top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảIen Dao

Ảo ảnh thị giác & Thời trang: Khi dáng đẹp cũng chỉ là ảo ảnh trong mắt người nhìn

"Ăn cho mình, mặc cho người" - có nghĩa là ăn để no bụng mình, nhưng mặc thì lại cho người khác ngắm. Đó chính là lý do mà ảo ảnh thị giác (optical illusion) đã "bắt tay" với thời trang để sáng tạo ra những mẹo khiến bạn thêm phần sắc sảo khi khoác trang phục phù hợp với vóc dáng của mình. Một trong những mẹo "xưa như Trái Đất" chính là mặc đồ tối màu, cụ thể là đồ đen, để trong thon gọn hơn. Vậy thì còn những mẹo nào khác mà bạn có thể áp dụng ngay-và-luôn?



"Người đẹp vì lụa": Từ chuyện ứng dụng ảo ảnh thị giác trong thời trang...


Khi cái đẹp được thể hiện qua những bộ trang phục và phụ kiện trên người, chúng ta không thể bỏ lỡ các quy tắc phối đồ, sao cho diện mạo của mình trong mắt đối phương trở nên hoàn hảo nhất.


Chủ nghĩa ưa chuộng tiêu dùng đã phổ biến trong giới thời trang từ lâu. Bằng chứng là các nhà mốt đã triệt để tận dụng những nghiên cứu khoa học về ảo ảnh thị giác để khéo léo tạo nên những bộ trang phục đa dạng về chất liệu, màu sắc, kích cỡ, họa tiết... nhằm tôn lên vẻ đẹp của người mặc – những khách hàng mang lại lợi nhuận kinh doanh cho họ. Còn về phía người tiêu dùng, chúng ta vẫn ngày ngày "đau đầu" khi đứng trước tủ quần áo đồ sộ của mình mà vẫn không biết nên mặc gì cho đẹp và thoải mái mà không bị lộ khuyết điểm.


Trên thực tế, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng bí quyết để "mặc đẹp" nằm ở đôi mắt của đối phương chứ không hẳn chỉ dựa vào gout thẩm mỹ của chúng ta. Đôi mắt là nơi tiếp nhận mọi hình ảnh để gửi đến các tế bào thần kinh để xử lý trước khi đưa ra kết luận về mặt nhận thức (cognition) (1).


Từ đó, chúng ta có thể khéo léo phối đồ sao cho những khiếm khuyết biến mất trong mắt người nhìn.


Đặc biệt, nhiều người có xu hướng lựa chọn trang phục tôn đường cong mềm mại trên cơ thể. Trong các nghiên cứu thuộc ngành Bán lẻ, Hàng hóa Thương mại và Phát triển Sản phẩm tại Đại học Bang Florida, 15 phụ nữ đã tình nguyện tham gia nghiên cứu có 3 kiểu hình dáng cơ thể điển hình là dáng đồng hồ cát (hourglass shape), dáng quả lê (pear shape) – hay dáng cái thìa (spoon shape) và dáng chữ nhật (rectangle shape) (2).


Các khách thể này mặc 7 chiếc váy khác nhau được thiết kế theo hiệu ứng ảo ảnh thị giác nhằm tôn lên dáng đồng hồ cát với những đường cong ở ngực, eo và mông. Ở mỗi lượt thay đồ mới, các nhà nghiên cứu chụp hình và cho những khách thể xem hình ảnh của họ trong những trang phục này, đồng thời, họ sẽ trả lời một loạt các câu hỏi, bao gồm việc họ nghĩ gì về hình dáng cơ thể và họ thấy mình trông như thế nào trong mỗi chiếc váy.



Kết quả khảo sát cho thấy rằng: Những phụ nữ có dáng đồng hồ cát khá thờ ơ với việc thay đổi quần áo. Những phụ nữ có dáng quả lê chọn thay đồ nhiều hơn, song thể hiện sự hài lòng với diện mạo của mình khi ngắm những trang phục có họa tiết hay đường cắt xẻ tôn lên nửa thân trên và phần vai – những thiết kế khiến họ có tỷ lệ cơ thể hài hòa khi lên hình. Trong khi đó, những phụ nữ có dáng người chữ nhật lựa chọn thay đồ nhiều nhất và thể hiện sự thích thú với những bộ đồ tạo nên đường cong và tôn eo nhất có thể (2).



…tới những cách phối đồ chất lượng hơn


"Mặc đẹp không khó, có ảo ảnh thị giác lo". LeLa Journal giới thiệu một số cách dưới đây để độc giả tham khảo trước khi "lên đồ" sao cho bản thân có được một diện mạo như ý.


1. "Giấu" dáng nhờ trang phục tối màu:

Không phải tự nhiên mà "chiếc đầm đen nhỏ" (little black dress) trở thành một khái niệm "không thể bị xô đổ" trong ngành thời trang.


Màu đen, màu xanh navy, màu nâu espresso... hay các gam màu trầm và lạnh nói chung, luôn là lựa chọn đầu bảng cho những người còn đang muốn che giấu vóc dáng mũm mĩm của mình, đơn giản là vì khi diện các trang phục tối màu, trông chúng ta như gầy đi rất nhiều so với cân nặng thực tế.


Trên thực tế, chính đôi mắt của chúng ta đã "đánh lừa" não bộ khi gửi đi kết quả hình ảnh. Các tế bào thần kinh của con người có xu hướng phóng đại kích thước của các kích thích ánh sáng (light stimuli) trong khi thu nhận hình ảnh của các thực thể trong bóng tối với kích thước không đổi. Nói cách khác, khi mắt chúng ta nhìn những vật có cùng kích cỡ với màu sắc khác nhau trong cùng một khung hình, vật có màu sáng sẽ được tế bào thần kinh trả về não bộ kết quả là "lớn hơn" so với vật có màu tối.


Chính quy tắc này đã khiến trang phục màu tối làm cho người mặc trông gầy hơn, đặc biệt là những set đồ màu đen (3). Song song với đó, nếu bạn muốn trông mình có vẻ to hơn thì hãy cân nhắc mặc đồ trắng, sáng màu...

2. Đi giày cao gót màu nude (màu da):

Cách phối đồ này được lý giải bởi hiệu ứng Müller-Lyer, mà theo đó, người nhìn có cảm giác hai đường thẳng có chiều dài khác nhau khi chúng được thêm các mũi tên chỉ hướng khác chiều ở hai đầu, dù trên thực tế, các đường thẳng có độ dài như nhau (3).


Khi đeo giày cao gót màu nude, đôi chân của bạn tương tự một đường thẳng kết hợp với đầu mũi tên (là dáng thon nhọn của mũi giày tiệp với màu da), do đó, bạn trông cao hơn, chân dài hơn khi xỏ chân vào đôi giày cao gót màu nude, so với việc đi giày búp bê hoặc giày màu khác.


3. Mặc trang phục dáng dài với các sọc kẻ nhỏ và mảnh:

Khi thực hiện một loạt các thí nghiệm ứng dụng Ảo ảnh Helmholtz trong thời trang, Giáo sư Peter Thompson – một chuyên gia nghiên cứu về nhận thức tại Khoa Tâm lý học tại Đại học York, Anh Quốc đã chứng minh rằng chính độ dày của các sọc kẻ trên trang phục của bạn mới quyết định đến việc đối phương thấy bạn mũm mĩm hay mảnh khảnh hơn. Cụ thể hơn, bạn trông lớn hơn khi mặc trang phục ngắn với sọc bản to, còn khi diện lên mình một chiếc váy dáng dài với dọc kẻ nhỏ và mảnh (bất kể chúng là sọc dọc hay sọc ngang), trông bạn sẽ thon gọn hơn (4).




1 Comment


Dao Yen
Dao Yen
Jul 27, 2023

Mình là một đứa rất tin vào các ảo ảnh thị giác do trang phục tạo nên, do đó lúc nào cũng phải chọn đồ để nhìn trong gương thấy chính mình "nuột" thì mới suy ra mắt người nhìn được. Tuy nhiên sau khi học được cách yêu cơ thể của mình, mình đã tự tin hơn khi diện những bộ đồ khiến mình thấy thoải mái và tràn đầy năng lượng ý.


Like
bottom of page