Những câu chuyện về bạo lực học đường ngày càng xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin, khiến nhiều phụ huynh càng thêm lo lắng cho con cái mỗi ngày đến trường. Thế nên, việc dạy các em biết bảo vệ bản thân và đủ mạnh mẽ để lên tiếng trước vấn nạn này đang là mối bận tâm hàng đầu của các gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên. Để có một góc nhìn thực tiễn về vấn đề này, LeLa Journal đã có buổi gặp gỡ cùng VĐV Nguyễn Thúy Hiền - "cô gái vàng" của làng wushu Việt Nam - và nhờ chị giải đáp thắc mắc: "Liệu cho trẻ đi học võ có phải là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi bạo lực học đường hay không?"
Trong không khí cởi mở thảo luận, khoa học và võ thuật đã có dịp "bái kiến" nhau, từ đó "đàm đạo" sâu hơn về việc phòng chống xu hướng bạo lực học đường thông qua hành trình học võ - học đạo.
Thoạt nghe, chúng ta thường hình dung ngay đến việc học võ để tự vệ. Thế nhưng, theo VĐV Nguyễn Thúy Hiền, trau dồi quyền cước để bảo vệ bản thân chỉ là thứ yếu, còn điều quan trọng hơn mà người rèn luyện võ thuật lĩnh hội được chính là "võ đạo". Và như vậy, câu chuyện mà chị Thúy Hiền kể với chúng tôi bắt đầu từ những ngày thơ ấu, khi chị lần đầu tiếp xúc với việc học võ.
Võ đạo bảo vệ bản thân từ bên ngoài lẫn bên trong
Cơ duyên nào đã đưa chị đến với việc học võ, liệu có phải vì mục đích thi đấu thể thao hay còn những lý do nào khác?
Thực ra thì việc tôi quyết định đi học võ hết sức đơn giản, không phải là vì mục đích thi đấu thể thao. Lý do đầu tiên là để mình có thể tự bảo vệ bản thân, đó là điều mà bố tôi luôn căn dặn. Ông thường dặn dò: "Con ra ngoài đường chẳng may gặp phải người bắt nạt hay chuyện nọ chuyện kia thì phải biết cách mà xử lý".
Lý do thứ hai đưa tôi đến với việc học võ là vì mình muốn bảo vệ các bạn nữ cùng lớp.
Vậy là tình trạng bạo lực học đường đã có từ xưa phải không, thưa chị?
Cũng không hẳn, hồi còn bé, việc khiến tôi bức xúc là các bạn nam thường hay trêu ghẹo các bạn nữ bằng những hành vi nhỏ như là ném phấn, giật tóc hoặc kéo áo... Lớn lên, tôi có thể hiểu được điều này không xuất phát từ khuynh hướng bạo lực từ bên trong, mà chỉ đơn thuần là nghịch ngợm hay cố tình thu hút sự chú ý của trẻ con. Tuy vậy, điều đó vẫn khiến suy nghĩ của một đứa trẻ trong tôi cảm thấy "bất bình" và muốn học võ để bảo vệ bạn bè.
Thêm nữa là hồi đấy tôi cũng khá thích phim võ thuật Hồng Kông, những nhân vật hành hiệp trượng nghĩa trong phim đã truyền cảm hứng cho bản thân. Cho nên, nghe lời bố và xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, tôi bắt đầu bước chân vào con đường này.
Chị có nhắc đến khuynh hướng bạo lực bên trong, liệu đó có phải là sự tức giận, nóng nảy và ý đồ muốn gây tổn thương cho người khác? Theo chị, học võ có khiến cho tâm tính của chúng ta dịu lại, qua đó bảo vệ chúng ta khỏi cơn giận của mình từ bên trong?
Đúng vậy, ngoài việc xem tập võ như một hoạt động tay chân giúp xả stress và bình ổn tâm trí thì theo tôi, tính kỷ luật chính là yếu tố quan trọng mà việc học võ giúp chúng ta tự bảo vệ bản thân khỏi cơn nóng giận của chính mình.
Có thể thấy điều này qua ví dụ về chính bản thân tôi từ nhỏ. Những ngày đấy, huấn luyện viên yêu cầu mọi người phải tập luyện đủ thời gian và nếu không đảm bảo được thời lượng tập thì không được quyền tham gia thi đấu. Vậy nên bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không ngăn được việc chúng tôi đến lớp tập luyện. Cho dù ốm đau, mệt mỏi hay việc riêng tư, họa chăng chỉ có bệnh đến mức nhập viện thì mới nghỉ mà thôi.
Và tôi rất biết ơn điều đó, vì nó đã trui rèn cho tôi tính kỷ luật - thứ giúp bản thân điều tiết được cảm xúc và làm chủ cơn giận giữ bên trong. Mãi về sau, khi trưởng thành và trải qua đủ mọi biến cố thăng trầm trong cuộc đời thì tôi mới thấm nhuần được đạo lý này.
Khi đã học được đạo lý của thầy, chị có nghĩ rằng chỉ riêng kỷ luật cá nhân thôi thì chưa đủ để điều tiết cảm xúc, bởi vì ở một số môi trường thiên về kỷ luật, lễ nghĩa - như học đường chẳng hạn - thì tình trạng bạo lực vẫn diễn ra?
Đúng vậy, tự kỷ luật là đạo đầu tiên mà tôi học được khi luyện võ. Tiếp theo là rèn luyện kỷ luật theo các quy tắc của người luyện võ - quy tắc bảo vệ mọi người xung quanh.
Trước tiên, người học võ chính quy sẽ được giáo viên, người hướng dẫn yêu cầu bắt buộc là không sử dụng võ để tấn công người khác. Tất cả các võ đường chính quy ở Việt Nam hiện nay đều tuân theo quy tắc này và đây được xem là cái đạo của người rèn luyện. Mặc dù trên phim ảnh, chúng ta có thể bắt gặp cảnh những người luyện võ được giao cho nhiệm vụ tấn công người khác, thế nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Các võ đường được cấp phép ở Việt Nam đều có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho mọi người trước khi ghi danh.
Không chỉ vậy, võ sinh cũng sẽ được học và thực hành các quy tắc thi đấu đối kháng để tránh chấn thương cho đối thủ. Việc này rất quan trọng, không chỉ trong thi đấu thể thao mà còn ở ngoài thực tế.
Có phải vì vậy nên người học võ sẽ bình tĩnh hơn đối thủ rất nhiều, đồng thời biết cách ra đòn tự vệ hiệu quả và biết điểm dừng?
Đây là điều mà những người được học võ bài bản mới có được. Sự bình tĩnh và tập trung của họ rất khác với những hành vi hung hăng gây hấn do bốc đồng gây nên.
Không chỉ vậy, việc được tập luyện với các đòn thế nhằm hạn chế tối đa chấn thương cho người khác cũng là một điểm quan trọng khi thực chiến.
Ví dụ trong thi đấu đối kháng hoặc ở MMA hay boxing chẳng hạn, tất cả các vận động viên đều phải tuân theo luật lệ là tránh đánh vào những điểm yếu trí mạng của đối phương và khi thấy đối thủ không có ý định hay khả năng đánh trả thì phải biết điểm dừng. Việc được tuân thủ các quy tắc đạo đức này khi tập luyện sẽ giúp họ làm chủ hành vi của mình nếu chẳng may có tình huống thực tế xảy ra.
Tiên học đạo - hậu học võ
Như chị chia sẻ ở trên, song song với việc học võ thì học đạo chính là điều quan trọng, vậy chúng ta nên học đạo như thế nào?
Khi tham gia lớp học với giáo viên, người hướng dẫn hoặc "sư phụ", điều đầu tiên mà chúng ta được học sẽ là đạo. Mỗi người mỗi cách, thế nhưng về cơ bản, người thầy luôn là những người bảo vệ học trò của mình bằng cách truyền đạo để đệ tử biết đúng-sai-công-thủ, khi nào phản công, khi nào dừng lại.
Việc học đạo và học võ song hành với nhau. Khi võ sinh được rèn luyện trong một môi trường kỷ luật với những quy tắc đạo đức và phương án tập luyện rõ ràng, họ sẽ được thấm nhuần cái đạo của võ học.
Đối với tôi, đạo sẽ là điều đi trước và quan trọng hơn võ bởi vì nó là cái sẽ đi cùng với mình trên suốt cả hành trình dài sau này.
Vậy nên, học võ giúp rèn luyện tâm tính mà còn là giúp kiểm soát vấn đề này hiệu quả hơn đúng không, thưa chị? Bởi lẽ, dù biết về lợi ích thiết thực của võ thuật nhưng một vài phụ huynh cứ nghĩ đến võ là nghĩ đến một môn thể thao bạo lực nên không khuyến khích con em mình tiếp cận bộ môn này.
Những em đang trong độ tuổi vị thành niên phần lớn đều bị chi phối bởi sự cuồng nhiệt - tạm gọi là năng lượng của tuổi trẻ. Họ có nhiều khát khao muốn chứng tỏ bản thân, đồng thời cảm xúc lên xuống thất thường cũng khiến họ khó kiềm chế được hành vi của mình.
Nhưng với sự luyện tập bài bản, đều đặn và chuyên cần thì những vấn đề này sẽ được giải quyết phần nào. Đó có thể là giải pháp thiết thực cho vấn đề bạo lực. Đây không chỉ là điều tôi rút ra từ những kinh nghiệm của bản thân mà còn đúc kết được từ việc quan sát mọi người xung quanh. Vậy nên, phụ huynh hoàn toàn có thể đưa con em mình học võ mà không sợ yếu tố bạo lực sẽ chi phối.
Còn với các phụ huynh có con em mình là nữ thì sao, họ rất quan tâm tới yếu tố này?
Theo tôi, càng là con gái thì vận động và rèn luyện lại càng quan trọng. Thông qua rèn luyện, không chỉ sự dẻo dai mà ý chí của chúng ta cũng sẽ được tăng cường, từ đó giúp ích cho những vấn đề khác trong cuộc sống. Chẳng hạn như ý chí có thể giúp mình hình thành nên sự kiên trì, đây cũng có thể xem là một cái đạo của việc học võ vậy.
Vậy nên ngoài thiên bẩm, tính kiên trì này có phải là điều làm nên thành công của cô gái vàng wushu năm nào không thưa chị?
Theo tôi, với những người đạt được một thành tựu nào đó trong cuộc sống thì yếu tố kiên trì quan trọng hơn rất nhiều lần so với cái gọi là thiên bẩm. Thiên bẩm là cái "ông Trời ban cho", nhưng nếu mình không tiếp tục kiên trì thì chỉ đi tới được một ngưỡng nhất định nào đó thôi.
Cứ cho là thiên bẩm giúp mình mở đúng cánh cửa dành riêng cho bản thân, nhưng sau cánh cửa đó còn là một chặng đường dài mà nếu không kiên trì thì cũng chẳng thể đi đến đâu cả.
Thi đấu thể thao: Một sự nghiệp đáng để người trẻ cân nhắc
Được biết con gái của chị vừa đạt huy chương vàng bộ môn Taekwondo, đó có phải là nhờ chị đã hướng cho cháu rèn luyện thể dục thể thao từ nhỏ không? Và một người mẹ luôn bận rộn đủ trăm công nhìn việc gia đình - việc luyện võ - việc kinh doanh như chị đã dành thời gian dạy con theo võ thuật thế nào?
Tôi nhận thấy việc học của con trẻ cần phải được đa dạng hoá ở nhiều khía cạnh, không chỉ học văn hóa mà còn cần vui chơi, tận hưởng cuộc sống. Mặc dù điều này nói dễ hơn làm, nhưng tôi luôn cố gắng tranh thủ thời gian để có thể đồng hành cùng con. Đây cũng có thể xem là tính kỷ luật mà tôi đã được rèn luyện từ nhỏ.
Dành ra thời gian để đưa con trẻ đi học bơi lội, tập chơi thể thao và các kỹ năng sống là điều mà tôi luôn luôn tìm mọi cách để thực hiện, vì những đều này rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Và trong quá trình tập luyện, nếu thấy cháu có năng khiếu hoặc ưa thích một bộ môn nào đấy thì tôi sẽ cố gắng động viên. Việc đạt huy chương vàng Taekwondo cấp thành phố của cháu cho thấy cháu có năng khiếu nhưng chưa nói lên được nhiều điều.
Vậy chị có định hướng con gái theo con đường thi đấu chuyên nghiệp không?
Điều này phụ thuộc vào bản thân cháu nhiều hơn là từ phía tôi. Vai trò của phụ huynh, theo tôi, là động viên và giúp con cái theo đuổi đam mê. Bản thân tôi cũng không ép buộc cháu phải theo nghề của mẹ. Bởi hơn ai hết, tôi hiểu được rằng tự mỗi người phải theo đuổi chính đam mê thì mới có đủ động lực để đương đầu với những khó khăn, thử thách trên hành trình sau này.
Có phải vì con đường trở thành vận động viên chuyên nghiệp rất khó khăn và vất vả không, thưa chị? Đó là chưa kể đến nhiều thông tin trên mạng xã hội chia sẻ rằng giai đoạn sau khi giải nghệ, các vận động viên - đặc biệt là các vận động viên nữ - phải đối mặt rất nhiều khó khăn?
Đầu tiên là xét về những thách thức và trở ngại thì ngành nghề nào cũng có, công việc nào cũng gặp, chứ không riêng gì thi đấu thể thao. Và khó khăn, theo một cách nào đó, chính là điều giúp chúng ta trưởng thành. Thế nên, tôi không hề lo chuyện con cái mình sẽ phải đương đầu với những thử thách khi tham gia thi đấu chuyên nghiệp.
Thứ hai là làm gì sau khi dừng thi đấu chuyên nghiệp? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân vận động viên trong quá trình học tập, rèn luyện. Khi bước chân vào môi trường thể dục thể thao, các vận động viên cũng được tạo điều kiện để việc học văn hoá dễ dàng và thuận lợi hơn. Vậy nên, chỉ cần định hướng rõ ràng để cố gắng kiên trì, vừa rèn luyện vừa học tập thì những người theo đuổi sự nghiệp thể thao không phải quá lo lắng về tương lai.
Với kinh nghiệm của một người đã thành công sau khi giải nghệ, theo chị, các vận động viên nên định hướng thế nào và trau dồi thêm điều gì trong thời gian thi đấu để có thể thích nghi tốt hơn với cuộc sống sau này?
Trước tiên, các bạn nên chịu khó học hành đầy đủ vì kiên trì và nỗ lực chắc chắn sẽ trui rèn bản thân và mang lại nhiều giá trị hơn cho mình. Một điểm mà tôi xem là lợi thế của những người luyện tập thể dục thể thao trong việc học hành đó là sự hỗ trợ rất lớn từ phía nhà trường.
Sau đó, chúng ta có thể tuỳ thuộc vào định hướng của bản thân mà chọn ra cho mình một hướng đi phù hợp. Nếu vẫn muốn tập trung vào đúng chuyên môn mà mình đam mê thì có thể xem xét học thêm các bằng cấp bổ trợ để trở thành chuyên viên trong ban huấn luyện của đội tuyển. Trở thành giáo viên hoặc người hướng dẫn cũng là một phương án được rất nhiều vận động viên lựa chọn sau khi giải nghệ. Hoặc nếu không thì cũng có thể đi làm kinh doanh theo sở thích cá nhân. Tôi từng thấy rất nhiều vận động viên sau khi giải nghệ thành công trong lĩnh vực kinh doanh vì đã có sẵn một lượng lớn người theo dõi và ủng hộ.
Tóm lại rằng, các bạn trẻ có ý định tham gia vào thi đấu thể thao chuyên nghiệp không cần lo lắng về việc làm gì trong tương lai. Bởi vì việc kiên trì và cố gắng hết sức mình ở thời điểm hiện tại để theo đuổi đam mê mới là điều quan trọng nhất.
Xin cảm ơn chị rất nhiều vì đã dành thời gian chia sẻ!
Comments