top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảAn Trương

13 "cờ đỏ" tình yêu: Chạy ngay đi trước khi mọi chuyện tồi tệ hơn

Có lẽ chẳng ai trong chúng ta còn xa lạ gì với những vấn đề "cờ đỏ" (red flag) trong tình cảm. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rằng "bảng màu" của mỗi người đều khác nhau, nghĩa là cờ đỏ với người này có khi chỉ là "cờ vàng", "cờ be"... với người kia. Vậy đâu là những lá cờ đỏ phấp phới mà chúng ta nhất định phải dừng ngay-tắp-lự? Bật mí là có đến 13 lá cờ "đỏ lè đỏ lét" cần tránh xa và chúng ta nên "chạy đi chờ đi" ngay khi vẫn còn kịp "quay đầu là bờ".


Nối tiếp bài viết trên LeLa Journal với tựa đề 9 sắc cờ tình yêu: Crush của bạn thuộc màu cờ nào?, trong bài này, chúng ta sẽ nói nhiều hơn về "cờ đỏ" (red flag).



Cờ đỏ là một thuật ngữ để chỉ các dấu hiệu, tín hiệu, hoặc biểu hiện mà chúng ta nên chú ý và đặc biệt là cần dừng lại (1). Trong các mối quan hệ tình cảm, cờ đỏ gồm những biểu hiện, tình huống "hứa hẹn" nguy cơ về một mối quan hệ thiếu lành mạnh, "đầy rẫy" vấn đề, không an toàn, không ổn định...


Dưới đây là 13 lá cờ đỏ mà nếu lỡ gặp phải, bạn cần phải dừng lại, sau đó là chạy-ngay-đi, càng xa càng tốt.


1. Bạo hành


Bạo hành trong mối quan hệ là một trong những cờ đỏ nghiêm trọng nhất và đáng lo ngại nhất. Nó có thể bao gồm bạo hành thể xác, tinh thần, lời nói... không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà thậm chí còn đe dọa tính mạng. Trong một số trường hợp, bạo hành có thể là dấu hiệu cho thấy một người không có khả năng đồng cảm với người khác (2). Dưới đây là một số hình thức bạo hành, bạo lực trong mối quan hệ hoặc gia đình (3), (4):

  • Bạo hành thể xác: Thường xuyên sử dụng vũ lực hoặc gây thương tích cho bạn. Điều này có thể bao gồm việc đánh đập, chèn ép hoặc sử dụng bạo lực với mục đích kiểm soát đối bạn.

  • Bạo hành ngôn từ: La hét, quát mắng, thóa mạ, nói lời xúc phạm bạn... có thể bao gồm việc chê bai, đe dọa hoặc làm cho bạn cảm thấy không tự tin và giảm lòng tự trọng, tự tôn cá nhân.

  • Bạo hành cảm xúc: Tác động tới tâm lý, cảm xúc cá nhân của bạn. Hầu hết các hành vi bạo hành đều tác động tới cảm xúc và ngược lại, hầu hết những thương tổn về cảm xúc trong mối quan hệ thường tới từ hai dạng bạo hành kể trên. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn, khi người yêu không cho bạn dùng điện thoại nhiều để liên lạc với bạn bè hay gia đình, họ không cần nói nặng lời hay đánh đập bạn nhưng vẫn khiến bạn thấy mệt mỏi về tinh thần. Hoặc giả, trong trường hợp mắc hội chứng Stockholm (Stockholm syndrome), nạn nhân dễ có kết nối với kẻ bạo hành, thậm chí tình nguyện chịu bạo hành (5).

  • Bạo hành tình dục: Bạn phải thực hiện các hành vi tình dục mà bạn không mong muốn hoặc không đồng ý, thậm chí, kẻ bạo hành dùng đến yếu tố "bạo lực" để cưỡng chế. Đặc biệt, xét trong một mối quan hệ, chúng ta vẫn có quyền từ chối khi không muốn hoặc không đồng ý quan hệ tình dục. Theo luật Việt Nam hiện hành, hành vi "cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng" cũng được tính như hành vi bạo lực gia đình (4).

  • Bạo hành tài chính, kiểm soát tiền bạc: Đây là hành vi cố ý kiểm soát tài chính, ngăn cản việc bạn quản lý tiền bạc hoặc ép buộc bạn phải chịu nhiều áp lực về tài chính mà không được tham gia quyết định hoặc đưa ý kiến.

  • Bạo hành qua internet, kiểm soát trên mạng xã hội: Sử dụng các phương tiện trực tuyến để đe dọa phát tán thông tin và bí mật, xâm phạm quyền riêng tư hoặc kiểm soát bạn trên các nền tảng trực tuyến. Điều này có thể bao gồm cả việc theo dõi và gửi thông điệp đe dọa qua mạng xã hội hoặc email.

  • Bạo hành gián tiếp: Đây là khi bạn bị cưỡng ép phải chứng kiến hành vi bạo lực, bạo hành...

  • Bỏ bê, bỏ mặc, không quan tâm...


Khi chứng kiến "nửa kia" có những hành vi này, bạn hãy... chạy ngay nhé.


2. Nghiện


Nghiện là một trong những lá cờ đỏ bay phấp phới trong mối quan hệ. Nghiện cũng được chia làm hai phân loại nghiện là nghiện chất và nghiện hành vi (6). Theo quan điểm từ thời xưa, "tứ đổ tường" gồm 4 chứng nghiện sau:

  • Nghiện rượu và chất kích thích (nghiện chất)

  • Nghiện cờ bạc (nghiện hành vi)

  • Nghiện tình dục (nghiện hành vi)

  • Nghiện hút chích, chất cấm (nghiện chất)


Về điều này, mời độc giả tham khảo bài viết cùng chủ đề, đã được đăng tải trên LeLa Journal với tựa đề "Tứ đổ tường" thời đại mới: 4 thói xấu dễ "gây nghiện".



3. Không chung mục tiêu trong cuộc sống


Khi bạn và "người thương" không chia sẻ mục tiêu và giá trị cơ bản trong cuộc sống, mối quan hệ có thể rơi vào tình trạng xung đột, thậm chí có thể leo thang tới mức "vô phương cứu chữa". Một số ví dụ điển hình như sau:


1. Xung đột liên quan đến mục tiêu cá nhân: Nếu cả hai người trong mối quan hệ có những mục tiêu cá nhân riêng biệt mà không thể kết hợp hoặc làm việc chung, đây là dấu hiệu đầu tiên của việc không còn tiếng nói chung.


Ví dụ, một người có thể muốn định cư ở một thành phố lớn, trong khi người kia muốn ở gần gia đình. Điều này có thể tạo ra căng thẳng và khó khăn trong việc đưa ra quyết định lớn.

2. Không đồng tình trong khía cạnh tài chính: Mục tiêu tài chính khác nhau cũng có thể tạo ra xung đột. Một người có thể muốn tiết kiệm và đầu tư để tạo dựng tương lai tài chính ổn định, trong khi người kia có thể chi tiêu hoặc nợ nần một cách không kiểm soát. Điều này có thể gây ra căng thẳng tài chính và đe dọa tương lai chung đôi của cả hai.


3. Không thể chia sẻ các giá trị cốt lõi trong cuộc sống: Giá trị cốt lõi đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ. Nếu bạn và đối tác có các giá trị cốt lõi khác nhau, như là quan điểm về hôn nhân, gia đình, tôn giáo hoặc chính trị... điều này có thể tạo ra sự không đồng lòng và xung đột. Đặc biệt, ở chiều ngược lại, chúng ta cũng cần cân nhắc về nhiều giá trị thay vì chỉ một giá trị đơn lẻ.


Chẳng hạn, cả hai người cùng chia sẻ giá trị cốt lõi là lòng nhân đạo, cụ thể là sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, nhưng một người thì tập trung vào hành động nhỏ giải quyết vấn đề trước mắt (như việc đưa "con cá" ăn một bữa), còn một người lại đề cao hành động hỗ trợ lâu dài (như việc đưa "cần câu" dùng cả đời).


Trong trường hợp này, việc chỉ chia sẻ một giá trị đơn lẻ vẫn có thể dẫn tới xung đột trong mối quan hệ lâu dài. Do đó, đây vẫn được xem như một lá cờ đỏ.

4. Thiếu hỗ trợ từ đối phương: Khi bạn không nhận được sự hỗ trợ từ "nửa kia" trong việc theo đuổi mục tiêu cá nhân hoặc sự phát triển cá nhân, bạn có thể cảm thấy bị hạn chế và khó có thể phát triển.



4. Ghen tuông và mất lòng tin dai dẳng


Sự ghen tuông quá mức và mất lòng tin liên tục có thể làm mối quan hệ trở nên căng thẳng và không lành mạnh.

  • Ghen tuông thái quá, vô lý: Ghen tuông có thể là một phản ứng tự nhiên trong mối quan hệ nhưng khi trở nên vô lý và thiếu kiểm soát, nó có thể làm cho đối phương cảm thấy bị kiểm soát và hạn chế tự do cá nhân (7).

  • Mất lòng tin dai dẳng: Khi yêu, nếu một người không ngừng nghi ngờ và mất lòng tin vào đối phương dù không có cơ sở hoặc bằng chứng cụ thể, đó cũng là một lá cờ đỏ nguy hại.

  • Làm phức tạp hóa mọi tình huống: Người có tính ghen tuông vô lý thường có xu hướng làm phức tạp mọi tình huống và tìm kiếm dấu hiệu để ghen tuông ở mọi nơi. Hay chính xác hơn, đây chính là hành vi "chuyện bé xé ra to".



5. Kiểm soát thái quá


Sự kiểm soát này có thể có liên quan tới biểu hiện phức tạp hóa mọi tình huống hoặc bạo hành. Dưới đây là một số dấu hiệu để bạn kiểm tra xem bản thân hoặc đối phương có đang kiểm soát thái quá hay không:

  • Sự áp đặt: Ép buộc đối phương làm theo ý muốn của mình thay vì tôn trọng sự tự quyết và lựa chọn cá nhân.

  • Đe dọa và cảnh cáo: Người kiểm soát có thể đe dọa và cảnh cáo để kiểm soát đối phương bằng nhiều hình thức, làm cho người bị kiểm soát cảm thấy sợ hãi và bị ràng buộc.

  • Hạn chế tự do cá nhân: Người kiểm soát có thể cấm đối phương gặp gỡ bạn bè, theo đuổi sở thích cá nhân hoặc làm bất kỳ điều gì mà họ không thích.

  • Theo dõi liên tục: Người kiểm soát có thể theo dõi đối phương liên tục thông qua điện thoại, mạng xã hội hoặc các phương tiện khác mà không có sự đồng ý, khiến người còn lại cảm thấy bị đánh cắp sự riêng tư.



Điểm nguy hại nhất ở thói kiểm soát thái quá này là việc bạn không còn không gian riêng. Bạn không chỉ bị bạo hành tinh thần hay bị ghen tuông, mà còn không thể phát triển hay tư duy như một cá nhân độc lập.

6. Nói xấu người yêu cũ


Nếu nửa kia thường xuyên nói xấu về người yêu cũ hoặc trải qua nhiều mối quan hệ chóng vánh thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy một cờ đỏ nghiêm trọng.


Khi một người nói xấu người yêu cũ thì đây thường là một dấu hiệu của thiếu sự tôn trọng đối với quá khứ và trải nghiệm của chính mình. Nếu kéo dài, hành vi này sẽ tạo ra sự bất ổn tâm lý trong một mối quan hệ, rồi chính bạn cũng sẽ cảm thấy thấy lo lắng về việc mình có thể trở thành "đề tài" của một cuộc nói xấu trong tương lai hay không



7. Không có bạn bè và kết nối xã hội tốt


Nếu một trong hai người hoàn toàn cô lập mình, điều này là một dấu hiệu cần xem xét nghiêm túc bởi một mối quan hệ lành mạnh không phải là khi hai người chỉ tập trung vào nhau, mà là cùng nhau tập trung vào cuộc sống và mọi người xung quanh.

  • Cảm giác áp lực: Khi một người quá "chìm đắm" vào đối phương, có thể tạo ra áp lực cho người còn lại, cảm thấy bị ràng buộc và không có sự tự do cá nhân.

  • Hạn chế sự phát triển cá nhân: Việc phải luôn làm chỗ dựa cho một người có thể làm cho chúng ta không có cơ hội để phát triển mối quan hệ xã hội và xây dựng mối quan hệ khác ngoài mối quan hệ chính.


Điều này trái ngược với điều số 5 về sự kiểm soát thái quá kể trên. Ở đây, nửa kia của bạn không cho phép chính họ phát triển vì còn... mải phụ thuộc vào bạn.


8. Thiếu sự thân mật cơ bản


Thiếu sự thân mật cơ bản trong mối quan hệ là một "red flag" quan trọng và có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của cả hai người, gây ra khoảng cách và tạo ra nhiều căng thẳng. Việc tìm kiếm lại sự thân mật trong tình yêu sau khi đã mất có thể khó khăn hơn rất nhiều so với việc nỗ lực hết mình để gìn giữ nó (8). Vậy đâu là dấu hiệu?

  • Thiếu kết nối: Thiếu sự thân mật cơ bản thường xuất phát từ việc không có kết nối tinh thần mạnh mẽ giữa cả hai. Điều này có thể dẫn đến việc cả hai không thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và mong muốn của mình một cách tự do và khoảng cách ngày một xa.

  • Không còn đồng điệu: Sự thân mật cơ bản thường liên quan đến sự kết nối tinh thần. Nếu bạn không cảm nhận được sự kết nối với đối phương và ngược lại, điều này có thể dẫn đến sự cô đơn và lạ loài trong chính cuộc tình của mình.


9. Gaslighting – thao túng tâm lý


Gaslighting là một dạng của lừa dối tinh thần và thậm chí có liên hệ với những hành vi lừa đảo, lợi dụng khác. Các vụ lừa đảo trong các mối quan hệ lãng mạn đã tăng 50% kể từ năm 2019 và khiến nạn nhân thiệt hại khoảng 304 triệu đô la trong năm 2020 (9). Lừa đảo tình cảm cũng gây ra đau khổ về tinh thần, khiến những nạn nhân cô đơn và những người cũng bị lừa đưa tiền ngày càng đau khổ (10). Một vài biểu hiện ban đầu của sự lừa dối, thao túng tâm lý này như sau:

  • Phủ nhận thực tế: Gaslighting thường bắt đầu bằng việc một người cố gắng phủ nhận hoặc làm biến dạng sự thật. Họ có thể làm cho bạn cảm thấy mất niềm tin vào bản thân và suy nghĩ của chính mình.

  • Tạo ra sự ràng buộc: Người thao túng thường muốn kiểm soát và ràng buộc bạn, họ có thể phủ nhận năng lực và đánh giá sai lệch về bạn để duy trì quyền lực và sự kiểm soát thái quá của họ trong mối quan hệ của cả hai.


Về điều này, mời độc giả tham khảo hai bài viết về gaslighting thao túng tâm lý đã được đăng tải trên LeLa Journal.



10. Dễ tự ái và ái kỷ, chỉ thích được nghe điều ngọt ngào


Một người chỉ quan tâm đến việc tự nâng niu bản thân và thường xuyên bày tỏ sự hài lòng với bản thân có thể không thể xây dựng một mối quan hệ lâu dài và cân bằng. Những người này có thể đã yêu bản thân quá mức, nhưng lại bị suy giảm khả năng yêu thương người khác (11).


Sự tự ái thường đi kèm với việc luôn đặt mình lên hàng đầu và không quan tâm đến cảm xúc hoặc nhu cầu của người khác, theo đó, họ chỉ muốn nghe người khác nói những lời vuốt ve lòng tự trọng của bản thân.

Nếu một mối quan hệ mà ở đó con người ta chỉ thích nói và nghe điều ngọt ngào thì mối quan hệ đó có khuynh hướng giảm chất lượng và thiếu đi sự chân thành, sâu sắc. Điều này có thể làm cho mối quan hệ trở nên sáo rỗng và thiếu sự gắn kết.


11. Không có ý định cam kết lâu dài, hay có dấu hiệu "trap"


Nếu một trong hai người cứ mãi... "ỡm ờ" về ý định cam kết lâu dài, thì hãy cẩn thận, đó có thể là một "trap boy" hoặc "trap girl" chính hiệu.


Trên thực tế, không có ý định cam kết lâu dài cũng không phải một điều xấu. Tuy nhiên, việc không có ý định mà cứ ỡm ờ, làm như có nhưng không dứt khoát thì đây chính là cờ đỏ. Có hai lý do chính như sau:


Thứ nhất, hành vi này đã phá vỡ tiền đề của một mối quan hệ cam kết lâu dài. Thứ hai, nó cho thấy rằng nửa kia của bạn không đề cao sự thông suốt và rõ ràng trong một mối quan hệ.

Ngược lại, nếu ngay từ đầu mà người đó chia sẻ rõ ràng về dự định không cam kết, thì dù không đồng ý với họ, bạn cũng cần hiểu rằng họ có dành cho bạn một sự tôn trọng nhất định để thẳng thắn chia sẻ. Còn nếu họ nói nặng lời, như là bạo lực ngôn từ, thì bạn cũng cần phải chạy ngay nhé.



12. Không tôn trọng người thân và gia đình


Một mối quan hệ gắn bó và xác định nghiêm túc, lâu dài thường dựa trên sự tôn trọng đối với gia đình và người thân của cả hai người. Nếu một trong hai người không tôn trọng điều này, đây chính là cờ đỏ.

  • Từ chối gặp gỡ gia đình: Nếu đối phương thường xuyên từ chối gặp gỡ gia đình của bạn hoặc không có sự quan tâm đối với việc tham gia vào các hoạt động gia đình, đây có thể là một dấu hiệu rõ ràng.

  • Thái độ không tôn trọng: Nếu đối phương có thái độ không tôn trọng hoặc thường xuyên châm biếm, xem nhẹ các thành viên trong gia đình của bạn, đó cũng có thể là một dấu hiệu mà bạn nên chú ý.

  • Không quan tâm đến quan hệ gia đình: Nếu đối phương thường xuyên từ chối, không tham gia vào cuộc trò chuyện về quan hệ gia đình hoặc không có sự quan tâm đối với những sự kiện quan trọng trong gia đình của bạn, điều này cũng là sự cảnh báo.



13. Breadcrumbing - để lại trong lòng người khác những dấu hỏi


Breadcrumbing đã trở thành một hình thức thao túng quá phổ biến trong các câu chuyện hẹn hò, đặc biệt là với sự gia tăng của sự phổ biến từ các nền tảng mạng xã hội trực tuyến (12).


"Breadcrumbing" là hành vi dẫn dắt người khác bằng cách đưa ra những mẩu tin nhỏ trông có vẻ là dấu hiệu "thả thính" nhưng thực ra lại không phải.

Ví dụ, họ có thể để lại tương tác trên mạng xã hội, để lại vài tin nhắn on-off thất thường hoặc những cuộc gọi điện không đầu không cuối... Mục tiêu cuối cùng là khiến bạn phải đặt câu hỏi về việc "người này đang có ý định gì với mình?". Những nóng lạnh thất thường của đối phương có thể khiến bạn tin rằng người đó vẫn quan tâm đến bạn, nhưng vẫn cứ "lúc này lúc kia". Đây chính là một lá cờ đỏ không thể phớt lờ.


Tựu trung lại, 13 lá cờ đỏ kể trên không phải là tất cả và cũng không đại diện cho mọi mối quan hệ, nhưng chí ít, chúng đã được xem xét và đúc rút từ những nghiên cứu khoa học hoặc thống kê.


Một mối quan hệ tình cảm bền vững và lành mạnh cần được xây dựng trên sự tôn trọng, tình yêu và sự hiểu biết. Điều quan trọng nhất là bạn cần tin vào trực giác của mình và biết rõ đâu là thời điểm thích hợp để hành động. Nếu bạn đã xác định được đúng "đối tượng" – đúng vấn đề – đúng điều cần làm – thì việc dừng lại và chạy khỏi một mối quan hệ "đau tim" lại chính là quyết định đúng đắn nhất.

Comentários


bottom of page