cho sự thực hành được thiêng liêng một cách trọn vẹn. Bạn sẽ cảm thấy mọi thứ thật tuyệt vời, tràn đầy lòng biết ơn vì đã dành thời gian yêu thương bản thân. Khoảnh khắc đẹp đẽ này hoàn toàn dành cho bạn.

Comments


bottom of page