top of page
Tìm kiếm

Yêu nhau sau 36 câu hỏi: Sự thật hay lời đồn thổi?

Bộ "36 câu hỏi tình yêu" đã trở nên phổ biến và được chia sẻ rộng rãi kể từ khi một bài viết về chủ đề này được đăng tải trên trang New York Times. Vì độ lan tỏa của bài báo nên nhiều người không còn tin rằng qua 36 câu hỏi này, hai người xa lạ có thể rơi vào "lưới tình" cùng nhau. Tuy nhiên, các nhà khoa học thực sự chứng minh được rằng việc này hoàn toàn khả thi.


Nghiên cứu được thực hiện bởi nhà tâm lý học Arthur Aron và cộng sự nhằm tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Liệu hai người hoàn toàn xa lạ có thể tiến triển cho một mối quan hệ chỉ bằng việc lần lượt trả lời các câu hỏi sâu sắc đã được chuẩn bị sẵn? (1). Bảng hỏi được chia thành ba nhóm chủ đề nhỏ hơn, xoay quanh các niềm tin, nhân sinh quan của mỗi cá nhân.



Tại sao qua từng câu hỏi, ta lại dễ rơi vào "lưới tình"?


Khi bàn về nguyên nhân tại sao bảng hỏi này lại hấp dẫn nhiều người sử dụng với mục đích tìm thấy "một nửa định mệnh", chúng ta có thể chỉ ra hai lý do chính nằm ở nội dung của câu hỏi và cách sắp xếp trình tự hỏi - đáp.


1. Về nội dung


Trong bối cảnh xã hội hiện nay, có nhiều cá nhân khó bước vào một mối quan hệ vì thiếu đi cơ hội được kết nối sâu với một cá nhân khác. Chẳng hạn, khi nói chuyện với đồng nghiệp, nếu chúng ta bỗng nhiên nói rằng: "Hãy kể cho tôi một trải nghiệm đáng xấu hổ nhất của bạn", thì có lẽ họ sẽ nhìn chúng ta bằng ánh mắt hoài nghi, ái ngại. Do đó, trong tương tác hằng ngày, chúng ta dần bỏ đi nhu cầu được gắn kết sâu và lựa chọn nói những câu chuyện có phần "cạn cợt" hơn.


Chính vì vậy, bộ 36 câu hỏi tình yêu cung cấp cho ta cơ hội được mở lòng, nói về những chủ đề sâu và sắc hơn. Nó giải quyết đúng nhu cầu xã hội mà chúng ta luôn cần nhưng chưa được đáp ứng.

2. Về cách thiết kế mạch hỏi-đáp


Mạch hỏi-đáp của bộ câu hỏi này đã được Arthur Aron và cộng sự thiết kế và sắp xếp rất khéo léo. Cụ thể, bản báo cáo kết quả của cuộc nghiên cứu đã ghi lại quá trình hỏi-đáp như sau:

  • Hai người xa lạ được ghép cặp với nhau.

  • Một người sẽ bốc câu hỏi ngẫu nhiên từ tập câu hỏi.

  • Cả hai sẽ lần lượt trả lời cho câu hỏi ấy.


Điều quan trọng mà các nhà khoa học lúc ấy đã làm được chính là thành công tạo ra một không gian đủ an toàn - khi cả hai người trong cuộc đối thoại đều có cơ hội được nói về mình và lắng nghe đối phương.

Có thể chúng ta sẽ nghĩ rằng việc này là hoàn toàn ngẫu nhiên và bình thường, nhưng trên thực tế, mạch hỏi-đáp như trên đã được thiết kế dựa trên lý thuyết mà các nhà tâm lý học đã chứng minh được.


Cụ thể, từ trước đó, vào năm 1991, Arthur Aron và một số các nhà khoa học cũng đã thực hiện và cho đăng tải một bài nghiên cứu về tầm quan trọng của tiến trình tự bạch [self-disclosure] (2).


Kết quả của bài nguyên cứu cho thấy, nhằm tạo dựng sự thân mật và gần gũi giữa hai người, việc đối thoại gắn kết nên xuất phát đồng thời từ cả hai phía, khi cả hai lần lượt chia sẻ về bản thân rồi tiếp tục chủ động lắng nghe đối phương để biết những thông tin về họ. Ngược lại, khi cuộc đối thoại liên tục chỉ đến từ một phía, người tham gia đã phản hồi rằng họ cảm thấy mình và đối phương vẫn xa cách (3).


Như vậy, ưu điểm của bộ 36 câu hỏi tình yêu chính là việc nó thúc đẩy tiến trình tự bạch song phương của hai người, nhằm tạo ra một sự kết nối sâu.


3. Sau khi tự bạch


Việc chỉ có một cá nhân đơn phương mở lòng, như vừa nhắc tới ở trên, không phải là điểm trừ duy nhất cho một cuộc trò chuyện gắn kết hai người. Một nghiên cứu vào năm 2005 cũng đã chỉ ra rằng nếu trong hai người, có một cá nhân mắc hội chứng sợ giao tiếp xã hội (social anxiety), thì chỉ số mức độ gắn kết sau mạch hỏi-đáp giữa hai chủ thể thấp hơn hẳn các cặp đôi khác (4). Điều này có nghĩa là sau khi được kết nối sâu, nếu một trong hai người dần rút lui thì hiệu quả của 36 câu hỏi cũng không thể giữ được lâu bền.


Sử dụng bảng câu hỏi thế nào để tìm thấy tình yêu đời mình?


Khi đã hiểu được cơ chế của bảng hỏi, vẫn cần lưu ý hai điều sau để tối ưu hóa cuộc trò chuyện:

  1. Thời gian lý tưởng cho một mạch hỏi-đáp là 45 phút, chia ra 15 phút cho mỗi ba nhóm câu hỏi nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta không nhất thiết phải trả lời tất cả câu hỏi của một nhóm rồi mới chuyển sang nhóm tiếp theo. Chỉ cần hết 15 phút, chúng ta đã có thể chuyển sang trả lời nhóm câu hỏi nối tiếp là được. Điều này giúp bảo đảm rằng sự kết nối được xây đắp tuần tự và chúng ta không "mắc kẹt" quá lâu ở một nhóm câu hỏi.

  2. Các tâm lý học đã chỉ ra rằng để đạt được hiệu quả tốt nhất, hoạt động hỏi-đáp nên được diễn ra trực tiếp. Việc hỏi-đáp trực tuyến cũng là một lựa chọn thuận tiện trong thời đại công nghệ hiện nay, nhưng lại không mang tới hiệu quả rõ rệt như khi chúng ta gặp mặt trực tiếp.


Ngoài hai lưu ý trên về thời gian và không gian, chúng ta còn cần chú ý tới thái độ và cách lắng nghe. Bởi lẽ, đây là một tiến trình tự bạch khi cả hai người cùng chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc, thậm chí là cả những kỷ niệm đau buồn, việc mỗi người "thực sự" lắng nghe, tiếp nhận và xử lý thông tin cũng là yếu tố rất quan trọng.


Vào năm 2004, 98 bệnh nhân ung thư vú và "nửa kia" của họ đã tham gia vào một thực nghiệm tương tự (5). Họ được yêu cầu quan sát và đánh giá cách phản ứng của người còn lại trước những câu chuyện tự sự của bản thân. Kết quả cho thấy, nhóm bệnh nhân chia sẻ họ quan tâm và để ý tới việc mình có được lắng nghe hay không. Từ đây, chúng ta có thể thấy rằng, khả năng lắng nghe chú tâm của một người với những gì ta kể về chính mình và ngược lại, đóng vai trò quan trọng nhằm xây dựng một gắn kết giữa hai người sâu sắc và bền chặt.


Trọn vẹn bộ 36 câu hỏi tình yêu


Nhóm I

  1. Nếu được toàn quyền lựa chọn bất kỳ một người nào để ăn tối cùng, bạn sẽ chọn ai?

  2. Bạn có muốn trở nên nổi tiếng không? Và nổi tiếng theo cách nào?

  3. Trước khi gọi điện thoại, bạn có "tập dượt" trước những gì mình sẽ nói không? Tại sao?

  4. Điều gì làm nên một ngày hoàn hảo của bạn?

  5. Lần gần nhất bạn hát cho chính mình nghe là khi nào? Còn hát cho người khác nghe thì sao?

  6. Hình dung khi bạn 30 tuổi và có cơ hội được chọn giữ lại: hoặc cơ thể, hoặc tâm trí hiện tại và sống thêm 60 năm nữa đến khi bạn 90 tuổi với trạng thái tuổi 30 đó. Vậy bạn sẽ chọn cái nào?

  7. Liệu bạn đã từng có một dự cảm bí mật (mà bạn chưa từng chia sẻ cho ai) về việc bạn sẽ chết như thế nào chưa?

  8. Liệt kê ba điểm chung giữa hai người.

  9. Bạn cảm thấy biết ơn vì điều gì nhất trong cuộc sống?

  10. Nếu có thể thay đổi một điều trong cách bạn được nuôi dạy, bạn sẽ thay đổi điều gì?

  11. Hãy dành trọn vẹn bốn phút để kể cho đối phương nghe câu chuyện cuộc đời của bạn, càng chi tiết, cụ thể càng tốt.

  12. Nếu sáng mai thức dậy, bạn thấy bản thân sở hữu một khả năng hoặc năng lực mới, thì khả năng hoặc năng lực đó là gì?


Nhóm II

  1. Nếu quả cầu tiên tri có thể tiết lộ một trong những sự thật về con người bạn, cuộc sống của bạn, tương lai hoặc một điều liên quan đến bạn, đâu là điều bạn tò mò muốn biết nhất?

  2. Có điều gì mà bạn mơ ước từ lâu rồi nhưng lại chưa làm và theo đuổi không? Tại sao bạn lại chần chừ?

  3. Thành tựu lớn nhất cho tới thời điểm hiện tại của bạn là gì?

  4. Trong tình bạn, điều gì là quan trọng và cốt yếu nhất?

  5. Kỷ niệm đáng quý nhất của bạn là gì?

  6. Kỷ niệm tồi tệ nhất của bạn là gì?

  7. Nếu bạn hay tin bạn chỉ còn sống được một năm nữa, thì liệu bạn có thay đổi điều gì trong lối sống hiện tại của bạn không? Tại sao?

  8. Bạn định nghĩa thế nào về tình bạn?

  9. Tình yêu, tình cảm và cảm xúc đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống của bạn?

  10. Lần lượt chia sẻ năm đặc điểm tích cực ở đối phương mà hai người cảm nhận được.

  11. Bạn gần gũi với gia đình đến mức độ nào? Bạn có nghĩ rằng tuổi thơ của bản thân hạnh phúc hơn nhiều người khác?

  12. Bạn nghĩ sao về mối quan hệ giữa bạn và mẹ?


Nhóm III

  1. Mỗi người hãy liệt kê ba mệnh đề đúng ở thời điểm hiện tại, bắt đầu bằng chủ ngữ "Chúng ta". Ví dụ, "Chúng ta đều cảm thấy … khi ở trong căn phòng này".

  2. Hãy hoàn thành câu văn này: "Tôi ước có một người để tôi chia sẻ về ..."

  3. Nếu hai người trở thành bạn và dần thân thiết với đối phương, đâu là những điều quan trọng mà họ cần phải biết về bạn?

  4. Nói với đối phương điều bạn thích ở họ. Hãy chia sẻ vô cùng trung thực, cho dù nó bao gồm cả những điều mà bạn thường không nói với người vừa mới quen.

  5. Chia sẻ với đối phương về trải nghiệm đáng xấu hổ của mình.

  6. Lần gần nhất bạn khóc trước mặt người khác là khi nào? Còn khóc một mình thì sao?

  7. Nói với đối phương điều khiến bạn thích ở họ (trong suốt quá trình tương tác hỏi-đáp này, hoặc là cảm giác thích ngay từ cái nhìn đầu tiên).

  8. Chúng ta không được phép bỡn cợt hoặc đùa giỡn khi trao đổi về một chủ đề nghiêm túc nào?

  9. Chẳng may, ngay trong hôm nay, bạn "tạm biệt" cuộc đời nhưng không được nói bất cứ điều gì với bất kỳ ai, bạn sẽ tiếc nuối nhất điều gì mà bạn chưa kịp nói với họ? Tại sao, hiện tại, bạn lại chưa nói với họ?

  10. Ngôi nhà - nơi chứa đựng tất cả đồ dùng của bạn - gặp hỏa hoạn. Sau khi đưa người thân và thú cưng ra ngoài an toàn, bạn có đủ thời gian để trở lại bên trong và mang thêm một đồ vật. Đồ vật ấy sẽ là gì? Tại sao lại là nó?

  11. Sự ra đi của thành viên nào trong gia đình bạn sẽ để lại nhiều ảnh hưởng tới bạn nhất? Tại sao?

  12. Chia sẻ với đối phương một vấn đề cá nhân của bạn và hỏi xem họ sẽ đối mặt với trường hợp đó như thế nào. Tiếp theo, nhờ đối phương mô tả lại trạng thái cảm xúc và biểu hiện của bạn trong suốt quá trình chia sẻ về vấn đề đó.



Sau khi điểm qua bộ câu hỏi, chúng ta có thể thắc mắc rằng liệu với khả năng tạo ra kết nối "sâu" thì bộ câu hỏi còn được sử dụng với mục đích nào khác, bên cạnh việc khiến người ta yêu nhau hay không. Câu trả lời là có, một số nhóm gặp mặt, tổ chức và thậm chí các công ty cũng có thể sử dụng bộ câu hỏi này với mục đích "phá băng", tăng kết nối.


Ví dụ, công ty của bạn tổ chức một buổi gặp gỡ trực tuyến với những nhân viên làm việc từ xa. Thành phần của buổi hôm đó sẽ có cả những người quản lý, nhân viên cấp cao lẫn nhân viên bình thường, người làm việc từ xa lẫn người làm việc tại văn phòng, người làm việc bán thời gian lẫn toàn thời gian... Bạn có thể sử dụng bộ câu hỏi này để mọi người dễ dàng mở lời với nhau hơn.

Như vậy, bộ câu hỏi vốn được lập ra, nhằm tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Liệu hai người hoàn toàn xa lạ có thể tiến triển cho một mối quan hệ chỉ bằng việc lần lượt trả lời các câu hỏi "sâu" đã được chuẩn bị sẵn? Tuy nhiên, đối tượng có thể ứng dụng bộ câu hỏi này không chỉ là những người lạ với nhau. Thay vào đó, độc giả có thể cùng thực hiện hoạt động này với người thân, người đã là người yêu, để đơn giản bạn và đối phương có thể gắn kết hơn nữa.




Commentaires


bottom of page