Lòng tự trọng cần được mỗi cá nhân nhìn nhận thấu đáo để tự cân bằng, bởi nếu nó quá cao, người ta dễ phát sinh chủ nghĩa vị kỷ, thổi phồng cái tôi, còn nếu quá thấp lại dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tinh thần như trầm cảm (1), lo âu hoặc lạm dụng chất gây nghiện (2). Không chỉ vậy, những người thiếu đi lòng tự trọng cũng rất dễ mắc phải các bệnh về sức khỏe thể chất (3), gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ tốt đẹp (4) và giảm khả năng thành công trong nhiều lĩnh vực (5). Vậy làm sao để vun đắp và cải thiện lòng tự trọng, nhờ đó hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn?
Lòng tự trọng dưới góc nhìn khoa học
Lòng tự trọng không chỉ là một khái niệm thuộc về bản ngã của con người, mà còn được giới khoa học nghiên cứu và gọi tên chính thức từ năm 1890 bởi William James, sau đó được phổ biến hơn bởi Nathaniel Branden. Nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng người Mỹ này đã có những công trình nghiên cứu mang tính tiên phong về lòng tự trọng cũng như tìm ra những ảnh hưởng của nó đối với hạnh phúc của con người.
Theo Branden, lòng tự trọng (self-esteem) không chỉ là sự tôn trọng của chúng ta dành cho bản thân mà hơn thế nữa, nó còn là sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người để chống chọi mọi thách thức trong cuộc sống, giúp ta tin tưởng vào quyền được hạnh phúc, được yêu thương và coi trọng (6).
Cũng theo ông, có những dấu hiệu để nhận biết một người có lòng tự trọng thấp, bao gồm (7):
Biểu hiện phổ biến nhất chính là họ không ngừng tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác và rất nhạy cảm với những lời chỉ trích.
Dành quá nhiều thời gian để tưởng tượng ra những suy nghĩ của người khác về bản thân.
Nghi ngờ khả năng của bản thân và thường cảm thấy không đủ hoặc không xứng đáng.
Có xu hướng so sánh bản thân thấp kém hơn người khác và cảm thấy ghen tị với mọi người.
Thường xuyên tưởng tượng ra những câu chuyện có diễn biến theo chiều hướng tiêu cực.
Thiếu sự quyết đoán và thường xuyên cảm thấy khó khăn khi phải đứng lên đảm bảo quyền lợi cho chính mình.
Thường tránh các thách thức hoặc không dám chấp nhận rủi ro do sợ thất bại hoặc sợ bị từ chối.
Khó thiết lập và duy trì ranh giới lành mạnh trong các mối quan hệ.
Không có khả năng chấp nhận lời khen hoặc phản hồi tích cực từ những người khác.
Nâng cao lòng tự trọng chính là nâng cao mức độ hạnh phúc
Chìa khóa để cải thiện lòng tự trọng thấp này là tìm về nguyên nhân sâu xa đã khiến nó tổn thương và học cách chữa lành. Điều này cũng có thể lý giải tại sao một người trông có vẻ rất hòa đồng, hướng ngoại nhưng thực chất bên trong đang cảm thấy thiếu hụt lòng tự tôn? Các nguyên do có thể bao gồm:
1. Trải nghiệm từ thời thơ ấu: Những trải nghiệm tiêu cực thuở bé như thường xuyên bị la mắng, bị bỏ rơi hoặc bị so sánh dễ làm tổn hại đến giá trị của bản thân, góp phần giảm lòng tự trọng. Nhà tâm lý học Nathaniel Branden cho rằng xác định và chữa lành các tổn thương này là điều bắt buộc phải thực hiện khi có ý định nuôi dưỡng lòng tự trọng, ông đưa ra một số giải pháp như sau:
Chấp nhận bản thân: Chấp nhận bản thân là nền tảng cơ bản để xây dựng lòng tự trọng. Chúng ta cần phải công bằng nhìn nhận mọi khía cạnh của bản thân, bao gồm cả những ưu và khuyết điểm. Khi đó, chúng ta sẽ biết tự chịu trách nhiệm về mỗi lựa chọn và không "đổ thừa" cho người khác vì các vấn đề trong cuộc sống của chính mình.
Chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần: Điều này bao gồm một chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và tham gia vào các hoạt động bổ ích mang lại niềm vui cho tinh thần.
Chữa lành "đứa trẻ bên trong": Hầu hết trẻ em có thể được xem là ví dụ điển hình của một niềm tin tuyệt vời vào bản thân. Thế nên, người lớn nên học cách sống như trẻ thơ thông qua việc chữa lành "đứa trẻ bên trong" mỗi người. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc nuôi dưỡng và cải thiện lòng tự trọng.
Tìm đến các chuyên gia trị liệu: Khi những tổn thương mà chúng ta phải chịu đựng quá lớn thì tìm đến những người có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực này là rất cần thiết. Lưu ý rằng một chuyên gia trị liệu tâm lý thực thụ sẽ rất hạn chế đưa ra lời khuyên mà sẽ cùng đồng hành với thân chủ của mình trên con đường chữa lành rất gian nan này.
2. Ý thức sai lệch về giá trị bản thân: Chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố từ văn hóa và xã hội dẫn đến niềm tin sai lệch rằng giá trị của con người phụ thuộc vào những thứ bên ngoài như sự giàu có, sắc đẹp hoặc địa vị.
Branden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận ra giá trị bên trong mỗi người sẽ giúp cải thiện cũng như nâng cao lòng tự trọng.
Thay đổi ý thức sai lệch của bản thân là cả một quá trình lâu dài trong đó tập trung vào ba bước. Thứ nhất là tự khám phá (dành thời gian để suy nghĩ về kinh nghiệm, niềm tin và giá trị trong mỗi người để hiểu rõ hơn về chính mình), thứ hai là tự chấp nhận (nhận ra điểm mạnh - điểm yếu của bản thân và chấp nhận đó là điều hoàn toàn tự nhiên ở mỗi người) và cuối cùng là tự chịu trách nhiệm (làm chủ suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chính mình để thấy rằng mình có khả năng thay đổi theo chiều hướng tốt hơn).
3. Chủ nghĩa hoàn hảo: Những người có lòng tự trọng thấp thường giữ cho mình những tiêu chuẩn quá cao và có xu hướng tự chỉ trích thành tích của bản thân. Điều này sẽ dẫn đến cảm giác thất bại và kém cỏi, lâu dần sẽ làm "xói mòn" đi lòng tự trọng của mỗi người.
Đối với những ai đang trải qua cảm giác mệt mỏi với những tiêu chuẩn quá cao như vậy, việc đặt ra các mục tiêu một cách thực tế không chỉ giúp cuộc sống dễ dàng hơn mà còn cải thiện và nâng cao lòng tự trọng. Mỗi cá nhân cần nhận ra rằng ai cũng sẽ đôi lần phạm sai lầm hoặc thất bại, nhưng không vì thế mà những giá trị tốt đẹp trong mỗi người lại mất đi.
Ngoài ra, nhà trị liệu tâm lý Branden còn khuyến cáo nên dừng lại ngay các hành vi khiến tổn thương lòng tự trọng như việc tưởng tượng ra những điều tiêu cực và để nỗi sợ hãi, lo lắng chi phối các quyết định trong cuộc sống.
"Xây dựng lòng tự trọng là một hành trình dài mà chúng ta phải tự mình thực hiện. Bước đầu tiên của chặng đường này chính là việc tự ý thức về những biểu hiện cũng như tác hại của nó. Lòng tự trọng đúng đắn sẽ giúp chúng ta càng trở nên tỉnh táo và hạnh phúc hơn" - Nathaniel Branden
Comments