Ngày 5/6 hằng năm đã được Liên Hiệp Quốc chọn làm "Ngày Môi trường Thế giới" kể từ năm 1972 và cho đến nay, vấn đề ô nhiễm và biến đổi khí hậu vẫn luôn là bài toán khó chưa có được đáp án vẹn toàn. Ở khía cạnh tích cực, ngày càng có nhiều người quan tâm và nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời nhiều quốc gia cũng đang chung tay gìn giữ màu xanh của Trái đất. Theo một cuộc khảo sát được tiến hành bởi Nielsen Việt Nam, có đến khoảng 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho một sản phẩm đến từ những thương hiệu "xanh - sạch" cũng như sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường (1).
Một trong những nỗ lực phổ biến nhất trong việc thực hiện lối sống xanh là hạn chế sử dụng bao bì nhựa và chuyển sang dùng các loại vật liệu thân thiện hơn với môi trường, đặc biệt là bao bì giấy. Tuy nhiên, liệu bao bì giấy có thực sự bảo vệ môi trường vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.
Bao bì giấy không "xanh" như chúng ta lầm tưởng
Những tác hại mà nhựa mang đến cho môi trường đã luôn được phổ biến rộng rãi bởi các phương tiện truyền thông cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường. Trong khi đó, rất ít người biết tới những tác hại mà quá trình sản xuất cũng như tiêu hủy giấy có thể đem lại. Dưới đây là một số nhược điểm của loại vật liệu vốn được cho là thân thiện với môi trường này:
Giấy được tạo ra từ gỗ. Đây là một sự thật hiển nhiên, tuy nhiên, con số thực tế có thể sẽ khiến bạn giật mình. Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 80.000 đến 160.000 cây xanh bị đốn hạ trên khắp thế giới, với một tỷ lệ đáng kể được sử dụng trong ngành công nghiệp giấy (2). Trong số các sản phẩm được sản xuất từ giấy, bao bì giấy và bìa cứng chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 50% và có xu hướng ngày càng tăng do sự phát triển của thương mại điện tử (3).
Sản xuất giấy là một quá trình gây ô nhiễm môi trường. Để tạo ra một chiếc túi giấy cần sử dụng năng lượng cao gấp bốn lần so với sản xuất một chiếc túi nilon, đồng thời thải ra lượng khí nhà kính gấp ba lần (4). Bên cạnh đó, phần lớn bao bì giấy được sản xuất bằng cách nung vụn gỗ ở nhiệt độ cao trong dung dịch hóa học. Những hóa chất độc hại này có thể gây nên ô nhiễm đường nước và xâm nhập vào nguồn thức ăn của con người.
Túi giấy chiếm nhiều diện tích hơn và nặng hơn túi nilon từ sáu đến mười lần (5). Do đó, nó đòi hỏi số lượng phương tiện vận chuyển nhiều hơn, dẫn đến mối lo về sự gia tăng khí thải carbon.
Các bãi phế liệu hiện đại đều thiếu các điều kiện để rác thải có thể phân hủy như nước, ánh sáng và oxy. Vì vậy, tuy dễ phân hủy hơn so với nhiều loại vật liệu khác nhưng rác thải giấy vẫn cần rất nhiều thời gian để có thể phân hủy hoàn toàn. Hơn nữa, rác thải giấy có thể tạo ra methane, một loại khí có tác hại gấp 28 lần khí CO2 trong việc gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu (6).
Bao bì giấy khó có thể sử dụng nhiều lần. Theo dữ liệu thống kê cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ tái chế bao bì đồ uống làm bằng hộp các tông là thấp nhất với chỉ 4%, so với 14% của nhựa và 44% của lon nhôm (7). Tuy thường được biết đến là một loại vật liệu dễ tái chế, trên thực tế, bao bì giấy rất mỏng manh, dễ bị rách và ngấm nước. Bởi vậy, nó khó có thể được tái sử dụng hơn các loại vật liệu khác.
Khi lối sống xanh vô tình tổn hại đến môi trường
Với tất cả những hạn chế nêu trên, liệu có thể nói rằng bao bì giấy thực ra là kém thân thiện và gây hại cho môi trường hay không? Câu trả lời ngắn gọn là không. Giống như bất kỳ vật liệu nào khác, giấy cũng có những ưu - nhược điểm riêng và lựa chọn này chỉ chưa hẳn là một giải pháp triệt để hoàn hảo cho vấn đề môi trường mà thôi.
Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn người tiêu dùng đều liên hệ bao bì bằng giấy với sự thân thiện với môi trường, trong khi có đánh giá trái ngược về những bao bì bằng nhựa. Bằng chứng là vào năm 2007, trào lưu sử dụng những chiếc túi vải với slogan "I’m not a plastic bag" (tạm dịch: Tôi không phải một chiếc túi nhựa) đã lan rộng trên khắp thế giới, như một tuyên ngôn về việc bảo vệ môi trường. Điều này đã cho thấy ấn tượng tiêu cực mà người tiêu dùng thường có đối với chất liệu nhựa.
Để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của người tiêu dùng và xây dựng hình ảnh về một thương hiệu "xanh", ngày càng có nhiều nhãn hàng lựa chọn sử dụng bao bì giấy cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, do những đặc tính cố hữu của nó (không đủ độ cứng để bảo vệ sản phẩm khỏi bị biến dạng, dễ bị rách và thấm nước), không phải loại sản phẩm nào cũng thích hợp để sử dụng bao bì giấy. Vậy là, để vẫn có được một vẻ ngoài thân thiện với môi trường nhằm thu hút khách hàng, nhiều thương hiệu đã lựa chọn đóng gói sản phẩm với hai lớp bao bì, một lớp nhựa bên trong và một lớp giấy hoặc bìa bên ngoài. Một sản phẩm vốn chỉ cần đựng trong bao bì nhựa giờ lại được khoác thêm chiếc hộp giấy bên ngoài dù chỉ với mục đích "làm đẹp" hình ảnh thương hiệu trong lòng khách hàng. Nếu là người thường xuyên mua hàng, chắc hẳn bạn đã không ít lần gặp những trường hợp đóng gói quá mức đến "dư thừa" như vậy.
Điều đáng buồn là, cách làm này lại có hiệu quả trong việc đánh lừa nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm. Một cuộc khảo sát được tiến hành trên hơn 4.000 người đã cho thấy, người tiêu dùng có xu hướng đánh giá một sản phẩm được bọc thêm bao bì giấy bên ngoài là thân thiện với môi trường hơn một sản phẩm tương tự nhưng chỉ có lớp bao bì bằng nhựa (8).
Thật là một nghịch lý khi những người càng có ý thức về môi trường lại càng dễ rơi vào cái bẫy "quá tải bao bì", và mục đích tốt đẹp của họ lại vô tình gây nên việc lãng phí tài nguyên và khiến lượng rác thải tăng cao.
Một lối sống xanh đích thực
Việc giải quyết vấn nạn "quá tải bao bì" là một thách thức lớn cần đến sự nỗ lực từ cả phía nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nhưng liệu có cách nào để nhà sản xuất thể hiện mình là một thương hiệu có trách nhiệm với môi trường, từ đó nâng cao hình ảnh của bản thân trong mắt khách hàng mà không cần dùng đến bao bì giấy? Còn với người tiêu dùng, nếu việc sử dụng bao bì giấy không phải biện pháp tối ưu, thì làm thế nào để mỗi người có thể thực hiện lối sống xanh một cách hiệu quả?
May mắn thay. bao bì bằng giấy không phải cách duy nhất để một nhãn hàng có thể định vị bản thân là thương hiệu "xanh". Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Harvard Business Review, đối với những sản phẩm phải sử dụng nguyên liệu nhựa để đóng gói, việc gắn một nhãn dán với dòng chữ "Hạn chế tối thiểu bao bì" lên sản phẩm là một cách thức hiệu quả nhằm thu hút tệp khách hàng quan tâm đến môi trường. Một cách làm khác được nhiều thương hiệu lựa chọn là sử dụng vật liệu tái chế làm bao bì hoặc đăng tải thông điệp khuyến khích việc bảo vệ môi trường lên sản phẩm.
Vậy còn với tư cách người tiêu dùng, đâu là những việc ta có thể làm nhằm góp phần bảo vệ môi trường? Không cần tới những thay đổi lớn lao, dưới đây là một số hành động nhỏ nhưng hiệu quả giúp ta duy trì lối sống xanh mỗi ngày:
Luôn mang theo túi khi mua đồ: Bất kể là túi giấy hay túi nilon, tận dụng thứ mình đã có luôn tốt hơn việc mua mới và tạo ra thêm rác thải. Nếu bạn là người hay quên, hãy luôn giữ một chiếc túi mua sắm trong cốp xe hay túi xách của bạn để phòng khi cần.
Phân loại rác đúng cách: Khi chất thải được xử lý không đúng cách, nó có thể giải phóng các chất có hại vào môi trường, gây ô nhiễm không khí, nước và đất. Bằng cách tách chất thải hữu cơ, chẳng hạn như thức ăn thừa, khỏi các vật liệu có khả năng thu hồi và tái chế như nhựa, thủy tinh, kim loại… ta có thể góp phần làm giảm lượng rác đưa đến bãi chôn lấp, góp phần bảo tồn tài nguyên môi trường và ngăn ngừa ô nhiễm.
Xây dựng thói quen tái sử dụng: Quan sát kỹ thói quen hàng ngày của bản thân và thay thế những vật dụng dùng một lần bằng những sản phẩm có thể tái sử dụng. Mang bình nước bên mình thay vì dùng cốc giấy hay mua nước đóng chai. Tự chuẩn bị cơm trưa trong hộp đựng thức ăn thay vì đặt đồ ăn mỗi ngày. Tái sử dụng thùng giấy carton cũ làm hộp đựng các vật dụng nhỏ. Bạn sẽ ngạc nhiên về khối lượng rác thải mình có thể giảm thiểu được chỉ từ những thay đổi nhỏ này.
Quyên góp hoặc trao đổi: Nếu bạn có những món đồ không dùng đến nữa nhưng vẫn ở tình trạng tốt, hãy cân nhắc việc quyên góp chúng cho các tổ chức từ thiện, cửa hàng đồ cũ hoặc trao đổi với bạn bè. Có thể việc làm này sẽ mất thời gian nhiều hơn là vứt bỏ đi ngay, nhưng bằng cách này, những món đồ của bạn sẽ tiếp tục tạo nên giá trị cho người khác thay vì trở thành rác thải và tạo thêm gánh nặng cho môi trường.
Comments