Có thể nói rằng hiếm ai trong ngành công nghiệp giải trí đạt tới thành công như Taylor Swift, tới mức những người hâm mộ đã đặt cho cô biệt danh là "Taylord" (ghép giữa tên riêng "Taylor" và "lord" là "chúa tể"). Tuy nhiên, không chỉ là khả năng sáng tác, ca hát, biểu diễn... mà Taylor Swift còn được nhiều người biết tới và hâm mộ vì cách lãnh đạo cũng như đối đãi tốt với nhân viên.
Nối tiếp bài lần trước về chủ đề Thao túng: Tưởng chuyện lớn trong đời mà hóa... 11 chiêu nhỏ chốn công sở, bài viết lần này sẽ phân tích kỹ hơn về cách Taylor Swift áp dụng chiến thuật "tưởng thưởng hiện kim" (monetary reward).
Ảnh bởi Joanne Haner
Taylor Swift hỗ trợ mọi người ra sao?
Taylor Swift đã trở thành một hình mẫu cho sự hào phóng và lòng nhân ái thông qua nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp xã hội mà cô đã thực hiện trong suốt sự nghiệp và cuộc sống cá nhân. Cô cũng đã thưởng rất nhiều cho những nhân viên làm trong Eras tour lần này (1), đặc biệt là ngay cả các tài xế cũng được thưởng riêng tới 100.000 đô la, không kể các khoản lương đã thỏa thuận.
Cụ thể, các tài xế của Taylor Swift đã nhận được từ chính tay Scott Swift - cha của Taylor Swift - một phần quà tri ân là tấm chi phiếu có tới sáu con số - 100.000 USD (xấp xỉ 2.3 tỷ đồng). Mức tiền thưởng "khó tin" này đã giúp các tài xế xe tải đổi đời, vì số tiền này có thể hỗ trợ gia đình họ thanh toán những khoản trả trước cho các giao dịch quan trọng như mua nhà, học phí trường Đại học của con cái... (2).
Theo các nguồn tin giấu tên do tạp chí People trích dẫn, tổng số tiền thưởng mà Swift đã chi vào khoảng 55 triệu USD, dành cho tất cả những người đã tham gia vào chuyến lưu diễn trên khắp đất nước, từ vũ công, dàn dựng, kỹ thuật viên âm thanh, đến nhân viên phục vụ ăn uống, điều chỉnh âm thanh, ánh sáng... (3).
Tuy nhiên, khi xem lại những gì Taylor Swift từng hào phóng chi trả, người viết không quá ngạc nhiên. Hãy cùng điểm lại một số dấu mốc đáng nhớ sau:
Tháng 10/2011: Nữ ca sĩ tặng 6.000 cuốn sách thiếu nhi và thiếu niên mới cho thư viện Pennsylvania (4).
Tháng 1/2015: Rebekah, sinh viên tốt nghiệp đại học, người đã chia sẻ mối lo ngại về khoản vay sinh viên của mình trên Twitter, nhận được một món quà "Swiftmas" được cá nhân hóa, bao gồm một chiếc vòng cổ, một chiếc mũ cho album 1989, một bức vẽ cá nhân hóa biệt danh "Beks" của cô ấy và 1.989 USD — để cô ấy có thể thanh toán khoản vay sinh viên (5).
Tháng 2/2015: Swift quyết định quyên góp số tiền thu được từ đĩa đơn Welcome to New York cho các trường học của thành phố, tặng cho sở giáo dục của thành phố 50.000 USD (6).
Tháng 9/2015: Cô tặng toàn bộ số tiền thu được từ video Wildest Dreams cho Tổ chức Công viên Châu Phi của Mỹ (7).
Tháng 10/2018: Swift quyên góp 15.500 USD cho một người hâm mộ 19 tuổi có mẹ bị hôn mê trong suốt ba năm trước đó (8).
Tháng 9/2019: Swift quyên góp 10.000 USD để giúp một người hâm mộ 16 tuổi chống lại bệnh ung thư (9).
Tháng 3/2020: Cư dân Nashville nhận được khoản quyên góp 1 triệu USD hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ lốc xoáy cho Quỹ Ứng phó Khẩn cấp Middle Tennessee (10).
Cũng trong năm 2020: Sau khi đại dịch bùng phát, Swift đã hỗ trợ một cửa hàng Nashville Record thanh toán và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho từng nhân viên của cửa hàng bán lẻ trong ba tháng (11). Cô cũng đã tặng 3.000 USD cho một người hâm mộ bị mất việc (12) và quyên góp tổng cộng 13.000 USD cho các trang gây quỹ GoFundMe của hai bà mẹ để cứu họ khỏi bị trục xuất (13), (14).
Tháng 3/2021: Swift và mẹ là Andrea Swift đã đóng góp 50.000 USD cho quỹ GoFundMe của một bà mẹ 5 con có chồng qua đời vì COVID-19 (15).
2023: Trong Eras tour - chuyến lưu diễn đầu tiên sau 5 năm tạm dừng - Swift đã đền đáp lại những thành phố đón tiếp cô bằng những khoản quyên góp hào phóng cho hàng loạt ngân hàng thực phẩm (food bank - một dạng tổ chức phi lợi nhuận, chuyên cung cấp các bữa ăn từ thiện, thực phẩm miễn phí cho các hoàn cảnh khó khăn) (16). Một ngân hàng thực phẩm ở Tampa cho biết Swift đã quyên góp đủ để "đặt hơn 125.000 bữa ăn" cho mọi người (17).
Có thể thấy, khi nhìn nhận Taylor Swift là một thương hiệu, cô đã cho thấy tấm lòng cho đi, thông qua thực hiện rất nhiều những hoạt động xã hội - CSR.
Bên cạnh đó, xét từ góc độ của một người quản lý thành công, từ câu chuyện của Taylor Swift, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng tưởng thưởng hiện kim (monetary reward) là một trong những hình thức nhanh nhất để tri ân những người làm việc cho mình. Như LeLa Journal đã phân tích trong bài trước, chiến thuật này không hoàn toàn mang tính tiêu cực, thậm chí là còn có thể trở nên tích cực nếu được áp dụng hợp lý.
Một góc nhìn nhỏ về cách lãnh đạo của Taylor Swift
Dựa vào những thông tin trên, có thể thấy Taylor Swift thực sự đã giúp cho nhiều người trở nên hạnh phúc hơn, mà "chiến thuật" tưởng thưởng hiện kim chỉ là một phần rất nhỏ trong phong cách lãnh đạo của nữ ca sĩ.
Phương pháp quản trị này chú trọng vào việc thưởng phạt công minh dành cho một người hoặc nhóm người dựa trên hiệu suất hoặc thành tựu mà họ đạt được trong công việc. Nó được biểu hiện qua việc tặng thưởng tiền mặt, tăng lương-thưởng, đặc biệt là hình thức "thưởng nóng" như chúng ta thường gọi.
Tưởng thưởng hiện kim có thể mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức hoặc cụ thể hơn là người lãnh đạo (trong trường hợp như Swift - khi mà toàn bộ tổ chức làm việc đều chỉ xoay quanh một hoặc một vài cá nhân), bao gồm:
Khuyến khích hiệu suất tốt: Thưởng hiện kim có thể tạo động lực cho nhân viên cố gắng hết mình trong công việc của họ và đạt được kết quả xuất sắc hơn.
Tăng động viên và tinh thần làm việc: Khi nhân viên nhận thấy công sức và nỗ lực của họ được công nhận và đánh giá cao, họ cảm thấy động viên hơn và có tinh thần làm việc tích cực hơn.
Rõ ràng là sau đây, những tài xế lái xe tải sẽ cố gắng hơn nữa để làm việc và thậm chí là để tiếp tục được làm việc cho đội ngũ của Taylor Swift.
Giữ chân nhân viên tài năng: Thưởng hiện kim có thể giúp giữ chân những nhân viên tài năng, ngăn chặn việc họ chuyển sang công việc khác vì họ cảm thấy được trọng dụng và đáng giá.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh: Khi nhân viên thấy rằng việc làm tốt sẽ được thưởng, họ có xu hướng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công việc, đồng thời tạo sự khích lệ cho nhau cùng cải thiện.
Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc thêm các yếu tố khác khi đưa ra phần thưởng. Việc thưởng hiện kim cần được thực hiện một cách công bằng và minh bạch để tránh gây ra sự không hài lòng và xung đột. Các tiêu chí và quy trình thưởng cần được xác định rõ ràng, và việc thưởng hoặc phạt cần dựa trên hiệu suất thực sự của người lao động.
Trong trường hợp của Swift, cô đã để chính tay cha mình đi trao những tấm chi phiếu với lời cảm ơn chân thành vì sự đóng góp của những người tài xế. Dù đó là những tấm chi phiếu trị giá đến sáu con số thì đây cũng là một ví dụ của việc "của cho không bằng cách cho".
Không chỉ dừng lại ở đó, tổng tài sản của Swift là 780 triệu USD và đang trên đà tăng để vươn tới mốc 1 tỷ USD (18). Dù Swift gửi nhân viên tới 50 triệu USD thì con số đó vẫn chỉ vào khoảng 6-7% tổng tài sản của cô. Theo đó, những người quản lý cũng cần cân nhắc con số hợp lý để trao thưởng cho nhân viên.
Chẳng hạn, bạn làm ở vị trí trưởng nhóm, nếu như bạn thường xuyên "vung tay" mua trà sữa hoặc khao ăn uống cho nhóm, dần dà, bạn có thể thấy mình nhanh chóng "rỗng túi" vì thói quen này. Để tính được con số phù hợp, bên cạnh mốc 6-7% như trong trường hợp của Swift, các bạn có thể tham khảo mốc 5% trong tổng thu nhập sẽ dành để cho đi, bao gồm các khoản từ thiện, giúp đỡ, hỗ trợ, chiêu đãi ăn uống (19)...
Comments