Trong bữa cơm hàng ngày, người lớn vẫn thường nhắc nhở trẻ rằng “Ăn nhiều rau để dễ tiêu hóa” hoặc “Lười ăn rau là bị táo bón”. Vậy thực chất bệnh táo bón từ đâu mà ra? Nguyên nhân và biện pháp khắc phục ra sao? Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu nhé!
Khái niệm táo bón
Theo định nghĩa của Bộ y tế Hoa Kỳ (NIK) (1), táo bón là khái niệm dùng để mô tả các triệu chứng liên quan đến hiện tượng khó khăn trong việc đại tiện, bao gồm:
Đi ngoài dưới 3 lần trong 1 tuần.
Phân cứng hoặc vón cục.
Cần phải gắng sức rặn, có cảm giác đau rát khó chịu.
Căng thẳng và cảm giác đi ngoài không hết hoặc bị tắc lại.
Khi bé có một trong những biểu hiện trên, chứng tỏ bé đang bị táo bón và bố mẹ cần lưu ý kiểm tra chế độ sinh hoạt của con để kịp thời điều chỉnh.
Nguyên nhân dẫn đến táo bón
Nước chiếm khoảng 3/4 thành phần của phân, phần còn lại bao gồm chất rắn, chất xơ không tiêu hóa được, vi khuẩn đường ruột và chất béo trong chế độ ăn uống. Do vậy khi phân bị mất nước một phần hoặc toàn phần dẫn tới phân vón cục, khô cứng, khuôn phân to gây khó khăn khi thải ra ngoài. Đây chính là biểu hiện của táo bón (2). Vậy vì sao phân lại bị mất nước? Để hiểu đúng và hiểu đủ, chúng ta sẽ cùng phân tích nguyên nhân dưới hai góc nhìn: Dinh dưỡng và tâm lý - hành vi.
1. Nguyên nhân dinh dưỡng
Thứ nhất, cơ thể trẻ thiếu nước. Những trẻ ti mẹ hoàn toàn gần như không xảy ra hiện tượng bị táo bón. Tuy nhiên, những trẻ dùng sữa công thức hoặc đã bắt đầu ăn dặm sẽ dễ bị táo bón hơn. Nguyên nhân thường do sữa được pha quá đặc, đồ ăn thô sệt, khô mà trẻ lại không được cho uống nước đầy đủ (3). Khi đó, khi phân di chuyển đến ruột già, tại đây, do cơ thể thiếu nước, ruột già sẽ tái hấp thu nước ngược trở lại vào cơ thể khiến phân bị mất nước, khô, khó đóng khuôn mềm nên dễ bị vón cục.
Thứ hai, trẻ thiếu chất xơ. Nguyên nhân này thường xảy ra với những trẻ đã ăn dặm hoặc trẻ lớn hơn đã bắt đầu ăn cơm. Do chế độ dinh dưỡng hằng ngày thiếu rau xanh hoặc trẻ lười ăn rau củ, hoa quả khiến lượng chất xơ (cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan) không đủ nhu cầu của cơ thể. Chất xơ đóng vai trò bao bọc thức ăn thành từng khối trong quá trình tiêu hóa, giúp giữ nước, làm tăng trọng lượng và kích thước của phân, khiến phân mềm hơn, dễ vào khuôn và dễ tống ra ngoài cơ thể (4). Do vậy khi thiếu chất xơ, phân sẽ dễ bị khô, vón cục và trẻ bị táo bón.
2. Nguyên nhân tâm lý - hành vi và các lý do khác
Thứ nhất là vấn đề tâm lý. Có thể do trẻ ham chơi, nhịn đi ngoài lâu dần hình thành thói quen và dẫn đến táo bón. Một số trẻ bị táo bón sau khi bắt đầu đi học. Nguyên nhân có thể do trẻ sợ bẩn, lười đi đại tiện, không dám sử dụng nhà vệ sinh ở trường nên cố nhịn. Cũng có trường hợp trẻ mới bị táo nhẹ nên đi ngoài khó và đau, nhưng bố mẹ không nhận ra để kịp thời xử lý. Từ đó về lâu dài, trẻ sợ đi ngoài và có tâm lý trốn tránh, cố nhịn khiến tình trạng táo bón càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Thứ hai là nguyên nhân do dùng thuốc. Trẻ đang trong hoặc vừa kết thúc liệu trình điều trị một bệnh nào đó mà có sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc có codein, viên bổ sung sắt. Việc sử dụng những loại thuốc này cũng ảnh hưởng tới sự cân bằng trong hệ vi sinh đường ruột của trẻ, khiến trẻ dễ bị táo bón.
Trường hợp thứ ba là trẻ có vấn đề về dinh dưỡng. Trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu một số dưỡng chất cần thiết cũng dẫn tới những bệnh về tiêu hóa, trong đó có táo bón.
Và cuối cùng, một số ít trẻ gặp những vấn đề bệnh lý bẩm sinh về tiêu hóa như phình đại tràng, hẹp ruột, hẹp hậu môn, nứt kẽ hậu môn...
Việc chia nhỏ nguyên nhân bị táo bón thành các lý do cụ thể sẽ giúp bố mẹ và bác sĩ có thể tập trung xử lý đúng cách, kịp thời bởi tìm được nguyên nhân trực tiếp. Nhờ vậy, quá trình điều trị cũng hiệu quả và nhanh chóng hơn, giảm thiểu tối đa cảm giác khó chịu và những hệ lụy không đáng có từ táo bón.
Biện pháp xử lý khi trẻ bị táo bón
Chế độ ăn
Đối với trẻ đang ti mẹ hoàn toàn, cần tăng cường các bữa ăn của con trong ngày, cho con ăn đầy đủ theo từng cữ sữa đầu, sữa sau và sữa cuối.
Với bé uống sữa ngoài, bố mẹ nên chọn cho con các loại sữa không gây táo bón và có bổ sung thêm chất xơ.
Đối với các bé đã ăn dặm, nên cho con uống nhiều nước, tăng cường ăn rau xanh và hoa quả chín. Rau quả thì nên chọn những loại có tính chất nhuận tràng như rau khoai lang, mồng tơi, củ khoai lang, đu đủ, cam, bưởi... Hạn chế ăn những loại quả có vị chát như ổi, hồng xiêm...
Vấn đề tâm lý
Trường hợp trẻ gặp những vấn đề tâm lý như sợ hãi, lo lắng dẫn đến trốn tránh việc đi ngoài, bố mẹ nên quan sát, ngồi xuống tâm sự, trò chuyện cùng con để hiểu được cốt lõi vấn đề và điều chỉnh kịp thời.
Nếu trẻ bị táo bón do ham chơi mà nhịn đi ngoài, hãy thiết lập cho con một vài khung giờ cố định, nhắc nhở khi con quên. Dần dần khi đã thành nếp sinh hoạt, con sẽ có thói quen đi vệ sinh đúng giờ và đều đặn.
Xử lý táo bón do dùng thuốc
Đối với các bé bị táo bón do sử dụng một số loại thuốc trong quá trình điều trị bệnh, bố mẹ nên tham khảo ý kiến chuyên gia, bác sĩ để bổ sung một số loại thuốc hỗ trợ quá trình tiêu hóa của trẻ mà không đối kháng với các loại thuốc đang dùng.
Xử lý táo bón do vấn đề về dinh dưỡng
Với các bé gặp vấn đề về dinh dưỡng, đầu tiên cần làm đó là bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và khoáng chất vì chúng ảnh hưởng trực tiếp tới nhu động ruột, tới các enzyme tiêu hóa, chuyển hóa trong cơ thể. Việc bổ sung đầy đủ các nhóm chất giúp hoạt động tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn, khắc phục và hạn chế các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, đi ngoài... (5)
Xử lý táo bón do bệnh bẩm sinh
Trường hợp các bé bị bệnh bẩm sinh cần được sự chẩn đoán từ các bác sĩ có chuyên môn để đưa ra được phác đồ điều trị hợp lý. Đôi khi sẽ cần sự can thiệp từ các tiểu phẫu, máy móc hỗ trợ đặc biệt thì mới có thể giải quyết được triệt để vấn đề.
Đến đây, bố mẹ có thể thấy rằng hiện tượng táo bón của trẻ đến từ rất nhiều nguyên nhân, chứ không phải chỉ dừng ở không ăn rau (thiếu chất xơ). Do vậy, để giải quyết được triệt để vấn đề bố mẹ cần dành thời gian quan sát, nói chuyện cùng con, hoặc chờ sự can thiệp của chuyên gia, bác sĩ nếu cần thiết nhé.
Comentarios