top of page
Tìm kiếm

"1, 2, 3... Dzô!": Văn hóa cụng ly bia rượu bắt nguồn từ đâu?

"1, 2, 3... Dzô!" là câu cửa miệng đã quá quen thuộc mỗi khi chúng ta cụng ly "chén tạc chén thù". Hành động này dường như là một "nghi thức" bắt buộc trong mọi cuộc vui, từ bàn nhậu cho đến bàn tiệc và cả những quầy bar trang trọng. Thậm chí, nhiều người còn chẳng cần dùng thức uống có cồn mới có thể hô to khẩu hiệu này. Có vẻ như, vượt lên trên một khẩu hiệu vô thưởng vô phạt, "1, 2, 3... Dzô!" còn có nhiều ý nghĩa sâu xa hơn thế.



Khẩu hiệu nâng ly bắt nguồn từ đâu?


Ở phương Tây, việc nâng ly cạn chén có ý nghĩa nhằm chúc sức khỏe lẫn nhau và truyền thống này bắt nguồn từ các xã hội cổ đại trước Công nguyên. Một số học giả cho rằng, văn hóa chúc sức khỏe khi cạn chén đã có tuổi đời hơn 10.000 năm!


Chúng ta phải cảm ơn người Hy Lạp và La Mã vì việc sáng tạo và phổ biển khẩu hiệu cho các đệ tử lưu linh và người sành rượu có thể dùng chung. Theo truyền thống của cả người Hy Lạp và La Mã cổ đại, mỗi khi có yến tiệc, họ tưới rượu lên nền đất và xướng lên lời chúc phúc như một hành động hiến dâng lễ vật cho các vị thần và cầu xin phúc lành từ họ.


Lời chúc phúc khi tế rượu này còn được thực hiện trong bữa tiệc đưa tang. Người ta tin rằng phong tục này được xem như một lời chúc mừng sức khỏe gửi tới những người còn sống và cho những người đã khuất. Và cho đến ngày nay chúng ta vẫn nâng ly hướng lên trời, như thể dâng đồ uống của mình lên các vị thần, cha ông, tổ tiên...



Ý nghĩa của việc nâng ly và hô "1, 2, 3... Dzô!"


Như bất kỳ yếu tố lịch sử nào, chuyện "cạn chén" cũng có vô số huyền thoại và câu chuyện đi kèm.


Khi tìm hiểu ý nghĩa của câu hiệu nâng ly cạn chén trong các nền văn hóa khác nhau, chúng ta đều có thể bắt gặp những điểm giống nhau về mặt ý nghĩa. Khái quát mà nói, hành vi thuộc đặc điểm văn hóa này thường mang những nét nghĩa chung, tuy phần nhiều chỉ là giai thoại. Cụ thể như sau:

  • Tạ ơn trời thần: Một vài học giả cho rằng nếp văn hóa này đã có từ thời Hy Lạp cổ đại, khi mà người Hy Lạp ca tụng những vị thần của họ bằng rượu ngon trong những buổi yến tiệc. Rượu (nhất là rượu nho) được đổ lên đất để dâng lên thần linh nhằm đổi lấy một sức khỏe tốt và đôi khi là để cầu xin lời giải đáp về cuộc đời.

  • Một cách thử độc trong rượu: Đây chỉ là một huyền thoại kể lại nhưng cũng có giá trị tham khảo và khá hài hước. Tương truyền rằng vào thời Trung Cổ, việc đầu độc đối thủ bằng đồ ăn thức uống rất phổ biến. Thế nên người ta mới nghĩ ra việc cạn chén như một cách để thử độc khi vua chúa các nước mở yến tiệc với các nước đồng minh hay chư hầu. Ý tưởng là thế này, khi cụng ly thì phải cụng sao cho nước trong ly của hai bên văng vào nhau và trộn lẫn.


Cử chỉ này đảm bảo rằng ly của cả hai đều san sẻ chung một thứ thức uống, vì nếu có kẻ muốn đầu độc thành viên trong bàn tiệc thì hắn hoặc sẽ phải lộ diện, hoặc sẽ phải cùng chung kết cục.

  • Xua đuổi tà thần: Có giai thoại nói rằng người phương Tây cụng chung, cụng vại khi uống nhằm tạo ra âm thanh xua đuổi ma quỷ, tà thần. Văn hóa này vẫn được người Đức duy trì cho đến thời nay với một chút cải biên. Cụ thể, thay vì cụng chung vại ồn ào dễ gây đổ vỡ như hồi trước thì họ đập cốc bia xuống bàn và hô to khẩu hiệu như một nghi thức xua đuổi những linh hồn xấu xa.

  • Kích thích mọi giác quan: Có giả thuyết cho rằng vừa nâng ly vừa hô hào sau đó nhấp bia rượu là để tận hưởng bia rượu bằng cả ngũ quan.

  • Cụng chén là hình thức kết nối xã hội: Ngày trước, người cổ đại uống rượu trong những chiếc chung, vại ủ to và cồng kềnh, nên văn hóa uống ngày trước là các thành viên cùng uống chung một vại, một bầu, hoặc một chiếc cốc đồng và chuyền từ người này sang người khác.


Cách uống chuyền tay này khiến cho lượng bia rượu vơi đi ở mỗi lượt chuyền không đều nhau, nên dễ xảy ra xích mích theo kiểu một người uống ít/nhiều hơn các thành viên khác. Từ đó, người ta bắt đầu chia đồ uống vào các ly nhỏ đều nhau.

Khi những chiếc ly nho ra đời, bia rượu mới được phân phát đều vào từng ly. Nhờ vậy, bàn tiệc mới có thể vui niềm vui chung và công bằng, vì giờ ai cũng có từng ấy lượng mỹ tửu như nhau, cũng như "kiểm soát" lượng bia rượu dễ hơn. Cũng có thể hiểu rằng việc cả tập thể cùng nâng ly và cạn chén là một biến thể của việc chuyền tay nhau chung một cốc rượu ngày xưa.



"1, 2, 3... Dzô!" trong những ngôn ngữ khác


Từ "cheers" trong tiếng Anh bắt nguồn từ một từ trong tiếng Pháp cổ có nghĩa là gương mặt. Việc nói "cheer" trong tiếng Anh ngày nay ám chỉ đến tâm trạng, biểu cảm gương mặt, nên người ta còn hô "good cheers" (tạm dịch: Vui lên nha) khi nâng ly.


Vào Thế kỷ XV, từ "cheers" được gắn với những ngày lễ ngập tràn đồ ăn thức uống. Đến năm 1720, từ cheers, lần đầu được ghi nhận như một khẩu hiệu động viên. Mãi đến năm 1919, người ta mới ghi nhận trường hợp đầu tiên nói "cheers" như một lời chúc sức khỏe khi nâng ly cạn chén.


Ở các nước châu Âu, người ta không nói "cheers" mà thay vào đó là những cụm từ có hàm nghĩa chúc sức khỏe:


Điều quan trọng với người Đức không phải là hô hào thật to, mà là giao tiếp bằng mắt khi nâng ly.

Ở một số nước phương Đông, ngoài ý nghĩa sức khỏe, người ta còn chúc nhau may mắn, hoặc chúc thâm tình trọn vẹn như những chén rượu đầy được uống cạn (GanBei trong tiếng Trung, GeonBae trong tiếng Hàn và KanPai trong tiếng Nhật đều có nghĩa "cạn ly"). Tương tự như vậy, trong văn hóa phương Tây, đôi khi chúng ta cũng có thể bắt gặp những câu như "Bottom's up" (tạm dịch là "cạn hết đáy ly").


Trong tiếng Ba Tư, câu khẩu hiệu khi cụng ly "be salamati" mang ý nghĩa chúc may mắn
Trong ngôn ngữ của một số quốc gia Á châu, thay vì nói "1,2,3... Dzô", họ sẽ hô to khẩu hiệu mang ý nghĩa "cạn ly"

Bên cạnh những khẩu hiệu giản đơn, ở một nước còn có những khẩu hiệu dài hơn, phức tạp hơn với nhiều sắc thái và ý nghĩa hơn. Ví dụ như trong tiếng Anh cổ, câu "Here's mud in your eye" (tạm dịch: "Đây là bùn trong mắt bạn") có nguồn gốc từ một tích trong Kinh Tân Ước, Chúa Jesus đã chữa cho một người mù bằng cách bỏ bùn vào mắt anh ta (Giăng 9:1–7). Do đó, cách nói này mang ý nghĩa chúc phước lành.



Comentários


bottom of page