top of page
Tìm kiếm

Các bậc thiền sư nói gì về ăn chay?

Ăn chay hiện đã phổ biến hơn bao giờ hết. Có người tìm đến ăn chay để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, có người muốn bảo vệ quyền lợi động vật và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ăn chay cũng là cách thực hành của Phật giáo Đại thừa. Vậy các bậc tu thiền có quan điểm gì về ăn chay?


Một số nghiên cứu vào năm 2018 ước tính những người ăn chay chiếm khoảng 18% dân số toàn cầu (1). Trong báo cáo Year in Search năm 2021, Google cho biết lượt tìm kiếm trên toàn cầu về “thực phẩm thuần chay gần tôi” đã tăng hơn 5000% so với trước đó, đạt mức cao nhất mọi thời đại (2).


Ăn chay được chứng minh là mang lại rất nhiều lợi ích về mặt sức khỏe, điển hình như cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ ung thư, ngăn ngừa và điều trị tiểu đường, giảm huyết áp, giảm cân và giảm triệu chứng hen suyễn,... (3), (4), (5), (6), (7), (8). Chế độ này cũng có lợi hơn cho môi trường vì sản xuất chăn nuôi động vật sẽ làm tăng phát thải khí nhà kính, góp phần vào biến đổi khí hậu do đòi hỏi một lượng lớn nước, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên (9), (10).



Ăn chay hay ăn mặn là tùy duyên


Bản thân ăn chay là rất tốt về mặt khoa học, nhưng cách ăn như thế nào sẽ là đúng và vừa phải, ăn chay vì mục đích gì để duy trì lâu dài và bền vững? Nhìn chung, quan điểm về ăn chay của các nhà lãnh đạo Phật giáo và những người ủng hộ đạo Phật thường là ăn chay hay không là tùy duyên mỗi người (tức thuận theo tự nhiên, không gượng ép hay cưỡng cầu). Chúng ta không nhất thiết phải gượng ép bản thân hay bám chấp vào một chế độ ăn mà mình không phù hợp, nhưng ăn chay vẫn rất có ích vì nó có thể nuôi dưỡng lòng từ bi trong chúng ta và bảo vệ Trái đất nơi ta đang sống.


Thiền sư Viên Minh, người từng làm Tổng thư ký Giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam, cho biết: “Trước khi Đức Phật ra đời, con người đã ăn chay từ 5.000 năm trước ở Ấn Độ. Thời Đức Phật, ngài sống rất bình dị. Ngài cùng các chư tăng đi khất thực, ai cho gì thì ăn nấy” (11). Thời Đức Phật không có quy định ăn chay, bởi nếu thực hành đời sống khất thực mà còn lựa chọn cái này, bỏ cái kia sẽ làm khó cho người cúng dường.


Theo thiền sư Viên Minh, ngày trước những người ngoại đạo dù có ăn chay nhưng họ vẫn sát sinh, chẳng hạn như cúng tế 100 con heo, bò dê cho thần linh. Họ ăn chay nhưng giết động vật vì cho rằng tế thần thì không có tội. Không phải ai ăn chay cũng là tốt mà không phải ai ăn mặn cũng là xấu. Với Đức Phật, ngài chọn cách tùy duyên, mọi người cúng dường món nào thì ngài ăn món đấy.


Khi có người hỏi ăn thế nào cho thanh tịnh, Đức Phật trả lời: “Một người thanh tịnh mà ăn món bất tịnh thì người đó vẫn duy trì được sự thanh tịnh. Còn khi người bất tịnh ăn món thanh tịnh thì tâm người đó vẫn sẽ bất tịnh”.

Phân biệt mình ăn chay là hay hơn, trong sạch hơn, đâm ra ngạo mạn, đó không phải là điều nên làm. Thầy Viên Minh cho rằng, chúng ta không cần phân ra ăn chay hay ăn mặn, nếu mình ăn chay mà quá cố chấp và khó khăn trong chuyện ăn chay như là không được ăn chung chén bát có thịt, nghĩ mình hay và giỏi hơn người vì ăn như vậy, thì điều này không thật sự đúng với giáo pháp. “Bản thân thầy thích ăn các loại rau trái, ăn gì nhẹ thì thích hợp hơn, nhưng vẫn là ai cho gì thì ăn nấy, thầy không từ chối. Cơ thể mình hợp ăn rau thì mình ăn rau, tự nhiên, thoải mái nhưng vẫn đúng pháp. Có một số vị Lạt-ma như Dalai Lama cũng ăn mặn, không phải vì họ ham thích ăn thịt mà ai cúng gì thì họ sẽ ăn nấy và chấp nhận mà không đòi hỏi thêm. Những người giác ngộ thường không bám chấp vào nó. Mình phân biệt quá là tự làm khó mình và làm khó người khác.” - Thiền sư chia sẻ.


Cùng quan điểm đó, nhà tâm linh và tác giả quyển sách "Sức mạnh của hiện tại" - Eckhart Tolle cũng cho rằng, ăn chay hay không là tùy thuộc vào bạn và câu trả lời nằm ở trong bạn (12). Nếu chúng ta hiện diện với thực tại, chúng ta sẽ nhìn sâu vào các lựa chọn thực phẩm của mình, biết được cái nào là tốt và phù hợp với bản thân.


“Lý trí thường không biết cơ thể muốn gì. Bạn cần phải nhìn sâu vào nhu cầu thức ăn và xem ta có thật sự muốn ăn nó hay không. Nhiều khi chúng ta nghĩ “tôi cần nhiều hơn”, từ đó ăn quá nhiều nên có hại cho sức khỏe, nhưng đây không phải là những gì chúng ta cần. Nếu mỗi người dừng lại và thực tập sống trong hiện tại, họ sẽ hiểu bản thân và biết ăn chay hay ăn mặn là phù hợp với mình nhất” - Eckhart Tolle.

Ảnh: Nathan Dumlao

Ăn chay đóng góp vào sự phát triển bền vững của trái đất


Bên cạnh sự tự do và quyền được lựa chọn trong ăn uống, một số nhà lãnh đạo Phật giáo mong muốn hướng chúng ta đến việc ăn chay nhiều hơn vì những lợi ích đặc biệt của nó. Thích Nhất Hạnh, một nhà lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng thế giới, từ lâu đã dạy rằng lòng từ bi đối với động vật là một phần quan trọng của lối sống tâm linh. Trong tuyên bố trước Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), thiền sư đã viết: “Chúng ta cần nhận ra Trái đất không chỉ là môi trường sống của chúng ta, chứ không phải là một cái gì đó bên ngoài. Hít thở trong chánh niệm và quan sát cơ thể mình, chúng ta sẽ nhận ra mình cũng là Trái đất. Hãy nhìn xung quanh bạn, những gì bạn thấy không phải chỉ là môi trường sống, mà đó chính là con người bạn” (13).


“Khi có nhận thức này, chúng ta sẽ bảo vệ Trái đất như bảo vệ chính con người mình. Tương lai của hành tinh phụ thuộc vào việc chúng ta có thể trau dồi nhận thức sâu sắc này hay không, bởi Trái đất và tất cả các loài trên trái đất đều đang gặp nguy hiểm”

Một báo cáo của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) và Hiệp hội Động vật học London đã chỉ ra rằng 58% động vật hoang dã trên hành tinh của chúng ta đã biến mất chỉ trong 4 thập kỷ qua (14). Trong rừng nhiệt đới Amazon, ước tính khoảng 80% tổng vụ phá rừng đã xảy ra là do hoạt động sản xuất chăn nuôi (15). Con người đã và đang khai thác quá mức hành tinh để đạt tiện nghi cá nhân và những lợi ích về kinh tế.


Ảnh: Nighthawk

Thầy Thích Nhất Hạnh tin rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng môi trường là con người cần tiêu thụ theo cách duy trì được hòa bình, hạnh phúc, sự bền vững của chính mình và cả nền văn minh nhân loại. Chúng ta cần tiêu thụ theo cách có thể duy trì lòng trắc ẩn của mình. Thiền sư chia sẻ: “Giảm 50% lượng thịt mà chúng ta tiêu thụ là hành động thể hiện sự yêu thương với bản thân và với Trái đất. Ăn uống với lòng từ bi sẽ khôi phục lại sự cân bằng cho Trái đất của chúng ta. Trân trọng Trái đất không phải là một nghĩa vụ. Đó là vấn đề của hạnh phúc và sự sống còn của các cá nhân, tập thể”.


Nhà hiền triết Ấn Độ Jiddu Krishnamurti - thiền sư lỗi lạc bậc nhất trong thế kỷ XX, cũng là người ăn chay trường vì lợi ích của các loài vật - cho rằng chúng ta đã phá hủy và làm ô nhiễm trái đất, xóa sổ các loài động vật và chim chóc. Giết động vật trở thành một ngành công nghiệp để phục vụ lợi ích con người. “Chúng ta giết những chú hải cẩu con, tại sao con người có thể làm điều này! Tôi chưa từng ăn thịt trong đời mình. Tôi không tự hào vì mình là người ăn chay, tôi chỉ đơn giản là không ăn được thịt” - Jiddu Krishnamurti cho biết (16).


Ảnh: Joshua Lanzarini

Suy cho cùng, ăn chay hay không là lựa chọn của mỗi con người. Không thể phủ nhận những lợi ích khoa học của việc ăn chay về mặt sức khỏe và tinh thần đối với con người, cũng như lợi ích to lớn trong công cuộc chống lại biến đổi khí hậu đối với hành tinh. Thế nhưng, chúng ta vẫn có thể ăn một cách tự nhiên, không gượng ép và phù hợp với bản thân. Cắt giảm lượng thịt, ăn nhiều rau hơn, hay ăn chay hoàn toàn đó vẫn là sự tự do lựa chọn và quan điểm cá nhân của chính chúng ta.

Comments


bottom of page