Dạo gần đây, mạng xã hội xuất hiện thông tin về những bữa cơm 800.000 đồng nhưng lại "thiếu trước hụt sau" cho tận 8 người ăn, khiến nhiều food blogger tự hỏi, liệu có một bữa ăn đủ 3 món khai vị, món chính và tráng miệng mà vẫn ngon và rẻ hay không? LeLa Journal đã quyết đề ra thử thách: Cầm 200.000 đồng để tìm một bữa ăn no nê đủ món ở chợ Bàn Cờ.
Nguồn gốc cái tên Bàn Cờ
Khi nhắc đến Bàn Cờ, dân Sài Gòn sẽ nghĩ ngay đến khu ẩm thực, khu chợ hẻm nổi tiếng của Quận 3, với nhiều cửa hàng đồ "si-đa" (second-hand), tiệm vàng và dãy hàng quán ăn ngon nối dài nhau, lan sang cả những phố khác, điển hình như hẻm 51 Cao Thắng, hay hẻm 212 Nguyễn Thiện Thuật.
Vậy bạn có biết cái tên Bàn Cờ bắt nguồn từ đâu không?
Quay ngược lại thời Pháp thuộc, tầm thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, khi đó Sài Gòn đang mở rộng về phía Tây, hướng ra đường Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Thiện Thuật ngày nay. Riêng khu đất tại phường 2, phường 3 hiện tại của Quận 3 (cụm phía Đông của đường Nguyễn Thiện Thuật) thì được quy hoạch theo dạng từng ô ngang dọc nhau, trông như một bàn cờ.
Lâu dần, người ta gọi luôn khu đó là khu Bàn Cờ và con đường cắt ngang khu đó cũng được gọi là đường Bàn Cờ.
Ngoài ra có một tích khác là khi làm tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, người ta đặt ga đầu ở khu này. Khi đó, đầu máy kéo muốn vòng lại Mỹ Tho thì phải trườn lên một cái mâm hình tròn, gắn trên một trục quay. Công nhân gọi cái mâm đó là Bàn Cờ, nên khu đó được gọi là khu Bàn Cờ.
Chợ Bàn Cờ: Khu ẩm thực lâu đời
Kể từ cuối những năm 1960, Bàn Cờ đã trở thành một khu dân cư sầm uất với đầy đủ tiện nghi như chợ, trường học, bệnh viện, chùa… Tuy nhiên, đặc trưng của chợ Bàn Cờ là không hình thành nên các nhà lồng (sạp) như ở chợ Tân Định hay chợ Bến Thành, mà các tiểu thương bày bán dọc suốt các con hẻm, ngay trước cửa nhà.
Vào góc này là quầy thịt, rẽ sang hẻm kia là quầy rau, cứ thế các sạp chợ nối đuôi nhau chẻ nhánh thành những "ô cờ" đủ món.
Mãi đến thập niên 1980, chợ Bàn Cờ mới có được ki-ốt lớn như các chợ khác và có "mặt tiền" khang trang như hiện nay. Song, "chợ chồm hổm" vẫn còn được giữ nguyên cho đến hiện nay và trở thành một điểm mua bán nông sản tấp nập đối với cả khách ta lẫn khách Tây.
Thử thách cầm 200.000 đồng "ăn hết" chợ Bàn Cờ
Chợ là một nơi lý tưởng để tìm hiểu về ẩm thực địa phương và cũng là nơi "ẩn chứa" những viên ngọc chưa qua mài giũa trong ẩm thực phố thị. Hiểu được điều đó, đội ngũ của LeLa Journal đã thử trải nghiệm một buổi dining bình dân đủ 3 món (thậm chí là 4, nếu tính cả món ăn dặm) tại chợ Bàn Cờ với giá 200.000 đồng xem có khả thi hay không.
1. Món khai vị:
Bánh bèo Huế & Nem nướng có lịch sử hơn "nửa đời người"
Số 73 hẻm 51 Cao Thắng, phường 3, Quận 3
(Sau lưng biển chợ Bàn Cờ nếu đi từ mặt tiền đường Nguyễn Thiện Thuật)
Mở đầu chuỗi food tour chợ Bàn Cờ là quầy bánh bột lọc chính gốc Huế đã tồn tại hơn 30 năm ở chợ Bàn Cờ. Chúng tôi, dù đã quen thuộc với hương vị bánh nậm, nhưng mỗi lần ghé quán này là cứ chép miệng mãi.
Gọi một dĩa thập cẩm gồm bánh nậm, bánh bèo, bánh bột lọc và một cây chả, ăn kèm cùng nước mắm ngọt, hành phi, vụn bánh mì và ớt đỏ. Chúng tôi phải gọi thêm 2 cây nem nữa để "ăn cho đã".
Cảm nhận đầu tiên là da bánh mềm mà dai, nhân thịt bánh nậm thì ướp khá đậm đà, còn chả và nhân tôm thì tạm ổn. Nhưng món làm chúng tôi bất ngờ nhất lại là nem nướng. Nem ở đây dai chứ không bở, vị rất vừa miệng, cắn miếng nào là "xừng xực" miếng đó. Đây nhất định là món phải thử khi đến chợ Bàn Cờ!
Gọi thêm ly trà tắc ở quầy bên cạnh là vừa vặn cho món khai vị rồi.
Tổng thiệt hại: 73.000 đồng, gồm dĩa thập cẩm 38.000 đồng, trà tắc 20.000 đồng, 2 cây nem nướng 15.000 đồng.
Điểm cộng: Nem nướng (phải thử!), bánh nậm, nước mắm ngọt & sánh.
Điểm trừ: Nhân tôm hơi khô.
Phục vụ và không gian: Cô chú phục vụ thân thiện, nhiệt tình. Chỗ ngồi sạch sẽ.
2. Món ăn dặm:
Hột vịt lộn, cút lộn, chân gà Hoàng Vân
2B, Bàn Cờ, Phường 3, Quận 3
Cảm thấy món khai vị vẫn còn thiếu thiếu, chúng tôi quyết định "bồi" thêm một phần ăn dặm bằng trứng vịt lộn và chân gà nướng. Nếu đi từ đầu hẻm 51 Cao Thắng thì tiệm hột vịt lộn Hoàng Văn nằm bên tay phải đoạn giao với đường Bàn Cờ.
Gọi ngay một trứng lộn, một trứng vữa và hai cái chân gà nướng, ăn kèm với muối ớt xanh và muối tiêu ớt đỏ, chúng tôi vỗ đùi mấy cái liền để vừa tấm tắc khen "mồi bén". Tiếc là không dám ăn thêm vì "lố ngân sách" và cũng là để... để dành bụng cho bữa chính.
Hột vịt ở đây to, mọng nước, dường như trứng vịt Hoàng Vân được luộc bằng nước dừa nên vị ngọt thanh tự nhiên. Phần con thì khá nhỏ, mề dày (có thể là tùy trứng), còn trứng vữa thì béo ngậy, tan trong miệng. Điểm mạnh của quán này là muối ớt đỏ pha rất ngon và cay nồng, chấm với trứng vịt rất hợp.
Còn chân gà thì ướp hơi đậm vị, nhưng được cái dai dai, giòn giòn, sụn lớn, ăn rất thích. Chấm với muối ớt xanh nữa thì đúng bài.
Ăn tới đây chúng tôi nghĩ cũng vừa bụng rồi, để dành cho một món chính và tráng miệng nữa là tròn trịa cho buổi ăn.
Tổng thiệt hại: 35.000 đồng.
Điểm cộng: Trứng có mề dày cho ai thích ăn mề. Muối tiêu ớt đỏ siêu ngon, siêu cay.
Điểm trừ: Chân gà có nhiều chỗ cháy, ướp hơi đậm vị.
Phục vụ và không gian: Nhân viên vui tính, chu đáo với khách. Chỗ ngồi chưa được sạch sẽ lắm.
3. Món chính:
Phở Chua Lạng Sơn
242/101 Nguyễn Thiện Thuật, Phường 3, Quận 3
Từ tiệm trứng vịt Hoàng Vân đi thêm độ chừng ba bốn trăm mét là đến hẻm nhỏ, đầu hẻm có bán bánh căn Nha Trang, bò lá lốt và mỡ chài, nhưng đây chưa phải món chính của chúng ta đâu nhé. Cứ đi tiếp nào. Rẽ vào hẻm đó, đi thêm chục mét là đến quán phở chua Lạng Sơn "độc lạ" và ngon nức tiếng chợ Bàn Cờ.
Phở Chua Lạng Sơn khác phở thường vì không ăn kèm với thịt bò hay nước lèo gia vị Bắc. Phở Chua chế biến bằng cách trụng sơ cọng phở, sau đó trộn chung với nước sốt chua ngọt tương tự như cách làm phở khô Gia Lai. Phở Chua không dùng thịt bò mà dùng thịt gà, nạc heo, đồ lòng, dùng với bánh phồng tôm chiên và một chén lá hoành thánh chiên trộn muối ớt. Về nước lèo thì cũng rất đặc trưng. Nước lèo phở chua giống với vị hủ tiếu Nam Vang hơn là so với phở truyền thống.
Phở Chua thoạt nhìn trông có vẻ "lạc quẻ" vì phở thì chua, nước lèo thì ngọt, hoành thánh chiên thì mặn – cảm giác như đang nhìn đĩa bánh mỳ không thấy bánh mỳ (breadless bread plate) trong bộ phim The Menu (2022). Nhưng không, khi kết hợp 3 thành phần thì món ăn trở nên rất vừa miệng.
Vị chua chua ngọt ngọt của nước sốt, chan thêm muống nước lèo ngọt thanh và rắc thêm ít lá hoành thánh chiên trộn muối ớt làm tô phở đậm đà hơn rất nhiều so với khi ăn riêng lẻ từng thành phần.
Ngoài phở chua, tiệm còn có cả cháo sườn và bánh giò, nhưng tính đặc sắc không cao bằng phở chua.
Tổng thiệt hại: 60.000 đồng.
Điểm cộng: Lá hoành thánh chiên trộn muối ớt rất lạ miệng. Sốt chua của phở làm ngon. Topping thịt nhiều và tươi.
Điểm trừ: Không có.
Phục vụ và không gian: Phục vụ thân thiện, nhiệt tình. Chỗ ngồi sạch sẽ.
4. Món tráng miệng:
Bánh gan và bánh bò hấp cốt dừa Thuận Phát
Ngay sau lưng cổng chợ Bàn Cờ
Vẫn như mọi khi, bánh gan của tiệm Thuận Phát không hôi tanh mùi trứng vịt mà thơm, béo nhưng không ngậy, kết cấu bánh xốp mịn, không rỗ nhiều. Bánh bò thì dai, thơm mùi bột, phần cốt dừa nêm ít ngọt.
Tựu trung là một quán bánh ngọt giá hạt dẻ mà chất lượng, xứng đáng để thêm vào bản đồ ăn vặt và cũng xứng đáng để "kết tour" cho thử thách hôm nay.
Tổng thiệt hại: 27.000 đồng.
Điểm cộng: Bánh thơm, béo.
Điểu trừ: Cuối ngày thì bánh không còn dai. Bánh bò nước dừa không giống như dưới miền Tây, bánh gan cần vị hồi đậm hơn xíu (cảm nhận của cá nhân người viết).
Phục vụ và không gian: Cô chủ nhiệt tình. Bán mang đi nên không quan trọng không gian.
Vậy là "suýt" tới 200k, bạn đã có thể ăn được cả chợ Bàn Cờ rồi nha.
Khép lại chuỗi rong chơi dining bình dân hôm nay chỉ với 195.000 đồng mà no căng cả bụng và gần như ăn đủ 4 món nổi tiếng nhất khu chợ. Khi ăn xong, không biết có phải do no bụng và tinh thần phơi phới hay không mà người viết bài đã nghĩ rằng "Vậy là thử thách dữ chưa?" Mà có "dữ" hay chưa thì chắc chỉ có độc giả... thử đi ăn về mới biết thôi nha.
Comments