Động lực đóng vai trò then chốt trong việc gieo nguồn cảm hứng, thôi thúc chúng ta bắt đầu và hoàn thành mọi việc. Bởi lẽ, khi hành động với nguồn cảm hứng dồi dào, bạn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn là mang trong mình cảm giác nặng nề, chán ngán. Vậy lỡ như một lúc nào đó, động lực không còn nữa, chúng ta phải làm gì?
Nguồn gốc của việc thiếu động lực
Mất động lực bắt nguồn từ nhiều lý do, có thể xuất phát từ cảm xúc nhất thời, hoặc cũng có thể là vì một vấn đề sức khỏe lớn hơn.
Nếu là người theo chủ nghĩa hoàn hảo (perfectionism) luôn có những tiêu chuẩn riêng, chúng ta thường suy xét cẩn thận quá mức, dẫn đến việc mất nhiều thời gian để hoàn thành một kế hoạch/dự định, hoặc thậm chí trì hoãn vô thời hạn. Điều này xuất phát từ nỗi sợ mọi thứ không hoàn hảo hay sợ bị đánh giá. Hoặc đối với trường hợp khác, chúng ta thiếu động lực hành động nên vô tình tạo ra thói quen trì hoãn, nhưng càng trì hoãn thì động lực càng giảm đi, tạo nên một vòng lặp đi xuống.
Hãy dành vài phút để tìm nguyên nhân gốc rễ của việc bạn chưa muốn hành động. Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất khi mất động lực:
Nghi ngờ bản thân: Khi không tin rằng mình có thể làm được hoặc chịu đựng được những khó khăn, trở ngại... chúng ta sẽ có xu hướng cảm thấy khó khăn khởi đầu.
Né tránh các cảm giác không thoải mái: Nỗi sợ những cảm giác bứt rứt, khó chịu, bồn chồn... khi dấn thân vào công việc cũng khiến bạn ngập ngừng chưa muốn hành động, vì không muốn bản thân phải trải nghiệm các cảm giác khó chịu này.
Quá tải: Khi có quá nhiều điều cần đạt được trong cuộc sống, hoặc có quá nhiều mục tiêu phải chinh phục, chúng ta sẽ đi từ trạng thái có động lực làm nhiều thứ thành không có động lực làm gì. Đơn giản vì chúng ta đang bị quá tải và cảm thấy khó gánh vác hết mọi trách nhiệm.
Thiếu cam kết: Đồng ý làm một việc gì đó chỉ vì nghĩa vụ hoặc sợ làm mất lòng người khác có thể dẫn đến việc chúng ta thiếu cam kết với việc đó. Nghĩa là chúng ta không đặt hết trái tim mình vào công việc nên khó hình thành cảm hứng.
Vấn đề sức khỏe tinh thần: Thiếu động lực là triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Bạn cần biết được cảm giác chán nản của mình có bắt nguồn từ vấn đề tinh thần hay không để tìm ra biện pháp điều trị.
Làm sao gặt hái kết quả khi chưa có động lực?
Chính vì động lực không phải lúc nào cũng xuất hiện vì nhiều lý do khác nhau, nên ta cần chủ động tìm hiểu những cách giúp bản thân tiếp tục hoàn thành mọi việc ngay cả khi thiếu nó. Điều này khá quan trọng vì mỗi người đều có những trách nhiệm hằng ngày cần phải duy trì, không thể cứ “buông lơi” và chờ đến thời điểm có cảm hứng mới bắt tay hành động. LeLa Journal gợi ý một vài phương cách giúp bạn đạt được mục tiêu ngay cả khi thiếu động lực.
1. Vẫn hành động
Đây là một cách “đánh lừa bản thân” để đạt được mục đích. Nhiều khi động lực không tự nhiên có, mà hành động sẽ giúp chúng ta tạo nên động lực. Càng hành động và thu về được những phần thưởng/kết quả nho nhỏ trong quá trình, chúng ta càng có hứng thú duy trì thói quen làm tiếp. Hãy hành động như thể bạn đang có động lực trong tay và hành động sẽ thay đổi được cảm xúc.
Giả sử, thay vì mặc đồ ngủ ở nhà cả ngày và chờ đến khi có cảm giác muốn ra ngoài, bạn có thể mặc ngay đồ đi tập thể thao và bắt đầu vận động. Thử tự hỏi bản thân: “Tôi sẽ suy nghĩ gì, hành động gì ngay lúc này nếu có động lực?”, sau đó làm đúng như vậy để xem mức độ động lực có tăng lên hay không.
Khi đang đấu tranh xem có nên làm một việc, chúng ta thường nghĩ ra một danh sách dài các lý do để không làm gì cả, như là: “Nó quá khó”; “Dù sao mình cũng không bao giờ làm xong”; “Để mai tính”... Những kiểu suy nghĩ này khiến chúng ta bị mắc kẹt và càng tạo thêm nhiều suy nghĩ khác tương tự theo chiều hướng trì trệ như vậy. Hãy thử tranh luận ngược lại bằng cách nêu ra tất cả những điều kiện thuận lợi giúp bạn thành công, hoặc liệt kê các bằng chứng cho thấy bạn có thể hoàn thành nhiệm vụ ngay lúc này.
2. Lòng từ bi
Chúng ta thường nghĩ phải nghiêm khắc với bản thân hơn để giúp duy trì động lực, tuy nhiên thái độ gay gắt ấy không phải lúc nào cũng đúng. Nghiên cứu cho thấy lòng từ bi mới là chìa khóa khiến ta có động lực hơn, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn và nghịch cảnh.
Một ví dụ điển hình là khi trượt bài kiểm tra, học sinh sẽ có động lực hồi phục tốt hơn nếu biết cách tự đối thoại tử tế với chính mình và thực hành chấp nhận bản thân (một trong những đặc điểm chính của lòng từ bi). Nhờ đó, học sinh sẽ tự mình thay đổi và cải thiện được những điểm chưa tốt (1). Lòng từ bi còn đóng góp vào việc phục hồi các vấn đề sức khỏe tinh thần, cụ thể là giảm tâm lý đau khổ, triệu chứng lo âu và trầm cảm, giảm tác hại của căng thẳng, đồng thời tăng động lực, niềm vui sống (2).
Thay vì khắc nghiệt với bản thân bằng những suy nghĩ phê phán, hãy tạo ra một cuộc đối thoại nội tâm với tinh thần sẵn sàng thấu hiểu cho những khó khăn của mình. Tuy nhiên, điều này khác với việc lặp đi lặp lại những lời khẳng định kiêu hãnh quá mức như “Tôi là người tốt nhất thế giới”. Lòng từ bi lành mạnh nghĩa là chấp nhận và cải thiện bản thân, trung thực thừa nhận khuyết điểm, sai lầm, thất bại với một thái độ hiểu biết và thương yêu, từ đó đưa ra những hướng đi thích hợp.
3. Quy tắc 2 đến 10 phút
Đối mặt với nỗi sợ để bước qua nó và tiến tới hành động là một hành trình không hề dễ chịu. Nhưng nếu cứ liên tục trì hoãn, cảm giác chán nản sẽ đeo bám chúng ta dai dẳng. Thay vào đó, mỗi người có thể làm giảm sự sợ hãi bằng cách giới hạn hành động trong khoảng từ 2 phút đến 10 phút tùy thích. Mục tiêu ở đây là duy trì hành động ấy trong một thời gian không quá dài để bạn cảm thấy không bị quá tải, nhưng cũng đủ ngắn để bạn có thể liên tục nhắc nhở mình về ý nguyện ban đầu.
Đi bộ trên máy trong 1 giờ đồng hồ khiến bạn cảm thấy thiếu động lực để hoàn thành, nhưng có phải sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta chỉ cần duy trì trong 10 phút mỗi ngày? Tất nhiên hiệu quả không thể được như 1 giờ nhưng chỉ với 10 phút, bạn vừa có thể vận động, vừa duy trì được thử thách ở mức độ vừa phải, tạo điều kiện cho những ngày kế tiếp và việc điều chỉnh lại thời gian về sau. Mấu chốt của việc này là chứng minh cho bản thân thấy nhiệm vụ này không tệ như bạn nghĩ và bạn hoàn toàn đủ sức vượt qua, không giống như nỗi sợ vô hình mà tâm trí đã hình dung trước đó.
Bắt đầu hành động thường là phần khó nhất. Nhưng một khi đã hành động, chúng ta sẽ có đà để tiến tới.
4. Đi dạo bộ
Đi dạo bộ là một hình thức tập thể dục hiệu quả nếu bạn cần một phương pháp đơn giản và tiện lợi. Ngoài những tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần, vận động giúp chúng ta cải thiện năng lực suy nghĩ và trí nhớ, giải quyết các vấn đề tốt hơn. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng tập thể dục thường xuyên sẽ thúc đẩy tinh thần minh mẫn, cải thiện trí nhớ ngắn hạn và tăng khả năng tập trung (3), (4). Vận động cũng góp phần nâng cao sự tự tin và nuôi dưỡng lòng từ bi của chúng ta, những yếu tố này đều cần thiết để tạo nên động lực (5), (6).
Vì vậy, dành chút thời gian mỗi ngày để ra ngoài đi bộ có thể đóng góp đáng kể cho hiệu suất công việc vì giúp tâm trạng chúng ta khá hơn, cũng như giảm được những căng thẳng thường nhật.
5. Kết hợp với sở thích bản thân
Cảm xúc chi phối khá nhiều trong việc tạo động lực. Nếu bạn đang buồn chán và lo lắng thì sẽ càng khó khăn để bạn vượt qua một nhiệm vụ tẻ nhạt. Trong trường hợp này, hãy chen vào đó những niềm vui nhỏ mà bạn yêu thích nhằm mang đến cảm giác hạnh phúc, mong chờ, phấn khích vì nó được kết hợp với những thứ vui vẻ và dễ chịu, điển hình như:
Nghe nhạc trong khi chạy bộ.
Mở kênh vlog mà bạn thích xem trong lúc đang dọn dẹp.
Thắp nến thơm để tạo cảm giác tập trung khi làm việc.
Pha loại nước uống ngon và lành mạnh cho buổi tự học.
Thuê một khách sạn có khung cảnh đẹp khi bạn phải đi xa công tác.
Rủ người bạn thân tham gia cùng một dự án.
Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng những việc kết hợp này không làm gián đoạn và giảm năng lực tập trung và hiệu suất công việc của chúng ta. Ví dụ như vừa xem phim vừa viết luận văn có thể làm bạn mất tập trung và không đạt được kết quả tối ưu, hoặc trò chuyện với người khác khi đang làm việc với giấy tờ, sổ sách sẽ khiến bạn bị phân tâm.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên chia nhỏ thời gian ra để nghỉ ngơi và tự thưởng cho bản thân khi làm xong một nhiệm vụ ngán ngẩm nào đó. Hãy để ý những thứ thúc đẩy bạn hành động và tận dụng nó. Khi tâm trí đã thoải mái với điều gì, chúng ta sẽ dễ dàng lặp lại những hành vi tương tự. Quan trọng là mỗi người đều có những ý tưởng riêng để tạo ra cảm hứng cho mình. Thử nghiệm nhiều cách khác nhau sẽ giúp bạn hình dung được mình cần điều gì nhất và phương pháp nào phù hợp với bản thân.
Comments