top of page
Tìm kiếm

Lưu ý quan trọng trong 3 tháng giữa thai kỳ


Sau tam cá nguyệt thứ nhất, ba tháng giữa thai kỳ được gọi là tam cá nguyệt thứ hai. Đây là thời điểm mà nhiều phụ nữ cảm thấy tràn đầy sinh lực do không còn những bỡ ngỡ như ba tháng đầu và cơ thể cũng chưa quá nặng nề như ba tháng cuối.



Những thay đổi trên cơ thể


Tăng cân: Lúc này, thai nhi đã tăng trưởng về kích thước, cộng với sự gia tăng lưu lượng máu và nước ối bên trong nên toàn bộ cơ thể thai phụ sẽ tăng cân nhanh. Mẹ bầu cũng cảm nhận được rõ ràng sự cử động của em bé.


Rạn da: Bụng bắt đầu to lên, gây ra sự giãn nở và hình thành các vết rạn. Rạn da xảy ra chủ yếu trên những vùng cơ thể phát triển rõ rệt khi mang thai như ngực và bụng. Sau khi bé ra đời, các vết rạn da sẽ bắt đầu mờ dần (nhưng cũng có trường hợp không thể hoàn toàn mất hẳn) (1).


Linea nigra (Đường sọc nâu): Đây là đường màu nâu sẫm thường chạy từ rốn đến xương chậu, thường xuất hiện khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, do sự mất cân bằng nội tiết tố, đặc biệt là hắc tố melanin gia tăng khiến da càng tối màu. Sự thay đổi hormone này cũng được cho là nguyên nhân khiến quầng vú bị sẫm màu (2).


Nám da: Còn được gọi là “mặt nạ của thai kỳ” do ảnh hưởng của việc tăng lượng estrogen và progesterone. Điều này khiến cơ thể tạo ra nhiều melanin, một sắc tố màu nâu gây ra đốm nâu hoặc vết sạm trên mặt. Chúng sẽ tự biến mất sau khi đứa trẻ ra đời mà thai phụ không cần thiết phải chữa trị.


Những bất tiện về sức khỏe và cảm giác khó chịu gia tăng


Ở tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu sẽ giảm bớt mệt mỏi, căng tức ngực và ốm nghén của giai đoạn đầu, tuy nhiên sự phát triển của thai nhi sẽ dẫn đến một số triệu chứng khó chịu khác như (3) (4):


Dịch âm đạo: Một số thai phụ có thể tiết ra dịch âm đạo màu trắng gọi là bạch cầu, nhưng nếu có màu nâu sẫm hoặc đỏ (nghi ngờ là máu) thì thai phụ cần nhanh chóng đi khám bác sĩ.


Đau lưng dưới: Thai phụ nên tránh mang giày cao gót và mang vác nặng. Khi ngồi cần có đệm lưng hỗ trợ, còn khi nằm nên nghiêng bên trái và có gối tựa lưng. Để giảm nhẹ triệu chứng đau lưng dưới này, mẹ bầu cần được mát-xa và chườm nóng hoặc lạnh 10 phút một lần.


Đau dây chằng tròn: Dây chằng tròn là dải mô liên kết nhằm hỗ trợ tử cung và sẽ kéo dài khi tử cung giãn ra theo sự phát triển của thai nhi. Chúng co giãn tương tự như cơ bắp nên việc co lại quá nhanh khi thai phụ ho, hắt hơi sẽ dẫn đến các cơn đau. Thai phụ nên gập hông trước khi cử động đột ngột sẽ giúp giảm đau. Thông thường, điều này chỉ diễn ra vài giây, nhưng nếu cơn đau kéo dài, thai phụ cần liên hệ bác sĩ.


Suy tĩnh mạch: Việc bào thai phát triển sẽ chèn ép và gia tăng áp lực lên các tĩnh mạch, khiến việc lưu thông máu trở nên khó khăn, dẫn đến hiện tượng suy giảm tĩnh mạch. Điều này làm tăng thêm sức ép cho các tĩnh mạch ở chân nên thai phụ thường sẽ không thoải mái với việc đi đứng. Để giảm sự khó chịu ở chân khi bị suy tĩnh mạch, thai phụ có thể thực hiện những cách sau:

  • Nâng chân lên cao bất cứ khi nào cảm thấy vùng bắp chân khó chịu.

  • Đeo vớ y khoa hỗ trợ, giúp thúc đẩy lưu lượng máu bơm trở lại bàn chân.

  • Tránh ngồi khoanh chân lâu và nên co duỗi chân nhẹ nhàng thường xuyên.

Chuột rút: Đây là hiện tượng khá phổ biến trong thai kỳ và thường xảy ra vào ban đêm. Những cách để ngăn ngừa tình trạng chuột rút ở chân gồm có:

  • Duy trì hoạt động thể chất nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, kéo giãn cơ...

  • Uống nhiều nước.

  • Kéo căng cơ bắp chân trước khi đi ngủ.

  • Nếu bị chuột rút, bạn cần duỗi thẳng cẳng chân rồi làm động tác căng cơ, co hai bàn chân về hướng đầu.

Chóng mặt: Khi mang thai, huyết áp có thể bị giảm quá mức do các mạch máu bị giãn ra, gây chóng mặt. Uống đủ nước và nằm nghiêng về bên trái sẽ giúp bạn hạn chề tình trạng này.


Chảy máu nướu răng hoặc mũi: Việc tăng hormone có thể làm tăng nguy cơ chảy máu răng trong tam cá nguyệt thứ hai do lưu lượng máu bơm tới nướu. Các mạch máu ở mũi cũng giãn nở, tạo ra nhiều áp lực khiến chúng dễ vỡ, gây ra hiện tượng chảy máu mũi. Để giảm thiểu việc chảy máu răng hoặc mũi, thai phụ cần:

  • Tránh khói thuốc.

  • Hít hơi nước từ máy xông hơi hoặc vòi sen nước nóng.

  • Chườm khăn ấm lên mặt

  • Nên sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm. Thai phụ vẫn có thể dùng chỉ nha khoa, nhưng nếu hiện tượng nướu răng chảy máu quá nhiều, cần hỏi ý kiến bác sĩ.

Ợ chua và táo bón: Để giảm táo bón, thai phụ có thể thực hiện những cách sau:

  • Uống nhiều nước.

  • Ăn mận khô hoặc rau lá xanh sẫm màu như cải xoăn, rau muống, rau ngót, rau đay, cải ngọt, súp lơ xanh, bắp cải, đậu Hà Lan, rau chân vịt (bina)...

  • Dùng Natri docusate (thuốc nhuận tràng), Psyllium hoặc Docusate (thuốc trị táo bón). Nếu những biện pháp này không hiệu quả, mẹ bầu có thể sử dụng thuốc xổ Bisacodyl (Dulcolax) để trị táo bón dưới sự giám sát của bác sĩ.

Ngứa: Để giảm cơn ngứa, thai phụ nên mặc quần áo rộng rãi, tắm nước mát, sử dụng kem dưỡng ẩm không có nồng độ axit salicylic cao. Nếu bị ngứa thường xuyên và dữ dội vào ban đêm, thai phụ nên nhờ bác sĩ tư vấn các biện pháp đặc trị.


Tiết dịch âm đạo: Khi máu được bơm liên tục vùng quanh xương chậu, cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều chất dịch nhầy màu trắng đục được gọi là leucorrhoea để giữ cho âm đạo sạch sẽ và không bị nhiễm trùng. Những trường hợp nặng cần thăm khám bác sĩ, bao gồm:

  • Chất dịch thay đổi màu sắc.

  • Chất dịch có mùi hôi.

  • Chất dịch có bọt.

  • Đau khi đi tiểu.

  • Ngứa hoặc đau dữ dội.

Ngoài ra, bạn hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu gặp các triệu chứng sau:

  • Chảy máu âm đạo.

  • Nhức đầu dữ dội hoặc liên tục.

  • Mờ mắt hoặc mờ tầm nhìn.

  • Đau bụng.

  • Nôn mửa liên tục.

  • Ớn lạnh hoặc sốt.

  • Đau hoặc rát khi đi tiểu.

  • Tiết dịch chất lỏng từ âm đạo quá nhiều.

  • Sưng hoặc đau ở một chi dưới.

Tham gia các lớp giáo dục trước khi sinh


Trong thời gian này, thai phụ có thể tham gia các hoạt động bổ ích sau (7):

  • Tham gia các lớp tiền sản.

  • Tham gia các lớp học về nuôi con bằng sữa mẹ, sơ cứu và nuôi dạy con cái...

  • Tự nâng cao hiểu biết bằng cách đọc thông tin có chọn lọc từ nguồn uy tín.

  • Xem video các ca sinh nở diễn ra tự nhiên.

  • Tham quan bệnh viện, nơi mà mẹ bầu dự định sinh.

  • Xây dựng không gian cho em bé sắp chào đời.

  • Trò chuyện với bác sĩ để cân nhắc lựa chọn như sinh thường hay sinh mổ, có nên sử dụng thuốc giảm đau...

An toàn sức khỏe khi sử dụng mỹ phẩm


Đến giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai, những sắc tố sậm màu xuất hiện nhiều trên da khiến mẹ bầu bắt đầu nghĩ đến việc sử dụng mỹ phẩm.


Một số nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ và Canada về việc sử dụng mỹ phẩm trong thời kỳ mang thai đã chỉ ra rằng các hóa chất trong nhiều sản phẩm như dầu gội, kem dưỡng da, son môi, nước hoa, tinh dầu... có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua da, miệng, đường hô hấp. Vì vậy, dù sử dụng mỹ phẩm hay không, phụ nữ mang thai vẫn có thể vô tình tiếp xúc những hóa chất này (8) (9) (10) (11) (12).


Các hóa chất sau đây được cho là có hại khi mang thainên tránh sử dụng (13):


Retinoid (Vitamin A): Một số dị tật bẩm sinh của thai nhi có thể liên quan đến việc thai phụ sử dụng sản phẩm chứa Vitamin A trong thai kỳ, thường có trong kem chống nhăn, chống lão hóa và sản phẩm điều trị mụn trứng cá.


Hydroquinone: Có trong các sản phẩm làm trắng da.


Hóa chất gây rối loạn nội tiết tố (EDCs): Là những hóa chất tổng hợp có các đặc tính giống như hormone và có thể ảnh hưởng đến:

  • Các chức năng nội tiết tố và sinh sản của cơ thể.

  • Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư vú.

  • Sự phát triển của trẻ sơ sinh.

EDCs có thể đi qua nhau thai và ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Ba chất thường thấy của EDCs là Parabens, Phthalates và Triclosans thường có trong chất dưỡng ẩm, chất khử mùi, sữa tắm, kem dưỡng thể và các sản phẩm chăm sóc tóc, sơn móng tay, nước hoa, xà phòng, dầu gội hoặc các sản phẩm chăm sóc tóc (thuốc xịt tóc, gel và mousses), nước rửa sát trùng…


Vì vậy, nếu muốn sử dụng mỹ phẩm khi mang thai, mẹ bầu cần kiểm tra thành phần hóa chất in trên bao bì. Thai phụ cũng nên cân nhắc sử dụng các sản phẩm tự nhiên, hữu cơ, và sản phẩm riêng biệt dành cho phụ nữ mang thai được cấp phép uy tín.

Comentarios


bottom of page