top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoa Nguyen

Ăn chay giúp ích gì cho tình trạng biến đổi khí hậu?

Cắt giảm tiêu thụ thịt là một biện pháp cần thiết để đối mặt với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, lựa chọn ăn uống thân thiện với hành tinh không nhất thiết phải là một nhiệm vụ khắt khe giống như “hình phạt”. Chúng ta vẫn có thể bắt đầu chuyển dần sang chế độ ăn giàu dinh dưỡng và ăn chay từ thực vật một cách lành mạnh bằng những thay đổi nhỏ dễ thực hiện.


Báo cáo năm 2021 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, con người chỉ có vài năm để cắt giảm toàn bộ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và điều này đòi hỏi một loạt các thay đổi liên tục từ hệ thống kinh tế toàn cầu đến các hành vi tiêu dùng của mỗi cá nhân (1). Hiện nay, mỗi năm thế giới vẫn đang thải vào bầu khí quyển 51 tỷ tấn khí nhà kính (greenhouse gases) (2). Dù con số này có thể tăng hoặc giảm nhẹ tùy từng năm, nhưng nó không thay đổi sự thật là con người cần phải giải quyết một lượng khổng lồ khí thải này để ngăn chặn các thảm họa khí hậu trong tương lai.


Mối tương quan giữa ăn chay và biến đổi khí hậu



Việc nuôi sống 7,8 tỷ người trên thế giới gây ra nhiều thiệt hại cho trái đất. Trong đó, các hoạt động nông nghiệp toàn cầu chiếm khoảng ¼ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tương đương 24%, cùng với đó là điện (electricity) 25%, sản xuất (manufacturing) 21%, giao thông vận tải (transportation) 14%, xây dựng và vận hành các tòa nhà (buildings) 6%, còn lại 10% đến từ việc khai thác các năng lượng khác (3).


May mắn là, chúng ta có khả năng đạt được mức giảm khí thải cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Liên Hợp Quốc (UN) đã khẳng định, chế độ ăn dựa trên thực vật là một cơ hội quan trọng để giảm thiểu các tác hại môi trường và giúp con người thích ứng với biến đổi khí hậu (4). Đồng thời, UN cũng khuyến nghị các chính phủ trên thế giới áp dụng nhiều chính sách để giảm lượng tiêu thụ thịt cho người dân của họ.


Chế độ ăn nhiều thực vật giảm phát thải nhà kính như thế nào?


  • Sự giảm mạnh khí thải carbon xảy ra vì mỗi bước của quá trình sản xuất các sản phẩm động vật như thịt bò và sữa đều tạo ra khí nhà kính (5). Quá trình nuôi và giết động vật lấy thịt tiêu tốn nhiều carbon hơn so với việc chỉ trồng và thu hoạch thực vật.

  • Ngoài khí CO2 (carbon dioxide), metan còn là “thủ phạm” chính của việc làm nóng bầu khí quyển vì nó có khả năng giữ nhiệt trong không khí mạnh gấp 80 lần so với CO2 trong vòng 20 năm. Gia súc là một nguồn metan khổng lồ. Nếu ví gia súc như một quốc gia, với mức phát thải 5 tỷ tấn hằng năm, có lẽ nó chỉ đứng sau Trung Quốc (10,2 tỷ tấn/năm) và Hoa Kỳ (5,3 tỷ tấn/năm) (6).

  • Ngành công nghiệp thực phẩm cần nhiều năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch để sản xuất, chế biến và vận chuyển sản phẩm, trong khi đốt nhiên liệu hóa thạch lại đóng góp không ít vào lượng phát thải carbon toàn cầu. Thịt đòi hỏi nhiều công đoạn chế biến trước khi phù hợp làm thức ăn cho con người và cần nhiều năng lượng hơn. Các nguồn protein từ thực vật như đậu và các loại hạt lại có thể chế biến đơn giản, do đó tiết kiệm năng lượng nhiều hơn so với thịt (7), (8).

  • Ngoài ra, chế độ ăn dựa trên thực vật còn giúp chúng ta tiết kiệm nước, tạo điều kiện cho đại dương được ổn định và phục hồi, bảo vệ rừng và đất, ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài và thậm chí giúp chống lại nạn đói cùng sự gián đoạn sản xuất lương thực toàn cầu… (9), (10), (11), (12), (13).


Chúng ta có thể làm gì?



1. Chọn các loại thịt có tác động thấp


Như đã biết, sản xuất các sản phẩm thực vật phát thải ít carbon hơn so với hoạt động chăn nuôi. Ví dụ, chỉ 100g protein thịt bò sẽ tạo ra lượng khí thải nhiều hơn 90 lần so với mức cần thiết để sản xuất cùng một lượng protein đậu. Các nguồn protein từ thực vật như đậu phụ, đậu Hà Lan và các loại hạt thường có lượng khí thải carbon thấp nhất.


Nếu chưa sẵn sàng để bỏ thịt hoàn toàn (về lâu dài, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào sở thích và lựa chọn của mỗi người), bạn có thể chọn một loại thực phẩm có tác động thấp hơn. Điển hình như thịt gà, trứng và thịt lợn gần như luôn có lượng phát thải thấp hơn so với thịt bò hay thịt cừu (14). Hãy thử cân nhắc đổi món bít tết sang thịt gà, hoặc kết hợp một nửa thịt bò và một nửa thịt gà trong bữa ăn để giảm bớt tác động. Dành một ngày không ăn thịt trong tuần cũng được xem là một bước đi nhỏ hiệu quả giúp bạn tiến gần hơn đến chế độ ăn bảo vệ môi trường.


Mấu chốt là bắt đầu bằng những hành động đơn giản đề hình thành thói quen ăn uống mới (16). Nhà khoa học hành vi BJ Fogg gọi đây là phương pháp “thói quen nhỏ bé”, nghĩa là chúng ta có thể giúp não bộ làm quen với hành động bằng cách hoàn tất từng bước đi nhỏ cụ thể để đạt được mục tiêu cuối cùng (17).

2. Hạn chế sữa


Gia súc chịu trách nhiệm cho 65% lượng khí thải trong ngành chăn nuôi, trong đó bao gồm 270 triệu con bò đang sản xuất sữa trên toàn thế giới (15). Một nghiên cứu trên 2000 người ở Hà Lan cho thấy, sữa là nguyên nhân lớn thứ hai góp phần vào việc phát thải khí nhà kính cá nhân, chỉ đứng sau thịt (16). Các nghiên cứu khác cũng có chung kết luận sản xuất sữa là một trong những yếu tố chính gây ra biến đổi khí hậu. Bởi bò sữa và phân chúng thải ra thường có các khí nhà kính như metan, CO2, nitơ và amoniac (17), (18).


Cắt giảm lượng sữa tiêu thụ bằng việc thay thế bằng các sản phẩm như sữa chua, bơ và kem… là một cách để ăn uống thân thiện hơn với môi trường. Khác với sữa thông thường có thành phần chính là sữa, những sản phẩm thay thế này được cấu tạo từ nhiều loại chất khác nhau để tạo ra hương vị giống sữa (19).



3. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và protein thực vật


Cung cấp nhiều chất xơ không chỉ cải thiện sức khỏe cho cơ thể mà còn giúp giảm khí thải carbon.


Ăn nhiều thực vật giàu chất xơ và ít chất béo bão hòa đã được chứng minh là chế độ ăn tạo ra lượng khí thải nhà kính ít nhất (20). Những thực phẩm này cũng giúp bạn no lâu, giảm cảm giác đói, từ đó hạn chế việc ăn đồ chứa nhiều carbon một cách tự nhiên.

Các thực phẩm giàu chất xơ như táo, chuối, bơ, bông cải xanh, atiso, đậu lăng, yến mạch, hạnh nhân, khoai lang… còn hỗ trợ chúng ta cải thiện sức khỏe tiêu hóa, giảm cân, giúp cân bằng vi khuẩn đường ruột và chống lại các bệnh tim, ung thư đại trực tràng và tiểu đường (21), (22), (23), (24).


Tương tự, các sản phẩm giàu protein thực vật cũng giúp bạn giảm bớt lượng carbon từ protein động vật. Những người có lượng phát thải khí nhà kính thấp nhất thường tiêu thụ lượng protein thực vật cao nhất, ví dụ như ăn nhiều các loại đậu, quả hạch và hạt (25).


Ngoài ra, chúng ta có thể áp dụng một số quy tắc sau để có một chế độ ăn uống giúp giảm bớt khí thải, tác động tích cực lên môi trường:

  • Không nên lãng phí thức ăn vì rác thải tạo ra nhiều khí nhà kính. Thực phẩm bị vứt đi sẽ phân hủy trong các bãi chôn lấp và thải ra khí metan (26). Nên lên kế hoạch trước cho các bữa ăn, tận dụng thức ăn thừa, đồng thời chỉ mua những gì cần thiết.

  • Cần tránh thực phẩm chế biến quá mức, nghĩa là thức ăn trải qua nhiều quy trình công nghiệp, thường chứa nhiều hương vị, đường, chất béo và chất bảo quản hóa học. Các loại thực phẩm này không tốt cho sức khỏe, liên quan đến vấn đề béo phì, tiểu đường, một số bệnh ung thư và có lượng khí thải carbon khá lớn (27), (28), (29).

  • Giảm thiểu tối đa mức sử dụng nhựa cũng là phần quan trọng cần lưu ý trong ăn uống. Một số mẹo để hạn chế các loại nhựa dùng một lần bao gồm: mang theo túi/hộp đựng thức ăn khi đi mua hàng, không mua nước đóng chai, bảo quản thực phẩm trong hộp thủy tinh, hạn chế các cửa hàng sử dụng ly/ống hút nhựa thay vì làm bằng giấy…



Comments


bottom of page