top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảNhư Thuyền

"Ambiguous loss" và lý do khiến ghosting đáng buồn hơn bạn tưởng

Sự bùng nổ công nghệ ở Thế kỷ XXI đã đem đến cho chúng ta nhiều cơ hội kết đôi, thông qua các trang web và ứng dụng hẹn hò. Nhưng cũng từ đó, con người dễ dàng "ngắt kết nối" và "ghosting" là một trong số đó. Chúng ta có thể bị ghost ở bất cứ giai đoạn nào như là sau khi quen, khi đang tìm hiểu, sau vài tháng, hoặc thậm chí là... nhiều năm sau đó (1), gây ra cho chúng ta một sự mất mát mơ hồ (ambiguous loss). Ở bài viết này, hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu về lý do khiến ghosting nguy hiểm tới sức khỏe tinh thần của chúng ta và cách để giảm bớt ảnh hưởng của nó.



Khi đang "yêu" thì lại hóa "yêu ma"


Ghosting (tạm dịch là "biến mất") được định nghĩa là hành vi chia tay với đối tác hoặc bạn bè mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào và đặc biệt là hoàn toàn tránh mặt đối phương, bao gồm một số hành vi như không trả lời tin nhắn, không nhận cuộc gọi, chuyển nhà, chặn tài khoản mạng xã hội... (2), (3). Đáng lưu ý là khi biến mất đột ngột không một lời giải thích như vậy, họ chưa hẳn đã có ý làm hại người ở lại (4).


Tuy nhiên, việc bị ghost, đặc biệt trên các ứng dụng hẹn hò, là một trải nghiệm đau khổ với nhiều người. Nó có thể làm giảm mức độ tự tôn (self-esteem) và ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái an lạc (well-being) của người bị bỏ lại (4).

Nhiều người bị ghost cho biết rằng sau khi đối phương đột ngột biến mất khỏi cuộc đời mình, họ đã cảm thấy buồn, tổn thương, giận dữ, thất vọng, cô đơn và vỡ mộng; kéo theo đó là những hệ quả lâu dài như lòng tự tôn thấp, mất niềm tin vào thế giới và những người xung quanh, mức độ hài lòng về cuộc sống thấp, cảm giác bất lực trong mọi việc, hoặc thậm chí là trầm cảm và rối loạn hoảng loạn (4), (5).



Sau những trải nghiệm bị ghost, nạn nhân của ghosting có thể sẽ cố giữ khoảng cách với những đối tượng họ đang tìm hiểu, ôm khư khư nỗi sợ rằng người ta sẽ lại rời đi đột ngột, cố không để mọi thứ tiến triển quá nhanh trong mối quan hệ, hoặc có thể trở nên thiếu lòng tin và hoài nghi hơn về đối tượng hẹn hò của mình (6). Những người từng bị ghost sẽ điều chỉnh phương thức giao tiếp của họ với đối tượng hẹn hò, từ chủ đề nói chuyện, đến mức độ sâu của cuộc hội thoại và giới hạn kênh liên lạc (4). Họ cũng trở nên do dự, thiếu quyết đoán, trở nên dè dặt, thận trọng hơn trong các mối quan hệ sau này (7).


Thậm chí, một người từng bị ghost có thể sẽ có xu hướng ghost người khác trong các mối quan hệ sau đó (8). Và có lẽ, bi kịch cứ nối đuôi nhau xảy ra. Vậy tại sao cảm giác này lại đau đớn và khó vượt qua tới vậy?


"Ambiguous loss" là gì mà có thể ảnh hưởng kéo dài?


Khi bị ghost, gần như không có gì xác thực được sự mất mát của chúng ta. Khi chưa nói lời chia tay, liệu họ sẽ quay lại sau ít ngày hoặc sau... vài năm?


Loại mất mát này được gọi là mất mát vô hình, hay mất mát mơ hồ (ambiguous loss), có liên quan tới những nỗi mất mát không rõ ràng.

Có hai dạng mất mát mơ hồ. Một là hiện diện về mặt thể lý, tức là có mặt nhưng lại thiếu vắng về khía cạnh tâm lý, tinh thần - khi nói tạm biệt rồi nhưng vẫn chưa rời đi. Chẳng hạn, trong gia đình có một người mắc bệnh hiểm nghèo mà bác sĩ đã chẩn đoán là "sẽ ra đi bất cứ lúc nào", những người thân đã gặp gỡ và nói lời chia tay, thì sau đó, dù họ vẫn ở đó nhưng đã không còn có những tương tác xã hội như trước nữa. Dạng mất mát mơ hồ thứ hai là không hiện diện về mặt thể lý, tức là vắng mặt nhưng vẫn còn hiện diện ở khía cạnh tinh thần, đồng nghĩa với việc rời đi rồi mà vẫn chưa nói lời tạm biệt. Đây chính là hiện tượng mất mát mà chúng ta đang tập trung bàn luận ở đây - ghosting.


Theo Pauline Boss thuộc Đại học Minnesota
Theo Pauline Boss thuộc Đại học Minnesota

Mức độ mà chúng ta tiếp nhận, ý thức được rõ ràng về sự mất mát mơ hồ được gọi là ranh giới mất mát (boundary ambiguity), với ranh giới này càng cao, chúng ta càng có xu hướng phải chịu đựng những ảnh hưởng tiêu cực như đã nhắc tới ở trên (9). Đây là một phần lý do mà cũng có những người ít chịu tác động bởi ghosting, hoặc một người có thể chịu những tác động khác nhau bởi... những lần ghosting khác nhau.


Một trong những khoảnh khắc đáng buồn nhất của việc ghosting là khi chúng ta nhận ra rằng: "Ủa, vầy là biến mất rồi đó hả?"

Mất mát mơ hồ tác động tiêu cực đến tâm lý con người bởi nó đem lại cảm giác tuyệt vọng và các cảm xúc mang tính đối lập (ambivalence). So với khi bị từ chối tình cảm thì những người bị ghost sẽ cảm thấy khó lường và bất công hơn. Sự khó lường đến từ sự biến mất đột ngột của đối phương, còn sự bất công đến từ việc họ rời đi mà không để lại bất kỳ một lý do hay lời giải thích rõ ràng để làm thỏa lòng người ở lại (3).


Trước một mất mát, chúng ta không có được thông tin xác thực, không có "nghi thức" thương tiếc người ra đi và cũng không có điểm kết thúc cho niềm thương tiếc đó (9). Chúng ta dễ có những suy nghĩ như "Liệu tôi đã làm gì sai""Tôi không có vấn đề gì cả, chuyện này xảy ra không phải lỗi của tôi" (7).


Chúng ta chỉ còn biết cam chịu. Giống như trong lời bài hát của Adele: "Khi nào thì em mới gặp lại anh? Anh đi không từ biệt, chẳng nói lấy một lời. Chẳng có nụ hôn cuối để đóng dấu tội lỗi. Em chẳng biết đôi mình đang trong tình thế nào..." (bài Don't you remember).


Nỗ lực tìm hiểu lý do khi đoạn tình cảm kết thúc là một tiến trình cần thiết, bởi nó giúp chúng ta lý giải được tình huống và dần hồi phục hậu chia tay (10). Sự thật là chỉ một câu ngắn gọn như "Anh/em không muốn hẹn hò với em/anh nữa" cũng là một lời khẳng định về mong muốn chia tay. Lựa chọn trực tiếp trao đổi về quyết định chia tay được cho là biểu hiện của trách nhiệm, giúp giảm đi cảm giác tiêu cực ở những người bị bỏ lại (11).


Nếu thiếu đi sự kết thúc này, chúng ta như bị "chặn đứng" dòng tư duy cũng như các cơ chế ứng phó và quản lý căng thẳng (12), (13).


Vì vậy, có thể nói mất mát mơ hồ là một dạng mất mát gây ra mức độ căng thẳng cao nhất.


Làm sao để "buồn một lúc" mà không... "đau một đời"?


Bên cạnh "lời khuyên" hiển nhiên là chúng ta cố tăng cường sức chống chịu (resilience) để chấp nhận và sống chung được với sự mơ hồ (14), vẫn còn có một số biện pháp nhỏ để hỗ trợ chúng ta. Hãy lưu ngay "bí kíp" này vào nhé.


1. Tìm kiếm ý nghĩa từ sự mất mát: Hãy cho phép bản thân tự hỏi xem mình thấy sự kiện này đem lại điều gì? Mình mất đi những gì và có được những gì? Ý nghĩa của việc họ rời bỏ là gì?


Tiến trình tạo ra ý nghĩa sẽ giúp chúng ta dần hình thành mối liên kết giữa các sự kiện trong cuộc sống (sense of coherence), từ đó dễ chấp nhận việc họ rời đi hơn, hay chính xác hơn là chấp nhận rằng hóa ra một mình cũng vui. Cảm giác các sự kiện trong cuộc sống có mối liên kết có thể là bước khởi đầu cho việc tìm kiếm hy vọng mới.


2. Tìm lại sự kiểm soát của chúng ta đối với cuộc sống: Việc họ rời đi và ngắt hết liên lạc với chúng ta là việc mà bản thân chúng ta không thể nào kiểm soát được. Do đó, chúng ta không cần cố gắng kiểm soát tình huống ghosting (dù là tình huống thể lý hay tâm lý trong mô hình kể trên), mà bù lại, hãy tăng quyền tự chủ của mình ở các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Các hoạt động có thể tăng quyền kiểm soát trong cuộc sống là học một kỹ năng mới (học ngoại ngữ, diễn ảo thuật, đan len…), giữ thói quen làm các hoạt động bổ ích khi nhàn rỗi, tham gia các môn nghệ thuật (đàn, hát, nhảy…), chơi thể thao, cầu nguyện và thiền tập...




3. Bình thường hóa những cảm xúc đối lập: Mất mát mơ hồ gây ra những cảm xúc đối lập. Chúng ta có thể vừa thương nhớ họ tha thiết, vừa căm phẫn họ vì đã bỏ chúng ta lại mà không nói một lời. Chúng ta vẫn giữ hy vọng rằng họ sẽ quay trở lại, nhưng cũng thấy đau đớn vì biết rõ... sự im lặng chính là lời tạm biệt.


Lúc này, chúng ta có thể tư duy theo lối sóng đôi, rằng "mình vừa yêu vì cả hai đã có những gắn kết nhất định và mình cũng giận họ vì đã rời đi". Lối tư duy này giúp chúng ta chấp nhận sự mâu thuẫn và không phủ nhận bất kỳ cảm xúc/kỳ vọng nào của bản thân.


Theo lý thuyết của Vật lý Lượng tử, một đối tượng có thể cùng tồn tại với hai trạng thái đối lập, như là... vừa sống vừa chết. Cũng giống như vậy, bạn có thể "lượng tử hóa" cảm xúc của mình, vừa thương vừa giận người ta cũng có sao đâu. Quan trọng là bạn không ghét bỏ bản thân vì những gì người ta làm với bạn.


4. Cân bằng việc cho phép họ rời đi và nỗi nhớ nhung của bản thân: Sau khi đã có được tư duy theo lối sóng đôi, chúng ta cũng cần cân đối thời gian để tránh quá chìm đắm vào một trạng thái cảm xúc. Để bước tiếp, chúng ta cần tái đầu tư thời gian và năng lượng vào xây dựng những mối quan hệ mới và hình thành các vai trò mới.


Đối với một mất mát rõ ràng, nhiệm vụ này vốn đã khó, thì với mất mát vô hình, nó còn khó hơn nhiều.

Với lối suy nghĩ sóng đôi và sự sắp xếp hợp lý đó, chúng ta có thể tự động viên bản thân tích cực xây dựng các mối quan hệ mới, kết nối lại với các mối quan hệ trước đó, như là những người bạn mới lẫn cũ, gia đình…


5. Tìm kiếm niềm hy vọng mới: Chúng ta không nhất thiết phải tìm kiếm một mối quan hệ mới, mà là tập trung vào suy nghĩ rằng "mình đáng được yêu" và niềm hy vọng rằng chúng ta vẫn đang tiến lên phía trước.


Hãy nhớ rằng chuyện đáng được yêu còn bao gồm cả việc "yêu bản thân" nữa nhé.


Tìm kiếm một đối tượng đồng hành là nhu cầu không của riêng ai. Dù không thể phủ nhận sự tiện lợi, thì việc sử dụng các ứng dụng hẹn hò cũng có những nguy hiểm tiềm tàng. Do đó, để có những trải nghiệm hẹn hò lành mạnh, việc lường trước nguy cơ và chuẩn bị cho bản thân trước những tình huống tương tự là một điều cần thiết.

Comments


bottom of page