top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảKhiết Lam

Lời khuyên từ chuyên gia: Ăn gì đẹp da?

Nếu ăn gì bổ nấy, vậy ăn gì thì đẹp da? Rau củ quả, sữa, hay nước soda? Chúng ta đã quen với việc "bắt bệnh" làn da dựa trên thực phẩm ta nạp vào, tiêu biểu như chuyện ăn cay nhiều thì nổi mụn… nhưng liệu điều đó có hoàn toàn đúng? Bài viết dưới đây là những gì khoa học hiện đại cho chúng ta biết về mối liên hệ giữa thực phẩm và làn da.



Những gì chúng ta nạp vào cơ thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta. Da của chúng ta cũng giống như các nội quan khác, cũng cần dưỡng chất từ máu nên việc thực phẩm có mối liên hệ trực tiếp tới làn da là một điều hiển nhiên.


Protein là chất cần thiết để sản xuất collagen nhằm nâng đỡ và duy trì làn da cũng như giúp mau lành vết thương. Các chất chống oxy hóa như vitamin C và E giúp bảo vệ da khỏi ô nhiễm, tăng cường khả năng chống các tia UV và sự hình thành của các gốc tự do trên da.


Tuy nhiên, liệu việc ăn một số loại thực phẩm nhất định có giúp da sáng bóng, căng mướt hơn, khỏe mạnh hơn? Tương tự vậy, liệu việc nạp vào các món như nước soda, bánh mì trắng có làm tăng sinh mụn hay khiến da trông tệ hơn hay không?


Các nhà khoa học đã nghiên cứu và tổng hợp một số mối liên hệ giữa thực phẩm và làn da giúp bạn nhận biết làn da của bạn đang có nhu cầu dinh dưỡng gì.


Mối quan hệ giữa dinh dưỡng và làn da


Trong một nghiên cứu công bố năm 2019, các nhà nghiên cứu đã phân tích mối tương quan giữa chế độ ăn và nếp nhăn ở 2.800 người Hà Lan trong độ tuổi trung niên đến lão niên thông qua so sánh trực quan bằng ảnh chụp (1). Công trình này cho thấy rằng phụ nữ ăn nhiều rau củ quả, cá và thực phẩm giàu chất xơ có ít nếp nhăn hơn người chỉ ăn thịt và thức ăn vặt.


Một nghiên cứu khác tại Pháp cũng trong năm 2019 cho thấy phụ nữ Pháp theo chế độ ăn Địa Trung Hải giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư da hơn nhóm khác (2). Tác giả của nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa và chống viêm đóng vai trò to lớn trong việc củng cố hệ miễn dịch và từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh.


Bên cạnh đó, có nghiên cứu còn chỉ ra rằng, ba thìa súp cà mỗi ngày giúp da chống chịu tia UV tốt hơn – vì cà chua giàu chất chống oxy hóa lycopene (3). Hoặc việc theo các chế độ ăn thuần chay (plant-based) kết hợp rau củ nhiều màu sắc, trà, sô-cô-la đen, cùng nhiều loại thảo dược và gia vị như quế, hồi, đinh hương, bạc hà cũng có tác dụng củng cố "hàng rào" bảo vệ của da (4).


Dẫu vậy, các chuyên gia khuyên rằng chúng ta không nên bỏ qua kem chống nắng vì chế độ ăn chỉ có giúp cải thiện sức khỏe làn da, chứ không có tác dụng ngăn cản tia UV.


Liệu chế độ ăn có giúp chữa trị một số vấn đề về da?


Thiếu hụt dinh dưỡng có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe tổng quát và ảnh hưởng đến làn da da. Chẳng hạn, thiếu vitamin C có thể gây ra bệnh scurvy (tên gốc là scorbut) khiến da sẽ trông dày, thô ráp, vết thương lâu lành, dễ bầm tím; thiếu hụt protein làm da biến sắc, dễ gây bong tróc.


Tuy nhiên, có khá ít bằng chứng khoa học về việc xem chế độ ăn như một phương pháp điều trị các vấn đề về da, dẫu chúng ta biết rằng một vài loại thực phẩm có thể hỗ trợ cải thiện hoặc làm trầm trọng hơn một số vấn đề về da cụ thể.

Ví dụ, việc hạn chế tiêu thụ đường và thực phẩm chứa đường bột như soda, đồ ngọt, bánh mì trắng và mì pasta giúp cải thiện tình trạng mụn (5), (6). Có nghiên cứu chỉ ra rằng nếu tình trạng mụn nghiêm trọng, bạn nên hạn chế tiêu thụ các chế phẩm từ sữa hoặc whey tập gym (7). Bác sĩ da liễu và nhi khoa tại Trường Y thuộc Đại học Connecticut là Mary Wu Chang gợi ý rằng những bệnh nhân dễ bị mụn trứng cá hãy thử cắt giảm các sản phẩm từ sữa, thực phẩm chứa nhiều đường và carbohydrate tinh chế trong ít nhất 4 - 6 tuần.


Nếu mắc bệnh vẩy nến, bạn nên tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải để hạn chế tình trạng da khô, mẩn ngứa. Tiến sĩ, bác sĩ da liễu học Lauren Ploch tại Nam Carolina cũng đồng tình rằng, các chế độ ăn như chế độ ăn Địa Trung Hải giàu chất chống oxy hóa và các hợp chất bảo vệ có nguồn gốc thực vật rất tốt cho da.


Song, như bác sĩ da liễu Aaron Drucker tại Đại học Toronto cho biết, bệnh chàm và các tình trạng da khác "đến và đi" một cách tự nhiên, nên thực tế là chúng ta khó lòng biết chắc rằng việc thay đổi chế độ ăn uống là giúp ích hay gây trầm trọng thêm cho da.


Ngay cả khi thay đổi chế độ ăn, bạn vẫn cần thuốc đặc trị nếu muốn cải thiện bệnh lý.


Có nên dùng thực phẩm bổ sung/thực phẩm chức năng?


Tiến sĩ Ploch cho biết, trừ khi được chẩn đoán thiếu hụt chất, tốt hơn hết bạn vẫn nên bổ sung chất dinh dưỡng từ thực phẩm thiên nhiên thay vì từ thực phẩm chức năng – vốn không được kiểm soát tốt và đôi khi có thể gây hại nhiều hơn là lợi.

Trong một thử nghiệm lâm sàng lớn ở phụ nữ trưởng thành tại Pháp, những người dùng thực phẩm bổ sung chất chống oxy hóa hàng ngày (chứa vitamin C và E, beta-carotene, selen và kẽm) trong 7,5 năm có nguy cơ mắc ung thư da cao hơn 68% so với những không dùng (8).


Trong mảng hỗ trợ mọc tóc, da và móng, hàm lượng biotin trong các thực phẩm chức năng có thể vượt ngưỡng khuyến cáo về liều dùng lên đến 650 lần, do quá trình nghiên cứu là không chính xác (9).



Lời khuyên từ chuyên gia


Theo bác sĩ Drucker, nếu cảm thấy một loại thực phẩm nào đó liên tục làm tình trạng da của bạn tệ hơn, hãy ngừng ngay và tránh xa các thành phần chính trong thực phẩm đó. Song, nhìn chung, chúng ta không nên loại bỏ hoàn toàn một chất dinh dưỡng cụ thể, bởi sự thiếu hụt dinh dưỡng càng làm vấn đề thêm trầm trọng.


Nếu bạn muốn cắt sữa để giảm tình trạng mụn, thì để tránh nguy cơ thiếu hụt vitamin D, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm khác giàu vitamin D như cá tra, cá trích, cá hồi, lòng đỏ trứng, đậu nành, nấm nút.



Comments


bottom of page