top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảThảo Ly

Tự ủ phân hữu cơ: Lối sống xanh cho tương lai bền vững

Hoạt động ủ phân hữu cơ đang dần phổ biến nhờ vào các lợi ích to lớn mà nó mang lại. Thay vì vứt đi thực phẩm thừa, bạn có thể thử tái chế chúng bằng cách tự làm phân hữu cơ, vừa tiết kiệm chi phí lại vừa bảo vệ môi trường, hoặc chỉ đơn giản là để có "thú vui" trong những giờ nhàn rỗi.


Tự ủ phân hữu cơ: Lối sống xanh cho tương lai bền vững

Phân hữu cơ: Lạ mà quen


Phân hữu cơ (compost) là các chất hữu cơ đã được phân hủy và tái chế thành một loại phân bón để cải tạo đất. Phân hữu cơ được ủ từ vô số các loại nguyên liệu khác nhau, thường là các chất thải trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi như lá cây, vụn thân cây, than bùn… (1)


Sally Brown, Giáo sư nghiên cứu tại Đại học Washington, cho biết: "Ủ phân là quy trình trộn các chất thải hữu cơ giàu nitơ, carbon và đo lường chặt chẽ độ ẩm, không khí để đẩy nhanh quá trình phân hủy. Điều này cho phép vi khuẩn ăn phân hữu cơ một cách nhanh chóng và biến nó thành đất màu mỡ" (2).

Tự ủ phân hữu cơ: Lối sống xanh cho tương lai bền vững

Ủ phân hữu cơ sao cho "chuẩn"?


1. Thành phần: Một khối phân hữu cơ tốt cần có bốn chất quan trọng sau (3):

  • Nitơ hoặc chất giàu protein (vỏ, cùi trái cây, chất thải nhà bếp, cỏ và lá xanh). Vật liệu chứa nhiều nitơ (thường có xu hướng xanh và ẩm ướt) là nguyên liệu cần thiết để phát triển và sản sinh nhiều vi sinh vật hơn, giúp ích cho tiến trình oxy hóa carbon.

  • Carbon gồm các nguyên liệu có màu nâu và có hàm lượng carbon cao, chẳng hạn như cành, thân, lá khô, vỏ, mảnh gỗ, mùn cưa, bã cà phê, vỏ trứng, rơm, than… Những nguyên liệu này thường phân hủy chậm hơn, có tác dụng bổ sung carbon và chất xơ cho phân hữu cơ.

  • Nước giúp duy trì hoạt động ủ phân mà không gây ra tình trạng yếm khí cục bộ.

  • Oxy là thành phần không thể thiếu vì nó hỗ trợ oxy hóa carbon khi phân hủy. Vi khuẩn hiếu khí cần nồng độ oxy trên 5% để thực hiện các biển đổi cần thiết cho tiến trình ủ phân.


Cũng theo Giáo sư Sally Brown: "Việc ủ phân trộn thường mang tiếng xấu vì gây ra mùi hôi thối. Tuy nhiên, đó là do bạn không thực hiện đúng cách mà thôi" (4). Khi phân ủ được chôn lấp trong điều kiện yếm khí, nén chặt trong không gian ít oxy, nó sẽ thải ra khí mê-tan - một loại khí nhà kính có hại cho môi trường (5). Đại học Illinois Urbana - Champaign khuyên những người làm phân ủ nên đảo đống rác trong khoảng 2-5 tuần một lần để đảm bảo chúng được thông khí (6).

Đặc biệt, không phải tất cả thức ăn thừa đều được khuyến khích để làm phân ủ. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã đưa ra một danh sách chi tiết về các vật liệu tuyệt đối không được bỏ vào phân trộn chẳng hạn như thịt, xương, phần cá thừa, những sản phẩm chứa thuốc trừ sâu (vỏ chuối, vỏ cam…) Nguyên nhân tới từ việc thịt và sữa thừa thường chứa hàm lượng chất béo cao, mất nhiều thời gian để phân huỷ hơn và dễ dàng thu hút sâu bệnh (7).


2. Tỷ lệ: Một nguyên tắc cơ bản để ủ phân thành công là điều chỉnh sao cho lượng carbon nhiều hơn nitơ. Tỷ lệ carbon:nitơ lý tưởng là khoảng 30:1 (8). Việc sử dụng nhiều vật liệu màu nâu (carbon) cho phép oxy thâm nhập và nuôi dưỡng các vi sinh vật cư trú một cách lành mạnh. Nếu cho nitơ "quá liều lượng" thì khối phân ủ sẽ bị kỵ khí, quá đậm đặc, có mùi và phân hủy chậm. Chính vì vậy, ta cần vệ sinh phân hữu cơ bằng cách giảm thiểu vật liệu giàu nitơ tươi, tiếp đó là thay thế chúng bằng carbon.


3. Duy trì độ ẩm: Trên thực tế, có một lý do phổ biến khiến các khối phân ủ thất bại là chúng quá khô. Đống ủ phải được giữ ẩm liên tục, đặc biệt là khi bạn bỏ nhiều lá khô hoặc cỏ khô. Thông thường, lượng mưa đủ để giữ phân ủ luôn ẩm ướt, nhưng trong những ngày khô hạn, bạn có thể tưới thêm chút nước để tăng tốc quy trình phân hủy (9).


Tự ủ phân hữu cơ: Lối sống xanh cho tương lai bền vững

Các quy trình ủ đa dạng


Có ba quy trình ủ phân hữu cơ phổ biến như sau:


1. Ủ phân nóng: Đây là phương pháp phổ biến ở các cơ sở đô thị và hoạt động nông nghiệp quy mô lớn. Phương pháp này đòi hỏi bạn phải tác động nhiều vào tiến trình ủ phân, cũng như lưu ý nhiều hơn tới các yếu tố và công đoạn như kiểm soát tỷ lệ, kiểm tra nhiệt độ, lật đống, đảo trộn thường xuyên... Do đó, tiến trình ủ nóng diễn ra nhanh hơn, chỉ kéo dài khoảng 6 tuần, tuỳ thuộc vào cách bạn quản lý đống phân trộn (10).


2. Ủ phân nguội: ​​Ủ phân nguội gồm một quy trình đơn giản hơn và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc như ủ nóng. Bạn chỉ cần thu gom nguyên liệu và chất chúng vào một thùng chứa. Sau khoảng trên dưới một năm, vật liệu sẽ bị phân hủy hoàn toàn. Ưu điểm của tiến trình này là bạn không cần phải mất thời gian lật, trộn hoặc kiểm soát cẩn thận. Tuy nhiên, nhược điểm là phân ủ dễ bị yếm khí khi chịu nén chặt hoặc úng nước (11).


3. Ủ phân bằng giun (phân trùn quế): Quy trình này cần thêm một nguyên liệu quan trọng là giun. Khi những con giun ăn thức ăn thừa, chúng thải ra các chất đúc rất giàu dinh dưỡng. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các vi sinh vật được tìm thấy trong phân trùn quế có thể bảo vệ cây trồng khỏi các bệnh thông thường, từ đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu (12).


Tự ủ phân hữu cơ: Lối sống xanh cho tương lai bền vững

Lợi ích của việc ủ phân hữu cơ đối với môi trường


Chuyên gia Joseph Heckman tại Đại học Rutgers ở New Brunswick, New Jersey cho biết rằng phân bón nitơ thương mại (được sản xuất hàng loạt) tốn rất nhiều năng lượng và chi phí để sản xuất. Việc tự ủ phân hữu cơ giúp giảm bớt nhu cầu sử dụng phân bón thương mại, cải thiện sức khỏe của đất cũng như làm cho cây trồng và đất trở nên dẻo dai hơn trong điều kiện hạn hán (13).


Thay vì bị ném vào thùng rác, thực phẩm bị lãng phí và các vật liệu hữu cơ khác có thể được "tái sinh" trở thành phân hữu cơ với "sứ mệnh" cao cả hơn, chính là bồi đắp cho đất thêm màu mỡ. Có thể nói rằng đây là một giải pháp thích hợp cho loại đất trồng vốn có hàm lượng chất hữu cơ thấp (14).


Tự ủ phân hữu cơ: Lối sống xanh cho tương lai bền vững

Ủ phân hữu cơ đúng cách là một giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng biển đổi khí hậu. Theo ước tính từ Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên cho thấy chương trình ủ phân hữu cơ được áp dụng trên toàn thành phố San Francisco năm 2009 đã giảm thiểu 80% (2,5 triệu tấn) chất thải từ các bãi chôn lấp hàng năm (15). Cách "tái chế rác thải" này còn giảm 90.000 tấn carbon dioxide mỗi năm, kiềm chế phát sinh khí nhà kính độc hại (16).

Bên cạnh đó, còn rất nhiều lợi ích khác mà bạn có thể đạt được, bắt đầu từ việc thực hiện ủ phân ngay từ bây giờ: điều hoà không khí, giữ nước cho đất, kiểm soát xói mòn đất, xây dựng vùng đất ngập nước…

댓글


bottom of page