top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảTiên Tiên

Thời gian vô ích: Khi đi làm "nhàn" hơn đi chơi?

Thời gian vô ích hay còn gọi là thời gian vô hiệu, thời gian "chết" (idle time) được dùng để chỉ khoảng thời gian khi chúng ta không thể thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công việc vì những lý do ngoài tầm kiểm soát, chứ không phải vì bản thân muốn trì hoãn công việc hoặc nghỉ ngơi theo kế hoạch định sẵn (1). Khái niệm thời gian vô ích này khác hoàn toàn với thời gian nhàn rỗi (leisure time) khi chúng ta tham gia vào các hoạt động có ích, giúp phát triển bản thân.



Khi đi làm mà... không có gì để làm?


Thoạt nghe qua, tưởng chừng đây là "công việc trong mơ" của nhiều người khi đi làm nhưng không có gì để làm. Tuy nhiên, khái niệm "thời gian vô ích/vô hiệu" nhấn mạnh vào việc nhân viên có rất ít hoặc thậm chí là không có nhiệm vụ cần phải hoàn thành. Trên thực tế, chúng ta có thể bắt gặp những khoảng thời gian nghỉ như vậy, ví dụ như quãng nghỉ giữa hai dự án, đây là khoảnh khắc nghỉ ngơi rất tốt để tái tạo năng lượng và sự nhiệt tình. Tuy nhiên, nếu khoảng thời gian này kéo dài quá lâu, nó có thể phản tác dụng và khiến nhân viên cảm thấy chán nản không cần thiết.



Anh Thư cho biết "idle time" khi làm việc khiến cô cảm thấy không được trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng mới (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhắc tới thời gian vô ích trong công việc, một nhân viên văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh là Anh Thư (25 tuổi) cho biết thời gian làm việc tại công ty là 8g sáng đến 17g30 mỗi ngày, nhưng hầu như cô đều đến công ty vào khoảng 9g-9g30 mà không cần phải thông báo với cấp trên.


Anh Thư cũng tiết lộ: "Công việc cả ngày của mình tương đối ít, chỉ khi xuất nhập hàng hóa, lên đơn và gửi hàng, làm khoảng 2-3 tiếng là xong, còn lại là thời gian rảnh. Nếu cả ngày không có đơn hàng nào thì mình hầu như không làm gì cả. Trong khi đó, đồng nghiệp của mình chuyên làm về thị trường thì luôn quần quật cả ngày, có khi phải tăng ca mới kịp tiến độ. Lúc đầu, mình còn thoải mái vì ít việc, nhưng lâu dần, trải qua gần nửa năm mà công việc vẫn vậy, mình bắt đầu thấy chán vì thời gian rảnh quá nhiều. Mình không học hỏi thêm được gì cũng như không trau dồi được kỹ năng mới".


Theo một khảo sát tại Mỹ của Giáo sư Andrew Brodsky thuộc Đại học Texas và Giáo sư Teresa Amabile thuộc Đại học Harvard, có đến 78,1% người được hỏi cho biết mình từng trải qua quãng thời gian rảnh rỗi vô ích trong công việc và có khoảng 21,7% gặp tình trạng này mỗi ngày (2).


Chia sẻ trên trang Zenkit, ông Bryan Christiansen, nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành của nền tảng nhân sự Limble CMMS, cho rằng những áp lực bắt nguồn từ sự nhàn hạ là tình trạng chung của rất nhiều nhân sự hiện nay (3).


Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý Tính cách và Xã hội (Journal of Personality and Social Psychology) đã cho thấy kết quả đáng ngạc nhiên rằng quá nhiều thời gian rảnh trong ngày sẽ dẫn đến căng thẳng nhiều hơn và khiến con người giảm hạnh phúc (4).


Làm sao để duy trì năng suất khi... không có gì để làm?


Bên cạnh việc tìm lại động lực trong công việc, bạn có thể áp dụng thêm một số gợi ý dưới đây để tối ưu hóa thời gian rảnh tại văn phòng:


1. Sắp xếp lại công việc: Khi bạn không biết phải làm gì, hãy thử sắp xếp lại các đầu công việc của mình. Biết đâu, sự nhàn hạ này không phải do số lượng công việc ít, mà lại tới từ khả năng sắp xếp kém của chính bạn, người quản lý hoặc thậm chí là của tổ chức. Trong trường hợp này, khi phát hiện ra các đầu việc còn tồn đọng, có thể bạn sẽ được giao hoàn thành những việc bị bỏ dở bấy lâu nay. Vì thế, hãy sắp xếp và lên kế hoạch để giải quyết từng việc tuần tự trong thời gian tới sao cho thật hiệu quả. Điều này sẽ giúp bạn nâng cao hiệu suất công việc và tận dụng thời gian "chết" tại công ty.


2. Hỏi cấp trên của bạn về các dự định mới: Nếu bạn không có việc gì để làm trong thời gian dài, hãy cân nhắc việc thông báo cho cấp trên. Họ có thể giao thêm công việc để bạn có cơ hội trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, qua đó bạn cũng thể hiện được mình là người chăm chỉ và tập trung vào công việc để có thể được tăng lương, thăng chức...


3. Tự học hỏi, nâng cao kiến thức: Bạn có thể học hỏi thêm kiến thức chuyên môn, học ngoại ngữ, tin học văn phòng… hoặc chỉ đơn giản là tìm hiểu thông tin với mục đích mở mang kiến thức, theo đuổi sở thích cá nhân như làm đẹp, yoga, chăm sóc sức khỏe, hoặc những kỹ năng mềm mới… (5), (6). Ví dụ, nếu nhiệm vụ chính của bạn là một chuyên viên, làm công việc thuộc khối chuyên môn thì trong những thời giờ nhàn hạ không đem lại lợi ích gì, bạn có thể trao đổi thêm với nhân viên thuộc khối Tiếp thị - Kinh doanh để tìm hiểu xem thị trường cần gì và bạn có thể cải tiến chất lượng ra sao, hoặc chỉ đơn giản là từ đó học hỏi cách quảng bá sản phẩm để khi trở thành một người quản lý, bạn đã nắm vững điều này mà không phải mất thời gian tìm hiểu từ đầu.


4. Tìm thêm nguồn thu nhập khác: Bạn có thể tham khảo những công việc làm khi rảnh rỗi, hoặc nếu bạn là người thích đầu tư thì có thể cân nhắc đầu tư vào chứng khoán, cổ phiếu… Tất cả những việc làm này sẽ giúp bạn bận rộn và cảm thấy công việc thú vị hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hãy chú ý cân bằng hai công việc một cách hợp lý.


5. Củng cố và xây dựng các mối quan hệ: Hãy tận dụng thời gian rảnh trong công việc để xây dựng và củng cố các mối quan hệ, chẳng hạn như mối quan hệ với khách hàng, đối tác chiến lược, hoặc chỉ đơn giản là người thân, bạn bè… Điều này vừa giúp bạn học hỏi thêm mà lại tạo thêm mối quan hệ thân thiết, giúp công việc thuận buồm xuôi gió hơn.

Comments


bottom of page