top of page
Tìm kiếm

4 thuật ngữ tâm lý đang phổ biến khi xu hướng "chữa lành" lên ngôi

Tham vấn-trị liệu tâm lý đang trở nên phổ biến hơn trong xã hội hiện đại. Cũng từ đó, ngày càng có nhiều người quan tâm tìm hiểu về công cụ trị liệu, trường phái trị liệu, kỹ thuật được sử dụng... Trong bài viết này, hãy cùng LeLa Journal điểm qua 4 khái niệm và kỹ thuật thường thấy trong tham vấn-trị liệu ở thời đại "ai cũng cần chữa lành", gồm có: Thuật thôi miên, giải mộng, vết mực loang Rorschach và điểm nương tựa.



Thôi miên (hypnosis)


Có lẽ thôi miên là khái niệm khá phổ biến và được nhắc tới nhiều trong các sản phẩm giải trí mang tính huyền học. Trên thực tế, sử dụng thôi miên thông thường không quá "huyền bí" đến vậy.


Nhà trị liệu thôi miên không phải vốn sinh ra với năng lực đặc biệt, mà họ đã trải qua quá trình đào tạo chuyên nghiệp để trở thành một nhà thôi miên có trách nhiệm và có sức thuyết phục (1), (2).


Do đó, có thể nói rằng thôi miên không phải một hình thức kiểm soát. Tuy vậy, vẫn có một "sự kết nối" đặc biệt được thiết lập giữa nhà thôi miên và thân chủ. Các cá nhân tham gia vào phiên thôi miên phải hòa hợp với nhau và với chính bản thân họ. Trong khi được thôi miên, thân chủ sẽ có xu hướng phụ thuộc vào gợi ý của nhà trị liệu. Tiến trình này sẽ diễn ra một cách tự nhiên và giúp thân chủ dần phát triển khả năng tự lực (self-reliance) (1).


Có thể nói thôi miên là một trạng thái gần giống với ngủ hoặc vô thức (unconsciousness), nhưng thực tế thì đây lại là một trạng thái mà thân chủ có ý thức, hay nói cách khác là vẫn tỉnh táo.

Trong khi thôi miên, thân chủ-người được thôi miên sẽ chìm đắm vào các diễn trình xảy ra bên trong họ, như là chìm vào suy nghĩ và cảm xúc cá nhân. Trạng thái này cũng giống như việc một người khi ngủ sẽ hướng đến giấc mơ nhiều hơn là những gì đang xảy ra trong môi trường xung quanh. Người được thôi miên vẫn có thể cất lời nói và làm theo các hướng dẫn từ người ngoài-chính là nhà trị liệu (1).


Trị liệu thôi miên (hypnotherapy) là một công cụ, kỹ thuật hữu hiệu và nếu được đặt trong tay những nhà lâm sàng có kinh nghiệm, nó có thể tạo ra những kết quả tích cực. Điều quan trọng là chúng ta cần tìm được "đúng người đúng việc" khi áp dụng kỹ thuật thôi miên (1).


Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), trị liệu thôi miên là một phương pháp điều trị tâm lý, được sử dụng trong cả phiên trị liệu ngắn lẫn trong tiến trình điều trị lâu dài. Cụ thể, trong buổi ngắn, liệu pháp thôi miên hướng tới giảm thiểu một số triệu chứng bệnh và hỗ trợ sửa đổi mô hình hành vi. Trong dạng liệu pháp tâm lý tái tạo lâu dài, kỹ thuật này có thể giúp thân chủ học cách thích nghi và thậm chí là điều chỉnh tính cách (3).



Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh ứng dụng lâm sàng của thôi miên, nhưng đã có bằng chứng khoa học cho thấy hiệu quả của liệu pháp này trong việc giải quyết một loạt vấn đề sức khỏe. Các vấn đề này gồm: tăng huyết áp, hen suyễn, mất ngủ, nghiến răng, kiểm soát cơn đau mạn tính và cấp tính, điều chỉnh thói quen, rối loạn tâm trạng và lo âu (một số dạng ám ảnh) và rối loạn tính cách. Ngoài ra, cũng có một số bằng chứng tích cực chứng minh tính hiệu quả của thôi miên như một liệu pháp bổ trợ (3).


Do đó, liệu pháp thôi miên vừa được sử dụng đơn lẻ, vừa được kết hợp với các liệu pháp/kỹ thuật khác.

Để đi vào áp dụng, nhà trị liệu phải là chuyên gia đã được đào tạo bài bản về thôi miên. Thân chủ có thể đã có trải nghiệm với thôi miên trước đó, hoặc được nhà trị liệu đề xuất áp dụng (3). Điều này có nghĩa là liệu pháp này không được phép tiến hành nếu thân chủ không biết hoặc không đồng ý.


Giải mộng (dreams interpretation)



Đã từ lâu, giấc mơ luôn gợi sự tò mò và thu hút con người. Sigmund Freud - bác sĩ thần kinh, nhà tâm lý học người Áo, cũng là cha đẻ của Phân tâm học - đã đưa ra một thuyết về giấc mơ, cũng là nội dung chính trong cuốn sách The Interpretation of Dreams (nghĩa là "Giải Mộng"). Ông cho rằng khi ý thức (conscious mind) đang ở trạng thái mơ màng (slumber), thì vô thức (unconscious mind) sẽ tạo ra các hình ảnh giúp ta hiểu rõ hơn về bản thể sâu bên trong mình (deepest selves) (3). Đối với Freud, các giấc mơ biểu hiện tiềm thức – nơi những mong muốn hay xung năng bị dồn nén. Cũng theo ông, những mong muốn, khao khát và xung năng này thường có liên quan tới tính dục.


Sự dồn nén này đã "biến" những xung năng đó thành hình ảnh trong giấc mơ, chính là những biểu tượng. Việc giải mộng, hay giải mã giấc mơ, chính là giải mã những biểu tượng này.

Trong một nghiên cứu, nhiều người được khảo sát, bất kể họ đến từ đâu, đều chia sẻ rằng có một "sự thật" ẩn chứa sau mỗi giấc mơ. Cũng từ đó, họ cho rằng những giấc mơ chứa đựng nhiều thông tin "có giá trị" hơn so với những suy nghĩ của chúng ta khi đang thức (4).


Tiến trình phân tích giấc mơ thường đi kèm với việc tìm kiếm ý nghĩa biểu tượng cao (symbolic). Các hình ảnh trong giấc mơ không có ý nghĩa phổ quát, mà ngược lại, sẽ được hiểu dựa trên trải nghiệm cá nhân, bản sắc của nhóm cộng đồng (social group identification) và văn hóa (5).


Chẳng hạn, hình ảnh "một chén nước" trong giấc mơ có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau, tùy vào từng trường hợp thân chủ. Các giấc mơ thường mang tính cá nhân và không có một công thức chung để giải nghĩa tất cả giấc mơ của mọi người theo một cách máy móc.

Nhưng sẽ thế nào nếu giấc mơ của con người chỉ là những hình ảnh ngẫu nhiên, hệt như cách những đứa trẻ tìm kiếm những hình thù ẩn chứa bên trong các đám mây? Sẽ thế nào nếu các giấc mơ vốn không hề có ý nghĩa và chúng ta vốn chẳng có gì để giải mã?


Dù có luồng ý kiến cho rằng não của chúng ta hoàn toàn nghỉ ngơi trong lúc ngủ, nhưng các nghiên cứu cho thấy não của chúng ta hoạt động ở công suất cao trong khi ngủ (6). Dù không nhận được sự tán đồng của toàn bộ giới khoa học, nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng giấc mơ là một sản phẩm phụ của tiến trình "dọn dẹp" thần kinh và của các hoạt động thần kinh khi chúng ta ngủ.


Nhiều mạch thần kinh (brain circuits) được kích hoạt suốt đêm sẽ gợi lại các cảm giác, cảm xúc và ký ức hoàn toàn ngẫu nhiên trong ngày. Sau đó, não bộ chúng ta sẽ gắn kết những mẫu thông tin rời rạc và ngẫu nhiên đó thành một câu chuyện. Bởi vậy, giấc mơ thường phi logic và kỳ lạ. Từ đó, có thể thấy những câu chuyện trong mơ có thể là vô nghĩa, không nhằm gửi gắm bất kỳ thông điệp gì. Đó chỉ đơn giản là một nỗ lực tạo ra ý nghĩa cho các sản phẩm phụ từ các tiến trình diễn ra ở hệ thần kinh (7).



Về điều này, mời độc giả đọc bài viết có liên quan đã được đăng tải trên LeLa Journal với tựa đề Giấc ngủ REM & vô thức: Lợi ích chữa lành của việc ngủ mơ.


Trắc nghiệm "Vết mực loang Rorschach" (Rorschach inkblot test)


Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng thấy những hình ảnh Vết mực loang Rorschach, hoặc thậm chí là thử kiểm tra xem bản thân nhìn được gì từ những hình vết mực đó. Tuy nhiên, từ nhiều thập kỷ trước, bài trắc nghiệm "Vết mực loang Rorschach" đã không còn được sử dụng nhiều trong thăm khám y khoa.


Đặc biệt, sau khi một số hình ảnh vết mực loang được đăng tải lên mạng, bài trắc nghiệm này càng trở nên phổ biến nhưng cũng nhận thêm nhiều hoài nghi về độ chuẩn xác (validity).


Ảnh: Wikipedia/Public Domain
Ảnh: Wikipedia/Public Domain

Nhiều người lầm tưởng rằng kết quả của bài trắc nghiệm chính là những gì khách thể quan sát được từ các vết mực loang.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lại là những phản ứng của thân chủ trước các hình ảnh, tức là những nội dung họ chia sẻ và biểu hiện của họ - đặc biệt là về đặc điểm trong bức hình thu hút sự chú ý của họ, gồm hình dáng, màu sắc, chi tiết...


Bất kể bài trắc nghiệm này đã được chuẩn hóa thì nhiều nhà tâm lý học vẫn hoài nghi độ hiệu lực của nó. Giáo sư Peieter J. D. Drenth tại Đại học Amsterdam (Hà Lan) đã mô tả bài trắc nghiệm này là một "chẩn đoán ngụy khoa học" (pseudoscientific diagnosis) (8). Còn Thạc sĩ Benhamin Radford - biên tập và cũng là tay bút của nhiều tạp chí khoa học tại Hoa Kỳ - thì lại nhận xét rằng "Vết mực loang Rorschach" từng là một bài trắc nghiệm tâm lý đầy hứa hẹn, nhưng giờ đây không còn đáng tin cậy nữa (9).


Vào năm 1999, nhà tâm lý học Howard Garb tại Đại học Pittsburgh (Hoa Kỳ) đã nhận được sự tán đồng của các chuyên gia như James Wood, Teresa Nezworski và Scott Lilienfeld khi khuyến nghị không sử dụng bài trắc nghiệm này trong lĩnh vực lâm sàng và tư pháp (10).



Gần đây hơn, vào năm 2013, Giáo sư Tâm lý học Joni Mihura từ Đại học Toledo (Hoa Kỳ) và các cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu phân tích tổng hợp mở rộng về bài trắc nghiệm này. Kết quả khẳng định rằng "Vết mực loang Rorschach" vẫn là một công cụ có ích nếu được dùng kết hợp với các công cụ đo lường khác như quan sát, trắc nghiệm năng lực nhận thức... (11).


Tuy nhiên, các tác giả cũng nhấn mạnh rằng các nhà thực hành lâm sàng không nên dùng kết quả độc lập của trắc nghiệm Vết mực loang Rorschach để đưa ra một chẩn đoán lâm sàng (11).

Điểm nương tựa



Trong tiến trình dẫn thiền hoặc trong các phiên tham vấn, nhà trị liệu/nhà thực hành thường yêu cầu thân chủ/người tham gia tìm kiếm một nơi để nương tựa khi quá xúc động. Tìm kiếm điểm nương tựa là việc xây dựng sự tin tưởng và sự an toàn giữa những cá thể chung sống trong cộng đồng đa dạng và trong cùng môi trường sống (12).


Nương tựa không chỉ có sự phụ thuộc lẫn nhau (interdependence) giữa các cá nhân và cộng đồng, mà còn có sự dựa dẫm lẫn nhau giữa con người và các sinh vật sống khác, với thế giới (12).

Do đó, việc tìm điểm nương tựa có thể có thể là một phần quan trọng trong cả cuộc sống lẫn trong tham vấn-trị liệu. Chẳng hạn, đây cũng là một "bước nhỏ" trong Liệu pháp Thân nghiệm (Somatic Experiencing) được phát triển bởi Tiến sĩ Peter A. Levine, chuyên dành cho những người từng trải qua chấn thương tâm lý (trauma) hoặc rối loạn căng thẳng. Trong bước này, thân chủ được yêu cầu tìm kiếm trong không gian, cả không gian trị liệu lẫn không gian sống, một điều có thể mang lại sự an toàn cho bản thân - một nơi an trú tiềm tàng (potential safety). Tiến sĩ Levine gọi đây là nguồn ngoại lực (external resources) với một số ví dụ như là cái cây vững chãi, một người bạn tốt, một hòn đá, một con thú cưng, một món đồ chơi, thậm chí là ý niệm về một thiên thần... (13).


Trong cuộc sống, chúng ta cũng cần tới những mối quan hệ chất lượng như sự hỗ trợ xã hội (social support), gồm gia đình, bạn bè, người yêu... (14).



Đặc biệt, chánh niệm cũng là một phần trong tiến trình tìm kiếm nơi nương tựa. Chánh niệm cần tập trung vào thời điểm chúng ta rơi vào trạng thái dễ tổn thương (vulnerability) ở nhiều mức độ khác nhau (12). Khi chúng ta nhận thức được điều gì đang diễn ta trong tâm trí, cảm nhận và cảm xúc của mình thì có lẽ chúng ta sẽ không dừng lại ở "bể khổ" (suffering) của riêng bản thân, mà chúng ta cũng sẽ cân nhắc đến nỗi đau của cộng đồng (13). Nếu bị xao nhãng trong tiến trình thực hành, chúng ta cũng có thể nương tựa vào hơi thở của những người bạn đồng hành của mình: cảm nhận âm thanh hơi thở của người bên cạnh để trở về khoảnh khắc thực tại (14).

Commentaires


bottom of page