top of page
Tìm kiếm

Tổng quan về dị ứng thực phẩm ở trẻ: Những kiến thức "bỏ túi" cha mẹ cần biết

Dị ứng thực phẩm ở trẻ là một vấn đề gây nên không ít nỗi lo trong cuộc sống hằng ngày của nhiều gia đình. Để giúp trẻ "chung sống" với chứng dị ứng mà vẫn được bảo đảm an toàn, sự quan tâm cũng như hiểu biết của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về dị ứng thực phẩm một cách toàn diện nhằm giúp cha mẹ tìm ra các phương pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe của con.



Dị ứng thực phẩm – Khi hệ miễn dịch "hiểu lầm" thức ăn


Cơ thể con người được xem như một cỗ máy tinh vi, vận hành trơn tru và nhịp nhàng. Tuy nhiên, giống như bất kỳ hệ thống phức tạp nào khác, đôi khi cơ thể không thể tránh khỏi việc có những phản ứng sai lệch. Dị ứng thực phẩm là kết quả của một "sai sót" như vậy.


Hệ thống miễn dịch thực hiện một chức năng quan trọng là giúp bảo vệ con người khỏi các vi khuẩn, vi rút và các tác nhân gây bệnh khác.

Thông thường, khi cơ thể tiếp xúc với một nguy cơ tiềm ẩn, hệ thống miễn dịch sẽ nhận biết và tạo ra các kháng thể để tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, đôi khi, hệ thống miễn dịch có thể "nhầm lẫn" và đánh giá một loại thức ăn vốn không gây hại là "một tác nhân nguy hiểm". Từ đó, hệ miễn dịch kích hoạt một cuộc "tấn công" (1).


Trong lần đầu trẻ ăn một loại thức ăn mà cơ thể dị ứng, hệ miễn dịch của trẻ sẽ giải phóng một loại kháng thể được gọi là immunoglobulin E (IgE). Kể từ đó, mỗi khi trẻ hấp thụ loại thức ăn này, dù chỉ với một lượng rất nhỏ, IgE sẽ tạo ra histamine và các hợp chất hóa học khác như một phản ứng phòng vệ.


Các chất này chính là "thủ phạm" tạo nên các phản ứng không mong muốn trong cơ thể, chính là các triệu chứng dị ứng (1).

Đến nay, vẫn chưa có lời giải thích cho việc vì sao một số người lại nảy sinh phản ứng đối với một số loại thức ăn cụ thể. Tuy nhiên, có một điều chúng ta biết được là dị ứng thực phẩm là một tình trạng khá phổ biến. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, có khoảng 8% trẻ em bị tác động bởi dị ứng thực phẩm (2). Đáng chú ý, số lượng trẻ mắc phải tình trạng này còn có xu hướng gia tăng theo thời gian (3), (4).



Các dấu hiệu dị ứng thực phẩm ở trẻ


Các triệu chứng dị ứng thực phẩm thường xuất hiện rất nhanh, chỉ sau vài phút đến hai giờ đồng hồ, kể từ khi nạp thực phẩm gây dị ứng vào cơ thể (5). Bởi vậy, việc nhận biết những dấu hiệu phổ biến của dị ứng thực phẩm là cần thiết để cha mẹ có thể đối phó kịp thời và hiệu quả. Bên cạnh các nhận định và ý kiến của chuyên gia, dưới đây là những triệu chứng thường gặp nhất của dị ứng thực phẩm mà cha mẹ cần nắm rõ:

  • Nổi mề đay, ngứa, phát ban trên cơ thể

  • Sưng vùng môi, mặt, lưỡi, cổ họng hoặc các bộ phận khác

  • Ngứa ran trong miệng

  • Thở khò khè, khó thở, nghẹt mũi

  • Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn

Trong nhiều trường hợp, tình trạng dị ứng tuy gây cảm giác khó chịu nhưng không để lại hậu quả quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng có khi, dị ứng thực phẩm có thể dẫn đến một phản ứng cấp tính vô cùng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, được gọi là sốc phản vệ. Sốc phản vệ có thể gây rối loạn hô hấp, suy giảm huyết áp đột ngột và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tuần hoàn. Sau đây là một số dấu hiệu phổ biến nhất của sốc phản vệ:

  • Co thắt khí quản, cảm giác sưng trong cổ họng gây khó thở

  • Mạch đập nhanh và nhẹ

  • Hạ huyết áp

  • Chóng mặt, choáng váng, thậm chí mất ý thức

Cần lưu ý rằng, mức độ nghiêm trọng của dị ứng thực phẩm là không thể dự đoán trước. Một người chỉ từng trải qua các triệu chứng nhẹ vẫn có thể đột ngột gặp phải những triệu chứng nghiêm trọng hơn. Bởi vậy, cha mẹ cần phải luôn thận trọng và sẵn sàng xử lý những tình huống khẩn cấp. Nếu nhận thấy trẻ có dấu hiệu sốc phản vệ, cha mẹ cần gọi cấp cứu hoặc đưa con đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức để được can thiệp kịp thời.



Những thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất


Khả năng nhận biết những thực phẩm gây dị ứng có thể giúp cha mẹ bảo vệ con khỏi những tác động không mong muốn đến sức khỏe. Mặc dù bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có thể gây dị ứng, có tám loại thực phẩm chủ yếu mà ta cần lưu ý, vì chúng chiếm tới 90% tổng số phản ứng dị ứng (6):

  • Trứng

  • Sữa và các sản phẩm từ sữa

  • Các loại hạt như óc chó, hạt điều, hạnh nhân… và đặc biệt nhất là đậu phộng

  • Động vật giáp xác, có vỏ như tôm, cua, ốc…

  • Lúa mì

  • Đậu nành

  • Vừng

Trong các loại thực phẩm nêu trên, trứng, sữa và đậu phộng là nguyên nhân gây dị ứng phổ biến nhất ở trẻ em. Trong khi đó, đậu phộng, các loại hạt, cá và hải sản thường gây ra những phản ứng nghiêm trọng nhất (7).



Liệu có thể trị khỏi dị ứng thực phẩm ở trẻ?


Đáng tiếc là cho đến thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp nào được chứng minh là có thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng dị ứng thực phẩm (8). Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng, vì vẫn có những cách thức để kiểm soát tình hình và giúp trẻ chung sống với chứng dị ứng một cách tương đối an toàn.


Nguyên tắc đơn giản nhưng quan trọng hàng đầu khi đối phó với dị ứng thực phẩm là tránh tiếp xúc với những thực phẩm gây dị ứng (9). Nếu bạn nghi ngờ con mình bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó, hãy đưa con đến các khoa Dị ứng - Miễn dịch tại bệnh viện để được chẩn đoán một cách chính xác. Các bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định liệu trẻ có thực sự bị dị ứng thực phẩm hay không. Sau khi đã xác định được những loại thức ăn nào gây dị ứng cho con, điều quan trọng là loại bỏ những thực phẩm đó khỏi khẩu phần ăn của trẻ.


May mắn là, trong nhiều trường hợp, dị ứng thực phẩm có thể sẽ mất đi theo thời gian. Điều này có nghĩa là khi trẻ lớn lên, cơ thể trẻ có thể sẽ không còn phản ứng tiêu cực với những thực phẩm từng gây dị ứng trước đây.

Một số loại dị ứng thực phẩm, chẳng hạn như dị ứng sữa, lúa mì hoặc trứng, có khả năng khá cao sẽ biến mất theo thời gian. Theo thống kê cho thấy, có đến 79% số trẻ đã vượt qua dị ứng với sữa vào năm 16 tuổi (10).


Mặt khác, một số loại dị ứng có khả năng biến mất thấp hơn hẳn, chẳng hạn như đậu phộng, các loại hạt, vừng và hải sản. Chỉ khoảng 20% số trẻ dị ứng với đậu phộng có khả năng vượt qua dị ứng khi lớn lên.


Lưu ý rằng, cha mẹ cần thảo luận với bác sĩ chuyên khoa và tiến hành các xét nghiệm để xác nhận liệu phản ứng của chứng dị ứng đã biến mất hay chưa, trước khi đưa những loại thực phẩm gây dị ứng trở lại khẩu phần ăn hằng ngày.


Các biện pháp giúp trẻ "chung sống" với dị ứng thực phẩm


Mặc dù chưa có phương pháp nào chữa trị được hoàn toàn dị ứng thực phẩm, cha mẹ vẫn có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của dị ứng và đảm bảo sự an toàn cho con bằng cách thực hiện theo những gợi ý sau đây:

  • Luôn đọc kỹ bảng thành phần dinh dưỡng: Trước khi lựa chọn bất kỳ loại thực phẩm nào cho con, hãy chắc chắn rằng bạn đã kiểm tra kỹ các thành phần, nguyên liệu được liệt kê trong bảng thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm.

  • Xem trước các món có trong thực đơn khi dùng bữa ăn bên ngoài: Việc xem trước thực đơn giúp bạn biết được những món ăn nào có khả năng chứa các thành phần gây dị ứng cho con, từ đó đưa ra những lựa chọn an toàn hơn.

  • Đừng chủ quan: Nếu bạn nghi ngờ về thành phần của một món ăn, hãy chủ động thông báo với người nấu về chứng dị ứng của con và hỏi về cách chế biến cũng như các nguyên liệu có trong món ăn để đề phòng rủi ro.

  • Làm thẻ cảnh báo y tế: Nếu con bạn từng trải qua các phản ứng nghiêm trọng do dị ứng thực phẩm, hãy cân nhắc tạo một tấm thẻ cảnh báo y tế chứa thông tin về những thực phẩm gây dị ứng và hướng dẫn cách xử lý trong trường hợp khẩn cấp. Nhắc con luôn mang theo thẻ bên người và đưa thẻ cho bất cứ ai xung quanh khi cần sự giúp đỡ.

  • Hướng dẫn trẻ cách tự bảo vệ mình: Không phải lúc nào bạn cũng có thể ở bên cạnh để kiểm soát khẩu phần ăn của con. Vì vậy, việc hướng dẫn con cách tự bảo vệ mình là vô cùng cần thiết. Hãy giải thích cho con hiểu về nguy cơ của dị ứng thực phẩm, những triệu chứng tiềm năng cũng như cách phòng tránh. Dạy con về những thực phẩm con cần tránh cũng như luyện cho con thói quen hỏi thông tin về món ăn khi không biết rõ.


Không chỉ là một vấn đề y tế, dị ứng thực phẩm còn là thách thức không nhỏ có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày của trẻ và cha mẹ. Tuy nhiên, bằng việc trang bị những kiến thức cần thiết và chuẩn bị biện pháp đối phó với những tình huống có thể xảy ra, việc giúp con xây dựng một môi trường an toàn và bảo vệ con khỏi những tác động không mong muốn tới sức khỏe là hoàn toàn khả thi.



Bình luận


bottom of page