Trong khi cả thế giới đang "đau đầu" tìm lời giải cho bài toán chống biến đổi khí hậu, ô nhiễm do rác thải lại một vấn đề nan giải khác. Những nỗ lực cải thiện tình hình xử lý rác thải đã được ghi nhận, với sự ra đời của những phương pháp và công nghệ mới. Để hướng đến một xã hội không xả rác – hay còn gọi là "zero-waste", chúng ta có thể thực hiện "luôn-và-ngay" 7 hành động vô cùng đơn giản.
Vấn đề rác thải - Thách thức toàn cầu
Nhìn chung, rác thải có thể được chia làm hai nhóm là rác gây nguy hại (hazardous waste) gồm các loại rác thải phóng xạ, y tế, điện tử... và rác không gây nguy hại (non-hazardous waste) chỉ nhóm rác thải sinh hoạt và một số loại rác công nghiệp. Điều đáng nói là nhóm rác thải do sinh hoạt đô thị (municipal waste) chiếm tỷ lệ áp đảo với rác hữu cơ (organic waste) và chất thải rắn (solid waste) như vỏ bao bì, chai lọ nhựa... (1), (2).
Trong đó, chất thải rắn nói chung được nhận định là khó xử lý nhất do các các đặc tính vật lý và hóa học.
Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, hằng năm có khoảng 11,2 tỷ tấn rác thải nhựa được thu gom trên thế giới. Trong khi đó, sự phân hủy tỷ lệ hữu cơ có trong chất thải rắn đang chiếm khoảng 5% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu (3).
Tại Việt Nam, số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được xả ra môi trường, nhưng chỉ có 27% trong số này được tái chế đúng cách. Song song với đó, khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn rác bị thải ra biển (4).
Tính trung bình, mỗi người Việt Nam thải ra gần 0,5 kg rác thải nhựa/ngày, tương đương hơn 182 kg/năm – con số làm nhiều người giật mình tự hỏi: Chúng ta đang làm gì với Mẹ Trái đất thế này?
Xử lý rác thải bền vững: Lời giải đáp từ những thành tựu khoa học
Tại Việt Nam, chỉ có 10% rác thải rắn được xử lý theo phương pháp tái chế, còn lại, 90% vẫn được sử dụng hình thức chôn (landfilling) hoặc đốt (incineration) theo lối cũ – vốn là giải pháp bất khả kháng khi hạn chế về chi phí và công nghệ (4), (5).
Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu và áp dụng thành công một số biện pháp xử lý rác thải mang tính bền vững và có thể được triển khai trên quy mô lớn (6). Những giải pháp này gồm:
1. Khí hóa plasma (plasma gasification): Đây là tiến trình chuyển hóa chất thải thành năng lượng, vừa giảm thiểu việc chôn lấp rác, vừa giúp tạo nên các nguồn năng lượng xanh phục vụ con người. Trong quy trình này, khí hóa plasma có hiệu quả trong việc làm nóng chất thải, đến nhiệt độ cực cao và chuyển hóa chúng thành các loại khí có thể sử dụng được như khí hydro – một nguồn năng lượng bền vững. Một nghiên cứu cho thấy khí hóa plasma có thể góp phần loại bỏ 83 triệu tấn khí thải CO₂ mỗi năm, chỉ tính riêng ở California, Hoa Kỳ (7).
2. Hệ thống thu gom chất thải đô thị theo cơ chế khí nén (pneumatic urban waste collection systems): Các thành phố lớn hiện nay đều sử dụng xe tải chạy bằng xăng, dầu – các loại nhiên liệu hóa thạch để thu gom rác, điều này gây phát thải ra môi trường. Do đó một số nhà khoa học đã ứng dụng lực hút chân không để tiếp nhận rác thải thông qua mạng lưới ống khí nén ngầm (underground pneumatic tube) và xử lý rác nhanh hơn so với các phương pháp phổ thông khác. Ống khí được cung cấp năng lượng từ máy nén khí nên mức tiêu thụ năng lượng rất nhỏ. Đồng thời, do không cần xe trong tiến trình vận chuyển rác nên hệ thống này có thể giảm thiểu tình trạng phát chất thải ra môi trường (8).
3. Phân loại rác thải bằng AI (AI waste sorting): Việc phân loại rác thải là tiền đề để xử lý hiệu quả. Tuy nhiên, giám sát phân loại rác theo lối thủ công thường tốn nhiều thời gian và chi phí. Do vậy, các nhà khoa học đã ứng dụng AI như một trợ thủ đắc lực, giúp các hệ thống tự phân biệt các loại chất thải khác nhau, sau đó mới sắp xếp chúng và gửi thông tin chi tiết về cách xử lý rác thải cụ thể.
Lựa chọn lối sống "zero waste" – Phong cách sống của sự bền vững
Nhiều người trên thế giới đã quyết định chuyển sang gắn bó với lối sống "zero waste" – lựa chọn không tạo ra rác thải hoặc hạn chế tối đa các hoạt động thải rác sinh hoạt.
Một ví dụ có thể kể tới là Lauren Singer – một nhà hoạt động môi trường tuổi teen người Hoa Kỳ, đã thực hành lối sống "zero-waste" trong nhiều năm. Cô gái này thực hiện triệt để các biện pháp không phát sinh rác thải (9), (10), (11). Một số thói quen tiêu biểu nhất gồm có:
mang túi, hộp cá nhân khi mua sắm
ưu tiên mua đồ tại những xe chở hàng hay khu chợ bán sản phẩm cân/đếm trực tiếp chứ không chọn sản phẩm đóng gói sẵn trong bao bì
chuyển sang dùng các sản phẩm làm từ chất liệu tre, gỗ thay vì nhựa, như bàn chải đánh răng, cốc, hoặc sử dụng khăn tay cho giấy vệ sinh...
tự mình làm các sản phẩm chăm sóc và vệ sinh cơ thể bằng nguyên liệu hữu cơ thay vì mua đồ tại siêu thị
không mua quần áo mới trong nhiều năm mà tận dụng tối đa tuổi thọ hoặc mua lại những trang phục còn tốt từ chợ đồ cũ...
Theo chia sẻ từ Lauren Singer, số rác thải của cô trong bốn năm được đựng vừa trong bình 16 oz (khoảng 454 gam) (9).
Cô gái trẻ cho hay mình hạnh phúc khi đã tạo lập được những thói quen tiêu dùng tốt cho bản thân và góp phần đem lại sự phát triển bền vững cho xã hội (10), (11).
Tưương tự như Lauren Singer, một gia đình sáu thành viên của chị Stojkovic tại UAE cũng chia sẻ niềm vui khi cùng nhau duy trì lối sống "zero-waste" (12). Họ đã bắt đầu thói quen đi bộ, đạp xe và sử dụng phương tiện công cộng thay vì lái xe riêng đến trường hoặc công sở, do đó, họ không tiêu tốn nhiên liệu và gây phát thải ra môi trường. Chị Stojkovic tái chế quần áo cho các con và tặng quà cho con là những tấm vé trải nghiệm tại khu vui chơi thay vì mua đồ chơi mới.
Gia đình chị Stojkovic chuyển sang dùng đồ đựng bền vững như túi vải, chai/lọ khi đi chợ. Bên cạnh đó, chị chủ động nấu ăn ở nhà và sử dụng thực phẩm tươi ngon trong ngày để không gây lãng phí khi để thừa đồ ăn (12).
Theo đuổi lối sống "zero-waste": 7 hành động cụ thể
Thật khó để tận hưởng cuộc sống mà không tạo ra rác thải, song bạn hoàn toàn có thể kiểm soát lượng rác thải dạng rắn có thể phát sinh từ sinh hoạt hằng ngày. Dưới đây là một số phương pháp, hành động "sống xanh" thiết thực và cụ thể mà các nhân vật kể trên đã áp dụng thành công. LeLa Journal đã tổng hợp và cho rằng các bạn có thể áp dụng "luôn và ngay" mà không gặp nhiều khó khăn, gồm có:
1. Mang theo túi vải, túi cói khi đi mua sắm: Hãy thử mang sẵn 1 - 2 chiếc túi vải không dệt hoặc túi cói có thể gấp gọn trong balo, túi xách để đựng đồ khi ghé qua chợ, siêu thị... Những loại túi vải, túi cói có tuổi thọ sử dụng lên đến hàng năm nếu được giặt sạch và sử dụng cẩn thận. Ngoài ra, chúng rất bền nên có thể chịu được sức nặng của các sản phẩm có trọng lượng và kích thước lớn.
Bạn có thể tìm cách gấp túi thành những hình dáng vừa gọn vừa đẹp mắt, hoặc với túi có độ cứng nhất định, bạn có thể đặt lót dưới đáy túi xách, balo...
2. Đựng đồ ăn bằng hộp nhựa không chứa BPA hoặc hộp thủy tinh: Nhiều gia đình có thói quen đựng thực phẩm trong túi nilon hoặc hộp nhựa. Điều này đã gián tiếp tạo điều kiện cho các hạt vi nhựa xâm nhập vào thực phẩm, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng cũng như tác động xấu đến môi trường. Thay vào đó, bạn có thể chuyển sang dùng các sản phẩm hộp đựng chất lượng cao như hộp không chứa BPA hoặc hộp thủy tinh.
3. Chuyển sang sử dụng túi và hộp đựng tự hủy sinh học: Có nhiều nhà sản xuất tại Việt Nam đã chuyển sang làm các sản phẩm túi và hộp đựng từ nguyên liệu hữu cơ như bã mía, bột sắn, ngô, tre... Khi xả ra môi trường, chúng sẽ chuyển hóa thành các chất hữu cơ dễ hòa tan dưới tác động của vi sinh vật, do đó rất thân thiện với môi trường. Bạn có thể tìm mua túi và hộp dạng này trên các sàn thương mại điện tử.
4. Hạn chế sử dụng đồ đựng dùng một lần: Thay vào đó, hãy dùng đồ ở quán hoặc chuẩn bị sẵn chai, bình, hộp đựng... để thêm đồ uống, đồ ăn nếu có thể. Khi đặt mua đồ ăn về nhà, bạn có thể ghi chỉ dẫn cho cửa hàng bán rằng bạn không cần lấy dụng cụ ăn uống. Bạn cũng có thể "dự trữ" sẵn những chiếc ống hút kim loại của riêng mình, vừa giữ gìn được sức khỏe cá nhân, vừa giúp bảo vệ môi trường.
5. Tái chế các loại vỏ hộp và gửi đến những địa chỉ xử lý tin cậy: Vỏ hộp sữa, hộp đựng nước hoa quả... sau khi được cắt ra, rửa sạch và phơi khô có thể được gửi đến hệ thống TeTra Park qua ứng dụng VECA tại TP. HCM hoặc tổ chức Green Life tại Hà Nội để được xử lý phù hợp (13), (14).
6. Hạn chế mua các sản phẩm may mặc thời trang nhanh: Hãy mua quần áo khi bạn thấy điều đó thực sự cần thiết. Lựa chọn những thương hiệu bền vững, có cam kết trách nhiệm với cộng đồng rõ ràng để mua đồ cũng là cách thể hiện bản thân là người tiêu dùng bền vững thông thái.
7. Tự ủ phân hữu cơ: Có ba quy trình ủ phân là nóng, nguội và bằng giun. Về điều này, mời độc giả tham khảo bài viết đã từng được đăng tải trên LeLa Journal với tựa đề Tự ủ phân hữu cơ: Lối sống xanh cho tương lai bền vững.
Việc chuyển đổi lối sống thành "zero-waste" không thể diễn ra ngắn gọn trong một sớm một chiều, nhưng chỉ bằng việc bắt đầu bảy hành động kể trên, các bạn đã có thể dần tiệm cận lối sống này.
Comments