Trong chủ đề an toàn bơi lội kỳ trước, LeLa Journal đã đề cập rằng kiến thức an toàn nước là yếu tố quan trọng để phòng tránh đuối nước. Nhằm mang đến cho độc giả thêm góc nhìn thiết thực về kỹ năng bơi lội để đảm bảo an toàn cho bản thân, cũng như khuyến khích việc học bơi từ nhỏ cho trẻ, LeLa Journal đã có cuộc trò chuyện với vận động viên Nguyễn Hữu Kim Sơn - nhà vô địch SEA Games bộ môn bơi lội, kình ngư của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam.
Những ngày cuối tháng 8, khi điện thoại của nhiều người đồng loạt nhận những tin nhắn từ tổng đài khuyến nghị cho trẻ học bơi từ sớm để phòng chống đuối nước, LeLa Journal lại tình cờ có dịp gặp gỡ với Kim Sơn - người cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Không chỉ tư vấn những kiến thức thực tiễn trong việc học bơi cho trẻ em lẫn người lớn, "kình ngư" còn trải lòng tâm sự về con đường dẫn anh đến đam mê và thành công, cũng như tầm quan trọng mà bơi lội mang lại - không chỉ cho anh mà còn cho rất nhiều bạn trẻ.
Cuộc trò chuyện này càng trở nên ý nghĩa và đong đầy cảm xúc khi chỉ cách đây vài ngày, người viết còn đang ngỡ ngàng về quyết định rời khỏi Đội tuyển Bơi lội Quốc gia của "thần đồng bơi lội" khi anh vẫn có thể gặt hái thêm nhiều huy chương nữa cho nước nhà. Chia sẻ về điều này, Kim Sơn nói anh vẫn còn nguyên đam mê với bơi lội, nhưng muốn thử sức ở vai trò khác là "trở thành một người truyền cảm hứng và lan tỏa giá trị to lớn của bơi lội đến với mọi người, đặc biệt là trẻ em". Bởi với anh, bơi lội không chỉ mang ý nghĩa về thành tích hay sự nghiệp, mà là một câu chuyện chứa đầy ký ức về ông ngoại.
Kim Sơn bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian miệt mài và chập chững trên "đường bơi - đường đời", từ khi mới bắt đầu học bơi lúc 5 tuổi cho đến năm 13 tuổi - khi anh được gọi vào Đội tuyển trẻ của quốc gia. Thế nhưng, không phải bởi mục tiêu thi đấu như nhiều người vẫn nghĩ, mà lý do khiến anh bén duyên với bơi lội từ sớm lại xuất phát từ một nguyên nhân khác.
"Hồi bé, tôi thường xuyên được ông ngoại dẫn đi dạo chơi bên sông. Chứng kiến nhiều trường hợp đuối nước rất thương tâm nên ông nhất quyết đưa tôi đi học bơi vì sợ cháu chẳng may đuối nước. Cũng nhờ được tập bơi một cách bài bản từ nhỏ nên tiềm năng bơi lội của tôi mới được phát huy một cách tối đa. Có thể nói rằng bơi là di sản mà ông ngoại để lại cho tôi".
Bơi lội tăng cường sức bền và nền tảng thể lực
Câu chuyện tuổi thơ của Kim Sơn thêm một lần nữa cho chúng ta thấy vấn đề an toàn cho con trẻ luôn là ưu tiên hàng đầu của nhiều bậc phụ huynh. Khi mà tình trạng đuối nước vẫn nằm trong danh sách nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ nhỏ thì việc cho con học bơi càng được các bậc cha mẹ chú trọng. Bơi là một kỹ năng sống cần thiết, trong nhiều trường hợp còn là "môn thể thao cứu mạng" ở những tình huống không thể lường trước, như là đi tàu, thuyền, thậm chí là... máy bay.
Về giá trị an toàn mà việc bơi lội mang lại, Kim Sơn chia sẻ với LeLa Journal rằng yếu tố đầu tiên chính là tăng cường sức bền và nền tảng thể lực:
"Trong trường hợp gặp nguy hiểm đến tính mạng, việc có một sức bền và nền tảng thể lực tốt sẽ kéo dài hơn sự sống của chúng ta, qua đó giúp gia tăng cơ hội được cứu thoát".
Không chỉ vậy, lợi thế an toàn tiếp theo mà môn bơi mang lại là không có tính đối kháng. Nói cách khác, bơi là một môn thể thao rất ít va chạm. Ngay cả trong thi đấu, mỗi vận động viên cũng bơi theo một làn đua riêng biệt, hoàn toàn không tác động gì đến nhau. Thế nên, nếu so sánh với các môn thể thao khác, bộ môn bơi có thể giúp trẻ phát triển cơ bắp một cách an toàn, giảm thiểu tối đa nguy cơ chấn thương xương khớp.
Bơi lội giúp phát triển thể chất một cách tối ưu
Song song với nền tảng thể lực được cải thiện thì phát triển thể chất cũng là một giá trị to lớn mà việc học bơi từ bé mang lại.
Kim Sơn nhấn mạnh: "Giá trị lớn nhất của việc bơi là giúp cải thiện thể trạng cơ thể toàn diện vì nó phối hợp hầu hết các nhóm cơ chính của chúng ta. Không chỉ vậy, hệ hô hấp, tim mạch và các chức năng vận động cũng được phát triển tốt hơn nếu ta học bơi từ nhỏ. Đây không phải là quan điểm cá nhân mà nó dựa trên các kiến thức khoa học hẳn hoi".
LeLa Journal cũng hoàn toàn đồng tình với điều này. Trên thực tế, rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những lợi ích về thể chất cũng như sức khỏe từ việc bơi lội, chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính (1), cải thiện sức khỏe cho những người mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim (1), giảm nguy cơ tử vong và giảm các chân thương liên quan đến khớp hoặc cơ (2), (3).
An toàn và sức khỏe không phải là lý do duy nhất để ba mẹ đưa con đi tập bơi, chúng tôi nhận thấy rằng việc này cũng mở ra cơ hội cho các hoạt động dưới nước khác (chèo thuyền, lặn, lướt sóng hay ba môn phối hợp). Những môn thể thao này đều có một yêu cầu tiên quyết là đòi hỏi người chơi phải thực sự biết bơi. Người viết luôn có một thắc mắc liệu khái niệm "biết bơi" trong mắt "dân nhà nghề" như Kim Sơn có khác biệt so với quan niệm thông thường hay không? Thế nên, trong cuộc trò chuyện cùng vận động viên trẻ tuổi này, chúng tôi cũng bàn luận xoay quanh chủ đề: Trước khi xuống nước, làm sao biết được liệu kỹ năng của mình có đủ đáp ứng các tiêu chí an toàn hay chưa?
Như thế nào mới được gọi là "biết bơi"?
Trả lời thắc mắc của người viết, Kim Sơn cho biết: "Biết bơi là một khái niệm rất mơ hồ và được đánh giá trên nhiều khía cạnh, trong đó thời gian tiếp xúc nước là yếu tố quan trọng đầu tiên vì nó liên quan trực tiếp đến việc hình thành cảm giác nước (feel for the water) - chìa khóa để học bơi nhanh và hiệu quả".
Kình ngư nhớ lại kinh nghiệm bản thân và đúc kết: "Bằng việc học bơi ngay từ nhỏ ở trong hồ, trẻ sẽ được làm quen và hình thành cảm giác nước tốt hơn. Từ đó, các em sẽ biết cách đứng nước hoặc biết làm sao để xoay xở, tiến lùi giữa môi trường nước xung quanh".
Nghe những lời tâm sự này của Kim Sơn, người viết chợt nhớ đến vận động viên bơi lội Olympic Sheila Taormina, tác giả sách Bí mật tốc độ bơi, cũng từng chia sẻ: "Những vận động viên bơi lội giỏi nhất thế giới là bậc thầy trong việc cảm nhận nước. Để có được lực kéo và di chuyển cơ thể về phía trước là yếu tố quan trọng, tuy nhiên là một khái niệm khó nắm bắt và áp dụng" (4). Có lẽ, những kình ngư trên thế giới đều có cùng điểm chung là một cảm giác về nước cực kỳ nhạy bén.
Còn với những người bình thường, thời gian trung bình để hình thành cảm giác nước là khoảng 30 giờ học bơi, tương đương khoảng 1 tháng nếu liên tục tập bơi một giờ đồng hồ mỗi ngày. Tuy nhiên, đây chỉ là thời gian cần thiết để học được những bài tập bơi cơ bản trong hồ, còn để thành thạo lại là một chuyện khác.
Hội Chữ thập Đỏ Hoa Kỳ đánh giá kỹ năng bơi là một trong ba yếu tố quan trọng thuộc về an toàn nước. Theo đó, để thành thạo kỹ năng này thì trong tất cả các môi trường nước như biển, hồ, sông, suối... chúng ta cần thực hiện được cả 5 yêu cầu, bao gồm: đi xuống nước đến khi ngập quá đầu rồi đi ngược trở lại, nổi hoặc đứng nước trong ít nhất một phút, xoay người lật qua lật lại trong nước, bơi được ít nhất là 23 mét và cuối cùng là lên bờ (5).
Khi đã trưởng thành, nhiều người sẽ có tâm trạng e dè khi đi học bơi bởi lo ngại rằng mình đã "quá tuổi" để có thể bơi một cách bài bản. Thế nhưng, Kim Sơn trấn an: "Không nên để lo ngại vô căn cứ này cản trở dự định học bơi chính đáng của bản thân".
Trưởng thành mới học bơi có quá trễ không?
Mặc dù đã thành thạo bơi lội ngay từ nhỏ, nhưng Kim Sơn vẫn khẳng định: "Không bao giờ là quá trễ để học bơi. Trên thực tế, Sơn thấy rất nhiều người 20 - 30 tuổi mới đi học bơi, có khi còn bắt gặp cả những bác U50 nữa. Mặc dù quá trình học này không diễn ra nhanh như hồi trẻ nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được".
Tuy nhiên, anh cũng lưu ý một điều quan trọng là biết bơi và có khả năng cứu người đuối nước là hai chuyện khác nhau. Để cứu nước thì biết bơi thôi là chưa đủ mà cần có những kỹ năng cứu người quan trọng. Nếu không nắm được những kỹ năng này thì việc nhảy xuống nước cứu một ai đó là rất liều lĩnh, vừa không cứu được họ lại còn có thể không tự cứu được bản thân mình.
"Vậy nên khi gặp người kêu cứu, điều quan trọng đầu tiên là cần tìm một vật thể nào đó có thể nổi được và quăng xuống cho họ, sau đó hô hoán đề tìm người có khả năng cứu hộ nhanh nhất có thể" - Kim Sơn nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm với LeLa Journal về dự định sắp tới, Kim Sơn nói rằng bản thân đang tập trung vào việc học, đồng thời chuyển ra Đà Nẵng sinh sống để theo đuổi các kế hoạch riêng. Ngoài ra, Kim Sơn cũng mở các lớp dạy bơi vì muốn lan toả tinh thần và giá trị của việc bơi lội đến cho cộng đồng như những gì mà ông ngoại để lại cho anh. Độc giả ở thành phố Đà Nẵng có nhu cầu học bơi một kèm một có thể liên hệ với Kim Sơn qua Facebook cá nhân tại đây.
Comments