top of page
Tìm kiếm

Trò chuyện với trẻ sơ sinh, liệu bé có hiểu?

Có lẽ bố mẹ bỉm sữa nào cũng từng đôi lần (thậm chí thường xuyên) thủ thỉ với trẻ sơ sinh đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, vì tin rằng "cục cưng" sẽ lắng nghe và hiểu thấu tâm sự của mình. Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ của các bậc phụ huynh, còn các nhà khoa học nhìn nhận việc "tâm sự với bé" như thế nào?



Bé trong bụng mẹ đã biết "hóng hớt" thế giới bên ngoài


Không cần đến lúc chào đời, mà ngay từ trong bụng mẹ, bé đã biết cảm nhận về thế giới bên ngoài. Các nhà khoa học cũng đồng tình với điều này khi có nhiều nghiên cứu chứng minh điều đó:

  • Một nghiên cứu cho thấy thai nhi khoảng 33 - 41 tuần tuổi đã có biểu hiện dễ chịu với giọng nói của mẹ mình hơn so với một người phụ nữ khác (1).

  • Tiếng mẹ đẻ cũng được cho là phù hợp hơn để nói chuyện với em bé trong bụng, điều này được phát hiện qua một nghiên cứu tiến hành song song ở hai nước là Mỹ và Thụy Điển (2).

  • Không chỉ về giọng nói, trẻ sơ sinh còn cảm nhận rõ sự khác biệt trong các điệu nhạc, đó là lý do tại sao lựa chọn âm nhạc phù hợp cho bà bầu lại được nhiều người quan tâm và chú trọng (3).


Mặc dù có khả năng phân biệt được giọng nói và âm thanh khác nhau nhưng em bé trong bụng mẹ vẫn chưa phân biệt được nội dung của các cuộc trò chuyện, thay vào đó chúng sẽ phản ứng với những cảm xúc mà mẹ chúng nhận được. Chẳng hạn như sự âu yếm từ, lời nói yêu thương và kể cả những sự kiện mang tính tiêu cực (4).

Vì lẽ đó, các chuyên gia khuyến nghị chúng ta nên xây dựng một môi trường sống tích cực xung quanh "mẹ bầu" để giúp ích cho sự phát triển của thai nhi (5).




Vì sao cần dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với trẻ sơ sinh?


Ngay từ khi mới chào đời, "cục cưng" đã biết phân biệt giọng nói của bố mẹ (6). Không chỉ vậy, trẻ sơ sinh còn học cách tiếp nhận thông tin qua ngữ điệu, cử chỉ và nét mặt của người chăm sóc, nhờ đó sẽ phản ứng với những lời êm dịu và nhẹ nhàng một cách khác hẳn so với sự giận giữ hay khó chịu (7). Từ lúc này, trẻ đã bắt đầu xây dựng vốn từ vựng của mình, đây chính là lý do mà phụ huynh nên nói chuyện nhiều hơn với trẻ nhỏ, vì bé đã tiếp thu ý nghĩa của từ vựng ngay cả trước khi có thể nói được.


Trẻ mới biết đi hầu như đã hiểu gần hết những gì ba mẹ nói, chỉ là chưa thể trả lời mà thôi. Khi trẻ được tiếp xúc với ngôn ngữ thông qua việc nói, nghe và thấy, bộ não của trẻ càng được kích thích để phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Nếu không được tiếp xúc vốn từ vựng đầy đủ trong giai đoạn này, bé sẽ thiếu kinh nghiệm và cơ hội để phát triển kỹ năng quan trọng này.


Đây là lý do tại sao không giao tiếp với trẻ thường xuyên có thể dẫn tới việc trẻ bị chậm nói và gặp các vấn đề về ngôn ngữ về sau (8).

Ngày nay, nhịp sống tất bật khiến các phụ huynh không còn thời gian dành cho trẻ chính là lý do góp phần khiến tỷ lệ trẻ bị chậm nói ngày càng tăng cao. Vậy nên các chuyên gia khuyến nghị các bậc phụ huynh nên dành ít nhất 10 phút mỗi ngày để trò chuyện với con cái (9), hoặc tốt nhất là tranh thủ mọi khoảng thời gian chung giữa hai người để tâm sự, kể lể về mọi thứ trên đời. Không chỉ giúp phát triển khả năng ngôn ngữ cho trẻ, mà điều này còn cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày một gắn bó hơn.

Comments


bottom of page