top of page
Tìm kiếm

Ai cũng có thể là người sáng tạo

Tư duy sáng tạo không phải là một kỹ năng thiên bẩm chỉ một số người mới có. Tất cả chúng ta đều có thể rèn luyện và nuôi dưỡng các suy nghĩ sáng tạo bằng những hành động hết sức đơn giản.


Về cơ bản, sáng tạo liên quan đến khả năng giải quyết vấn đề hoặc tạo ra thứ gì đó mới theo những cách mới lạ (1). Sự sáng tạo có thể đi từ việc tìm ra một cách mới để hoàn thành nhiệm vụ hằng ngày cho đến việc phát minh ra các ý tưởng lớn có khả năng làm thay đổi thế giới.


Nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi gợi ý rằng, sáng tạo thường xuất hiện trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như với (2):

  • Những người thú vị, nhiệt tình và có nhiều suy nghĩ khác thường.

  • Những người nhận thức về thế giới với một góc nhìn mới mẻ, có các ý tưởng sâu sắc và có khả năng tự khám phá. Họ thường phát hiện ra những điều mới lạ mà chỉ mình họ biết.

  • Những người tạo ra các thành tựu tuyệt vời được thế giới biết đến như nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học…



Một số người vẫn tin rằng sáng tạo là món quà chỉ dành cho những người may mắn. Ví dụ, niềm tin phổ biến là não phải giàu trí tưởng tượng của họ thường chi phối nhiều hơn so với não trái mang tính phân tích. Thực tế, sự sáng tạo không phải là một đặc điểm ngoại lệ. Nhà tâm lý học Scott Barry Kaufman khẳng định nó đã được “cài đặt” sẵn trong quá trình tiến hóa của loài người. Điều chúng ta cần làm là tập trung vào những thói quen giúp nuôi dưỡng hai thành phần chính của tính sáng tạo, đó là trí thông minh và trí tưởng tượng.


Tiếp tục học


Trí thông minh ở đây không phải điểm IQ mà là khả năng lĩnh hội thông tin, dù thông qua tự quan sát hay học hỏi từ người khác, sau đó lưu trữ lại để sử dụng. Trí tưởng tượng sẽ giúp chúng ta xử lý những thông tin này và hình dung ra những gì có khả năng xảy đến trong tương lai.


“Sự sáng tạo đòi hỏi ở chúng ta khả năng hiểu biết về những gì đã xảy ra trước đó để đứng trên vai của những người khổng lồ, nhưng cũng cần ở mỗi người việc sử dụng tầm nhìn xa để tưởng tượng ra thế giới theo cách nó có thể trở thành. Khi kết hợp cả hai thứ này, nó sẽ giúp bạn trở nên sáng tạo hơn” - Kaufman cho biết (3).

Nhà giáo dục Tim Leunig cũng đồng ý với Kaufman và nhấn mạnh hơn vào tầm quan trọng của tri thức. Với Leunig, tri thức là nền tảng của sự sáng tạo (4). Việc đào sâu “giếng thông tin”, học hỏi từ những thành quả, phát minh có sẵn và kết hợp cùng trí tưởng tượng của cá nhân có thể dẫn đến một thứ gì đó quan trọng.


Leunig cho rằng, dù bạn gọi đó là trí thông minh hay vốn kiến thức, khả năng học tập suốt đời này cung cấp cho chúng ta những "chất liệu thô" để phát huy trí tưởng tượng, từ đó tạo nên các ý tưởng mang tính cách mạng.


Cởi mở với những trải nghiệm mới



Kiến thức không chỉ được học qua giáo dục chính quy, một cách khác để nâng cao trí thông minh là tìm kiếm những trải nghiệm mới. Kaufman quan sát thấy những người sáng tạo thường có xu hướng tò mò, mong muốn thúc đẩy bản thân để đương đầu với thử thách. Để thỏa mãn điều này, họ tìm kiếm những điều mới lạ qua việc đọc sách, đi du lịch, giải trí, dành thời gian cho sở thích và giao tiếp với con người…


Những trải nghiệm mới này cho chúng ta nhiều kiến thức để nuôi dưỡng trí tưởng tượng. Và một khi bạn thực sự cởi mở, nhiệt tình với những gì mình đang trải nghiệm, sự sáng tạo sẽ theo sau.


Một ví dụ cho trường hợp này là họa sĩ người Hà Lan Vincent van Gogh. Ông đã lấy cảm hứng cho việc vẽ từ những bức tranh điêu khắc gỗ của Nhật Bản (hay còn gọi là Ukiyo-e). Dù chưa từng đến thăm đất nước Nhật nhưng Van Gogh đặc biệt say mê văn hóa nơi đây. Ông mua các bức tranh này và thực hành sao chép kỹ thuật vẽ của các bậc thầy như Utagawa Hiroshige. Bằng việc tích hợp những giờ luyện tập mới mẻ này vào phong cách vẽ mang tính châu Âu của mình, cùng với một trí tưởng tượng phong phú, Van Gogh đã mang đến cho công chúng những tác phẩm ấn tượng có sức ảnh hưởng lớn.


Nghĩ khác và chấp nhận nghịch cảnh


Đối với nhà tâm lý học Kaufman, những người sáng tạo là những người không hay tuân thủ, họ nghĩ khác một cách có chủ đích. Các đóng góp độc đáo của họ, dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, không phải là kết quả của nỗ lực làm hài lòng đám đông. Một nghiên cứu trên hơn 3000 doanh nhân và giám đốc điều hành cho thấy, những người có khả năng đổi mới dành khoảng 50% thời gian để nghĩ khác đi. Hành động có chủ ý này đã giúp họ khơi dậy những mối liên kết mới, thứ dẫn đến các ý tưởng sáng tạo (5).


Kaufman cũng nhận định rằng, những thiên tài sáng tạo nhất trong lịch sử thường rất giỏi trong việc tìm kiếm ý nghĩa và bài học từ các thất bại. Một số người có thể làm ra những tác phẩm vĩ đại nhất dường như hay gặp phải bất lợi, từ khuyết tật, bệnh tâm thần đến mất người thân. Họ đã dùng những nghịch cảnh này làm chất liệu và cảm hứng cho con đường nghệ thuật, viết lách hoặc kinh doanh của mình.


Để phát triển khả năng sáng tạo, hãy xem các thất bại là cơ hội để phản tỉnh: Tôi có thể học được gì từ khó khăn này, và làm sao để áp dụng nó vào công việc?


Trân trọng sự một mình


Sự đơn độc (solitude) mang lại nhiều giá trị mà chúng ta thường bỏ quên, bao gồm cơ hội bước vào trạng thái dòng chảy (cảm giác tập trung cao độ để thực hiện một nhiệm vụ), suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống hay chỉ đơn giản là việc mơ mộng (daydreaming). Những khoảnh khắc này giúp não bộ chúng ta tạo ra các “liên tưởng” khác thường nhờ vào thời gian đủ dài và không bị phân tâm để trí tưởng tượng hoạt động.


“Để những ý tưởng, sự bay bổng, trí thông minh và khả năng tưởng tượng hợp nhất thành một tổng thể sáng tạo, bạn cần đến thời gian một mình” - Scott Barry Kaufman cho biết. Dành thời gian để “đơn độc” - từ việc đi dạo giữa thiên nhiên hay sống trọn trong những khoảnh khắc thoát khỏi phiền nhiễu của xã hội - sẽ giúp chúng ta củng cố và nuôi dưỡng khả năng sáng tạo vốn có của bản thân.

コメント


bottom of page