top of page
Tìm kiếm

Triển lãm "Hồng hoang": Ai cũng từng an trú trong dạ mẹ

Khả năng sinh sản của phụ nữ là một điều tự nhiên từ thuở hồng hoang tới nay, nhưng dường như vẫn còn bị xem nhẹ và thiếu đi sự chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần đầy đủ. Vì điều đó, triển lãm Hồng Hoang được tổ chức vào ngày Phụ nữ Việt Nam năm nay, với bốn ý nghĩa chủ đề chính là Điểm đầu, Hỗn mang, Lan tỏa và Điểm kết.



Khi sức khỏe sinh sản không chỉ là chuyện của riêng nữ giới...


Từ "tử cung" trong tiếng Việt là một từ đặc biệt. "Tử cung" vừa là 子宮 với nghĩa "chỗ ở của đứa con trong bụng mẹ, tức cái dạ con của đàn bà" (1), cũng vừa là 梓宮 (đồng âm "tử cung") với nghĩa "cỗ áo quan của vua, thiên tử" (2).

Vừa lạ mà cũng vừa quen, khi trong tiếng Việt, "tử cung" vừa là nơi nhỏ bé mở ra điều bình dị nhất, cũng vừa là thứ to lớn, vững chãi, chứa đựng điều thiêng liêng mà chúng ta ví như trời. Điểm đầu và điểm cuối của đời người cũng chỉ nằm ở trong tử cung, và ở đó, chúng ta đã từng được an trú trước khi bước ra cuộc đời.



Có một thực tế không mấy tốt đẹp là việc viêm nhiễm cổ tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, rối loạn kinh nguyệt và vô sinh là một số bệnh thường thấy, liên quan tới tử cung và sức khỏe sinh sản ở nữ giới.


Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm nhiễm cổ tử cung là bệnh phổ biến nhất liên quan đến tử cung, với khoảng 560.000 trường hợp mới được chẩn đoán mỗi năm trên thế giới. Trong vài thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ mắc các bệnh về tử cung đã và đang có chiều hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân.


Cũng theo WHO, tỷ lệ người mắc ung thư tử cung có thể giảm nếu áp dụng mục tiêu 90-70-90 (3), cụ thể như sau:

  • 90% bé gái được tiêm vắc xin ngừa HPV đầy đủ trước 15 tuổi.

  • 70% phụ nữ được sàng lọc bằng xét nghiệm hiệu suất cao ở tuổi 35 và thêm một lần nữa ở tuổi 45.

  • 90% phụ nữ đã qua xác định mắc bệnh cổ tử cung được điều trị (90% phụ nữ được điều trị tiền ung thư và 90% phụ nữ bị ung thư xâm lấn được theo dõi và kiểm soát).

Để đạt được nhóm mục tiêu 90-70-90 này, bước đầu tiên chúng ta cần làm là bổ sung kiến thức về tử cung và sức khỏe sinh sản, nhìn nhận nó một cách trực diện, nói về nó một cách đúng đắn và thậm chí là mang chủ đề này vào đời sống nhiều hơn.


Có lẽ triển lãm Hồng Hoang là một điều như thế. Triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật được lấy cảm hứng từ biểu tượng người phụ nữ và tử cung, cho phép chúng ta được hiểu về nó mà không cần phải dè dặt. Bởi lẽ, dù có thấy e ngại thì cũng chẳng sao, ánh sáng mờ mờ trong không gian triển lãm của Ươm Art cũng không "phơi bày" biểu cảm của chúng ta đâu.


Ai trong chúng ta cũng từng có lúc được an trú và nương tựa trong dạ người mẹ. Vì thế, sức khỏe sinh sản của phụ nữ không nên là một chủ đề cấm kỵ - "taboo".


... và "kinh nguyệt" vẫn còn là thứ "taboo" với nhiều người


Bốn ý nghĩa trong triển lãm Hồng Hoang đã được sáng tạo dựa trên bốn giai đoạn của buồng trứng, hay chu kỳ kinh nguyệt. Điểm đầu - kinh nguyệt (menstruation), Hỗn mang - nang trứng (follicular phase), Lan tỏa - rụng trứng (ovulation) và Điểm kết - hoàng thể (luteal phase).

Cá nhân người viết cho rằng xét theo khía cạnh sức khỏe sinh sản, thời đại mà chúng ta đang sống là một thời đại "sung sướng" hơn trước. Chúng ta có băng vệ sinh, tampon và cốc nguyệt san; bên cạnh đó là các sản phẩm hỗ trợ, bảo vệ sức khỏe như bao cao su, thuốc...


Đó là điều mà những người phụ nữ trong những thời đại trước không có. Cá nhân người viết vẫn nhớ lời những người bà lớn tuổi kể về những người phụ nữ trong dòng họ không được tắm rửa trong những ngày đầu kinh nguyệt chỉ vì quan điểm "dơ bẩn" và tình trạng thiếu thốn nước, đồ dùng sạch.


Thực tế thì ngay trong thời đại này, vẫn có nhiều nơi trên thế giới mà phụ nữ và trẻ em không có đủ đồ dùng vệ sinh cần thiết, chẳng hạn như việc có những bé gái phải nghỉ học vì những vấn đề có liên quan tới kinh nguyệt (4).

Ngay tại Việt Nam, trên các phương tiện truyền thông ngày nay, dường như người ta vẫn nói quá ít về "kinh nguyệt". Vậy tại sao chúng ta phải e ngại khi nói về nó? Hay chính xác hơn, tại sao chúng ta cứ mãi chấp nhận "taboo" (điều kiêng kỵ) với những gì là điểm đầu và điểm cuối của cuộc đời?



Bởi vậy, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam năm nay, triển lãm Hồng Hoang được mở ra với mong cầu khơi gợi sự kỳ diệu và sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ trên đời qua các tác phẩm tượng trưng cho từng chủ đề riêng biệt.

Triển lãm Hồng Hoang tại Ươm Art được chia làm ba khu vực, với Khu vực 1 trưng bày ảnh và trang phục, Khu vực 2 trưng bày sa bàn, phim múa và bức Đèn linh hồn ẩn chứa Hồng Hoang và cuối cùng là Khu vực 3 trưng bày thông điệp.


Bằng cách sử dụng đa dạng chất liệu và sự tác động đến nhiều giác quan sẽ tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc, từ đó tôn vinh và lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về sự thiêng liêng của người phụ nữ. Triển lãm cũng góp phần nâng cao nhận thức và gửi gắm thông điệp đến không chỉ phụ nữ mà còn là những chàng trai, những người đàn ông tuyệt vời nhất vũ trụ.


"Hãy yêu thương, chăm sóc, trân quý và bảo vệ sức khoẻ của bản thân cũng như những người xung quanh mình".


​Triển lãm Hồng Hoang diễn ra tại Ươm Art Hub - 42/58 Hoàng Hoa Thám, Phường 7, Quận Bình Thạnh, TP.HCM, trong khoảng 9g - 20g ngày 20 & 21/10/2023.


Hồng Hoang được tổ chức với một niềm tin rằng vào ngày ấy, khi mẹ Âu Cơ đẻ ra cái bọc trăm trứng, có cha Lạc Long Quân và ít nhất một bà đỡ đã ở lại chăm sóc người, và cũng có ít nhất 100 bà mụ đã chăm sóc 100 đứa con mới ra đời. Đó là hồng hoang mà chúng tôi hy vọng.


Commentaires


bottom of page