top of page
Tìm kiếm

Càng được dạy bảo nghiêm khắc, trẻ lại càng dễ bị... sâu răng

Các bậc cha mẹ có bao giờ thắc mắc rằng tại sao chúng ta đã hạn chế cho con ăn đồ ngọt, cũng như yêu cầu bé đánh răng đầy đủ và đúng cách, thế nhưng trẻ vẫn bị sâu răng? Những nghiên cứu khoa học mới nhất mà Lela Journal tổng hợp sẽ giúp giải đáp thắc mắc này.



Cách nuôi dạy ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của trẻ


Đúng vậy, hai điều tưởng chừng như không liên quan này thực ra lại có mối quan hệ mật thiết. Theo những nghiên cứu mới nhất vào năm 2020 và năm 2021 thì cách mà các bậc phụ huynh nuôi dạy trẻ có ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của chúng. Cụ thể hơn, một nghiên cứu mang tên "Mối liên hệ giữa hành vi của ba mẹ với tình trạng sâu răng ở trẻ" của tác giả Bhavna Sabbarwal tại Đại học Bangalore (Ấn Độ) đã chỉ ra rằng:


Tỷ lệ trẻ em bị sâu răng cao hơn ở những trẻ có cha mẹ nuôi dạy theo kiểu dễ dãi (permissive) và độc đoán (authoritarian). Trẻ em được nuôi dưỡng bởi cha mẹ thể hiện quyền lực vừa phải (authoritative) sẽ có tình trạng sức khỏe răng miệng tốt hơn so với những đứa trẻ còn lại (1).

Một thống kê khác của tác giả S J Quek khi thực hiện trên 389 trẻ em từ bốn đến sáu tuổi cũng phát hiện điều tương tự (2).



Khoa học giải thích chuyện "trẻ sâu răng" dưới góc độ tâm lý hành vi như thế nào?


Đầu tiên, chúng ta phải nắm qua về bốn kiểu nuôi dạy con cái trong các gia đình hiện nay đã được các chuyên gia tâm lý và bác sĩ nhi khoa công nhận (3):

  • Kiểu độc đoán (authoritarian parenting): Cha mẹ có xu hướng kiểm soát chặt chẽ và đưa ra nhiều quy tắc cụ thể mà không cho phép con cái tham gia vào quá trình quyết định.

  • Kiểu dễ dãi (permissive parenting): Cha mẹ cố gắng trở nên thân thiện và dễ tính với con cái hơn bằng cách cho trẻ nhiều quyền hơn trong việc đưa ra quyết định, đồng thời không áp đặt nhiều giới hạn lên con cái.

  • Kiểu thể hiện quyền lực vừa phải (authoritative parenting): Đây là kết hợp giữa sự kiểm soát và tôn trọng đối với quyết định của con cái, giúp chúng phát triển độc lập và có khả năng đưa ra lựa chọn.

  • Kiểu không tham gia (uninvolved parenting): Cha mẹ sẽ thường không thể hiện sự quan tâm, chăm sóc và thường không tạo ra môi trường an toàn và ổn định cho sự phát triển của con.

Việc nuôi dạy theo kiểu dễ dãi và không quan tâm khiến bé sâu răng là điều dễ hiểu, bởi vì bọn trẻ được thoải mái tự do trong vấn đề ăn uống và cả chăm sóc răng miệng. Thế nhưng việc nuôi con theo kiểu độc đoán cũng khiến tỷ lệ sâu răng ở trẻ tăng lên là do nó tác động vào các hành vi của chúng (4).


Nguyên nhân là do trẻ có bố mẹ độc đoán dễ có hành vi không chịu hợp tác như chống đối hoặc lo âu. Điều này làm trẻ nảy sinh phản ứng chống đối và cảm giác thích làm ngược lại lời bố mẹ dạy. Những hành vi này có thể là ăn đồ ngọt vào ban đêm, đối phó bằng việc đánh răng qua loa chứ không thực sự đánh răng đúng cách (5), (6).


Phụ huynh thường đổ lỗi cho việc trẻ bị sâu răng là do chúng đánh răng không đúng cách nhưng ít có ai ngờ rằng điều này lại xuất phát từ chính hành vi nuôi dạy con cái của mình. Minh chứng cho điều này chính là tình trạng hiện nay có đến 85% trẻ em tại Việt Nam gặp vấn đề về răng miệng, trong khi cách nuôi dạy trẻ phổ biến của các bậc phụ huynh trong nước đa phần đều là độc đoán và dễ dãi (7).

Việc quá độc đoán hay dễ dãi khi đưa ra quyết định cũng chưa bao giờ là một ưu tiên trong việc nuôi dạy trẻ. Trở thành một bậc phụ huynh mẫu mực sẽ giúp giải quyết không chỉ vấn đề răng miệng ở trẻ mà còn giúp con cái phát triển một cách toàn diện hơn. Cha mẹ có thể xem thêm những bài viết về chủ để nuôi dạy trẻ với quyền lực vừa phải mà LeLa Journal đã triển khai để có thêm những mẹo hay dưới đây.

Comentarios


bottom of page