top of page
Tìm kiếm

Lưu ý cần biết trong 3 tháng cuối thai kỳ


Tam cá nguyệt thứ ba sẽ bắt đầu từ tuần 27 tới tuần 40 của thai kỳ. Tuy nhiên, trong thực tế điều này sẽ kết thúc bất cứ lúc nào em bé chào đời.


Thai đủ ngày là thai đủ 37 đến 42 tuần tuổi. Em bé chào đời trước tuần 37 được cho là sinh non và từ tuần 42 trở lên là trẻ sinh già tháng (1)(2).


Những thay đổi của cơ thể



Thời điểm này, bụng bầu đã khá lớn, đồng nghĩa với áp lực trên khung xương tăng lên và sức nặng mà người mẹ mang trên mình cũng lớn hơn. Đây cũng là thời điểm mà cơ thể thai phụ trải qua những thay đổi lớn nhất kéo theo những vấn đề sức khỏe, bao gồm (3)(4)(5):


Da và dây chằng tiếp tục căng ra: Những vết rạn có thể xuất hiện nhiều hơn.


Chuột rút nhiều hơn: Vào những tháng cuối của thai kỳ, thai nhi hấp thu canxi từ mẹ nhiều hơn, khoảng 50mg/ngày đến 330mg/ngày. Vì vậy, thiếu hụt canxi sẽ dẫn đến tình trạng chuột rút nhiều hơn. Thai phụ nên tăng cường các món ăn từ sữa, đậu nành, rau xanh và rong biển... (6)


Dễ mệt mỏi và khó ngủ hơn: Việc mất cân bằng cơ thể khiến thai phụ cử động khó khăn, cơ thể nặng nề, dễ mỏi cơ, đau lưng,... từ đó gây ra khó ngủ, mất ngủ. Kê thêm những chiếc gối mềm xung quanh sẽ giúp mẹ bầu thoải mái hơn.


Ợ nóng: Các hormone thai kỳ làm giãn van dạ dày và thực quản khiến axit dạ dày trào ngược vào thực quản. Mẹ bầu hãy chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ và tránh thức ăn chiên, cay, trái cây họ cam quýt, sô cô la.


Tĩnh mạch mạng nhện, giãn tĩnh mạch và bệnh trĩ: Việc tăng tuần hoàn máu có thể gây ra hiện tượng tĩnh mạch nhỏ màu đỏ tía (tĩnh mạch mạng nhện) xuất hiện trên mặt, cổ và cánh tay. Điều này sẽ mất đi sau khi em bé chào đời (7). Giãn tĩnh mạch cũng gây đau, ngứa ở vùng trực tràng (bệnh trĩ).

  • Để giảm sưng tấy vùng chân do giãn tĩnh mạch, hãy tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ và nâng cao chân thường xuyên, đồng thời bổ sung nhiều chất xơ như rau quả, bột mì, ngũ cốc... và uống nhiều nước.

  • Để giảm trĩ, hãy ngâm vùng hậu môn trong bồn nước ấm.

Đi tiểu thường xuyên: Khoảng tuần thứ 36, thai nhi sẽ di chuyển sâu hơn vào khung chậu từ đó tạo áp lực lên bàng quang nhiều hơn khiến thai phụ đôi khi bị rò rỉ nước tiểu và đi tiểu nhiều hơn.


Các cơn co thắt Braxton-Hicks: Đây là sự co thắt của các cơ tử cung, những cơn đau "chuyển dạ giả" kéo dài khoảng 30 giây, thường xảy ra vào buổi chiều hoặc buổi tối, sau khi hoạt động thể chất hoặc sau khi quan hệ tình dục. Để giảm co thắt Braxton-Hicks, thai phụ nên:

  • Uống nhiều nước.

  • Thay đổi tư thế hiện tại.

  • Thư giãn tinh thần như nghe nhạc, đọc sách...

  • Nếu các cơn co thắt thường xuyên hoặc dữ dội hơn, hãy nhanh chóng gặp bác sĩ.

Phù chân: Trong suốt thai kỳ, cơ thể sẽ sản xuất nhiều máu hơn bình thường để giúp thai nhi phát triển. Sự phát triển của thai nhi sẽ tạo ra sức ép lên các mạch máu từ chân về tim, nên máu thường có xu hướng tụ lại ở chân từ đó gây ra tình trạng phù nề, khó di chuyển, thậm chí thay đổi kết cấu bàn chân rộng ra và dài hơn (8). Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sau lần mang thai đầu tiên, khung tử cung sẽ giảm và chiều dài bàn chân tăng lên (9). Thai phụ có thể giảm bớt sự khó chịu khi chân sưng phù như sau:

  • Tránh đứng lâu ở một tư thế.

  • Đi giày rộng hơn bình thường.

  • Nâng chân cao lên nhiều nhất có thể.

  • Hạn chế ăn mặn.

  • Nằm nghiêng về bên trái sẽ giúp máu trở về tim.

  • Tập thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên như đi bộ, bơi lội, yoga để duy trì tuần hoàn máu.

  • Mang vớ y khoa.

  • Xoa bóp và bấm huyệt.

  • Uống nhiều nước.

Đau lưng: Sự thay đổi các hormone trong thai kỳ sẽ làm giãn các mô liên kết của xương, nhất là vùng lưng dưới và xương chậu. Hãy sử dụng gối đỡ khi nằm và ngồi để giảm áp lực lên xương. Tập thể dục hay yoga thường xuyên giúp giải tỏa căng thẳng cho lưng, đặc biệt với những động tác vặn xoắn, nghiêng lườn bốn chiều.


Ngứa: Từ tam cá nguyệt thứ hai, da trở nên giãn ra vì sự phát triển của thai nhi từ đó gây ra tình trạng ngứa. Mặc quần áo rộng rãi bằng chất liệu cotton và tắm nước mát có thể giúp đỡ ngứa. Tuy nhiên, khoảng sau tuần thứ 30 của thai kỳ, nếu thai phụ bị ngứa nhiều, đặc biệt vào ban đêm, đây có thể là dấu hiệu rối loạn gan hiếm gặp, còn được gọi là ứ mật thai kỳ (xảy ra khi gan không thể bài tiết mật đúng cách, từ đó gây ngứa dữ dội, đặc biệt ở chân và tay của thai phụ) (10). Lúc này, thai phụ cần nhanh chóng gặp bác sĩ.


Dấu hiệu chuyển dạ: Sắp đến giai đoạn sinh nở, cổ tử cung trở nên mềm hơn, thai phụ sẽ cảm nhận một hoạt động giải phóng nút nhầy trong ống cổ tử cung. Đây là dấu hiệu của quá trình chuyển dạ sắp tới (11).


Trong tam cá nguyệt thứ ba, nhiều thai phụ sẽ cảm thấy hào hứng chờ đón sinh linh bé nhỏ chào đời nhưng không ít người trải qua cảm giác lo lắng hoặc trầm cảm trước khi sinh.


Đối diện với nỗi lo âu


Lo lắng và căng thẳng một chút khi mang thai là hoàn toàn bình thường, nhưng với một số mẹ bầu, lo lắng có thể trở thành vấn đề thực sự (12).


Các triệu chứng rối loạn tinh thần trước khi sinh có thể trở nên trầm trọng hơn trong những tuần cuối thai kỳ, bao gồm:

  • Lo lắng.

  • Rối loạn hoảng sợ: Các cơn hoảng loạn đột ngột, lo lắng tột độ và các triệu chứng thể chất như khó thở, đau ngực, chóng mặt.

  • Hội chứng sợ không gian rộng (Agoraphobia): Đặc trưng bởi sự hoảng sợ hoặc lo âu mãnh liệt, không cảm thấy an toàn khi ở một mình hoặc những khoảng trống nơi công cộng.

  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): Những hành vi, suy nghĩ lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa.

  • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD): Sự lo lắng có liên quan đến sự kiện đau buồn trong quá khứ.

  • Ám ảnh xã hội: Lo lắng về việc bị chỉ trích hoặc làm nhục nơi công cộng.

Nếu thai phụ đã từng mắc chứng rối loạn lo âu hoặc trải qua nhiều vấn đề tâm lý trước đó thì có nguy cơ mắc chứng lo âu hơn khi mang thai. Những triệu chứng này có thể xảy ra đột ngột hoặc tích lũy dần dần và trở nên cực kỳ tồi tệ nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.


Trầm cảm trước khi sinh


Rất nhiều áp lực đè nặng lên vai người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại và điều đó có thể trở nên trầm trọng hơn khi họ mang thai. Theo Hiệp hội Bác sĩ Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), vào năm 2011, 9% phụ nữ mang thai và 10% phụ nữ sau khi sinh phải vật lộn với chứng trầm cảm (13).


Chứng trầm cảm có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thai kỳ mà ít người thực sự chú ý hoặc thậm chí cho rằng đây chỉ là những vấn đề tâm lý bình thường. Những dấu hiệu trầm cảm trước khi sinh cần đặc biệt lưu tâm, bao gồm (14)(15):

  • Trống rỗng, tê liệt cảm xúc.

  • Luôn cảm thấy buồn bã, mất tự tin, cảm thấy bất lực, vô vọng và vô giá trị.

  • Thường rơi nước mắt và dễ xúc động, dễ tức giận hoặc bực bội với người khác.

  • Thay đổi giấc ngủ, khó ngủ hoặc muốn ngủ mọi lúc mọi nơi.

  • Thay đổi cảm giác thèm ăn, kèm theo giảm cân hoặc tăng cân bất thường.

  • Thiếu quan tâm đến môi trường xung quanh, thiếu năng lượng

  • Khó tập trung dẫn đến khó suy nghĩ rõ ràng hoặc khó đưa ra quyết định.

  • Cảm thấy bị cô lập, đơn độc và bị ngắt kết nối với những người khác.

  • Có ý nghĩ làm hại bản thân, làm hại em bé hoặc những đứa trẻ khác.

  • Cảm thấy khó khăn để đối mặt với mọi thứ hay cuộc sống thường nhật.

Thay đổi giấc ngủ và cảm giác thèm ăn trong thai kỳ là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu những thay đổi này đi kèm suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực thì khả năng lớn đây là dấu hiệu trầm cảm trước khi sinh và thai phụ cần được quan tâm, chăm sóc và gặp bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý.


Những nguyên nhân có thể dẫn đến trầm cảm trước khi sinh, bao gồm:

  • Đã từng sảy thai hoặc sinh khó.

  • Có tiền sử trầm cảm.

  • Bị cô lập, sống trong môi trường căng thẳng hoặc từng trải qua biến cố lớn trong cuộc sống.

  • Mang thai ngoài ý muốn.

  • Tuổi thơ khó khăn, nhiều áp lực.

  • Luôn căng thẳng vì phải thực hiện mọi thứ tốt nhất, hoàn hảo nhất.

Một số phương pháp tự lực có thể giúp ích trong giai đoạn này, bao gồm:

  • Tâm sự với gia đình và bạn bè nhiều nhất có thể về tình trạng thể chất cũng như tình trạng bất ổn tâm lý của mình.

  • Tránh caffeine, rượu và thuốc lá.

  • Nếu đang sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm, thai phụ không nên tự ý ngừng hoặc thay đổi mà không có sự tư vấn của bác sĩ.

  • Tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần bằng cách tập yoga, thiền định, kỹ thuật thư giãn, tham gia các lớp học tiền sản và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh.

Chăm sóc sức khỏe tiền sản


Trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba này, bạn cũng cần xét nghiệm những tình trạng sức khỏe khác nhau để đảm bảo sức khỏe cho cơ thể và thai nhi, bao gồm (16):


Tiêm vắc xin DPT: Một loại vắc-xin kết hợp chống lại ba bệnh truyền nhiễm ở người là bạch hầu, ho gà và uốn ván.


Tiểu đường thai kỳ: Thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp thai phụ kiểm soát lượng đường trong máu.


Thiếu máu do thiếu sắt: Nếu cơ thể không sản sinh đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh nhằm cung cấp oxy thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu. Lúc này, thai phụ sẽ trở nên mệt mỏi và chóng mặt.


Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS): Đây là loại vi khuẩn vô hại cho người lớn nhưng nếu không điều trị, nó có thể truyền cho em bé. Một em bé nhiễm GBS trong khi sinh có nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng


9 dấu hiệu nguy hiểm mà mẹ bầu không nên bỏ qua


Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, thai phụ nên lập tức gặp bác sĩ để được chữa trị kịp thời (17):

  • Chảy máu âm đạo.

  • Tiết dịch màu nâu hoặc hồng.

  • Ngứa dữ dội, đặc biệt vào ban đêm.

  • Đau đầu khủng khiếp và kéo dài.

  • Các vấn đề về thị lực như mờ mắt, mờ tầm nhìn, nhạy cảm ánh sáng, nhìn thấy các điểm sáng nhấp nháy,...

  • Đau ngay dưới xương sườn.

  • Sưng bàn chân, mắt cá chân, bàn tay và mặt.

  • Đau dạ dày dai dẳng.

  • Nhiệt độ cao (trên 37,5 độ C) mà không có những triệu chứng cảm cúm hoặc cảm lạnh khác.

ความคิดเห็น


bottom of page