top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMinh Đức

Trong nhà nuôi chó, trẻ chịu khó học hành

LeLa Journal đã giới thiệu nhiều nghiên cứu khoa học về lợi ích khi nuôi thú cưng, chẳng hạn như làm chậm quá trình suy giảm nhận thức của người già, giúp tăng tuổi thọ của "con sen" hay đơn giản là trở thành một người bạn, mang lại nhiều niềm vui trong cuộc sống. Tiếp nối chủ đề đó, bài viết sau đây sẽ tổng hợp những thông tin thú vị minh chứng cho việc nuôi chó còn giúp những đứa trẻ trong nhà trở nên vui vẻ và học tập hiệu quả hơn.



Những thí nghiệm thú vị


Trước đây, nhiều bậc phụ huynh vẫn cho rằng con em mình mất tập trung học tập vì mải mê chú ý vào một đối tượng khác "hấp dẫn, thu hút" hơn. Thế nên, những băn khoăn này nhanh chóng được các nhà khoa học bắt tay vào kiểm tra tính thực hư. Vào năm 2015, Nancy R. Gee cùng cộng sự tại Đại học tiểu bang New York (Mỹ) đã thực hiện hai thí nghiệm nhằm xác định hiệu quả việc ghi nhớ và tuân thủ hướng dẫn của một nhóm trẻ mẫu giáo (gồm 12 bé) khi có sự xuất hiện của những chú chó ngoan.


Trong thí nghiệm đầu tiên, nhóm trẻ được cho xem 10 đối tượng trong ba điều kiện khác nhau, một là với sự hiện diện của một chú chó thật, hai là một chú chó nhồi bông và ba là một người lớn. Đúng như các tác giả dự đoán, trí nhớ và sự tập trung của trẻ không bị ảnh hưởng khi thay đổi "bạn động hành" của mình. Và bất ngờ hơn, khả năng tuân thủ hướng dẫn của trẻ khi có mặt chú chó thật được tăng lên, sau đó đến chó giả và cuối cùng mới là người lớn. Thí nghiệm trên được lặp lại với đối tượng là các vật thể ba chiều cùng với ba điều kiện như cũ, kết quả cho ra tương tự.


Các nhà khoa học đã kết luận rằng sự hiện diện của chú chó sẽ làm giảm nhu cầu nhắc nhở trong một nhiệm vụ đòi hỏi nhận thức/nhận dạng đồ vật đối với trẻ mẫu giáo. Từ đó, có thể thấy nhận định trước đây về việc nuôi chó làm trẻ mất tập trung là sai (1).


Nhiều lợi ích khác khi dạy trẻ nuôi thú cưng


1. Tăng cường hiểu biết đối với thế giới động vật: Một thí nghiệm vào năm 2015 của Pavol tập trung tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của việc nuôi thú cưng đối với nhận thức của trẻ về thế giới động vật.


Với kết quả thu được từ 1.297 bé (tuổi từ 10 đến 15) cho thấy nuôi thú cưng ở nhà có liên quan đến thái độ tích cực và hiểu biết tốt hơn của các em về thế giới của các loài vật (2).

Kinh nghiệm nuôi thú cưng góp phần đáng kể vào kiến ​​thức của trẻ em về động vật. Nghiên cứu năm 2008 cho thấy những đứa trẻ nuôi từ hai con vật cưng trở lên sẽ đạt điểm cao hơn so với những đứa trẻ chỉ nuôi một hoặc không nuôi một con vật nào (3).


2. Ảnh hưởng của nuôi chó đối với trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD): Việc nuôi chó giúp cải thiện sự hòa nhập của trẻ tự kỷ với xã hội từng là một giai thoại mà nhiều phụ huynh có con em mắc triệu chứng này đã ít nhiều nghe qua. Điều này được làm rõ hơn trong nghiên cứu của Hannah Wright tại Đại học Lincoln (Anh quốc) trên 40 phụ huynh có con em mắc bệnh lý này.


Các bậc cha mẹ cho biết việc nuôi thú cưng giúp cải thiện các mối quan hệ gia đình và giúp việc kết nối, hòa nhập tốt hơn, không chỉ với trẻ tự kỷ mà còn cho các thành viên khác trong nhà (4).


3. Nhận thức và sức khỏe tốt hơn: Một nghiên cứu với 6.026 thanh thiếu niên ở Bồ Đào Nha đã ghi nhận rằng những đứa trẻ nuôi thú cưng sẽ có nhận thức tốt về hạnh phúc, biết hài lòng hơn trong cuộc sống và ít có các triệu chứng tâm lý (5).


Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả này có thể liên quan đến việc những gia đình có nuôi chó thì địa vị xã hội và nền tảng kinh tế cũng cao hơn, vì vậy, điều kiện hạnh phúc cũng dễ dàng hơn, nên chưa thể đưa ra kết luận mang tính hai chiều chính xác. Trong tương lai cần thêm các nghiên cứu cụ thể hơn như vậy.



Trẻ nhỏ và thú cưng: Có phải là "đôi bạn" cùng tiến?


Nhu cầu tìm hiểu về chủ đề này là rất lớn, vì vậy nên một đánh giá toàn diện năm 2017 của Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng (IJERPH) đã xem xét 22 nghiên cứu đạt tiêu chuẩn từ trước đến nay về mối quan hệ giữa trẻ nhỏ và vật nuôi.


Về tổng thể, nuôi thú cưng có thể có lợi cho sự phát triển về cảm xúc, nhận thức, hành vi, giáo dục và xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu được thực hiện cho đến nay đều có những điểm yếu về phương pháp và mô hình thực nghiệm. Các nghiên cứu hầu như chỉ mang tính thống kê, rất ít trong số đó làm sáng tỏ các cơ chế thể hiện rõ rằng việc nuôi thú cưng thúc đẩy sự phát triển của trẻ (6).

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận việc nuôi thú cưng ngay từ nhỏ sẽ góp phần giúp trẻ hàm dưỡng lòng bác ái, bao dung và trái tim biết yêu thương. Nhờ có thêm người "bạn nhỏ" đồng hành mà trẻ sẽ dần trưởng thành về mặt nhận thức và cảm xúc trọn vẹn hơn, cũng như biết đối xử dịu dàng, thương mến với mọi hoàn cảnh, số phận quanh mình.

Commentaires


bottom of page