top of page
Tìm kiếm

Trẻ dưới 3 tuổi: Có nên cho tiếp xúc thiết bị công nghệ?

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, đặc biệt là kể từ sau đại dịch Covid-19, việc tách biệt trẻ nhỏ khỏi các thiết bị công nghệ dường như là điều không thể. Cuộc sống ngày càng được tích hợp nhiều các yếu tố công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong các sinh hoạt thường nhật, vậy cha mẹ cần hiểu rõ những thông tin gì về tác động của thiết bị điện tử lên trẻ nhỏ?


Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cũng từng có khuyến nghị rõ ràng về việc sử dụng thiết bị điện tử dành cho trẻ từ 0 đến 3 tuổi:

  • Sơ sinh đến 18 tháng: Tránh tất cả các phương tiện điện tử có màn hình như: điện thoại thông minh, máy tính bảng, TV và máy tính. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể trò chuyện qua video call trong thời gian ngắn với cha mẹ, ông bà và bạn bè ở xa.

  • 18 tháng đến 3 tuổi: Nếu cần thiết, gia đình có thể cho trẻ nhỏ sử dụng các thiết bị điện tử để xem các nội dung lành mạnh dành cho trẻ em, nhưng phải có cha mẹ ở cạnh và trong một thời lượng chừng mực. Người lớn cũng cần giúp trẻ hiểu những gì trẻ đang xem. Ngay cả với trẻ lớn hơn (từ 3 tuổi trở lên), cha mẹ và các chuyên gia nên giới hạn việc sử dụng màn hình không quá một giờ mỗi ngày, và chỉ cho phép trẻ tiếp xúc với các chương trình có nội dung được đảm bảo mang tính giáo dục cao dành riêng cho trẻ em.



Thiết bị điện tử có thích hợp trong lớp học mầm non?


Không cần phải tích hợp công nghệ vào các lớp học dành cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi (dưới 18 tháng). Trẻ dưới 18 tháng học hỏi một cách hiệu quả và thiết thực nhất từ môi trường thật khi các con được tiếp cận với những trải nghiệm thú vị và kích thích mọi giác quan thông qua: đồ chơi, đồ vật và - quan trọng nhất - con người!


Đối với trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, các nhà giáo dục cần sớm đưa ra lựa chọn có chủ đích và sáng suốt về việc sử dụng thiết bị và công nghệ trong lớp học sao cho phù hợp với độ tuổi, giai đoạn phát triển và khả năng của trẻ. Các nội dung cần mang tính giáo dục đúng đắn, khuyến khích trẻ chủ động tham gia và thực hành, động não tư duy và cả vận động, chứ không chỉ thụ động ngồi xem các nội dung một chiều.


Tác động tiêu cực khi trẻ sử dụng thiết bị điện tử


Các tác động tiêu cực của việc sử dụng thiết bị thường bắt nguồn từ tần suất sử dụng cao và xem quá nhiều các chương trình giải trí. Việc luôn có âm thanh (từ thiết bị điện tử) phát ra liên tục trong gia đình hoặc người lớn mải mê sử dụng smartphone/laptop/TV nên mất tập trung khi tương tác với trẻ cũng ảnh hưởng đến việc phát triển kỹ năng chơi đùa và khám phá của trẻ, khiến cho việc học ngôn ngữ của trẻ kém hơn. Các nội dung thông tin kém chất lượng (không có mục tiêu học tập & giáo dục) và thời gian sử dụng thiết bị vào thời điểm ngay trước giờ ngủ (60 phút) đã được chứng minh là ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.


Nhìn màn hình lâu có ảnh hưởng đến sự phát triển thị lực không?


Câu trả lời là không. Tuy nhiên, các chuyên gia về thị lực nói rằng càng nhiều thời gian dành cho thiết bị điện tử nghĩa là càng nhiều thời gian trẻ phải tiếp xúc với các sóng ánh sáng nhân tạo, đôi khi không cần thiết hay giúp ích gì cho đôi mắt của trẻ. Tóm lại, việc sử dụng màn hình không làm hỏng thị lực của trẻ, nhưng thời gian ở bên ngoài thiên nhiên rất cần thiết để hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của toàn bộ hệ thống thị giác.


Công nghệ giữ vai trò gì trong việc phát triển ngôn ngữ của trẻ?


Điều đầu tiên chúng ta cần biết rằng, để giúp nuôi dưỡng sự phát triển ngôn ngữ tích cực, trẻ cần những tương tác qua lại hàm chứa nhiều ngôn ngữ với những người xung quanh. Người lớn cần trò chuyện với trẻ sơ sinh và chờ trẻ trả lời, phản hồi (ngay cả khi không bằng lời nói), thuật lại các hoạt động hàng ngày và gọi tên các đồ vật quen thuộc. Đây là cách tốt nhất để xây dựng hệ thống ngôn ngữ cho trẻ.


Về tác động tích cực hoặc tiêu cực của các phương tiện công nghệ đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, câu trả lời sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố.


Nếu nội dung chương trình truyền hình đó dành cho người lớn thì nghiên cứu cho thấy người lớn sẽ ít nói và ít phản hồi hẳn với con trẻ vì mải mê tập trung xem chương trình. Ngay cả khi gia đình cùng xem chương trình của trẻ em, chúng ta cũng thường thấy không có nhiều cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái. Tuy nhiên, một phát hiện đáng ngạc nhiên là sau khi chương trình truyền hình giáo dục dành cho trẻ em vừa tắt đi, cha mẹ có xu hướng sử dụng vốn từ vựng phong phú hơn với trẻ nhằm mở rộng những gì họ vừa xem trên màn hình. Vì vậy, việc cùng xem các nội dung giáo dục dành cho trẻ em có thể tác dụng tích cực (nhưng gián tiếp) đối với việc phát triển ngôn ngữ của trẻ miễn là trẻ được tiếp nhận ý kiến đóng góp từ cha mẹ sau đó. Chỉ khi nào cha mẹ cùng bàn luận, trao đổi về nội dung những chương trình đó với con, đứa trẻ mới có thể học được thêm từ vựng nhờ vào việc xem nội dung trên màn hình.


Ngược lại, các chương trình chất lượng kém với nội dung nghèo nàn hoặc vô bổ, chỉ bật lên cho có tiếng động trong nhà, đều có liên quan đến khả năng ngôn ngữ kém ở trẻ.


Tóm lại, một thời lượng ngắn tiếp xúc với thiết bị điện tử có nội dung giáo dục dành cho trẻ em, cùng sự tham gia chỉ dẫn từ cha mẹ, đôi khi không dẫn đến kết quả tiêu cực trong quá trình phát triền của trẻ.


Sử dụng công nghệ có liên quan đến ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) và các vấn đề về sự tập trung... không?


Công nghệ nói chung, nội dung thông tin kém chất lượng và mức độ thời gian sử dụng thiết bị quá nhiều có tương quan với những hệ quả tiêu cực lên khả năng chú ý của trẻ. Mối liên hệ với ADHD vẫn chưa được ghi nhận rõ tại thời điểm này, nhưng mối liên hệ giữa việc tiếp nhận truyền hình không chủ đích (bật TV ngay cả khi không ai xem) với vấn đề suy giảm chú ý và suy yếu chức năng điều hành não bộ đang ngày càng rõ ràng hơn.


Điều quan trọng là cha mẹ phải đặt ra quy chuẩn và giới hạn rõ ràng về:

  • Việc cân bằng thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ với các hoạt động thể chất và tương tác khác.

  • Nội dung của chương trình, ứng dụng hoặc trò chơi phải đảm bảo mang lại phẩm chất giáo dục lành mạnh và bổ ích.

  • Việc sử dụng phương tiện công nghệ một cách có ý thức từ chính cha mẹ cũng vô cùng quan trọng, vì cha mẹ chính là tấm gương trước mắt của trẻ.


Comments


bottom of page