top of page
Tìm kiếm

"Làm vì tiền" hay "làm vì đam mê": Đâu mới là công việc ta nên gắn bó?

Theo một báo cáo mới đây của tổ chức Gallup, chỉ có khoảng 20% người lao động trên toàn thế giới cảm thấy hài lòng và yêu thích công việc, cho thấy họ đang làm đúng lĩnh vực mà bản thân đam mê (1). Nhưng như vậy cũng có nghĩa là 80% trong chúng ta không tìm thấy niềm vui và thỏa mãn với công việc hiện tại. Liệu có nên lên đường theo đuổi đam mê như nhiều bài diễn văn "truyền cảm hứng" đang cổ xúy? Hoặc liệu có cách nào để dung hòa giữa công việc "cơm áo gạo tiền" và nguyện vọng nghề nghiệp thật sự của bản thân?



Liệu có tồn tại một công việc mà ta "làm vì đam mê"?


Có rất nhiều phương pháp để tìm ra đam mê của bản thân thực sự là gì, và nhiều người đã từng thử qua bằng cách nhớ lại ước mơ thời thơ ấu, tưởng tượng rằng mình chỉ sống được thêm vài tháng nữa hay chỉ ra những điểm mạnh - yếu của bản thân… Nhưng nếu những cách trên vẫn chưa giúp bạn có câu trả lời thì tác giả Chris Guillebeau có một phương pháp hữu hiệu giúp cho nhiều người khám phá được đam mê của họ. Đó là hãy thử đặt bản thân vào hai trường hợp và trả lời các câu hỏi sau:

  1. Nếu bạn nghèo khó và đang chật vật kiếm sống, nhưng có một công việc khiến bạn sẵn sàng đi làm dù không kiếm ra tiền, đó là việc gì?

  2. Và nếu như bạn giàu "nứt đố đổ vách", không màng đến tiền bạc và danh tiếng nữa thì đâu sẽ là công việc mà bạn lựa chọn tiếp tục cống hiến?

Khi đáp án cho hai câu trả lời trên cùng là một thì xin chúc mừng, khả năng cao đây chính là đam mê của bạn. Bạn đã gia nhập vào hội 20% dân số hạnh phúc với công việc và sẵn sàng phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.


Nhưng nếu không tìm được câu trả lời chung cho cả hai câu hỏi đó thì cũng đừng vội buồn, bởi vì đam mê thực ra cũng không quá quan trọng. Các nghiên cứu khoa học dưới đây đã chứng minh điều đó.



Đam mê là một khái niệm chỉ mới xuất hiện theo thời thế


Ý tưởng về việc tìm kiếm niềm đam mê trong công việc đã có từ lâu, nhưng nó bỗng được chú ý nhiều hơn trong những năm gần đây khi mọi người ngày càng hướng đến sự thỏa mãn và ý nghĩa trong cuộc sống.


Quan niệm hiện đại về việc theo đuổi đam mê trong công việc thường gắn liền với nhà tâm lý học và triết gia người Mỹ William James. Kể từ cuối thế kỷ XIX, ông đã luôn thúc giục mọi người khám phá "sự tò mò bên trong" và theo đuổi đam mê để đạt được thành công và hạnh phúc.

Vậy nên trước thế kỷ XIX thì đam mê là thứ gần như không quan trọng, và hiện nay cũng có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra điều tương tự:

  • Tác giả Angela L Duckworth của Đại học Pennsylvania trong một nghiên cứu đã cho rằng khả năng con người như sự kiên trì, tự chủ và kiểm soát cảm xúc đóng vai trò quan trọng hơn đam mê trong việc đạt được thành công và hạnh phúc (2).

  • Một nghiên cứu của Catherine Bailey và Adrian Madden trên Harvard Business Review cũng chỉ ra rằng sự kết hợp khả năng và sự phù hợp với công việc sẽ dẫn đến thành công và hạnh phúc hơn là chỉ có đam mê mà thiếu đi khả năng phù hợp (3).

  • Justin M. Berg trong một nghiên cứu khác đã nhấn mạnh việc tìm thấy ý nghĩa trong công việc giúp chúng ta hạnh phúc và thành công, ngay cả khi đó không phải là đam mê (4).



Làm thế nào để biến công việc hiện tại thành đam mê?


Năm 2020, cuốn sách "Biến công việc thành đam mê" của tác giả Bruce Daisley đã được xuất bản ở Việt Nam. Tựa đề được chuyển ngữ sang tiếng Việt rất hấp dẫn, tuy nhiên có hơi khác với tựa gốc vốn là "Niềm vui trong công việc - 30 cách để khắc phục văn hóa làm việc và yêu thích công việc của bạn thêm một lần nữa".


Yêu thích công việc và đam mê là hai khái niệm khác nhau và nếu chỉ áp dụng theo 30 cách này thì Bruce Daisley cũng không đảm bảo rằng chúng ta có thể biến công việc hiện tại thành đam mê. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể học cách hài lòng và yêu thích những điều đang làm để có một cuộc sống hạnh phúc hơn, theo năm yếu tố chính mà Bruce đã gợi ý như sau:

  1. Tìm kiếm ý nghĩa trong công việc: Tìm hiểu rõ ràng những cách mà công việc của bạn đóng góp vào mục tiêu của công ty/tổ chức/hội nhóm. Càng ý thức sâu sắc về ý nghĩa của công việc của mình, chúng ta càng cảm thấy hài lòng và thôi thúc đam mê hơn.

  2. Tìm kiếm môi trường tích cực: Môi trường làm việc tích cực là nơi các nhân viên được nhìn nhận đúng thực lực, đề cao và phát triển. Điều này sẽ thúc đẩy cảm hứng và động lực của mỗi người để họ cống hiến một cách hết mình, đầy nhiệt huyết.

  3. Thay đổi cách tiếp cận: Hãy thử làm điều mới mẻ và khác biệt để thực hiện các mục tiêu thường ngày, nói nôm na là hãy sáng tạo và đổi mới trong tư duy hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

  4. Tạo mối quan hệ tích cực: Xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và cộng sự cũng là một yếu tố cần được chú trọng. Chúng ta có thể là người "hướng nội" nhưng không có nghĩa là hoàn toàn khép mình, chẳng chịu kết bạn hay giao lưu với những người đang cùng làm việc, gặp gỡ mỗi ngày tám tiếng đồng hồ - chiếm đến 1/3 quỹ thời gian hằng ngày của chúng ta.

  5. Tận hưởng công việc: Đây là điều cuối cùng và quan trọng nhất, hãy tận hưởng công việc của mình, tìm kiếm sự hài lòng và những niềm vui dung dị trong từng khoảnh khắc. Và luôn nhớ rằng, công việc không chỉ là vấn đề tiền bạc để giải quyết nỗi lo cơm áo, nó còn là một phần trong cuộc sống và kiến tạo nên con người chúng ta.

Komentáře


bottom of page