top of page
Tìm kiếm

Trăm hay không bằng tay quen: Bạn phát triển nhiều trí thông minh "lưu chuyển" hay "kết tinh"?

Trí tuệ của con người có thể được chia thành dạng trí thông minh lưu chuyển (fluid intelligence) và trí thông minh kết tinh (crystallized intelligence) với các "tiến độ" phát triển khác nhau, ảnh hưởng tới lượng kiến thức mà chúng ta "trăm hay" và các kỹ năng "tay quen". Bạn thấy hai loại trí thông minh của bản thân đang ở mức độ phát triển nào?



"Tay quen" thông qua quá trình học tập và rèn luyện kỹ năng


Khi đến thăm các làng nghề ở Việt Nam, nhiều du khách ắt hẳn sẽ rất thán phục khi thấy nhiều nghệ nhân đã vào lứa tuổi "thất thập cổ lai hi" vẫn đang miệt mài nặn gốm hay dệt vải. Điều đáng ngạc nhiên nhất là họ không những làm việc nhịp nhàng mà còn rất năng suất, điệu bộ nhanh nhẹn còn hơn cả thanh niên.


Việc thành thạo kỹ năng để đạt năng suất cao như vậy cần thời gian dài tiếp thu kiến thức và rèn luyện liên tục, trong khi con người vẫn ngày một già đi sau khi trải qua các chu trình sinh học, tiến trình nhận thức và tiến trình cảm xúc xã hội.


Từ quan điểm này, nhà tâm lý học Raymond Cattell cùng học trò của mình là John Horn đã phát triển lý thuyết hai dạng trí thông minh (còn được gọi là năng lực) là lưu chuyển/linh hoạt (fluid) và kết tinh (crystallized).


Cụ thể, theo đề xuất của Cattell từ những năm 1940s và sau này là lý thuyết được phát triển hoàn chỉnh bởi Horn vào những năm 1960s, trí thông minh của chúng ta gồm hai loại chính. Trong đó, trí thông minh kết tinh (crystallized intelligence) là kiến ​​thức tổng hợp của một người và được đo lường bằng các bài kiểm tra từ vựng, thông tin chung... được ký hiệu là g-ctrí thông minh lưu chuyển (fluid intelligence) là các tiến trình tinh thần của một người để giải quyết các nhiệm vụ tương đối mới lạ và được sử dụng để đạt được g-c. Trí thông minh lưu chuyển được ký hiệu là g-f. Hai ký hiệu g-cg-f luôn viết in nghiêng (1).


Khi bạn đọc một cuốn sách, việc đọc, hiểu và thu nạp kiến thức từ cuốn sách đó là năng lực lưu chuyển (fluid), nhưng việc tổng hợp kiến thức trong một hoặc nhiều cuốn sách và áp dụng chúng lại là năng lực kết tinh (crystallized).


Hai loại trí thông minh/năng lực này có đặc điểm chung là đều phát triển trong suốt thời thơ ấu và thanh niên, song có sự khác biệt khi mỗi cá nhân bước vào một lứa tuổi nhất định (2).


Như trong hình trên, chúng ta có thể thấy rằng thông thường, khi bước vào ngưỡng trung niên trở về sau, con người sẽ dần suy giảm khả năng tiếp thu kiến thức mới, từ đó, việc rèn luyện kỹ năng sẽ chậm hơn và thiếu độ chính xác. Thầy trò Cattell cho rằng điều này đúng khi nói về Trí thông minh lưu chuyển, bởi lẽ, trí thông minh này liên quan đến việc nhận thức, lập luận trừu tượng và khả năng giải quyết vấn đề (3). Trí thông minh lưu chuyển sẽ phát triển đến đỉnh điểm khi con người ở độ tuổi 25 – 30 tuổi, tuy cũng có một số trường hợp đặc biệt kéo dài đến ngưỡng 40 tuổi, sau đó sẽ giảm dần cùng với tốc độ lão hóa của cơ thể.


Điều này đồng nghĩa với việc trước độ tuổi 30, chúng ta có xu hướng vận dụng trí thông minh lưu chuyển để giải quyết vấn đề mới mà mình chưa từng có kinh nghiệm, thông qua tiến trình suy luận, trau dồi kiến thức và áp dụng tư duy phản biện. Tuy nhiên, sau khi trí thông minh này sa sút do tuổi tác, chúng ta cũng mất đi sự nhạy bén trong việc tìm phương án giải quyết mới. Nhìn chung, có thể thấy loại hình trí thông minh này liên quan nhiều đến năng lực nội tại, thiên hướng cởi mở trong việc tiếp thu kiến thức mới (4).


Nói cách khác, khi đã trưởng thành, chúng ta bị "cố định" và dễ bị đóng khung trong những kiến thức và kỹ năng đã được tiếp thu từ trước đó.


Khác với trí thông minh lưu chuyển, trí thông minh kết tinh có thể được phát triển không ngừng, thậm chí đạt đỉnh khi con người bước vào độ tuổi 60 – 70. Loại hình trí tuệ này gắn bó mật thiết với những kiến thức đã lĩnh hội trong quá khứ, gợi lại những chi tiết cụ thể của sự vật, sự việc và ngày một phát triển cùng sự gia tăng tuổi tác (5). Khi ứng dụng lý thuyết của thầy trò Cattell, có thể thấy câu thành ngữ "Trăm hay không bằng tay quen" không chỉ là một cách nói dân gian mà là một kết luận thông qua quan sát thực tế và đã được chứng thực.


CBC từng đưa tin về cựu quân nhân Thế chiến II, sau nhiều năm làm việc với mã morse này và trở thành chuyên gia, tuy đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn có thể gõ và thông hiểu loại mã này một cách dễ dàng (6). Đây không phải là trường hợp duy nhất về cựu quân nhân tuổi già nhưng vẫn có thể sử dụng mã morse thuần thục. Họ chính là ví dụ của việc ở tuổi lão niên, tuy trí thông minh lưu chuyển suy giảm, trí thông minh kết tinh vẫn có thể được duy trì và "bồi đắp" thêm.


Mã morse là một loại mã truyền tin được sử dụng rất nhiều trong chiến trận trước đây


Trên thực tế, các thực nghiệm khoa học đã chứng minh rằng tuổi tác không tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc rèn luyện trí thông minh kết tinh. Trong một thử nghiệm của mình, đội ngũ các nhà khoa học trên chuyên trang Scientific American đã mời 33 tình nguyện viên là những người cao tuổi trong khoảng 58 – 86 tuổi tham gia một môi trường học tập khuyến khích trong ba tháng, sau đó thực hiện các bài kiểm tra nhận thức yêu cầu sử dụng kỹ năng chú ý và ghi nhớ công việc.


Kết quả cho thấy rằng, điểm số đánh giá năng lực nhận thức của 33 tình nguyện viên được cải thiện đáng kể. Thậm chí, một năm sau đó, khi tiến hành kiểm tra, các nhà khoa học nhận thấy những người cao tuổi này thể hiện thành tích tốt tương đương những người từ 50 tuổi trở xuống và không có nhiều khác biệt khi so sánh với các sinh viên đại học (7).



Để "trăm hay" kết tinh thành "tay quen" trong thời đại công nghệ


Bên cạnh việc máy móc tự động hóa thay con người trong vai trò "tay quen" với dây chuyền sản xuất lên đến hàng nghìn sản phẩm trong vài phút, AI và Big Data lại thể hiện được sự "trăm hay" của mình thông qua việc thu thập và xử lý dữ liệu tức thời (real-time) để tạo nên kho bách khoa toàn thư điện tử hay thậm chí là "mô phỏng" não bộ con người.


Có thể thấy, việc thành thục một kỹ năng được chuyên môn hóa trong công việc đối với lao động tay chân đã bị đe dọa từ lâu, ngay cả những nhân công làm việc văn phòng cũng không tránh khỏi việc bị thay thế cho dù bản thân họ cũng đang là những chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực của mình (8).


Tuy nhiên, trong khi công nghệ hiện đại cho phép AI sở hữu trí thông minh kết tinh tương đối dễ dàng và thuận lợi, các nhà khoa học máy tính vẫn đang trăn trở trong việc tạo ra những hệ thống học máy ứng dụng trí thông minh lưu chuyển (9).


Để hạn chế sự mai một trí tuệ, cả những độc giả trẻ tuổi lẫn những độc giả cao niên có thể tham khảo những gợi ý dưới đây, giúp trí tuệ ngày một "sắc bén" hơn:


1. Theo đuổi con đường học tập trọn đời (Life-long learning): Đây là cách tốt nhất để kéo dài thời gian đạt đỉnh của cả hai loại hình trí tuệ nêu trên, do người học vừa có thể ôn tập kiến thức và kỹ năng cũ, vừa có thể tiếp xúc và trải nghiệm những điều mới. Ngay cả những người có tuổi vẫn có thể tiếp tục con đường học tập chính thống (chương trình giáo dục đại học và sau đại học) hoặc không chính thống (lớp học kỹ năng, khóa học ngoại ngữ, khóa học trực tuyến...) (10).

2. Thường xuyên rèn luyện những kỹ năng sẵn có: Nếu đang sở hữu sẵn một lượng kiến thức hoặc kỹ năng chuyên môn, bạn đừng ngại tạo lập một thời gian biểu tự rèn luyện cho bản thân. Đối với các độc giả lớn tuổi đã về hưu, việc duy trì các công việc thường làm khi còn công tác cũng là một phương thức giúp não bộ minh mẫn, tránh các bệnh tật và sa sút trí tuệ.

3. Hình thành thói quen đọc sách: Đây là hình thức bồi đắp trí tuệ phù hợp với mọi độ tuổi. Ở mỗi giai đoạn phát triển sẽ có các loại sách phù hợp với đối tượng độc giả tương ứng như thiếu nhi, thanh thiếu niên, người trưởng thành, trung niên đến lão niên. Độc giả nên chọn những đầu sách liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của bản thân để đa dạng hóa kiến thức, tránh việc bị tụt hậu do hạn chế hiểu biết.


Như đã nói ở trên, có thể khi trí thông minh lưu chuyển đã bị suy giảm, con người khó tiếp thu kiến thức mới hơn, nhưng chúng ta vẫn có thể tìm đọc các đầu sách với kiến thức có liên hệ với kiến thức mình vốn đã biết.

4. Tham gia vào cộng đồng những chuyên gia trong cùng lĩnh vực mình theo đuổi: Những cộng đồng này tập hợp những cá nhân xuất sắc ở mọi lứa tuổi, tạo tiền đề cho sự gắn kết thế hệ, đem lại góc nhìn toàn diện và đa chiều về lĩnh vực mà các thành viên đang theo đuổi. Hiện nay, các cộng đồng này thường hoạt động trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau... cũng như tổ chức nhiều sự kiện thu hút người trong nghề tham gia. Đây là cơ hội quý giá để mỗi người lựa chọn cho mình những cộng đồng chuyên môn phù hợp, giúp chúng ta rèn luyện cả trí thông minh lưu chuyển lẫn trí thông minh kết tinh.



1 Comment


Guest
Aug 25, 2023

Trí thông minh kết tinh luôn đúng với tất cả mọi người bất kể học vấn hay kinh nghiệm nhé. Mình để ý thấy ai cứ làm gì liên tục trong nhiều năm là y như rằng chỉ cần nhắm mắt họ cũng có thể xử lý được công việc đó ngon ơ.

Like
bottom of page