top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảTuyết Nhi

Tiết lộ về "period pain": Nữ giới "đau tim" mỗi tháng một lần

Nữ giới luôn phải đối mặt với những chu kỳ kinh nguyệt, vì đi kèm theo đó là nhiều vấn đề tâm-sinh lý khó nói. Đặc biệt, các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất đã chỉ ra rằng không chỉ là cơn đau hằng tháng, "period pain" còn có "mức độ sát thương" như một cơn đau tim.



Cơn đau tới tháng diễn ra như thế nào?


"Period pain" là cơn đau vùng bụng của phụ nữ do kinh nguyệt, thường bắt đầu vài giờ trước khi bắt đầu chu kỳ và có thể kéo dài trong hai đến ba ngày. Thời điểm xảy ra cơn đau dữ dội nhất là trong 24-36 giờ đầu chu kỳ. Nữ giới có thể cảm nhận cơn đau thay đổi qua các tình trạng như âm ỉ tới liên tục co thắt dữ dội... Cường độ của cơn đau đã được chứng minh là có thể thay đổi theo từng thời kỳ (1), (2).


Theo khảo sát ở 296.078 người phụ nữ, 45-95% số người tham gia cho biết rằng họ bị ảnh hưởng bởi cơn đau bụng kinh và một nửa mô tả cơn đau ở mức độ vừa phải hoặc dữ dội (3).

Khi đến chu kỳ, các thành cơ của tử cung co lại để giúp niêm mạc tử cung bong ra. Chúng sẽ nén các mạch máu lót trong tử cung, làm tạm thời cắt nguồn cung cấp máu và oxy cho tử cung. Lúc này, các mô trong tử cung giải phóng các chất gây đau, cũng như sản xuất prostaglandin khiến các cơ tử cung co bóp nhiều hơn, từ đó tạo ra cơn đau trong chu kỳ kinh nguyệt (2).



Cơn đau ngày "đèn đỏ" có tương đương với một cơn đau tim?


Theo một bài báo trên Quartz vào năm 2018, John Guillebaud - Giáo sư chuyên về sức khỏe sinh sản của Đại học College London - đã nói rằng các bệnh nhân của ông mô tả cơn đau trong kỳ kinh nguyệt tương tự như một cơn đau tim. Họ cho rằng rằng đây không phải là cơn đau nhức thông thường mà là đau rất nghiêm trọng.


Theo kết quả một cuộc khảo sát, khoảng 3-33% phụ nữ cho biết cơn đau bụng kinh rất dữ dội khiến họ mất khả năng lao động trong vòng một đến ba ngày; có hơn ¼ phụ nữ phải nghỉ làm hoặc giảm giờ làm ít nhất một ngày (tính trong sáu tháng trở lại) vì cơn đau bụng kinh (4). Ngoài ra, cơn đau này cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống chúng ta, đặc biệt là với các bạn trẻ mới có chu kỳ, cơn đau có thể trầm trọng hơn (5). Mỗi khi đến kỳ, nữ giới lại thấy khó chịu, gắt gỏng cũng như không có tâm trạng tham gia các hoạt động xã hội, giải trí bên ngoài. Do đó, rất nhiều phụ nữ đồng tình với ý kiến rằng cơn đau bụng kinh có cường độ như một cơn đau tim.



Sau ý kiến của Giáo sư Guillebaud, Jen Gunter - Tiến sĩ, bác sĩ phụ khoa và là người viết một blog về sức khỏe phụ nữ nổi tiếng - đã đặt câu hỏi về sự so sánh đó. Bác sĩ Gunter cho rằng cơn đau trong chu kỳ kinh nguyệt thường đau đớn hơn nhiều so với các cơn đau tim.


Cụ thể, theo bài viết của Tiến sĩ Gunter: "Các cơn đau tim thường có triệu chứng mơ hồ hoặc đau nhẹ nên nhiều người bỏ qua… Ngoài ra, hơn 40% phụ nữ không bị mắc chứng đau tim nên sẽ rất nguy hiểm nếu có ai đó nghĩ rằng chí ít thì đau tim cũng phải tương tự như đau bụng kinh" (6). Vị Tiến sĩ cũng cho rằng việc so sánh cơn đau bụng kinh với cơn đau tim là vô ích và không chính xác.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tại Hoa Kỳ, bên cạnh cơn đau, các triệu chứng đau tim còn có thể bao gồm khó thở, cảm giác lâng lâng, buồn nôn và mệt mỏi không rõ nguyên nhân (7). Trong khi đó, đau bụng kinh lại là cảm giác luôn đau đớn. Từ đó, có thể thấy rằng việc so sánh hai cơn đau này có thể khiến chúng ta nhầm lẫn, làm giảm sự đề phòng và khả năng nhận biết chính xác triệu chứng của cơn đau.


Tuy nhiên, Tiến sĩ Gunter đã gợi ý rằng nếu cần một phép loại suy để mô tả cơn đau trong thời kỳ kinh nguyệt, hãy so sánh chúng với cảm giác cắt ngón tay của bạn mà không cần dùng đến thuốc mê. Nhưng dù có cường độ tương tự như cơn đau tim hay cơn đau khi cắt đầu ngón tay thì đau bụng kinh vẫn là nỗi ám ảnh của rất nhiều chị em phụ nữ.



Vậy có những mẹo nào giúp giảm cơn đau ngày "đèn đỏ"?


Tuy cơn đau tới kỳ là không thể tránh khỏi, vẫn có một số cách giúp hạn chế hoặc giảm cường độ cơn đau bụng kinh, bao gồm:

  • Có một chế độ vận động, bao gồm tập thể dục nhịp điệu, tập yoga và thiền...

  • Nghỉ ngơi nhiều và ngủ đủ giấc.

  • Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh và cắt giảm thực phẩm nhiều đường, muối và chất béo.

  • Hạn chế thức uống chứa cồn và caffeine.

  • Tắm nước nóng và vòi sen, nhất là trong những ngày đau bụng dữ dội.

  • Massage nhẹ nhàng quanh vùng bụng dưới và nếu có thể thì nên chườm nóng.


Không chỉ như vậy, nam giới có thể giúp đỡ nữ giới nhiều hơn trong những ngày này, dù chỉ là hỗ trợ về mặt tâm lý. Khi phải chịu đựng cơn đau như vậy, nữ giới khó có thể cảm thấy vui vẻ hay thoải mái. Điều tối thiểu mà họ cần là sự cảm thông từ nam giới, ví dụ như việc nam giới lắng nghe để thấu hiểu hơn.



Rất nhiều chị em phụ nữ đã và đang trải qua những cơn đau bụng kinh nguyệt hằng tháng. Vậy theo bạn, cơn đau này có thực sự trầm trọng như một cơn đau tim?

Comments


bottom of page