top of page
Tìm kiếm

Làm từ thiện không phải vì nhiều tiền, mà vì những lý do gì?

Từ thiện là công việc ý nghĩa, mang lại nhiều giá trị cho xã hội, nhưng con người làm từ thiện vì điều gì? Và phải chăng vì điều này mà những người làm từ thiện thường có điểm chung đặc biệt? Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu về 9 nguyên nhân phổ biến khi làm từ thiện và 3 điểm chung của những người thường xuyên làm từ thiện nhé. Và bật mí, lý do hoàn toàn không phải vì... "nhiều tiền"!



Theo thống kê, Việt Nam là một quốc gia có các hoạt động từ thiện sôi nổi, từ việc hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ em, giúp đỡ nhóm người yếu thế cho đến chung tay vì sự phát triển bền vững của cộng đồng... Theo một nghiên cứu về Hoạt động từ thiện ở Việt Nam do Cimigo thực hiện khảo sát ở 600 người trong khoảng 16 - 44 tuổi vào năm 2022, có 50% người đã từng làm từ thiện trong vòng một năm trở lại đây. Tỷ lệ làm từ thiện ở Việt Nam cao nhất đối với những người trên 30 tuổi và những người đã lập gia đình, có con và tăng theo trình độ học vấn. 46% người đã tăng hoạt động từ thiện trong thời gian diễn ra COVID-19 và 83% đã quyên góp hơn hai lần trong 12 tháng qua, với tiền là hình thức đóng góp phổ biến nhất (1).



Tại sao chúng ta làm từ thiện?


Thực tế cho thấy rằng có khoảng 9 nguyên nhân phổ biến (và có thể đồng thời tác động) khiến mọi người quyết định làm từ thiện (2), cụ thể như sau:


  1. Lý do đạo đức, khi chúng ta cảm thấy đó là việc nên làm.

  2. Cái tôi cá nhân, khi chúng ta cảm thấy thân tâm an lạc hơn vì giúp đỡ được người khác.

  3. Một dạng động lực xã hội khi mọi người xung quanh quyên góp và chúng ta cũng làm theo để được công nhận và chấp nhận trong một nhóm. Nguyên nhân này cũng khá giống với một khái niệm tâm lý về thao túng là "so sánh xã hội".

  4. "FOMO" (Fear of Missing Out) - nỗi sợ bị bỏ lỡ là cảm giác không muốn bỏ sót hoặc "bị cho ra rìa" trong một hoạt động đông đảo, thường là của một nhóm, một cộng đồng mà ai ai cũng đều góp phần, tham gia. Nguyên nhân này có phần tương đồng với động lực xã hội kể trên, nhưng không đến từ áp lực bên ngoài, mà chủ yếu do cá nhân tự tạo áp lực cho bản thân. Chẳng hạn, bạn thấy nhiều cư dân mạng chia sẻ rằng họ quyên góp vào một quỹ từ thiện nên bạn tự nhủ phải làm theo, nhưng không phải với mục đích để được chấp nhận trong một nhóm xã hội nào cả, thậm chí, bạn còn không chia sẻ rằng mình đã quyên góp.

  5. Sự đồng cảm xảy ra khi một người đã trải qua, hoặc biết ai đó đã trải qua trải nghiệm tương tự, thế nên muốn giúp đỡ người cùng cảnh ngộ. Nguyên nhân này dựa trên sự đồng cảm và lòng trắc ẩn.

  6. Lòng tin. Khi một hoặc nhiều cá nhân ủy thác tinh thần và vật chất cho một tổ chức lớn, uy tín và chuyên nghiệp, họ có niềm tin rằng tiền hoặc vật phẩm quyên góp sẽ tới được với đúng người, đúng nơi, đúng lúc.

  7. Sức ảnh hưởng. Nguyên nhân này đến từ thực tế những người làm từ thiện thấy được khoản quyên góp của họ đã tạo ra sự khác biệt như thế nào cho xã hội và cộng đồng thụ hưởng.

  8. Hướng tới mục tiêu cụ thể, khi chúng ta cảm thấy rằng một mục tiêu có thể đạt được nhờ sự giúp đỡ của mình.

  9. Hiệu ứng tử vì đạo (martyrdom effect), khi người quyên góp cảm thấy người nhận đã thụ hưởng giá trị quyên góp nhờ vào một nghĩa cử cao đẹp và mang tính hy sinh, chẳng hạn như hiến tóc, hiến máu, chạy gây quỹ, thậm chí là hiến nội tạng… (3), (4).



Vậy, tổng hợp từ những nguyên nhân trên và từ thực tế, chúng ta có thể thấy được điểm chung nào từ những người hay làm từ thiện? Sau đây là 3 điểm chung quan trọng.

"Preheating effect": Khi cảm xúc tích cực tỷ lệ thuận với mức độ đóng góp


Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kinh tế vào tháng 6/2023, các nhà hảo tâm có xu hướng "móc hầu bao" nhiều hơn khi họ có tâm trạng tốt (5). Hai nhà kinh tế học là Nathan W. Chan từ Đại học Massachusetts Amherst và Casey J. Wichman, từ Viện Công nghệ và Tài nguyên Tương lai Georgia tại Hoa Kỳ, cũng đã phát hiện ra rằng mọi người thường có cảm xúc hạnh phúc hơn khi tham gia các hoạt động từ thiện.


Cụ thể, Chan và Wichman đã thu thập dữ liệu từ nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là Twitter) với hơn ba triệu tweet từ hơn 20.000 tài khoản được đăng trong khoảng thời gian 6 tháng. Mỗi tweet bao gồm "#iloveWikipedia", một thẻ bắt đầu bằng hashtag (#) báo hiệu một cá nhân đã quyên góp cho trang web nguồn mở Wikipedia.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing - NLP) để phân tích giọng nói của con người, sử dụng AI để chấm điểm những cảm xúc thể hiện trong một tweet theo thang điểm tích cực đến tiêu cực.




Họ nhận thấy rằng khoảng một giờ trước khi tham gia quyên góp, các cá nhân thể hiện cảm xúc tích cực trong các dòng tweet của mình. Hiện tượng này được gọi là "hiệu ứng làm nóng trước" (preheating effect). Sau đó, cảm xúc của họ nhanh chóng trở lại mức trung bình (5).


Các học giả về hoạt động từ thiện từ lâu đã biết rằng việc làm từ thiện gắn liền với hạnh phúc, nhưng điều chưa rõ ràng là liệu làm từ thiện có khiến người ta hạnh phúc hơn, hay là những người vốn hạnh phúc thì sẽ làm từ thiện nhiều hơn.


Cuối cùng, nghiên cứu trên đã đưa ra một kết luận rằng cảm giác hạnh phúc trước khi làm từ thiện sẽ khiến mọi người đóng góp nhiều hơn (6).


Ánh sáng ấm áp khi cho đi


Bên cạnh đó, nghiên cứu này còn liên hệ tới thuyết "quyên góp tỏa sáng ấm áp" (warm-glow giving). Theo lý thuyết này, các nhà kinh tế học hành vi cho rằng mọi người quyên góp cho tổ chức từ thiện vì điều đó khiến họ vui vẻ. Các cá nhân sẵn sàng cho đi vì mong muốn nhận lại sự đền đáp tích cực về mặt cảm xúc khi làm điều có ích (8).


Cụ thể, việc sống trong một cộng đồng và có những đóng góp có ích cho cộng đồng đó đem lại cho con người ta cảm giác tích cực, cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Người Anh dùng hàng nghìn bảng Anh mỗi năm để đóng góp cho các dự án thiện nguyện. Theo một khảo sát hơn 700 nhà từ thiện ở Anh về lý do và động lực quyên góp, 96% mọi người làm từ thiện vì họ cảm thấy có nghĩa vụ phải đóng góp cho xã hội và giải quyết tình trạng bất bình đẳng và giúp đỡ người khác (2).


Ngoài ra, sự hạnh phúc này còn thể hiện ở niềm tin tôn giáo mỗi người. Theo nghiên cứu nhận thức của người dân về hoạt động từ thiện, tỷ lệ sẵn sàng đóng góp từ thiện của người theo đạo thường cao hơn (9). Tại Việt Nam, các tổ chức tôn giáo lớn luôn khuyến khích và đề cao giá trị của hoạt động từ thiện.


Do đó, nhiều người hoan hỉ "cho đi" với niềm hy vọng nhận lại những phước lành trong tương lai.


"Sadvertising" và lòng trắc ẩn của chúng ta


Chắc hẳn bạn đã không ít lần cảm thấy xúc động trước một đoạn video kể về những hoàn cảnh khó khăn đi cùng lời kêu gọi quyên góp. Những hình ảnh đó chạm đến lòng trắc ẩn và thúc đẩy chúng ta hành động đóng góp. Đây chính là "sadvertising" (tạm dịch là "quảng cáo buồn thương") - một dạng quảng cáo thường được sử dụng trong các hoạt động gây quỹ hoặc chiến dịch tác động tới lòng thương cảm cùng hành vi và nhận thức xã hội.


Trong khi cảm xúc hạnh phúc có thể thúc đẩy mọi người làm từ thiện nhiều hơn, thì việc đánh vào cảm xúc, lòng thương cảm cũng là một cách để tăng cường quyên góp. Các tổ chức từ thiện đã phát hiện ra rằng việc chạy những quảng cáo lấy nước mắt tăng tỷ lệ thành công trong việc gây quỹ (7).


Đặc biệt, ở những nền văn hóa đề cao giá trị tập thể, tương thân tương ái, việc sử dụng "sadvertising" sẽ rất hiệu quả nếu các tổ chức thiện nguyện khai thác câu chuyện đúng cách. Những câu chuyện cảm động, những thông điệp nhân văn dễ dàng chạm đến trái tim các nhà hảo tâm. Đây chính là cách mà các tổ chức, các nhà hoạt động xã hội dùng "sadvertising".

Commenti


bottom of page