top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảIen Dao

Thành tựu điều trị ung thư: Con người đã thành công đến đâu?

Từ lâu, ung thư bị coi như căn bệnh "kết án" đối với các bệnh nhân vì diễn tiến bệnh nhanh và khả năng chữa trị thành công ở giai đoạn giữa và cuối không cao. Nhìn lại lịch sử y khoa từ khi phát hiện ra những mầm mống đầu tiên của căn bệnh này, có thể thấy rằng con người chưa bao giờ ngơi nghỉ trong việc tìm ra phương pháp phòng ngừa và điều trị. Hãy cùng LeLa Journal điểm lại những thành tựu mà nhân loài đã đạt được trong hành trình hơn 250 năm chống lại bệnh ung thư nhé!



Theo số liệu năm 2022, có khoảng 4,82 triệu người Trung Quốc và 2,37 triệu người Hoa Kỳ được chẩn đoán mắc ung thư trong năm này (1). Riêng tại Việt Nam, con số ca mắc tuy khiêm tốn hơn, nhưng cũng và khoảng hơn 182 ngàn ca mỗi năm (2).

Tế bào ung thư có thực sự ghê gớm như chúng ta nghĩ?


Dưới góc độ y học, ung thư là một tập hợp các bệnh lý đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của các tế bào phân chia không kiểm soát và có khả năng xâm nhập sang các bộ phận khác của cơ thể, phá hủy các mô cơ thể thông thường (3), (4). Có tới hơn 100 loại ung thư khác nhau, hầu hết được đặt tên theo cơ quan hoặc loại tế bào nơi chúng bắt đầu phát triển (4).


Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện đại cho thấy ảnh hưởng tổng thể của tế bào ung thư lên cơ thể không "ghê gớm" như tưởng tượng. Trước khi tế bào ung thư hoàn toàn mất khống chế và bùng nổ thành căn bệnh "treo án tử" cho mọi người, thực chất là ảnh hưởng của chúng lên cơ thể cũng... khá nhỏ.

Đối với nam giới hơn 30 tuổi, tỷ lệ người có tế bào ung thư tồn tại trong tuyến tiền liệt chiếm khoảng 30%, ở những người trên 60 tuổi, tỷ lệ này cao hơn tới 70%; nhưng thực chất, chỉ có 14% thực sự được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Tế bào ung thư hoàn toàn có thể tồn tại trong cơ thể trong thời gian dài, thậm chí là cả đời (5), (6).


Phát hiện này đóng vai trò kim chỉ nam trong công cuộc phát triển các phương pháp điều trị ung thư phù hợp với thể trạng và diễn tiến của căn bệnh đối với mỗi bệnh nhân.



Xem xét con số nhỏ kể trên, có thể thấy ung thư chưa phải một vấn đề "sống còn" của nhân loại, nhưng vẫn không thể phủ nhận sự cấp bách trong việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị ung thư trên từng bệnh nhân. Vậy nỗ lực của chúng ta đã đạt tới mức nào?

Nỗ lực điều trị ban đầu bằng phương pháp phẫu thuật và xạ trị


Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ lựa chọn năm 1775 là mốc đánh dấu sự công nhận của giới y khoa đối với bệnh ung thư, sau khi bác sĩ phẫu thuật Percivall Pott phát hiện ra mối quan hệ giữa việc tiếp xúc với lượng lớn bồ hóng trong ống khói và sự gia tăng bất thường các tế bào gây bệnh trong cơ thể bệnh nhân (7).


Trong hơn 100 năm sau đó, bệnh ung thư liên tục được nghiên cứu nhưng chưa một nhà khoa học nào đưa ra phương pháp điều trị cụ thể. Mãi cho đến năm 1882, bác sĩ William Halsted lần đầu tiên tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ triệt để phần vú cho bệnh nhân mắc ung thư vú. Phương pháp này tiếp tục được cải tiến để tăng hiệu quả xử lý tận gốc tế bào ung thư, cho tới nửa cuối thế kỷ XX (7).


Vào năm 1895, nhà vật lý học người Đức Wilhelm Roentgen phát hiện ra tia X (X-ray) – một công trình khoa học góp phần đáng kể vào công cuộc điều trị ung thư, đặc biệt là sự ra đời của liệu pháp xạ trị ("radiation therapy"—hay còn là "therapeutic radiology") vào năm 1899.


Xạ trị là hình thức tiêu diệt tế bào ung thư bằng chùm tia X năng lượng cao, tia gamma hoặc các hạt tích điện (8).

Năm 1941, nhà sinh vật học và chuyên gia nghiên cứu ung thư Charles Huggins công bố liệu pháp nội tiết tố (hormonal therapy) áp dụng để điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới thông qua việc cắt bỏ tinh hoàn để giảm sản xuất testosterone hoặc sử dụng estrogen sẽ khiến khối u tuyến tiền liệt thoái triển (9).



Sự xuất hiện của phương pháp hóa trị và định hướng sử dụng thuốc trong điều trị ung thư


Khi các phương thức phẫu thuật và xạ trị cho thấy hiệu quả điều trị vẫn còn bị hạn chế, giới y học bắt đầu thử nghiệm các phương pháp sử dụng đến hóa chất để tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư. Từ đó, phương pháp hóa trị ra đời cùng với sự phê duyệt sử dụng khí mù tạt (C4H8Cl2S) trong điều trị của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) vào năm 1949 (7).


Thuốc hóa trị nguyên thủy nhất đã xuất hiện từ thập niên 40 của thế kỷ XX, vốn dĩ đến từ vũ khí sinh học trong Thế chiến I là khí mù tạt Sau một quá trình thử nghiệm lâm sàng, các nhà khoa học thấy rằng khí mù tạt dạng "ni-tơ mù tạt" (tương tự thuốc hóa trị hiện đại ngày nay) đem lại những kết quả điều trị khá tích cực đối với những bệnh nhân mắc u hạch bạch huyết, bệnh máu trắng... và từ đó, loại thuốc này được sử dụng đến ngày nay.


Phương pháp này được gọi là hóa trị (chemotherapy) mà nhiều người hay gọi tắt là "chemo".

Song song với các phương thức truyền thống, những năm thuộc nửa sau thế kỷ XX là giai đoạn chứng kiến nhiều thành tựu mang tính bùng nổ của các loại thuốc chữa ung thư. Năm 1978, FDA phê chuẩn sử dụng thuốc Tamoxifen, tiếp theo là Anastrozol vào năm 1996 trong điều trị ung thư vú; đồng ý Rituximab được dùng trong điều trị ung thư hạch vào năm 1997... (7).


Đặc biệt, những năm 2000 là thời kỳ các nhà khoa học đào sâu nghiên cứu và cho ra đời thuốc nhắm mục tiêu (targeted therapy) và thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch—hay thuốc miễn dịch (immunotherapy). Đây là hai loại thuốc kháng ung thư mới nhất và có những đặc điểm khác biệt rõ ràng về tác dụng lên tế bào ung thư, tác dụng phụ lên các tế bào thông thường, tốc độ phát huy hiệu quả khác nhau, cách phán đoán khối u tiến triển, hiệu quả trong thời gian ngắn và thời kỳ dài, cũng như tác dụng của điều trị tinh chuẩn.


Đặc biệt, sự ra đời của thuốc miễn dịch đã giúp nền y học tiếp cận với mục tiêu biến nhiều bệnh ung thư thành loại bệnh mãn tính. Phương pháp này khác với phương pháp kháng ung thư trước đây ở điểm cơ bản là nó nhắm đến tế bào miễn dịch thay vì tế bào ung thư.

Năm 2016, chính phủ Hoa Kỳ khởi động kế hoạch "Cancer Moonshot" (tạm dịch là: kháng ung thư lên Mặt Trăng) thông qua việc đầu tư nguồn vốn lớn để chống ung thư và một trong những hướng đi chủ yếu là hướng tới phương pháp điều trị miễn dịch (10), (11), (12).



Điều trị ung thư trong Cách mạng Công nghiệp 4.0: Biến điều không thể thành có thể


Công nghệ hiện đại đang hỗ trợ đắc lực cho con người trong công cuộc đối phó với căn bệnh ung thư.


Vào tháng 3/2023, các nhà khoa học tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ đã thí nghiệm thành công việc điều trị ung thư nhờ vào... chính tế bào ung thư.


Vào tháng 7/2023, Phòng nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Robot trong Y khoa (STORM Lab) đặt tại Đại học Leeds, Vương quốc Anh đã công bố phát minh của mình về một con robot từ tính mini đường kính 2mm có thể di chuyển sâu vào bên trong phổi để phát hiện và chữa lành những dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư phổi ở người.


Đây được coi là phương pháp điều trị của tương lai do không xâm lấn đến các cơ quan trong cơ thể và giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn, giúp khắc phục nhược điểm của hình thức phẫu thuật. Việc ứng dụng loại robot này trong y học hứa hẹn sẽ hỗ trợ điều trị các loại bệnh ung thư khác tiến triển bên trong cơ thể (13).


Hình chụp cận cảnh robot xúc tu từ tính đặt cạnh mô hình tiểu phế quản. (Nguồn ảnh: leeds.ac.uk)



Bên cạnh đó, trí thông minh nhân tạo (AI) giúp các bác sĩ trong việc chẩn đoán hình ảnh khối u ác tính với độ chính xác cao và phát hiện nguy cơ ung thư sớm ở người khỏe mạnh, từ đó đề xuất phương pháp điều trị mang tính cá nhân hóa cho mỗi bệnh nhân (14).


Cũng trong năm 2023, phát hiện mới về công nghệ in 3D cũng được coi như một bước tiến mang tính đột phá trong việc chữa trị bệnh ung thư đối với các khối u thể rắn (15), (16).

Tại Hàn Quốc, các nhà nghiên cứu đã phát triển một kỹ thuật "đóng gói" các tế bào tiêu diệt tự nhiên (natural killer cell)–tức là loại tế bào chỉ cần tiếp xúc với tế bào ung thư lần đầu là đã có thể gửi tín hiệu cảnh báo toàn bộ tới hệ miễn dịch để hình thành cơ chế chống lại sự xâm lấn của tế bào ung thư. Cụ thể (như hình minh họa bên dưới), các tế bào tiêu diệt tự nhiên này được "tạo hình" trong hydrogel, tạo ra bằng công nghệ in 3D dưới dạng xốp và sau khi số lượng tế bào tiêu diệt tự nhiên đã nhân lên đủ số lượng, chúng được cấy vào vị trí cơ thể, nơi có khối u đã được cắt bỏ.



Trước mắt, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thành công phương pháp này đối với bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu và ghi nhận hiệu quả chống lại các tế bào khối u thể rắn trong phòng thí nghiệm (15), (16).

Phòng ngừa mắc bệnh ung thư – những điều cần chú ý


Cho đến khi bệnh ung thư được khắc phục hoàn toàn để con người có thể thở phào nhẹ nhõm, việc phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu. LeLa Journal gợi ý một số điều nên làm để độc giả tham khảo như sau:


1. Sàng lọc ung thư: Sàng lọc là việc khám nghiệm tiến hành trước khi có triệu chứng bệnh, với mục đích là để phát hiện bệnh sớm. Một số dạng ung thư như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư kết trực tràng... có thể được sàng lọc hiệu quả, phát hiện từ sớm và điều trị hiệu quả ở giai đoạn đầu.


2. Vận động trong lúc rảnh rỗi: Dù là hình thức tập luyện thể thao nào, như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, tập gym, yoga... cũng đều có tác dụng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch và giúp đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh ung thư.


Thực tế là việc vận động cũng giúp phòng ngừa các bệnh ung thư, với lịch vận động được gợi ý như dưới đây (17).

  • Mỗi tuần, chúng ta nên có 150 đến 300 phút vận động nhịp điệu (aerobic) ở cường độ vừa phải, 75 đến 100 phút hoạt động aerobic mạnh. Hoặc, chúng ta cũng có thể thay bằng các hoạt động tương đương. Lịch vận động cụ thể có thể được chia theo các giờ tập bất kỳ, chỉ cần bảo đảm được cường độ và tổng thời gian tập trong tuần.

  • Hoạt động tăng cường cơ bắp ít nhất 2 ngày một tuần.

  • Bổ sung các hoạt động rèn luyện thăng bằng.


3. Duy trì lối sống lành mạnh: Để có một cơ thể tránh khỏi nguy cơ mắc ung thư, chúng ta cần theo đuổi một lối sống tích cực và tránh xa những tác ngân gây bệnh, bao gồm việc không hút thuốc; hạn chế các thực phẩm có nguy cơ gây ung thư như đồ chiên rán, đồ nướng; hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử quá lâu...



コメント


bottom of page