top of page
Tìm kiếm

Tiền có mua được hạnh phúc? Người Việt nên hài lòng với mức sống hay kiếm thêm thu nhập?

Tiền là một phần quan trọng của con người, là mục tiêu cho những chuỗi ngày nỗ lực trong cuộc sống. Vậy tiền có mua được hạnh phúc? Hãy cùng LeLa Journal đi tìm câu trả lời bằng những nghiên cứu khoa học dưới đây.


Tiền có mua được hạnh phúc?

Hơn một thập kỷ đi tìm câu trả lời


Trung tâm nghiên cứu Pew đã tiến hành một cuộc khảo tại Việt Nam vào năm 2014 để đo lường mối liên hệ giữa hạnh phúc và sự giàu có (dựa trên GDP). Các chuyên gia đã đưa ra thang điểm từ 0-10 để người dân tự đánh giá mức độ hài lòng trong cuộc sống của người châu Á có mối liên hệ chặt chẽ với sự hài lòng của họ về cuộc sống. Khảo sát dựa trên 1.000 người ở nhiều vùng miền.

Tiền có mua được hạnh phúc?

Kết quả cho thấy có đến 64% người Việt Nam đã đánh giá từ mức 7/10 trở lên (1). Các nhà nghiên cứu cũng liệt kê Việt Nam là một trong các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ. Điều này cho thấy đời sống tinh thần của đại đa số người dân Việt Nam tăng lên theo chiều tỉ lệ thuận với tổng thu nhập quốc dân.



Năm 2010, giáo sư Angus Deaton (chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2015) và nhà tâm lý học Daniel Kahneman (nhận Nobel Kinh tế năm 2002) đã phát hiện ra rằng cảm giác hạnh phúc có thể tăng đều đặn khi thu nhập của một người tăng lên, cho đến một điểm nhất định. Mức thu nhập lý tưởng để một người đạt đến trạng thái hạnh phúc là 75.000 USD/năm (2).


Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu kết luận rằng thu nhập cao có thể thỏa mãn được những nhu cầu cơ bản của chúng ta nhưng không thể mua được hạnh phúc thực sự theo nghĩa rộng. Trong khi đó, người có thu nhập thấp sẽ kém hạnh phúc vì thường đánh giá thấp chất lượng cuộc sống của họ (3).

Ở đây cũng cần cũng phải nhắc đến quan điểm của triết gia Michael Sandel, giáo sư Đại học Harvard. Trong cuốn sách "Tiền không mua được gì?", ông cho rằng chúng ta cần phải tách bạch hai khái niệm nền kinh tế thị trường và xã hội thị trường: "Nền kinh tế thị trường là một công cụ đáng giá và hiệu quả, giúp chúng ta tổ chức được hoạt động sản xuất. Còn xã hội thị trường là một phương thức sống mà trong đó, các giá trị thị trường thâm nhập vào mọi ngóc ngách của cuộc sống con người. Trong xã hội thị trường, các mối quan hệ xã hội đều thay đổi cho phù hợp với hình ảnh thị trường". Chúng ta chỉ mới có nền kinh tế thị trường chứ chưa có một xã hội nơi tiền bạc có thể chi phối mọi thứ, nhất là trong lĩnh vực tinh thần.


Sự phân biệt này có thể giúp chúng ta hiểu hơn về kết quả nghiên cứu trên. Theo đó, những nhu cầu của con người mà có thể mua bằng tiền thì ngưỡng thu nhập 75.000 USD/năm hoàn toàn đáp ứng được. Các nhu cầu đó đã được lượng hoá bằng nền kinh tế thị trường.


Tiền có mua được hạnh phúc?

Ở một nghiên cứu mới hơn vừa công bố vào tháng 3/2023, nhà tâm lý học Daniel Kahneman và cộng sự đã trở lại với đề tài trên. Họ tìm ra được một ngưỡng mới của hạnh phúc là 100.000 USD/năm (4).

Qua mức này, tiền cũng không thể làm giảm bớt những nỗi đau như mất mát người thân hay bị trầm cảm. Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng với những người kém hạnh phúc và có mức thu nhập thấp thì sự gia tăng của cải sẽ có tác động lớn hơn về mặt tinh thần.


Sự chênh lệch trong kết quả giữa năm 2010 và 2023 có thể đến từ những thay đổi trong lối sống hay bức tranh của mọi người về tình hình kinh tế…


Chia sẻ về chủ đề này, sáng 6/4/2023, tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam đã có trên sẻ trên trang Facebook cá nhân. Ông cho rằng hiện người Việt Nam đang có mức thu nhập khoảng 10.000 USD/năm, vậy nên đa phần người dân còn cách rất xa mới đến ngưỡng mà tiền bạc sẽ không mang lại hạnh phúc. Do vậy, người Việt cần làm việc để tăng thu nhập nhằm gia tăng hạnh phúc cá nhân.

Tiền có mua được hạnh phúc?
(Ảnh: Facebook nhân vật)

Tiền có mua được hạnh phúc?

Tiền có thể mua được hạnh phúc, nếu chúng ta biết cách


Từ những nghiên cứu ở trên, có thể thấy mặc dù tiền không mua cho bạn hạnh phúc đến vô tận nhưng có thể giúp bạn đạt mức độ hài lòng nhất định về cuộc sống, tùy thuộc vào cách bạn chi tiêu.


Tiền chỉ là một phần kiến tạo nên giá trị hạnh phúc, ngoài ra còn có những yếu tố khác như mức độ đáp ứng nhu cầu cơ bản, tận hưởng trải nghiệm cuộc sống và các mối quan hệ xã hội.

Tiền có mua được hạnh phúc?

Chia sẻ trên tờ Insider, chuyên gia tài chính Lindsay Bryan-Podvin, tác giả của cuốn sách The Financial Anxiety Solution (tạm dịch: Giải pháp cho những lo âu về tài chính), cho rằng thu nhập hàng năm 75.000 USD không phải là con số lý tưởng cho tất cả mọi người (5). Điều này còn tùy thuộc vào nhu cầu cơ bản, mức chi tiêu cá nhân. Nếu bạn là người có mức sống cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ thì mức lương cao vẫn không thể khiến cuộc sống bạn thoải mái.


Nếu chúng ta chỉ tập trung làm việc để kiếm thật nhiều tiền mà bỏ qua những khoảng thời gian bên gia đình, bạn bè thì chúng ta vẫn khó có được hạnh phúc. Một nghiên cứu của Harvard bắt đầu vào năm 1938 và theo dõi gần 300 người trong gần 80 năm, đã thu thập nhiều dữ liệu về sức khỏe thể chất và tinh thần. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những mối quan hệ thân thiết giúp con người hạnh phúc hơn cả tiền bạc và danh tiếng (6).


Tiền có mua được hạnh phúc hay không còn tùy thuộc vào cách chúng ta chi tiêu. Chi tiền cho những trải nghiệm (như tham gia một buổi hòa nhạc, học vẽ, nấu ăn…) sẽ khiến con người hạnh phúc hơn là tiêu tiền cho những món hàng vật chất thuần túy. Một đánh giá năm 2014 cho thấy những trải nghiệm làm cho mọi người hạnh phúc hơn là vì họ có cơ hội phát triển các mối quan hệ xã hội, một yếu tố quan trọng đối với mỗi con người (7).


Tiền có mua được hạnh phúc?

Cuối cùng, tiền vẫn là thứ giúp chúng ta có một cuộc đời an nhàn, tăng mức độ hài lòng về cuộc sống nhưng vẫn còn tùy thuộc và cách quản lý tài chính. Nếu ta biết chi tiêu cho những thứ phù hợp với giá trị của bản thân, đồng tiền sẽ mang lại hạnh phúc cho mình.





Comments


bottom of page